Trân Văn
15-12-2021
Tôi vẫn chưa gạt được chi tiết bà Bùi Thị Thiện Căn dùng ngón tay cái để khích lệ cô con gái của bà giữa pháp đình (1) ra khỏi suy nghĩ của mình. Vì cũng có một cô con gái nên tôi đã tự hỏi chính mình nhiều lần rằng tôi sẽ nghĩ gì, nói gì, làm gì nếu con gái của tôi chọn con đường như Phạm Thị Đoan Trang?
Cho dù đó là con đường sáng nhưng tôi có dám khuyến khích con gái mình dấn thân để bị hành hung, bị săn đuổi, bị cô lập và giờ sẽ tiếp tục mất thêm một đoạn đời không chỉ mất tự do mà còn đối diện với đủ loại bất trắc khó có thể lường định? Thú thật, tôi chưa thể trả lời… “Có”!
Là một người cha, tôi đã, đang cũng như sẽ còn làm hết sức để con gái của tôi có thể sống an ổn, hạnh phúc… Điều đó không sai cũng chẳng xấu, nhiều người quanh tôi giống hệt tôi: Có thể phân định giữa đúng và sai nhưng chẳng bao giờ muốn con mình gánh chịu khổ ải để bảo vệ những thứ cao quí hơn cơm, áo.
Tôi không biết thêm gì về cụ Căn ngoài chuyện bà đã gần 90 và dường như ngày xưa từng là một nhà giáo. Có vẻ cụ chẳng khác mấy so với phần lớn nhà giáo cùng thời với cụ – chừng mực cả trong hành xử lẫn nói năng… Chắc chẳng có bà mẹ Việt Nam nào không trăn trở khi con gái mình… “quá lứa, lỡ thì” và bỏ lối con gái người ta thường đi để chọn con đường nhiều chông gai nhất trong xã hội bị cộng sản thống trị làm lẽ sống – kháng cự hệ thống chính trị, hệ thống công quyền.
Giống như nhiều nhân vật dấn thân cho dân chủ, tự do ở Việt Nam, có vẻ như Trang đã cố gắng tách các hoạt động của cô xa thân nhân của cô. Cộng sản Việt Nam nói riêng và cộng sản nói chung tồn tại nhờ tạo ra sự sợ hãi có tính di truyền. Nhiều người không sợ trả giá nhưng chùn bước vì thân nhân của họ sẽ phải cùng trả giá.
Bởi cũng có một cô con gái, tôi tin cụ Căn đã trải qua nhiều dằn vặt, đau đớn. Nếu không vượt qua được lẽ thường, không thể giơ ngón tay cái lên với cô con gái của mình trong tình huống bi thảm đó… Bà ắt đã phải tập cho quen với việc không có con gái bên cạnh, tập cho quen với việc không rõ khi nào sẽ có thêm tin dữ về con gái của mình.
Tôi cũng có một cô em gái và giống như nhiều thằng anh trai khác, tôi cũng muốn em gái của mình tránh xa những rắc rối thuộc loại không thích hợp với phụ nữ… Đọc tường thuật về phiên xử sơ thẩm Phạm Đoan Trang, tôi mới biết cô có anh trai, tên anh ta là Phạm Chính Trực.
Tôi không rõ trước đây Trực có nghĩ gì, nói gì với Trang về lựa chọn của cô, về những việc cô làm, chỉ biết chắc, nhiều năm nay, Trực đã thay em gái chăm sóc mẹ… Trực cũng mới vượt qua lẽ thường, bất kể… “Người nách thước, kẻ tay dao. Đầu trâu, mặt ngựa ào ào như sôi”… đứng dậy hoan hô em gái, bảo với cô rằng gia đình tự hào về cô.
***
Một ngày sau khi Trang bị phạt chín năm tù, tới lượt Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm – những nông dân bị cưỡng đoạt đất ở Dương Nội, Hà Đông, dấn thân đòi công bằng xã hội cho mình và cho những người khác – bị phạt tù. Phương bị phạt 10 năm tù, Tâm bị phạt 6 năm tù (3). Trong đó, Trịnh Bá Phương là thành viên thứ tư của một gia đình cùng bị phạt tù chỉ vì phản kháng đòi công bằng: Cha – ông Trịnh Bá Khiêm từng bị phạt 18 tháng tù. Mẹ – Cấn Thị Thêu (ba lần bị phạt tù, lần đầu 10 tháng, lần hai 20 tháng, lần ba 8 năm tù). Anh trai – Trịnh Bá Tư (mới bị phạt 8 năm tù hồi tháng 5 vừa qua cùng với mẹ là bà Cấn Thị Thêu).
Khi sử dụng hệ thống tư pháp như một loại công cụ để… răn đe, giáo dục, có lẽ đảng CSVN không mường tượng được rằng, cuối cùng, công an – tòa án – nhà tù sẽ chỉ tạo ra những tình huống, những trường hợp bi hùng kiểu như vừa đề cập. Càng… răn đe, càng… giáo dục thì sự khinh miệt và phẫn nộ càng lớn.
Đảng CSVN sẽ tồn tại thêm được bao lâu khi nhân danh đủ thứ, tận dụng đủ thứ, kể cả đàn áp khốc liệt chỉ để giữ cho những cá nhân như Tô Lâm (Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Bộ trưởng Công an) có thêm cơ hội giơ ngón cái với những Nusret Gökçe (còn gọi là “Salt Bae” – “Thánh rắc muối”), khen “bò dát vàng” là… số một và vì lẽ đó mà đẩy những cụ bà đã gần 90 vào tình huống phải giơ ngón cái lên để trấn an, giúp con mình vững vàng trong chốn lao tù?
Chú thích
(1) https://www.facebook.com/manhdang001/posts/5304815406201614
(2) https://www.facebook.com/permalink.php?story_fbid=10219839823817247&id=1569759542
(3) https://www.facebook.com/luatkhoa.org/posts/3081837228751793