Gia Trình
Paul Mauriat, nhạc trưởng, nhà soạn nhạc người Pháp được cả thế giới biết đến nhờ bản nhạc Love is blue (Tình yêu màu xanh). Thành danh khá sớm từ thập niên 1950, danh tiếng của Paul còn theo ông đến khi qua đời vào năm 2006. Ông là người đem nhạc pop và chất tình ca Pháp vào thế giới nhạc cổ điển.
Tài năng thiên bẩm
Paul Mauriat, tên đầy đủ là Paul Julien André Mauriat sinh năm 1925 tại Marseille, Pháp. Sinh ra trong gia đình có truyền thống âm nhạc, cha ông là thanh tra bưu chính, có sở thích chơi violon và piano cổ điển. Cha ông phát hiện ra năng khiếu chơi đàn của Paul khi ông lên bốn tuổi. Paul có thể nhớ và chơi lại giai điệu trực tiếp trên piano. Do đó, cha ông kèm cặp Paul học nhạc rất sớm để ông theo học nhạc cổ điển tại Conservatoire de Marseille năm lên 10 tuổi.
Lúc thanh niên, Paul chơi thành thạo piano và violin, nhưng ông lại đam mê jazz và pop hơn hẳn nhạc cổ điển. Thiên hướng này khiến ông dịch chuyển khỏi quỹ đạo nhạc cổ điển như dự tính ban đầu. Khi mới 17 tuổi, Paul đã thành lập dàn nhạc riêng và tổ chức các chuyến lưu diễn khắp châu Âu trong thời Đại Chiến Thế Giới II. Tài năng của ông được đánh giá cao trong việc chỉ huy, phối khí.
Tình cờ, các buổi biểu diễn gây được sự chú ý với Charles Aznavour và Maurice Chavalier, hai nghệ sỹ hàng đầu của Pháp lúc bấy giờ. Paul trở nên thân thiết với Charles Aznavour, được ông mời làm nhạc trưởng và phối khí cho các sản phẩm âm nhạc của mình. Trong suốt thập niên 1940 và 50, Paul có cơ hội tiếp xúc và làm việc với rất nhiều nghệ sỹ Pháp thông qua Charles. Khi đó, Paul là người chịu trách nhiệm chính về hòa âm cho các nghệ sỹ khác.
Giữa thập niên 60, tên tuổi Paul Mauriat được biết đến rộng rãi nhờ siêu phẩm Love is Blue (Tình yêu màu xanh). Ca khúc mang hơi thở pop, chất tình ca Pháp nhẹ nhàng với giai điệu không thể nào quên. Love is Blue thực chất là một bản nhạc tham dự cuộc thi âm nhạc châu Âu Eurovision Contest của đội Luxembourg. Lúc đầu, ông không hào hứng với việc chơi lại bản nhạc nhưng do hãng đĩa Philips phát hành nên đồng ý. Paul Mauriat đã thổi vào bản nhạc sự mới mẻ của nhạc cổ điển lẫn trong pop, một cuộc cách tân thời điểm đó.
Theo đuổi dòng nhạc dễ nghe (easy-listening)
Đĩa nhạc này chỉ bán được 30.000 bản tại Pháp nhưng DJ Alan Mitchell chơi lại bản nhạc Paul và hỏi ý kiến người nghe. Hàng loạt cú điện thoại yêu cầu, DJ chuyển yêu cầu sang trên kênh radio. Bài hát nhảy lên hạng 1 trong 5 tuần liên tiếp. Album Blooming Hits, kèm bản nhạc Love is Blue nhảy lên vị trí ăn khách nhất. Đây là niềm tự hào của nhạc hòa tấu và cả nước Pháp khi có album khuynh đảo bảng xếp hạng âm nhạc Hoa Kỳ.
Thành công của Paul Mauriat trên nước Mỹ như bệ phóng cho tên tuổi của ông lan ra toàn cầu. Các bản nhạc ông sáng tác, hòa hấu đều tập trung vào thể loại easy-listening (dễ nghe) có giai điệu rất dễ thuộc. Hơn thế nữa, xu thế giao thoa giữa hai thể loại pop và nhạc cổ điển lúc đó còn khá mới mẻ. Đây là lý do chính tạo nên thành công của Paul Mauriat trong thời kỳ vàng son này.
Chiếm lĩnh trái tim khán giả Nhật
Từ năm 1967 đến 1972, Paul chuyên tâm sáng tác cho ngôi sao ca nhạc Pháp Mireille Mathieu và đóng góp cho phần hòa âm của Charles Aznavour. Đối với Charles Aznavour, Paul đã dàn dựng tổng cộng 135 bản nhạc khác nhau. Khá bất ngờ, thập niên 1970 lại chứng kiến sự tụt dốc của Paul Mauriat tại Mỹ, thị trường âm nhạc lớn nhất. Các ca khúc mới không gây được nhiều tiếng vang trên thị trường này ngoài bản hit Love in the every room trong phim Chitty Chitty Bang Bang.Mặc dùông không lặp được kỳ tích của bản nhạc Love is blue năm nào nhưng doanh số bán đĩa nhạc mang tên Paul Mauriat vẫn khá đều đặn, khoảng 800.000 bản/năm tính đến năm 1996. Ông trung thành với thể loại nhạc hòa tấu mang hơi hướng pop, dễ nghe và không quá kịch tính, hóc búa với khán giả.
Một lý do khác là ông quay trở về dòng nhạc cổ điển thay vì tập trung vào pop như thập niên 60. Paul thể hiện một số tác phẩm của Chopin, Bach và Pachabel như Grande valse brillante, Toccata và Fugue cung Rê thứ, Canon. Tuy kém hấp dẫn tại Mỹ, Paul Mauriat giành được sự hâm mộ đông đảo của khán giả Nhật. Ông là nghệ sỹ quốc tế duy nhất chơi hai đêm nhạc mà vé bán sạch trong chỉ một ngày tại địa điểm danh tiếng Nippon Budokan tại thủ đô Tokyo. Các nhóm nhạc lừng danh như The Beatles, Eric Clapton hay Kiss từng biểu diễn tại đấu trường trung tâm này.
Xuyên suốt sự nghiệp, Paul Mauriat đã tổ chức tới 1.000 show diễn tại Nhật. Ông khéo léo biết cách lấy lòng khán giả Nhật khi giới thiệu các bản nhạc bằng tiếng Nhật trước phần trình diễn. Nhờ vậy, ông có hợp đồng dài gần ba thập kỷ với hãng đĩa Philips và Pony Canyon tại Nhật. Lần trình diễn cuối cùng của ông diễn ra vào năm 1998 tại Osaka khi đó ông đã 73 tuổi.
Di sản âm nhạc đồ sộ
Paul Mauriat thành lập dàn nhạc mang tên ông Le Grand Orchestre de Paul Mauriat từ năm 1965. Cùng với dàn nhạc, ông xuất bản hàng trăm ghi âm và hợp tuyển âm nhạc khác nhau trong suốt 28 năm tồn tại. So với đồng nghiệp, ông sở hữu catalogue âm nhạc (bản quyền trình diễn) cho hơn 1.000 ghi âm với hãng đĩa PolyGram. Ông nghỉ hưu năm 1998 nhưng dàn nhạc mang tên ông vẫn biểu diễn cho tới khi ông qua đời vào năm 2006. Cựu thành viên chơi piano Gilles Gambus trở thành nhạc trưởng thay thế cho Paul Mauriat. Ông trút hơi thở cuối cùng tại miền nam nước Pháp, Perpignan và hưởng thọ 81 tuổi.
Cho đến giờ, khán giả vẫn nhớ về Paul Mauriat như hình với bóng cùng bản nhạc Tình yêu màu xanh năm nào. Ông là người phả hơi thở pop vào dòng nhạc cổ điển thính phòng.
(Theo AllMusic, New York Times, Encyclopedia)