Tin thế giới sáng thứ sáu

Covid-19 : WHO cảnh báo Omicron khiến tỉ lệ tái nhiễm cao hơn so với các biến thể khác

Vẫn còn nhiều ẩn số chung quanh Omicron, biến thể mới của virus corona. AP – Jerome Delay


Tổ Chức Y Tế Thế Giới (WHO) ngày 08/12/2021 thận trọng cảnh báo dù Omicron không gây nhiều triệu chứng bệnh nặng như các biến thể khác nhưng những người nhiễm Omicron lại có nhiều nguy cơ tái nhiễm hơn.

Giám đốc Tổ Chức Y Tế Thế Giới, Tedros Adhanom Ghebreyesus, hôm 08/12/2021 phát biểu các dữ liệu sơ bộ từ Nam Phi cho thấy biến thể Omicron khiến những người đã tiêm chủng hoặc đã lành bệnh sau khi nhiễm Covid-19 có nhiều nguy cơ tái nhiễm hơn. Thế nhưng, giám đốc WHO cũng tỏ ra thận trọng và nói rằng cần thêm nhiều dữ liệu hơn để khẳng định chắc chắn điều đó.

Theo AFP, lãnh đạo Tổ Chức Y Tế Thế Giới cũng cho biết thêm là có nhiều dữ liệu cho thấy dường như Omicron gây ra các triệu chứng bệnh nhẹ hơn so với biến thể Delta, nhưng hiện nay vẫn còn quá sớm để có thể khẳng định chắc chắn. Tuy nhiên, hôm qua bác sĩ Fauci, giáo sư cố vấn dịch tễ của chính phủ Mỹ, nhận định Omicron có khả năng lây nhiễm rất cao và rất có thể là còn cao hơn so với biến thể Delta.

Trong khi làn sóng dịch mới và sự lây lan của biến thể Omicron làm thế giới lo lắng, buộc nhiều nước đóng cửa biên giới, thắt chặt các biện pháp hạn chế, tập đoàn dược phẩm Pfizer của Mỹ và công ty công nghệ sinh học BioNTech của Đức ngày 08/12 thông báo theo dữ liệu sơ bộ, tiêm mũi thứ 3 vac-xin Comirnaty (thường được gọi tắt là vac-xin Pfizer) hiệu quả trong việc ngừa virus corona biến chủng Omicron, cụ thể là làm tăng gấp 25 lần lượng kháng thể ngừa Omicron so với nếu chỉ tiêm 2 mũi vac-xin.

Pfizer và BioNTech cũng cho biết thêm là trong trường hợp cần thiết, từ nay đến tháng 03/2022 họ có thể phát triển loại vac-xin đặc biệt ngừa biến thể Omicron. 

Thùy Dương

Sau Mỹ, Úc và Anh, đến lượt Canada tẩy chay ngoại giao Olympic Bắc Kinh 2022

Thủ tướng Canada Justin Trudeau (G) trong cuộc họp báo tại Ottawa, Ontario, Canada, ngày 08/12/2021. AP – Adrian Wyld

Thùy Dương
Sau Mỹ, Úc và Anh, hôm 08/12/2021 đến lượt Canada thông báo tẩy chay ngoại giao Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh 2022 vì các lý do nhân quyền.

Theo Reuters, đích thân thủ tướng Justin Trudeau thông báo Canada sẽ không cử bất kỳ đại diện ngoại giao nào đến Olympic tại Bắc Kinh vào tháng 02/2022 bởi « rất nhiều đối tác trên khắp thế giới đang vô cùng lo ngại về việc chính phủ Trung Quốc lặp đi lặp lại các hành vi vi phạm nhân quyền ».

Ngay lập tức, một phát ngôn viên của đại sứ quán Trung Quốc tại Canada tố cáo ông Justin Trudeau đã đưa ra những tuyên bố sai trái.

Ngoài ra, chính quyền Tập Cận Bình hôm nay 09/12 cảnh báo là tất cả những nước tẩy chay Thế Vận hội « sẽ phải trả giá ». Phát biểu trước báo giới, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung Quốc Vương Văn Bân (Wang Wenbin) coi đó là « một mưu mô chính trị » của các nước này, khẳng định quyết định nói trên « không hợp lòng dân » nên Mỹ, Úc, Anh và Canada đang « tự cô lập » chính họ. Vương Văn Bân khẳng định Trung Quốc đã không gửi lời mời cho những quốc gia nói trên và dù đại diện chính thức của họ có đến hay không thì Thế Vận Hội mùa đông Bắc Kinh cũng sẽ vẫn thành công.

Quan điểm của Pháp
Liên quan đến Pháp, hôm qua 08/12, gần 30 học giả và nhà văn đã ký tên chung trên diễn đàn của báo Le Figaro đề nghị nhà chức trách không để các vận động viên Pháp tham gia điều mà họ gọi là « chiến dịch tung hỏa mù của một Nhà nước quân đội – cảnh sát độc tài biến thể thao thành công cụ » để thực hiện mục đích của Bắc Kinh. Tuy nhiên, hôm nay, phát biểu trên kênh truyền hình BFMTV và RMC, ông Jean-Michel Blanquer, bộ trưởng Giáo Dục, Thanh Niên và Thể Thao, thông báo nước Pháp sẽ không gia nhập phong trào tẩy chay ngoại giao Thế Vận hội mùa đông Bắc Kinh 2022.

Trong khi đó, sau cuộc trao đổi với tân ngoại trưởng Đức Annelena Baerbock, ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian khẳng định Paris chia sẻ quan điểm chung của Liên Âu về vấn đề này, lãnh đạo ngành ngoại giao các nước thành viên trong khối sẽ cùng đánh giá tình hình trong cuộc họp tới đây của các ngoại trưởng Liên Âu.

Số lượng nhà báo bị bắt lại đạt mức kỷ lục vào năm 2021

Ủy ban bảo vệ các phóng viên quốc tế báo động : số nhà báo bị bỏ tù trong năm 2021 tăng kỷ lục. AP – Rebecca Blackwell

Phan Minh
Một báo cáo của Ủy ban Bảo vệ Nhà báo (CPJ) công bố hôm 09/12/2021, cho biết, số nhà báo bị bỏ tù trên thế giới đạt mức kỷ lục vào năm 2021.

Theo Reuters, cho đến ngày 01/12 năm nay, đã có 293 nhà  báo bị bắt giữ trên thế giới. Mặc dù các nước đưa ra nhiều lý do khác nhau để bắt giữ các nhà báo, con số kỷ lục này phản ánh ít nhiều những biến động chính trị trên thế giới và sự trấn áp, bất khoan dung ngày càng tăng đối với hoạt động báo chí.  

Trung Quốc đứng đầu nhóm các nước bắt giữ nhiều nhà báo nhất, với 50 người, tiếp theo là Miến Điện (26 người), Ai Cập (25 người), Việt Nam (23 người) và Belarus (19 người).  

Ngoài ra, ít nhất có 24 phóng viên bị giết khi tác nghiệp và 18 người chết một cách bí ẩn, nguyên nhân cái chết của họ chưa được điều tra.  

Giám đốc điều hành CPJ Joel Simon nói rằng đây là năm thứ 6 liên tiếp báo cáo của Ủy ban ghi nhận số các nhà báo bị bỏ tù trên thế giới cao ở mức kỷ lục.

TT Mỹ Biden : Nga sẽ bị trừng phạt kinh tế « mạnh chưa từng thấy » nếu xâm lược Ukraina

Tổng thống Mỹ Joe Biden nói chuyện với các nhà báo tại Nhà Trắng, Washington, Hoa Kỳ, ngày 08/12/2021. AP – Susan Walsh

Thùy Dương
Mặc dù gạt bỏ khả năng Washington điều quân đến Ukraina, nhưng tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 08/12/2021 dọa nước Nga sẽ hứng chịu những biện pháp trừng phạt « mạnh chưa từng thấy » nếu chính quyền Putin xâm lược Ukraina.

Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng ngày 08/12, một hôm sau cuộc gặp trực tuyến kéo dài 2 tiếng đồng hồ với đồng nhiệm Nga Vladimir Putin, tổng thống Mỹ Joe Biden cho biết ông đã rất rõ ràng với ông Putin rằng nếu xâm lược Ukraina, nước Nga sẽ chịu những hậu qủa kinh tế « chưa từng thấy ». Tuy nhiên, Nhà Trắng không cho biết cụ thể liệu tổng thống Biden đã nêu rõ các biện pháp gây sức ép với đồng nhiệm Putin hay không.

AFP nhắc lại, vào thứ Tư 07/12, ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken và chủ tịch Hội Đồng Châu Âu Charles Michel đã gọi điện và thống nhất với nhau về việc « cần thiết áp đặt các biện pháp trừng phạt nhanh chóng và mạnh mẽ đối với Nga » trong trường hợp căng thẳng quân sự Nga – Ukraina vẫn gia tăng.

Ông Biden cũng nhấn mạnh quan điểm rất rõ ràng là Washington muốn cả Nga và Ukraina tôn trọng nguyên tắc không xâm phạm biên giới của đối phương.

Theo dự kiến, tổng thống Mỹ có cuộc điện đàm với đồng nhiệm Ukraina Zelensky trong ngày 08/12 (theo giờ Washington) và sau đó, ông Biden sẽ trao đổi với lãnh đạo nhóm 9 nước Đông Âu thành viên Liên Minh Bắc Đại Tây Dương NATO về các vấn đề có liên quan đến Vlamimir Putin và mối đe dọa Nga tấn công Ukraina. Nhóm 9 nước này gồm có Bulgari, Cộng Hòa Séc, Estonia, Hungary, Latvia, Litva, Ba Lan, Rumani và Slovakia.

Tổng thống Mỹ hôm qua cũng cho biết ông hy vọng muộn nhất là đến thứ Sáu 10/12 thông báo về việc tổ chức một cuộc họp giữa các nước NATO và Nga để thảo luận về mối lo ngại của Matxcơva về các hoạt động của Liên Minh Bắc Đại Tây Dương.

Related posts