Lệ Thu
Vượt lên trên khá nhiều tranh luận xung quanh việc có xứng đáng được danh hiệu cao quý nhất tại lễ trao giải Oscar lần thứ 91 hay không, “Cẩm nang xanh” vẫn là một bộ phim chất chứa nhiều cảm xúc, mà trong đó người ta tìm thấy những nụ cười, những chân thành và cả những xót xa.
Truyện phim kể về câu chuyện có thật giữa một nghệ sĩ dương cầm da màu chơi nhạc Jazz – Don Shirley – và người vệ sĩ kiêm quản lí tour diễn của ông, Tony Lip Vallelonga, cùng tình bạn của họ trong suốt chuyến lưu diễn dài hai tháng xuôi theo miền Nam nước Mỹ đầu những năm 60 của thế kỉ trước. Ai cũng biết, thời điểm đó, đạo luật Jim Crow với đầy những quy tắc hà khắc nhắm vào người da màu vẫn đang rất thịnh hành ở nơi đây. Bởi vậy, nhắc tới “Cẩm nang xanh”, người ta nghĩ ngay tới một bộ phim với nội dung phân biệt chủng tộc, đặc biệt, phim lại lấy cảm hứng từ cuốn sách “The Megro Motorist Green Book”, cuốn sách được coi là Cẩm nang du lịch dành cho người da màu.
Nhưng, hơn thế nữa! Nếu bạn đang tìm một cái gì khá nhẹ nhàng, pha chút hài hước, chân thành, mộc mạc, với những bản nhạc Jazz tuyệt vời và một tình bạn kì lạ đầy sức mạnh thì đây chính là lúc bạn nên ngồi xuống, dành hơn 130 phút để thưởng thức tác phẩm gây tiếng vang với rất nhiều giải thưởng danh giá này.
Đời người là những chuyến đi…
Trái ngược với phần lớn những bộ phim cùng đề tài nổi tiếng khác, “Cẩm nang xanh” xây dựng hai nhân vật đối lập nhau. Đó là Tony Lip, một anh chàng da trắng Mỹ gốc Ý côn đồ, thô thiển, bỗ bã, thậm chí có vẻ ít học, làm bảo vệ tại một câu lạc bộ đêm vừa đóng cửa. Đó là Don Shirley, một nghệ sĩ dương cầm da màu đầy tri thức, hiểu biết, có phần kiêu ngạo tự phụ sống một mình trong một căn hộ được trang hoàng như cung điện dát vàng. Họ gặp nhau, đồng hành cùng nhau, từ những vô tâm, vô cảm rồi dần trở nên gắn kết và thấu hiểu.
Bộ phim thuộc thể loại phim Hành trình, các nhân vật chính sẽ trải qua một chuyến đi với nhau để rồi từ đó cùng thay đổi, cùng tìm ra những bài học đắt giá cho riêng mình.
Tony, anh chàng có vóc người to cao vạm vỡ, với triết lí sống vô cùng đơn giản. Sự phân biệt chủng tộc dường như ăn vào tiềm thức như một thói quen mà có lẽ chính anh cũng không nhận ra. Ví như anh vẫn vứt ly nước của một người da màu vừa uống vào thùng rác để không phải dùng lại nó, nhưng anh vẫn nghe nhạc của những nghệ sỹ da màu tài năng như là Aretha Franklin hay vẫn thưởng thức gà rán một cách ngon lành và coi đó là món ăn ngon nhất thế giới. Cũng vì thế, việc làm công cho một người da màu không phải mối bận tâm lớn nhất của Tony.
Không thể không ngạc nhiên trong lần đầu Tony gặp Don tại căn hộ sang trọng hoành tráng của anh ta. Phân đoạn này quá ấn tượng với người xem khi Tony, một người da trắng, ngồi bên dưới, còn Don, một người da màu, ngồi trên chiếc ghế như ngai vàng và nhìn xuống dưới như thể ông chủ nhìn một người giúp việc đúng nghĩa. Tuy nhiên, với Tony, khoản tiền lương kếch xù mới là điều đáng chú ý, nhất là khi anh vừa bị mất việc ở câu lạc bộ ban đêm.
Thế nhưng, chuyến đi này đúng nghĩa là cả một cuộc đời với Tony. Nó biến chuyển anh hoàn toàn, từ một kẻ vô tâm, làm vì tiền, cho tới một người am hiểu, trân trọng tài năng của Don và cuối cùng, là người cảm thông, chia sẻ, gần gũi Don hơn bất cứ ai. Đó là những lần Tony tựa cửa nghe Don chơi đàn, tận mắt chứng kiến những người da trắng ngồi ngây ngất trước những ngón đàn của Ông chủ. Là những lần tai nghe mắt thấy sự khinh miệt mà cũng chính những người ấy dành cho Don phía sau sân khấu. Không được ngồi chung bàn, không được dùng chung nhà vệ sinh, thậm chí không được ngồi chung phòng… là những thứ khiến Tony cảm thấy vô lí cùng cực. Don bỗng trở nên đáng kính trọng và xứng đáng được hưởng những sự cư xử công bằng.
Tony không còn là một người làm công nữa, cũng không còn nhìn Don với con mắt của một người da trắng nhìn một người da màu nữa. Anh đã đánh nhau, đấu tranh vì Don bằng lòng khâm phục và tình thương giữa con người với con người. Vụ ẩu đả trong quán bar để bảo vệ Don khỏi những kẻ da trắng kì thị. Gây gổ với người thu xếp nhạc cụ cho Don chỉ vì anh ta đã không chuẩn bị cây đàn như Don yêu cầu. Đánh cả cảnh sát vì họ đã khinh miệt và nhốt Don vô lí hay túm cổ áo người quản lí nhà hàng nơi Don diễn chỉ vì không cho Don ngồi ăn trong phòng… Những sự thay đổi cứ thế từ từ đến với Tony, tự nhiên và không hề có bất kì tính toán nào.
Người ta thấy ở Tony không chỉ là một người đầy nhiệt huyết với Don mà còn là một người sống rất tình cảm với vợ của mình. Anh liên tục viết thư cho vợ với những lời lẽ thô nhưng thật khiến Don đã phải mở lời giúp đỡ. Những câu văn dần trau chuốt hơn, mượt mà hơn, đẹp và nên thơ hơn… khi Tony thể hiện tình cảm của mình với vợ và miêu tả những nơi họ đã đi qua.
Núi trong lòng mới là Núi
Nhưng, có vẻ bộ phim không chỉ dừng lại ở đó. Cái thông điệp “Thay đổi trái tim người khác cần nhiều sự dũng cảm” không chỉ dành cho trái tim của những người da trắng như Tony, mà nó còn dành cho trái tim cũng đang cần được thay đổi của Don.
Càng đắm chìm trong “Cẩm nang xanh” người ta càng cảm thấy rõ ràng rằng sự bình đẳng mà bộ phim hướng tới là sự bình đẳng trong chính mỗi người, như Don là một ví dụ. Người xem nhận ra chuyến đi mà Don lấy cảm hứng từ cuốn “cẩm nang dành cho người da màu” là hành trình tìm lại bản thân của anh. “The Megro Motorist Green Book” của tác giả Victor Hugo Green là cẩm nang du lịch vào giữa thế kỉ 20 dành cho khách du lịch người Mỹ gốc Phi nhằm giúp họ tìm kiếm những nhà nghỉ và nhà hàng sẽ chấp nhận họ – cũng chính là cuốn sách mà Don luôn mang bên mình trong suốt chặng đường của hai người.
Có một câu thoại của Don Shirley đã nói lên tất cả : “Nếu tôi chưa đủ đen, nếu tôi chưa đủ trắng, hay nếu tôi chưa đủ đàn ông… thì tôi là gì?”. Loanh quanh trong thế giới của riêng mình, Don không thể hòa nhập với người da trắng và cũng tách biệt bản thân với những người da màu. Anh bị sự lạc lõng và cô độc bủa vây, mất phương hướng, mất sự định nghĩa về bản thân. Tự phụ nhưng dường như cũng quá tự ti, Don không chấp nhận sự thật rằng anh cũng là một người da màu hoặc chính anh đang muốn chối bỏ điều đó.
Bằng chứng là Don đặt mình lên trên màu da của mình, anh không nghe nhạc của những nghệ sỹ da màu khác, thậm chí chưa bao giờ ăn món gà rán. Khi chiếc xe bị hỏng dọc đường, hai bên là cánh đồng, Tony loay hoay sửa còn Don thì đứng tựa lưng vào nhìn ngắm trời mây. Ta bắt gặp cảnh những người nông dân da màu đang làm ruộng ngẩn mặt nhìn cả hai vô cùng khó hiểu. Don đã chui vào trong xe để lẩn tránh những con mắt tò mò đầy ngơ ngác ấy. Dường như, anh không muốn đặt mình ngang hàng với họ, những người cùng màu da với anh.
Cái vẻ kiêu kì, ngạo mạn được hiểu chỉ như là cái vỏ che giấu phần nhiễu loạn trong tâm chí Don và chuyến đi này là câu trả lời cho câu hỏi “Tôi là gì” cứ mãi luẩn quẩn chưa tìm thấy lối ra của anh.
Don đã từng diễn ở Nhà Trắng và nhiều bữa tiệc quan trọng của chính phủ. Anh quen biết nhiều người quyền cao chức trọng. Chỉ cần một cú điện thoại của anh là cảnh sát phải thả họ ra với những lời xin lỗi rối rít. Nhưng như vậy thì sao? Sau ánh đèn sân khấu và những lời chào mừng nồng nhiệt thắm thiết thì anh vẫn phải ngồi riêng một góc, phải ăn riêng bên ngoài phòng ăn và bị phân biệt đối xử khi bước chân trên phố. Tony thắc mắc tại sao Don cứ nhất định phải đi xuôi về phía Nam. Thì câu trả lời là đây. Là những lần bị đánh, bị chửi rủa, bị bắt bớ vô cớ… chỉ vì màu da. Don đang cần tìm lại chính mình.
Rồi, chuyến đi đã đạt được mục đích của nó. Don có câu trả lời cho Trái tim anh. Con người ta không thể hoàn hảo theo cách người khác nhìn vào. Tony là một người da trắng thô thiển nhưng chân thành, đầy ắp yêu thương. Don là một người da màu nhưng tài năng và đa cảm. Lần đầu tiên, Don ăn gà rán bằng tay không cùng với Tony. Lần đầu tiên, Don tự lái xe còn Tony thì ngủ vùi ở ghế sau – quá mệt vì phải chạy xe trong bão tuyết. Cũng là lần đầu tiên, Don tới nhà người khác vào đêm Giáng Sinh, tới với gia đình của Tony.
Hành trình thay đổi của Tony cũng là hành trình khiến Don nhận ra chính anh cũng phải tìm thấy sự dũng cảm để sống khác đi, để là chính mình.
Phim do đạo diễn Peter Farrelly đồng biên kịch với Brian Currie và Nick Vallelonga, con trai của Vallelonga – Tony Lip – hợp tác viết kịch bản dựa trên những cuộc phỏng vấn Tony và Don, cùng những bức thư mà Tony đã viết cho vợ trong suốt hành trình kéo dài hai tháng của họ. Vì vậy, người ta có thể cảm nhận được từng chi tiết trong phim vô cùng sống động, chân thực và giàu cảm xúc. Đặc biệt, với tông màu xanh vàng hoài cổ cùng những bản nhạc Jazz tuyệt mỹ, “Cẩm nang xanh” đích thật là một bức tranh đa màu sắc về một tình bạn đẹp và những trái tim dũng cảm dám đổi thay.
—