EU công bố đầu tư 300 tỷ euro để thay thế “Vành đai và Con đường”
Vào thứ Tư (1/12), Ủy ban châu Âu (EU) đã công bố kế hoạch vào năm 2027 đầu tư 300 tỷ euro (khoảng 340 tỷ đô la Mỹ) trên toàn thế giới cho các dự án cơ sở hạ tầng, kỹ thuật số, và khí hậu. Mục đích là để thay thế cho sáng kiến “Vành đai và Con đường” của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ).
Ngày 1/12/2021 Chủ tịch Ursula von der Leyen của Ủy ban châu Âu đã rung chuông tại lễ khai mạc của Ủy ban Chuyên viên ở Brussels (Olivier Matthys / POOL / AFP).
Kế hoạch có tên Global Gateway nhằm tăng cường chuỗi cung ứng, thúc đẩy thương mại của EU, và giúp chống lại biến đổi khí hậu, tập trung vào các lĩnh vực số hóa, y tế, khí hậu, năng lượng và vận tải, cũng như giáo dục và nghiên cứu.
Phương án thay thế cho “Vành đai và Con đường”
Người đứng đầu Ủy ban châu Âu, bà Ursula von der Leyen cho biết, không giống như sáng kiến “Vành đai và Con đường” của ĐCSTQ, EU đảm bảo rằng các cộng đồng địa phương được hưởng lợi từ các dự án cơ sở hạ tầng của Global Gateway. Đối với họ, sự tham gia của EU đồng nghĩa với rủi ro đầu tư ít hơn.
Bà Ursula von der Leyen cho biết trong họp báo rằng Global Gateway: “Thực tế, các nước… cần những đề xuất khác tốt hơn đề xuất ‘Vành đai và Con đường’ của ĐCSTQ”.
ĐCSTQ đã khởi động dự án “Vành đai và Con đường” vào năm 2013 và đầu tư rất nhiều vào việc xây dựng cơ sở hạ tầng ở hàng chục nước trên thế giới. Nhưng EU chỉ ra, nguồn tài chính của Bắc Kinh thường không thuận lợi và không rõ ràng, khiến một số nước nghèo hơn phụ thuộc vào ĐCSTQ do bị nợ nần.
Động thái này ở Brussels để cung cấp phương hướng mới cho một số nước bất bình với “Vành đai và Con đường” vì các điều kiện vay nợ rất khắc nghiệt và các tiêu chuẩn xây dựng và môi trường không đủ tốt.
Global Gateway của EU sẽ cung cấp vốn cho các nước nhận đầu tư dưới các hình thức viện trợ không hoàn lại, cho vay và bảo lãnh. Ủy ban châu Âu cho biết các khoản tiền này sẽ được cung cấp “trong điều kiện công bằng và thuận lợi” để tránh cho các chính phủ nước thứ ba đối mặt vấn đề nợ.
Các dự án “Vành đai và Con đường” dang dở trải dài từ châu Phi sang châu Á
Thuần túy là viện trợ không hoàn lại
Chuyên gia của EU về xây dựng đối tác quốc tế, bà Jutta Urpilainen cho biết tại cuộc họp báo công bố dự án rằng số tiền EU tài trợ cho hỗ trợ phát triển tương tự như của Trung Quốc.
“Nếu tôi nhìn vào số liệu thống kê, từ năm 2013 – 2018 châu Âu luôn là nơi cung cấp hỗ trợ phát triển lớn nhất thế giới”, bà nói. “Từ năm 2013 – 2018 rất gần với những gì Trung Quốc (ĐCSTQ) cung cấp dự án ‘Sáng kiến Vành đai và Con đường’”.
“Ở một mức độ lớn chúng tôi có trình độ tương đương, nhưng cách tiếp cận của chúng tôi luôn khác. Chúng tôi đã luôn cung cấp các khoản tài trợ, còn Trung Quốc (ĐCSTQ) đã luôn cung cấp các khoản vay. Hỗ trợ phát triển của chúng tôi hoàn toàn là trao tặng thuần túy”.
Ủy ban châu Âu cho biết, chương trình Global Gateway sẽ tập trung vào cơ sở hạ tầng vật lý như cáp quang, hành lang giao thông sạch và đường truyền điện sạch để tăng cường mạng lưới kỹ thuật số, giao thông và năng lượng.
Ủy ban cho biết bằng cách giúp đỡ các nước khác, EU cũng sẽ thúc đẩy lợi ích của chính mình và củng cố chuỗi cung ứng của mình, thực trạng mong manh của chuỗi cung ứng đã bị phơi bày trong đại dịch COVID-19 (viêm phổi Vũ Hán).
Kế hoạch Global Gateway được ra đời sau hội nghị thượng đỉnh G7 tổ chức tại Anh vào tháng Sáu, khi đó cuộc họp đã quyết định khởi động một sáng kiến cơ sở hạ tầng toàn cầu, và Tổng thống Mỹ Biden vì là “định hướng giá trị, tiêu chuẩn cao và minh bạch”.
Ukraine kêu gọi NATO răn đe Nga để tránh chiến tranh xảy ra
Ngoại trưởng Ukraine, ông Dmytro Kuleba, hôm 1/12, đã kêu gọi NATO chuẩn bị các biện pháp trừng phạt kinh tế đối với Nga để ngăn chặn một cuộc xâm lược có thể xảy ra khi hàng chục nghìn binh sĩ Nga đang tập trung gần biên giới Ukraine-Nga, Reuters.
Ông Kuleba nói: “Chúng tôi sẽ kêu gọi các đồng minh tham gia cùng Ukraine trong việc đưa ra một loạt hành động răn đe”.
Điều này bao gồm việc chuẩn bị các biện pháp trừng phạt kinh tế chống lại Nga, trong trường hợp nước này “quyết định chọn tình huống xấu nhất”, ông Kuleba nói và cho biết thêm rằng NATO cũng nên tăng cường hợp tác quân sự và quốc phòng với Ukraine.
Ukraine không phải là thành viên của NATO, nhưng liên minh do Mỹ dẫn đầu cho biết họ cam kết bảo vệ chủ quyền của nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ, vốn đã nghiêng hẳn về phương Tây từ năm 2014 và đang bày tỏ mong muốn gia nhập cả NATO và Liên minh châu Âu.
Tổng thống Vladimir Putin hôm thứ 30/11 cảnh báo rằng Nga đã sẵn sàng đáp trả trong trường hợp NATO vượt qua “ranh giới đỏ”.
Nga cũng đang ủng hộ phe ly khai trong cuộc chiến kéo dài ở phía đông Ukraine. Hôm 1/12, Moscow đã cáo buộc Kiev huy động 125.000 quân, tương đương một nửa quân số của họ, trong khu vực xung đột.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói rằng cần có các cuộc đàm phán trực tiếp với Moscow để chấm dứt chiến tranh ở khu vực phía đông Donbass, nơi mà Kiev nói đã khiến hơn 14.000 người thiệt mạng.
Cố vấn hàng đầu của bà Kamala Harris từ chức trong bối cảnh xếp hạng tín nhiệm của Phó Tổng thống Mỹ lao dốc
Symone Sanders, cố vấn cấp cao và là người phát ngôn chính của Phó Tổng thống Harris, sẽ rời khỏi văn phòng Phó Tổng thống Mỹ vào cuối năm nay. Quyết định này được giới truyền thông quan tâm bởi nó xuất hiện trong bối cảnh văn phòng Phó Tổng thống Mỹ có nhiều xáo trộn sau khi xếp hạng tín nhiệm của bà Harris và ông Biden xuống mức thấp nhất trong lịch sử các đời tổng thống Mỹ.
Bà Sanders, cố vấn cấp cao, trợ lý thứ hai của Phó tổng thống Harris, đã chính thức thông báo về việc bà sẽ rời văn phòng trong tháng 12/2021. Chỉ hai tuần trước, có thông tin cho rằng Giám đốc Truyền thông Ashley Etienne của Phó tổng thống Harris đã từ chức. Xáo trộn nhân sự hàng đầu ở văn phòng Phó Tổng thống Mỹ Kamala Harris diễn ra trong bối cảnh Phó tổng thống bị chỉ trích về năng lực và xếp hạng tín nhiệm tụt dốc.
Theo Fox News, bà Symone đã phục vụ danh dự trong 3 năm. Bà từng là thành viên đắc lực trong chiến dịch tranh cử tổng thống 2020 của ông Joe Biden. Sau đó, bà phục vụ trong nhóm chuyển tiếp của tổng thống Mỹ. Hiện tại bà là phó trợ lý, cố vấn cấp cao của Phó Tổng thống. Bà Saymone cũng là người phát ngôn chính thức của Phó Tổng thống.
Bà Sanders rời khỏi Nhà Trắng trong bối cảnh nhiều quan chức truyền thông từ chức. Các nhà quan sát và phương tiện truyền thông ám chỉ rằng đây có thể là do kết quả xếp hạng tín nhiệm tệ nhất trong lịch sử của các đời tổng thống Mỹ với ê kíp Harris – Biden.
Gần đây, bà Emma Riley, quan chức truyền thông Nhà Trắng, cho biết sẽ từ bỏ chức vụ ở văn phòng của ông Biden. Bà Riley sẽ chuyển sang làm việc tại Bộ Lao động. Bà Riley không tiết lộ lý do từ chức. Tuy nhiên, bà cho biết công việc mới có liên quan đến kế hoạch tái thiết nước Mỹ của ông Joe Biden.
Việc quan chức truyền thông của Nhà Trắng liên tiếp từ chức thu hút sự chú ý của báo giới; điều này xảy ra sau khi xếp hạng tín nhiệm của Tổng thống Mỹ liên tiếp lập kỷ lục mất điểm mới. Điều tương tự xảy ra với Phó Tổng thống Mỹ. Bà Harris bị chỉ trích là không xử lý được các vấn đề được giao phó; ví dụ như xử lý khủng hoảng nhập cư trái phép ở biên giới phía Nam. Bà Harris bị chỉ trích là không hề thị sát tình trạng khủng hoảng nhập cư biên giới phía Nam. Bà cũng bị Đảng Cộng hoà cáo buộc về việc không đưa ra bất kỳ giải pháp nào.
Các quan chức cho biết Sanders sẽ làm việc hết tháng 12/2021.
Cục Tình báo mật MI6: Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của Anh
Người đứng đầu Cục Tình báo mật (MI6) của Anh nói rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) là một trong những mối đe dọa lớn nhất mà Anh và các đồng minh phải đối mặt, và “sự đánh giá sai lầm” của Bắc Kinh có thể dẫn đến chiến tranh.
Ngày 30/11, ông Richard Moore, người đứng đầu MI6, đã có bài phát biểu tại Viện Quốc tế Nghiên cứu chiến lược (IISS). Đây là bài phát biểu trước công chúng đầu tiên của ông kể từ khi trở thành Giám đốc MI6 vào tháng 10/2020.
Trong bài phát biểu, ông Moore nói rằng Trung Quốc (ĐCSTQ) là “vấn đề được ưu tiên lớn nhất và duy nhất” của MI6, bởi vì các nhà lãnh đạo Bắc Kinh ngày càng ủng hộ những “hành động táo bạo và dứt khoát”, nhằm thúc đẩy lợi ích của họ.
Ông Moore nói rằng Trung Quốc là “một quốc gia độc tài có các giá trị khác với chúng ta”. Bắc Kinh tham gia vào “các hoạt động gián điệp trên quy mô lớn” đối với nước Anh và các nước đồng minh, cố gắng “bóp méo các cuộc thảo luận cộng đồng và các quyết sách chính trị”, đồng thời xuất khẩu công nghệ để tạo thành một “mạng lưới kiểm duyệt độc tài” trên toàn thế giới.
Ông Moore nói, “Sức mạnh quân sự ngày càng gia tăng của Bắc Kinh và việc (ĐCSTQ) tham vọng giải quyết vấn đề Đài Loan bằng vũ lực khi cần thiết đã đặt ra thách thức nghiêm trọng đối với ổn định và hòa bình toàn cầu”. Ông cảnh báo, việc “Bắc Kinh tin vào những điều mà họ tự tuyên truyền về điểm yếu của phương Tây”, cũng như “đánh giá quá thấp quyết tâm của Washington”, có thể “khiến Trung Quốc đưa ra những phán đoán sai lầm”.
Ông Moore chỉ ra rằng, Trung Quốc, Nga, Iran và chủ nghĩa khủng bố quốc tế là “bốn vấn đề an ninh lớn” mà cơ quan tình báo Anh phải đối mặt trong một thế giới bất ổn, đồng thời Anh cũng phải tiếp tục “đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng từ Nga”.
Khi đề cập đến những thách thức về khoa học, công nghệ mà nước Anh phải đối mặt, ông Moore chỉ ra rằng Trung Quốc là một ví dụ điển hình trong việc thu thập thông tin và quyền lực thông qua thu thập dữ liệu quy mô lớn. Ông nói, “Đối thủ của chúng tôi (ĐCSTQ) đang bơm vốn và tham vọng làm chủ trí tuệ nhân tạo, máy tính lượng tử và sinh học tổng hợp, bởi vì họ biết rằng việc làm chủ những công nghệ này sẽ mang lại cho họ sức ảnh hưởng”.
Trước mối đe dọa này, ông Moore nói rằng cơ quan tình báo Anh “đang tìm cách hợp tác với các đối tác trong ngành công nghệ” để giúp phát triển ngành công nghệ thế giới và giải quyết vấn đề lớn nhất của Anh – mối đe dọa từ ĐCSTQ.
Hạ viện Hà Lan thông qua 2 đề xuất ủng hộ Đài Loan trong một ngày
Hạ viện Hà Lan đã thông qua 2 đề xuất ủng hộ Đài Loan với số phiếu áp đảo vào ngày 30/11. Bộ Ngoại giao Đài Loan (Trung Hoa Dân Quốc) tuyên bố rằng họ “rất hoan nghênh và chân thành cảm tạ”.
Với 120 phiếu thuận và 30 phiếu chống, Hạ viện đã thông qua đề xuất kêu gọi chính phủ Hà Lan không chấp nhận việc Trung Quốc đơn phương thay đổi hiện trạng eo biển Đài Loan.
Một kiến nghị khác cũng được thông qua với 117 trên 150 phiếu. Đó là kêu gọi Liên minh Châu Âu (EU) ủng hộ Lithuania (Litva) tăng cường quan hệ với Đài Loan.
Ông Raymond de Roon là Chủ tịch Ủy ban Ngoại thương của Hạ viện Hà Lan. Ông bày tỏ hy vọng rằng, động thái này sẽ khích lệ các nước Châu Âu khác cùng chung tay hỗ trợ Đài Loan. Trên Twitter cá nhân, ông cũng đã đăng thông tin này.
Trước đó vào ngày 23/11, Hạ viện Hà Lan cũng đã thông qua kiến nghị – ủng hộ Đài Loan tham gia Tổ chức Cảnh sát hình sự Quốc tế (Interpol) – với số phiếu áp đảo.
Văn phòng đại diện của Đài Loan tại Hà Lan đã gửi thư cảm ơn tới Quốc hội nước này vì những sự ủng hộ nói trên. Truyền thông Hà Lan cũng đưa tin về sự kiện này.
Bộ Ngoại giao Đài Loan: Đài Loan và Hà Lan là những đối tác tốt
Bộ Ngoại giao Đài Loan cho biết, đề xuất kêu gọi chính phủ Hà Lan không chấp nhận việc Bắc Kinh đơn phương thay đổi hiện trạng eo biển Đài Loan là do ông Raymond de Roon đề xuất. Ông rất lo ngại về các hành động khiêu khích thường xuyên của Trung Quốc ở eo biển.
Còn đề xuất thúc giục EU ủng hộ Lithuania do hai thành viên Hạ viện là ông Ruben Brekelmans và bà Agnes Mulder cùng ký và đệ trình. Sau khi Đài Loan và Lithuania tuyên bố thành lập các văn phòng đại diện, Bắc Kinh đã liên tục đe dọa và trả đũa.
Thông báo của Bộ Ngoại giao Đài Loan nói rằng, “Đài Loan và Hà Lan là những đối tác tốt cùng chia sẻ các giá trị phổ quát như dân chủ, pháp quyền, tự do và nhân quyền”. Hai nước có mối quan hệ hữu hảo thân thiết. Tương lai sẽ tiếp tục tăng cường trong các lĩnh vực kinh tế thương mại, bảo vệ môi trường; phòng chống dịch bệnh, công nghệ, năng lượng, đổi mới sáng tạo, v.v.
Bộ Ngoại giao cũng tuyên bố rằng, cả hai nước sẽ cùng ứng phó với các thách thức toàn cầu. Ví như tội phạm xuyên biên giới, an ninh hàng không và biến đổi khí hậu… Trong tương lai, Đài Loan sẽ tiếp tục hoàn thành trách nhiệm của mình với tư cách là thành viên quốc tế. Đồng thời, hợp tác với Hà Lan và các quốc gia có cùng lý tưởng để cùng đóng góp nhiều hơn cho hòa bình, ổn định và thịnh vượng toàn cầu.