Tân đại sứ Hoa Kỳ: Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất đối với nền dân chủ

Đại sứ Hoa Kỳ tại Canada David Cohen nói chuyện với các phóng viên sau khi ông trình bày thư tín nhiệm của mình với Toàn quyền Mary Simon trong một buổi lễ tại Rideau Hall, dinh thự chính thức của Toàn quyền, tại Ottawa hôm 07/12/2021. (Ảnh: Báo chí Canada/Fred Chartrand)

Ông David Cohen cho hay, điều quan trọng là Canada và Hoa Kỳ cùng đồng lòng trong chính sách đối với Trung Quốc.

Điều cốt yếu là Ottawa và Hoa Thịnh Đốn phải thành lập một mặt trận thống nhất để thách thức nỗ lực thúc đẩy của Bắc Kinh nhằm mở rộng ảnh hưởng về mặt quân sự, kinh tế, và chế độ độc tài của mình ra toàn cầu, ông David Cohen, đại sứ mới được bổ nhiệm của Mỹ tại Canada, cho biết.

“Tôi nghĩ rằng đối với cả Canada và Hoa Kỳ, và quý vị có thể nói rằng đối với mọi nền dân chủ trên thế giới, thì Trung Quốc là mối đe dọa lớn nhất của chúng ta,” ông Cohen nói với tờ The Globe and Mail hôm 09/12.

“Thực tế là Trung Quốc rất nhất quán trong một phương thức phản dân chủ và một phương thức độc tài.”

Trong cuộc phỏng vấn đầu tiên kể từ khi trở thành đại sứ tại Canada, ông Cohen đã nhấn mạnh rằng các nền dân chủ cần phải thách thức chủ nghĩa độc tài nói chung, và đặc biệt là các mối đe dọa an ninh mạng và vi phạm nhân quyền của Bắc Kinh.

Ông nói: “Trung Quốc là ví dụ điển hình cho những điều chúng ta đang cố gắng cùng nhau chống lại.”

Ông Cohen là một luật sư và nhà vận động hành lang, đồng thời từng là cố vấn cao cấp của tập đoàn viễn thông khổng lồ Comcast của Hoa Kỳ. Ông hài lòng với hướng đi mới trong chính sách Trung Quốc và cam kết hợp tác sâu rộng hơn ở khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ottawa.

“Điều quan trọng là khi Canada nêu rõ chính sách Trung Quốc của mình, khi Hoa Kỳ điều chỉnh chính sách Trung Quốc của mình, thì chúng ta làm như vậy một cách đồng bộ với nhau,” ông nói. “Không còn gì phải tranh cãi, Canada là đồng minh quan trọng nhất của chúng tôi và việc đồng lòng trong một mối quan hệ căn bản trọng yếu như mối quan hệ với Trung Quốc thực sự có ý nghĩa quan trọng đối với mối quan hệ [đồng minh] lâu dài đó.”

Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của Ottawa đã xuất hiện ngay khi ông Michael Spavor và ông Michael Kovrig trở về Canada an toàn hồi tháng Chín, sau khi nước này đóng băng ngoại giao với Trung Quốc trong 3 năm. Hai người này đã bị giam giữ tùy tiện trong các nhà tù Trung Quốc trong hơn 1,000 ngày vì lý do được nhiều người coi là sự trả đũa cho việc bắt giữ giám đốc điều hành Huawei Mạnh Vãn Chu theo lệnh dẫn độ của Hoa Kỳ vào năm 2018.

Bài diễn văn của Toàn quyền Canada hôm 23/11 đã thừa nhận ưu tiên này bằng cách nói rằng “một thế giới đang biến đổi đòi hỏi cần phải có sự thích ứng và mở rộng việc can thiệp ngoại giao. Canada sẽ tiếp tục làm việc với các đồng minh và đối tác then chốt, đồng thời nỗ lực để làm sâu sắc hơn các mối quan hệ đối tác ở Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương và trên khắp Bắc Cực.”

Ông Cohen cũng bày tỏ lo ngại về việc Trung Quốc tăng cường sức mạnh địa chính trị của mình bằng cách mua lại các khoáng sản đất hiếm chủ chốt hoặc tiếp quản các lĩnh vực then chốt ở Canada.

Trong một bài báo nghiên cứu hồi tháng Ba có nhan đề “Địa chính trị của các chuỗi cung ứng khoáng sản chủ chốt”, tác giả Jane Nakano lưu ý rằng Trung Quốc là “nơi có khoảng 1/3 trữ lượng đất hiếm toàn cầu” và để bù đắp cho bất kỳ nguồn lực nào mà quốc gia này thiếu, họ đã “đầu tư vào các dự án khai thác mỏ ở ngoại quốc.”

Trung Quốc nhận ra rằng nguồn tài nguyên khoáng sản chủ chốt của họ đã mang lại cho họ đòn bẩy đáng kể về mặt địa chính trị, bà Nakano, một thành viên cao cấp trong Chương trình An ninh Năng lượng và Biến đổi Khí hậu tại Trung tâm Chiến lược và Nghiên cứu Quốc tế, một tổ chức tư vấn có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết.

Để đối phó với các mối đe dọa từ Bắc Kinh, Canada và Hoa Kỳ đã ký một biên bản ghi nhớ hồi tháng Tám để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển, và thu mua các khoáng sản chủ chốt, có ý nghĩa sống còn đối với an ninh quốc gia, việc chuyển đổi năng lượng, và khả năng cạnh tranh toàn cầu.

Hồi tháng Bảy, chính phủ ông Trudeau cũng đã ban hành các hướng dẫn mới để bảo vệ các nghiên cứu và tài sản trí tuệ của Canada khỏi sự can thiệp, gián điệp, và trộm cắp của ngoại quốc, đặc biệt là từ Trung Quốc, như Cơ quan Tình báo An ninh Canada đã nhiều lần cảnh báo.

Ông Cohen nhấn mạnh rằng mối đe dọa từ các cuộc tấn công mạng của Trung Quốc có khả năng tàn phá thị trường tài chính phương Tây là mối quan tâm đặc biệt của chính phủ ông Biden.

Ông nói, “Trung Quốc là một nước thủ phạm và được biết là đã tấn công và xâm nhập mạng máy tính của các ngành công nghiệp chủ chốt.” Đây là một động cơ mạnh mẽ để Hoa Kỳ và Canada “liên kết và làm việc cùng nhau và chuẩn bị để giám sát và ngăn chặn các loại mối đe dọa đó.”

Khi được hỏi tại sao Canada vẫn là thành viên duy nhất trong liên minh Ngũ Nhãn bao gồm Canada, New Zealand, Hoa Kỳ, Úc, và Anh Quốc chưa cấm Huawei khỏi mạng 5G của mình, vị đại sứ này đã từ chối bình luận và chỉ nói rằng Thủ tướng Justin Trudeau đã hứa sắp tới sẽ đưa ra quyết định.

Hồi cuối tháng Chín, ông Trudeau cho biết “trong những tuần tới” nội các của ông sẽ quyết định có ra lệnh cấm Huawei hay không.

“Chúng tôi tiếp tục cân nhắc và xem xét các phương án khác nhau, nhưng chắc chắn chúng tôi sẽ đưa ra thông báo trong những tuần tới,” ông nói với các phóng viên hôm 28/09 trong cuộc họp báo đầu tiên diễn ra một tuần sau khi tái đắc cử.

Nguyệt Minh biên dịch
Quý vị tham khảo bản gốc từ The Epoch Times

Related posts