Đông Phương
Gần đây, Mỹ đã mời 110 quốc gia tham gia hội nghị thượng đỉnh dân chủ, bao gồm cả Đài Loan, nhưng lại gạt Bắc Kinh khỏi danh sách. Sau đó, từ chính phủ, giới học giả, cho tới giới truyền thông Trung Quốc đã liên tiếp chỉ trích nền dân chủ của Mỹ. Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp còn dựng một video âm nhạc nhằm chế giễu Hoa Kỳ là “cảnh sát nhân quyền quốc tế”. Động thái này được cho là thể hiện sự thấp kém, không có phong thái của một nước lớn.
Tuần trước, Đại sứ quán Trung Quốc tại Pháp đã đăng tải một bài hát thiếu nhi mang tên “Thể chế Mỹ” (Ameri-cracy) trên mạng xã hội. Trong video, một phụ nữ Trung Quốc đội một chiếc mũ chóp cao và thể hiện bài hát. Bên cạnh cô là một vài con vật giận dữ đang chơi nhạc cụ.
Giai điệu của bài hát này gần giống với giai điệu của bài hát dân gian đi biển có tên “The Wellerman” – từng phổ biến trên TikTok vào đầu năm nay – của New Zealand.
“Ameri-cracy” đã được dịch sang tiếng Trung và tiếng Anh, nhưng không có tiếng Pháp. Lời bài hát có đoạn như sau: “Coi dân chủ như một tấm áo choàng, nhưng thực tế lại thúc đẩy quyền lực của Mỹ”, “Nếu bạn dám nói ‘không’, sẽ coi bạn là kẻ thù”.
Có một câu trong điệp khúc lặp đi lặp lại rằng: “Dân chủ ở mỗi quốc gia được quyết định bởi văn hóa, ý chí và tinh thần của mỗi quốc gia. Nếu thể chế của anh là thuốc chữa bách bệnh, tại sao lại mang đến nhiều tai họa như vậy?”.
Trong khi các đại diện từ Hong Kong và Đài Loan đều được mời tham dự hội nghị dân chủ lần này, Bắc Kinh lại bị gạt ra ngoài lề.
Cựu Ủy viên Hội đồng Lập pháp Hong Kong, ông Hứa Trí Phong (Ted Hui Chi-fung) cho rằng, các phản ứng “mang phong cách chiến lang” của các quan chức Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) “khiến mọi người cảm thấy họ không có phong thái của một cường quốc”.
Không những vậy, Bắc Kinh còn thổi phổng cái gọi là “nền dân chủ toàn bộ quá trình” của Trung Quốc.
Vậy ‘nền dân chủ toàn bộ quá trình’ là gì?
CGTN, cơ quan ngôn luận trực thuộc CCTV của ĐCSTQ ở nước ngoài, cắt nghĩa cụm từ “dân chủ toàn bộ quá trình” như sau:
Thứ nhất, “dân chủ” có nghĩa là nhân dân sẽ là trung tâm. Đảng được thành lập với sứ mệnh mưu cầu hạnh phúc cho nhân dân, và hơn 100 năm qua luôn trung thành với sứ mệnh ban đầu và đặt con người lên hàng đầu trong đường lối chính trị của đất nước.
Nghĩa là tất cả các tổ chức và quan chức nhà nước phải hết lòng phục vụ nhân dân, với các kênh được thiết lập để lắng nghe tiếng nói của nhân dân, dù họ đồng tình hay không đồng tình. Những gì chúng ta thấy ở Trung Quốc ngày nay là nhân dân thực hiện quyền lực nhà nước thông qua Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc và đại hội đại biểu nhân dân ở địa phương các cấp. Trung Quốc cũng có một hệ thống tham vấn chính trị độc đáo và các thể chế tương ứng, đây là những cách quan trọng để người dân tham gia vào nền dân chủ.
Thứ hai là về “toàn bộ quá trình”. Nền dân chủ của Trung Quốc khác với phương Tây – nơi các chính trị gia và các nhà vận động bầu cử sẽ chỉ nghe những gì người dân nói khi họ bỏ phiếu. Còn nền dân chủ toàn bộ quá trình của Trung Quốc là, người dân không chỉ có quyền bầu cử, mà còn có quyền tham gia rộng rãi vào toàn bộ quá trình ra quyết định và quản trị.
Đây là một kiểu dân chủ mới khác với phương Tây. Về mặt lý thuyết, người dân nên được trao quyền để giám sát hoạt động của chính phủ, và được lên tiếng về cách họ nên được quản trị. Nhưng thường thì đây là luận điệu chính trị của phương Tây. Theo cách nói của Trung Quốc, người dân không nên bị gạt sang một bên khi cuộc bầu cử kết thúc. Thay vào đó, tất cả những việc liên quan đến lợi ích của người dân cần được chính quyền tranh luận và xử lý một cách thận trọng.
Nền dân chủ Trung Quốc là ‘chỉ lộc vi mã’
Về khái niệm dân chủ nói trên của Trung Quốc, ông Hồ Bình (Hu Ping), Tổng biên tập danh dự của tạp chí Mùa xuân Bắc Kinh (Beijing Spring), đã tweet rằng, “Ở Trung Quốc, nếu bạn muốn biện hộ cho chế độ độc đảng chuyên chế, trước tiên bạn không được gọi chuyên chế là chuyên chế, mà phải gọi chuyên chế là dân chủ. Nói cách khác, bạn không thể nói thật, nhất định phải nói dối, phải ‘chỉ lộc vi mã’ (chỉ vào hươu nhưng bảo là ngựa)”.
Ông viết: “Không cho nhân dân phiếu bầu, không có sự cạnh tranh đa đảng, không có tự do ngôn luận, tự do hội họp và tự do tổ chức đoàn thể. Dù có viết ra 10.000 cái dân chủ đi chăng nữa thì đó cũng là một chính phủ chuyên chế”. “Tối ngày đóng cửa rồi tung hô ‘Trung Quốc là quốc gia dân chủ nhất’, vậy trước tiên hãy làm rõ về sự việc của Trương Cao Lệ (Zhang Gaoli) đi”.
Xem thêm: Trước cáo buộc tấn công tình dục, cựu Phó Thủ tướng TQ Trương Cao Lệ còn vướng vào những bê bối nào?
Bài hát cáo buộc Hoa Kỳ gian lận bầu cử
Video âm nhạc này cũng cáo buộc Hoa Kỳ gian lận bầu cử và bóp méo kết quả bầu cử. Lời bài hát có nội dung: “Đất nước của anh, tiền là trên hết. Hết thảy chính sách, tư bản làm chủ. Thông tin sai lệch, phân chia khu vực bầu cử không công chính, làm sai lệch kết quả bầu cử”.
Ở cuối video còn xuất hiện hình ảnh logo Tân Hoa Xã (Xinhua News).
Tại hội nghị thượng đỉnh dân chủ vừa qua, Tổng thống Mỹ Biden đã chỉ trích các chế độ độc tài chuyên chế, và nói rằng “tự do không có ranh giới quốc gia”.
Trước đây, Bắc Kinh cho rằng sau khi ông Biden nhậm chức tổng thống, sẽ giúp mối quan hệ Trung – Mỹ được hóa giải, và Phố Wall sẽ lại có thể phát huy sức ảnh hưởng, vì ông Biden là “bạn cũ” của ĐCSTQ.
Tuy nhiên, điều bất ngờ là trong gần một năm trở lại đây kể từ khi Chính quyền ông Biden vận hành nước Mỹ, sức ép đối với Bắc Kinh vẫn không hề suy giảm. Ngược lại Mỹ còn củng cố “cơ chế bốn bên” gồm Hoa Kỳ, Nhật Bản, Úc và Ấn Độ; củng cố liên minh Mỹ – Âu và NATO; và thành lập một liên minh quân sự mới là AUKUS, nhằm đối trọng với Trung Quốc.
Đông Phương
Theo Vision Times