Du Miên
Hôm 12/12, nhóm G-7 gồm các nước công nghiệp phát triển nhất đã cảnh báo rằng, bất kỳ cuộc xâm lược nào của Nga vào Ukraine sẽ gây ra “hậu quả khôn lường” và sẽ phải gánh chịu “một cái giá đắt”.
Trong một tuyên bố được đưa ra sau hội nghị thượng đỉnh kéo dài 2 ngày được tổ chức tại thành phố Liverpool của Anh, các ngoại trưởng G-7 cho biết, họ “thống nhất trong việc lên án việc xây dựng quân đội của Nga và những luận điệu hung hăng [của nước này] đối với Ukraine”. Các nhà lãnh đạo chính sách đối ngoại từ Hoa Kỳ, Anh, Canada, Pháp, Đức, Ý, Nhật Bản và Liên minh châu Âu (EU) đã kêu gọi Nga “ngừng leo thang, theo đuổi các kênh ngoại giao và tuân thủ các cam kết quốc tế về tính minh bạch của các hoạt động quân sự”.
Họ nói: “Mọi hành vi sử dụng vũ lực để thay đổi biên giới đều bị nghiêm cấm theo luật quốc tế. Nga nên [biết] chắc chắn rằng, việc tiếp tục gây hấn quân sự đối với Ukraine sẽ gây ra những hậu quả to lớn và phải trả giá đắt để đáp trả”. Các ngoại trưởng còn bổ sung: “Chúng tôi tái khẳng định cam kết kiên định của mình đối với chủ quyền và toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine, cũng như quyền của bất kỳ quốc gia có chủ quyền nào được xác định tương lai của chính mình”.
Trước đó, Ngoại trưởng Anh Liz Truss đã phát biểu trong một cuộc họp báo rằng, các đồng minh G-7 đã “gửi một thông điệp đoàn kết rất rõ ràng tới [Tổng thống Nga] Vladimir Putin”.
Ngoại trưởng Truss cho biết, Vương quốc Anh đang xem xét “tất cả các lựa chọn”, bao gồm các biện pháp trừng phạt kinh tế để đáp trả mối nguy xâm lược tiềm tàng của Nga. Phát biểu trước các phóng viên, bà cho biết: “Khi Vương quốc Anh muốn gửi đi những thông điệp rõ ràng và đạt được những mục tiêu rõ ràng, chúng tôi đã chuẩn bị sử dụng các biện pháp trừng phạt kinh tế. Vì vậy, chúng tôi đang xem xét tất cả các lựa chọn”.
Cảnh báo được đưa ra trong bối cảnh căng thẳng gia tăng về việc quân Nga tăng cường quân đội dọc theo biên giới Ukraine. Đây được coi là dấu hiệu tiềm tàng cho một cuộc xâm lược quân sự.
Các quan chức Ukraine ước tính rằng, hơn 90.000 quân Nga đang tập trung gần biên giới ở Crimea do Nga chiếm đóng. Họ nhận định, một cuộc tấn công sắp xảy ra. Các quan chức nước này đã yêu cầu Hoa Kỳ và các quốc gia khác giúp đỡ để bảo vệ biên giới của Ukraine.
Quốc gia này vốn là một phần của Liên bang Xô viết trước khi trở thành một quốc gia độc lập vào năm 1991. Các nước phương Tây coi Ukraine như một bức tường thành chống lại Nga – đất nước đang nuôi dưỡng tham vọng kiểm soát thêm nhiều lãnh thổ hơn. Nga chiếm Crimea vào năm 2014, khi cựu Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama còn đương nhiệm.
Ngoại trưởng Truss cũng cho biết, G-7 lo ngại về “các chính sách kinh tế mang tính cưỡng chế” của Đảng Cộng sản Trung Quốc trên toàn cầu. Bà nói: “Chúng tôi đã nói rõ trong cuộc họp cuối tuần này rằng, chúng tôi lo ngại về các chính sách kinh tế mang tính cưỡng chế của Trung Quốc. Và những gì chúng tôi muốn làm là xây dựng phạm vi đầu tư, phạm vi thương mại kinh tế, của các nền dân chủ cùng chí hướng, yêu tự do”.
Nói về vấn đề hạt nhân Iran, bà Truss cảnh báo chế độ Hồi giáo rằng, các cuộc đàm phán đang diễn ra với các cường quốc trên thế giới ở Vienna là “cơ hội cuối cùng để Iran đi đến bàn đàm phán với một giải pháp nghiêm túc cho vấn đề này”. Bà nhắc lại rằng, cộng đồng quốc tế “sẽ không cho phép Iran sở hữu vũ khí hạt nhân”.