Ninh Hải Trung
Những người đứng lên bảo vệ nhân quyền của Trung Quốc thường bị chính quyền Cộng Sản Trung Quốc tước đoạt lương hưu như một hình phạt.
Bà Thôi Học Mẫn (Cui Xuemin), 74 tuổi, nguyên là giáo viên của một trường cao đẳng ở tỉnh Hắc Long Giang, đã bị đối xử như vậy sau khi bà bảo vệ quyền được thực hành môn tu luyện Pháp Luân Công của mình. Bà đã bị tống giam trong ba năm và bị thu hồi lương hưu.
Bà Thôi về hưu vào năm 1998. Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, bà nói với The Epoch Times Hoa ngữ rằng nhà cầm quyền này đã hủy bỏ khoản tiền hưu trí của bà vào tháng 10/1999.
“Tôi đã không nhận được một xu nào kể từ đó,” bà nói. Bà Thôi hiện đang tị nạn chính trị ở Canada.
Theo Minh Huệ (Minghui.org), một trang web có trụ sở tại Hoa Kỳ, chuyên ghi lại chiến dịch bức hại tàn bạo của nhà cầm quyền này đối với môn tu luyện Pháp Luân Công kể từ tháng 07/1999, nhiều học viên Pháp Luân Công Trung Quốc đã báo cáo trải nghiệm tương tự.
Pháp Luân Công, còn được gọi là Pháp Luân Đại Pháp, là một môn tu luyện tĩnh tại bao gồm một bộ các bài giảng đạo đức dựa trên các nguyên lý chân, thiện, và nhẫn. Nhà cầm quyền bắt đầu cuộc đàn áp Pháp Luân Công vào tháng 07/1999. Kể từ đó hàng triệu người đã bị giam giữ tại nhiều cơ sở khác nhau, trong khi hàng trăm ngàn người bị tra tấn, theo Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp.
Vũ khí hóa hệ thống lương hưu
Trong những năm gần đây, nhiều nhà bất đồng chính kiến và những người bảo vệ nhân quyền của Trung Quốc cũng đã trở thành nạn nhân của việc bị đình chỉ lương hưu.
Sau đây là các ví dụ:
Ông Tôn Văn Quảng (Sun Wenguang), một giáo sư đã về hưu của Đại học Sơn Đông, đã bị cắt giảm lương hưu từ cấp giáo sư xuống cấp nhân viên hồi năm 2018, do quan điểm của ông về cải cách dân chủ ở Trung Quốc.
Bà Thái Hà (Cai Xia), một giáo sư đã về hưu tại Trường Đảng Trung ương, đã bị thu hồi tiền trợ cấp hưu trí hồi năm 2020 do những bình luận của bà bị nhà cầm quyền cáo buộc là “các vấn đề chính trị nghiêm trọng và gây tổn hại đến thanh danh của đất nước.”
Ông Nhan Trí Hoa (Yan Zhihua), một nhà sử học Trung Quốc, đã bị cắt lương hưu hồi năm 2020, do cuốn sách của ông kể lại cái chết của 1.4 triệu cư dân địa phương ở một huyện của tỉnh Tứ Xuyên trong Nạn Đói Lớn giai đoạn 1959-1962.
Ông Tằng Kiến Nguyên (Chien-yuan Tseng), ủy viên quản trị của New School for Democracy (nguyên văn Hoa ngữ: Hiệp hội Thư viện Dân chủ Người Hoa) tại Đài Loan cho biết, “Đó là tiền tiết kiệm của cá nhân, không nên bị tước đoạt như một phương tiện chính trị.”
Trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times, ông Tằng nhận xét rằng hành động tước đoạt tiền trợ cấp cá nhân này không khác nào hành vi sát nhân và vô nhân đạo, “Đó là một công cụ tống tiền chính trị.”
Những lo lắng về tính hợp pháp
Ông Chúc Thánh Vũ (Zhu Shengwu), người trước đây đã từng hành nghề luật ở Trung Quốc, nói với ấn bản Hoa ngữ của The Epoch Times rằng: “Dù là theo luật của Đảng, hay theo luật pháp quốc tế đi chăng nữa, thì lương hưu là quyền lợi sinh tồn căn bản của công dân và không thể bị tước đoạt.”
Ông cho rằng nhà cầm quyền này nói một đằng làm một nẻo, “một mặt họ ủng hộ quyền sinh tồn, mặt khác lại cũng ngang nhiên tước đoạt các phương tiện sinh tồn của người dân.”
Ông cũng nói rằng trong tất cả các luật của Đảng này, không có điều nào quy định đình chỉ lương hưu trong thời gian ngồi tù. Nhưng ông đã chứng kiến nhiều học viên Pháp Luân Công cao tuổi bị tước lương hưu trong khi phải chịu án tù vì thực hiện quyền tự do tín ngưỡng của họ.
Ông Trương Nhi Bình (Zhang Erping), phát ngôn viên của Trung tâm Thông tin Pháp Luân Đại Pháp nhấn mạnh rằng kể từ khi cuộc đàn áp bắt đầu năm 1999, đã có rất nhiều học viên Pháp Luân Công cao tuổi bị nhà cầm quyền này ngược đãi.
Ông nói rằng chỉ trong tháng Ba năm nay, đã có ít nhất 5 học viên Pháp Luân Công trên 80 tuổi bị tống giam.
Ông đặc biệt đề cập đến nghị quyết về Nguyên Tắc của Liên Hiệp Quốc về Người Cao Tuổi, được thông qua năm 1991. Trong đó nêu rõ: “Người cao tuổi cần được sống trong nhân phẩm và an ninh, và không bị bóc lột hay xâm hại về thể chất hoặc tinh thần” và “được đối xử công bằng bất kể tuổi tác, giới tính, nguồn gốc chủng tộc hay sắc tộc, mức độ khuyết tật hay địa vị khác, và được trân trọng bất kể đóng góp về kinh tế của họ.”
Tuy nhiên, “với tư cách là một quốc gia thành viên, nhà cầm quyền này đang đi đầu trong việc phá hoại nguyên tắc này của Liên Hiệp Quốc,” ông Trương nói.
Ông Ninh Hải Trung (Haizhong Ning) từng là nhân viên nhà nước và làm việc cho một công ty bất động sản ở Trung Quốc, trước khi chuyển ra nước ngoài và làm phóng viên chuyên về các vấn đề thời sự và chính trị Trung Quốc trong hơn bảy năm.
Hồng Ân biên dịch