Eva Fu
Một nhà khoa học Trung Quốc ở California đã bí mật chuyển nghiên cứu vaccine ung thư mRNA được bảo mật cho chồng bà để thu lợi cho phòng thí nghiệm của ông ta ở Trung Quốc, một đặc vụ liên bang cáo buộc trong một đơn khiếu nại hình sự được đệ trình gần đây.
Theo đơn khiếu nại nói trên, được đệ trình lên Tòa án Quận Hoa Kỳ Khu vực Nam California hôm 08/12, trong khoảng 5 năm, bà Trần Liên Xuân (Chen Lianchun), sống ở San Diego, đã gửi các tài liệu được đóng dấu mật từ công ty thuê bà cho chồng là ông Ngô Thần Diễn (Wu Chenyan), người điều hành một phòng thí nghiệm công nghệ sinh học ở Trung Quốc.
Theo tài liệu của tòa án, một đại diện từ công ty của bà Trần nói với FBI rằng công việc của bà với tư cách là một nhà khoa học phòng thí nghiệm thực hiện nghiên cứu ung thư mRNA giai đoạn đầu sẽ “vô cùng hữu ích” trong việc đẩy nhanh dự án phát triển một loại vaccine mRNA chung không cấp bằng sáng chế (generic) của ông Ngô. Công ty này không được nêu tên trong hồ sơ.
Ông Ngô đã thu hút sự chú ý của FBI kể từ tháng 12/2019, khi tên ông xuất hiện trên một slide thuyết trình PowerPoint trong điện thoại của một bị đơn người Trung Quốc bị kết tội vi phạm các biện pháp kiểm soát xuất cảng của Hoa Kỳ. Bản thuyết trình bằng tiếng Trung, trong đó ông Ngô là người thuyết trình, đã tóm tắt về tiến trình nghiên cứu công nghệ mRNA của phòng thí nghiệm TheraMab cùng với các kế hoạch đầu tư của ông.
Hồi tháng Năm, ông Ngô đã bị hải quan chặn tại Phi trường Quốc tế Seattle-Tacoma trong một chuyến bay quá cảnh từ Trung Quốc.
Qua khám nghiệm đã phát hiện trong vali của ông có tới 1,000 ống vật liệu sinh học và hóa học không nhãn mác, “không khai báo, và được đóng gói không đúng cách” — những vật dụng mà ông Ngô cho biết là một phần trong các thiết bị phòng thí nghiệm dùng để thiết lập một phòng thí nghiệm mới ở San Diego, sau khi ông đóng cửa một phòng thí nghiệm ở Trung Quốc đã hơn chục năm tuổi của mình vào cuối năm 2020, theo tài liệu của tòa án.
Hồ sơ nêu rõ, ông Ngô đã nói với FBI hồi tháng Sáu rằng ông không khai báo các vật dụng này bởi ông “không coi các hóa chất đó là nguy hiểm đối với mình, vì trước nay ông vẫn sử dụng chúng.”
Cặp vợ chồng này đã làm việc cho công ty không được nêu tên nói trên trong hơn một thập niên. Bà Trần làm việc cho công ty này từ năm 2011 đến tháng 09/2021, và ông Ngô là nhân viên tại chi nhánh của công ty này tại Anh Quốc từ năm 1999 đến năm 2010.
Khi bị các nhân viên FBI thẩm vấn hồi tháng Tư, bà Trần tuyên bố rằng bà không tham gia vào việc soạn thảo slide thuyết trình nêu trên cho TheraMab hồi năm 2019, và phủ nhận mình biết bất cứ điều gì về công nghệ mRNA (của vaccine ung thư), theo tài liệu tòa án. Bà khẳng định rằng bà chưa chuyển bất cứ thông tin độc quyền nào cho ông Ngô, nói rằng bà chỉ làm việc trong giai đoạn đầu của dự án mRNA tại công ty của mình, vốn không liên quan đến nghiên cứu hoặc thử nghiệm chương trình.
Mặc dù đôi vợ chồng đã xác nhận bà Trần không liên quan gì đến TheraMab, nhưng hai người này đã trao đổi email đính kèm các văn bản Word cùng slide thuyết trình PowerPoint có chứa dữ liệu trình tự DNA, các kết quả xét nghiệm virus, và tiến độ công việc hàng tuần của bà Trần, theo hồ sơ.
Hồi tháng 11/2013, ông Ngô đã gửi email cho bà Trần nói rằng, “Anh cần các chuỗi vector DNA mới và chuỗi DNA để nhân bản.” Bà Trần đã trả lời bằng một tệp chứa dữ liệu chuỗi DNA “phù hợp với nghiên cứu mà bà Trần đang thực hiện cho Công ty A vào thời điểm đó,” tài liệu của tòa án viết.
Hồi tháng 05/2018, ông Ngô đã chuyển tiếp một email từ bà Trần từ tài khoản Hotmail đến tài khoản email TheraMab của mình. Email này có đính kèm một slide thuyết trình PowerPoint có nhan đề “Kết quả xét nghiệm PCR với DNA được trích xuất lần hai”, trên đó có logo của công ty chủ quản bà Trần và được đóng dấu mật, theo hồ sơ. Email cũng chứa một văn bản Word nêu chi tiết những công việc mà bà Trần đã tiến hành trong tuần trước cũng như dự định sẽ tiến hành vào tuần kế tiếp.
Ông Ngô đã nhận được hai email tương tự từ bà Trần trong những tuần tiếp theo. Công ty [của bà Trần] đang điều tra xem liệu những hồ sơ đó có đủ tiêu chuẩn được coi là bí mật thương mại hay không, tài liệu của tòa án nêu rõ.
Đặc vụ FBI cũng nhấn mạnh rằng các thông tin liên lạc trên mạng xã hội đã một lần nữa khẳng định rằng bà Trần có liên quan đến phòng thí nghiệm này.
Năm 2019, một người không rõ danh tính đã gửi cho bà Trần một tin nhắn thoại trên mạng xã hội WeChat của Trung Quốc, chúc mừng cặp đôi này đã phát triển một loại dược phẩm mới. Bà Trần đã hồi đáp bằng cách hỏi xin tài trợ, theo hồ sơ.
“Chồng tôi đang tìm kiếm các nhà đầu tư. Ông ấy đã thiết kế ra một loại thuốc sử dụng phương pháp RNA để điều trị ung thư,” bà viết trong một lời hồi đáp. “Kết quả thử nghiệm trên động vật khá tốt. Cần nhiều tài chính hơn để tiếp tục. Liên lạc với tôi nếu quý vị muốn biết thêm thông tin.”
Bà Trần phải đối mặt với một trọng tội khai man, trong khi ông Ngô bị cáo buộc đưa lậu vật liệu độc hại sang Hoa Kỳ.
Bảo vệ các lĩnh vực công nghệ và dược phẩm của Hoa Kỳ khỏi bị đánh cắp bí mật thương mại để mang lại lợi ích cho Trung Quốc là mối bận tâm ngày càng lớn dần của Hoa Kỳ.
Hồi tháng Tư, một nhà nghiên cứu tại bệnh viện đã bị kết án 33 tháng tù vì ăn cắp ít nhất năm bí mật thương mại từ Viện Nghiên cứu của Bệnh viện Nhi đồng Toàn quốc ở Columbus, Ohio. Vợ ông này, cũng là một nhà nghiên cứu trong phòng thí nghiệm tại Viện, đã bị kết án 30 tháng tù hồi tháng Hai vì vai trò đồng phạm.
Tháng Bảy vừa qua, hai tin tặc Trung Quốc đã bị truy tố vì đánh cắp thông tin nhạy cảm trị giá hàng triệu dollar. Các cuộc tấn công xâm nhập này đã nhắm vào các lỗ hổng trong các công ty công nghệ sinh học nổi tiếng với nghiên cứu liên quan đến COVID-19, theo các công tố viên.
Minh Ngọc biên dịch