Qua bao biến cố, bể dâu. Từ mất tên, mất đất, mất những dấu ấn và di sản… bị hoà trộn đủ loại văn hoá/con người tạp nham. Sài Gòn vẫn giàu nhất Việt Nam, vẫn là nơi nhiều người trong nước muốn hướng tới nhất. Là chỗ có nhiều tấm gương tốt nhất.
Có lẽ vì Sài Gòn là thành phố năng động, dễ thích nghi với sự thay đổi nhưng không dễ làm mất đi cái chất riêng của mình. Thị dân ở đây cũng buộc phải như vậy nếu muốn gắn kết, đứng vững với miền đất này. Khi đã quá quen với thay đổi, người ta sẽ tự đổi thay để sống tốt hơn. Bởi vậy, ít khi nào bạn tìm thấy một người bỏ cuộc tại Sài Gòn, thua keo này thị dân bày ngay keo khác. Sau đợt giãn cách xã hội vừa rồi, đi một vòng Sài Gòn, bạn sẽ thấy điều đó. Chủ cửa hàng bự hết vốn, dời vô hẻm mở cửa hàng nhỏ. Bởi dịch mà không làm nghề này được, người ta đổi nghề để tiếp tục sinh tồn. Dĩ nhiên, không phải lúc nào sự thay đổi cũng tốt. Có người nói thông minh hay không là nhờ bẩm sinh và rèn luyện, nhưng lương thiện là sự lựa chọn. Và làm sao để thay đổi chứ không biến đổi, rất khó. Nhất là giữa cái thời một mét vuông có 3 tên ăn trộm, 30 tên lãnh đạo…
Ðâu phải ai cũng có sẵn tiền như bà Kim Hoàn, bán vàng ế quá thì mở thêm cái tiệm tạp hóa, bán thêm rau, thịt, đồ khô. Vì nhiều chợ chồm hổm bị dẹp hết do dịch và không phải ai cũng muốn đi xa hơn để mua đồ dùng, đồ ăn. Sau giãn cách, nhiều tiệm tạp hoá, sạp rau đã mở ra như vậy khắp Sài Gòn.
Ðâu phải ai cũng có tay nghề như cô Năm, trước khi giãn cách đi bán vé số. Sau mấy tháng giãn cách xã hội bị bó chân ở nhà, cô đã luyện được một tay nấu cháo trắng siêu phàm (vì không còn gì khác để ăn). Nay cô mượn vốn mua cái tủ bán bánh mì cũ của người ta về bày ra hàng cháo trắng hột vịt muối, thịt kho tiêu, dưa món… Chỉ có cái lò than, cái nồi cháo lúc nào cũng thơm thơm mùi lá dứa, cùng tủ kính bày vài trứng muối, dĩa dưa mắm, ui thịt kho và tờ giấy in chữ «bán đem về» dán bên hông, vậy mà đắt như tôm tươi. Có khi phải nấu thêm cháo vì khách đặt hàng quá nhiều. Chắc vì sau mấy tháng trời bị “nhốt, đa số người lao động cũng quen ăn cháo trắng (nhưng không nấu ngon bằng cô Năm). Chỉ có gạo bỏ vô luộc với nước thôi mà cả một đại dương “bí kíp” chứ hổng đùa. Không chỉ cháo trắng cô Năm, Sài Gòn còn có những bánh cuốn cô Sáu, xôi vò cô Bảy, bún riêu cô Tám… mới tinh sau những tháng giãn cách.Xem thêm: Âm mưu bị lật tẩy
Ðâu phải ai cũng có gương mặt «sáng sân khấu» và giọng nói ngọt như con Liên tiếp viên quán karaoke (ôm) đầu đường, để chỉ qua mấy tháng mùa dịch nặng nề đã có thể lấn sân vào giới giải trí với hình tượng cô thôn nữ trong sáng, ngọt ngào cùng «nghệ danh» có vẻ quê quê: Bé Ba. Sau những video clip review cuộc sống sân vườn, dạy đạo lý… trên các trang mạng xã hội (trong lúc các quán bia/karaoke bị buộc đóng cửa do giãn cách). Kèm với kỹ nghệ lăng-xê của một công ty truyền thông có tiếng. (Vài năm sau, rủi Bé Ba được lăng-xê thành “diva” thì nhớ “mua” cái miệng của cả cái xóm này, đặc biệt là Du Uyên nghen!)
Cũng không phải ai cũng có chí làm giàu và khả năng chịu khó như nhỏ bạn của tôi – mở công ty may gia công đúng dịp dịch trở nặng tại Sài Gòn, thế là mộng “chủ tịch” chết non. Không chùn bước, nó trả mặt bằng, thanh lý vật liệu, máy móc… Xong mở luôn một quán ăn trên mạng xã hội. Rồi ngày ngày dùng nước mắt chan cơm vì bị chửi tập nấu đồ ăn còn bán mắc. Mỗi tuần nó đổi một món, món nào được ít đánh giá tệ thì hôm sau nó nấu bán tiếp, món nào toàn bị chê thì nó đổi. Tuy rất quý mến và yêu thương, nhưng vì tình bạn vững bền, tới giờ tôi vẫn chưa dám ủng hộ nó món nào. Cũng không dám kêu nó qua cô Năm học nấu cháo trắng, sợ nó làm thành cháo… nâu. Những người có “quyết tâm” tương tự bạn tôi hiện nay khá nhiều, không biết nên buồn hay vui?
Nhiều công ty/cửa hiệu bị phá sản, đồng nghĩa với việc nhiều công nhân/nhân viên bị mất việc. Rất nhiều người chọn cách về quê ăn Tết sớm, chờ qua Tết thì trở lại Sài Gòn tìm cơ hội khác. Mà đâu phải ai cũng có của ăn của dành để chờ công việc/cơ hội mới năm sau hay bỏ vốn buôn bán riêng. Thế là họ cũng “bày keo khác” nếu không muốn “về quê cắm câu”, đôi khi cái “keo” họ chọn là sức khỏe của chúng sanh. Vì thời dịch Cúm Tàu, còn nghề nào “đắt khách” bằng nghề y?
Dạo gần đây, tôi nhìn đâu cũng thấy người ta bán thuốc men, kit test, bình oxy, khẩu trang y tế, nước sát khuẩn… Những thứ tưởng chừng như cần chuyên môn y tế của người bán và xuất xứ của mặt hàng. Ta nói, hôm rồi đi mua nước mía uống, thấy xe bán nước mía dán bảng “tại đây có bán que test COVID-19 hiệu quả” mà lạnh sống lưng, vì mặt hàng này được Trung Quốc “ngắm tới” gần đây và làm giả rất nhiều. Ngay cả vaccine còn bị giả. Làm sao người ta có thể tin và mua que test từ một người bán nước mía? Vậy mà cũng có người mua, nhiều là đằng khác. Không chỉ xe nước mía trên bán kit test, mà nhiều xe cháo lòng, bánh canh khác cũng bán…
Bởi vậy, sự xuất hiện của những bà “mẹ bỉm sữa” (mẹ có con nhỏ) chuyên bán “kem trộn” (kem dưỡng da giả, được trộn từ nhiều loại kem dỏm và thuốc kháng sinh, dễ gây hư da) nay còn bán thêm các loại thuốc trị cúm Vũ Hán (tên thì cùng loại với thuốc hiện nay chỉ có Bộ y tế VN mới có quyền lưu hành, nhưng công hiệu ra sao thì không biết), thuốc trị bá bệnh, thuốc tylenol… Những người chuyên bán nước hoa dỏm giá trăm rưỡi, trăm bảy VNÐ lại có thể quảng cáo mình bán thuốc “xách tay” từ Mỹ, Nga, Ấn Ðộ… Những cô diễn viên ế show, từng khoe đã quy y, cam kết ăn chay suốt đời… lại lên mạng chia sẻ cách trị cúm Tàu bằng cách ăn… giun đất, tư vấn trị bệnh online cho người nhiễm cúm Vũ Hán. Những nhân viên bán thuốc tây chưa có bằng dược, những hộ lý/tạp vụ trong các bệnh viện lại đi rao xét nghiệm, trị bệnh tận nhà cho ai có nhu cầu… không còn là chuyện gì lạ. Thậm chí, người ta thấy đó là điều hiển nhiên. Trong các mối quan hệ của tôi, có kha khá người như trên. Trong đó, tôi thấy buồn cười nhất là một chàng Việt Kiều Pháp, anh tự xưng là từng làm lính cứu hỏa bên Pháp, về Việt Nam lại thành cò đất, ca sĩ hội chợ… Mùa dịch vừa qua, chàng bỗng mặc áo blouse trắng, tư vấn bán thuốc “trị” cúm Vũ Hán, bán luôn bình oxy và thuốc chăm sóc sau khi nhiễm cúm Tàu… Mỗi lần thấy chàng đăng bài là tôi muốn gọi cảnh sát, nhưng nghĩ lại, chắc không ai rảnh mà xử.
Những người lợi dụng dịch bệnh để “lấn sân” qua ngành y tế (mà trong đầu không có chút chuyên môn nào), trục lợi trên sức khỏe và tiền bạc của người bệnh là những kẻ ác, đa số người thường sẽ nghĩ như vậy. Thật đáng buồn cho xã hội Việt Nam hiện thời, khi người “không bình thường” lại chiếm kha khá. Vì vậy, những y/bác sĩ dỏm cứ mọc ra như nấm, những người bán dụng cụ y tế không rõ xuất xứ/phẩm chất vẫn sống tốt và sinh sôi… khắp cõi mạng VN, có lượng khách hàng đáng kể. Thật nghịch lý, khi họ lại được tin tưởng trong cái thời đại mà hàng hàng lớp lớp lãnh đạo cấp cao ngành y tế VN đang bị bắt hoặc kỷ luật vì nâng khống thiết bị y tế, nhập thuốc ung thư giả, làm nhiều điều tồi tệ và mất hết nhân tính (chứ không riêng y đức). Cái thời mà ngay cả y/bác sĩ thiệt, có bằng cấp còn không được tin sau nhiều chuyện không may xảy ra. Càng nghịch lý hơn, khi họ không hề bị pháp luật ngó ngàng tới, dầu họ làm các việc trên một cách công khai rộng rãi. Nhưng cuộc sống mà, chuyện nghịch lý hơn nó còn nhiều gấp bội… Có lẽ tạo hóa sanh ra những con người u mê, không chịu suy nghĩ bình thường là để duy trì từ “lừa đảo” trong từ điển nhân loài?
Tuy nhiên, những người bị lừa mà tin vào kẻ lừa mình vẫn còn may mắn lắm, vì họ bị lừa một cách vô tư và hồn nhiên. Có rất nhiều người, biết mình bị lừa thảm hại, biết kẻ lừa mình chẳng ra gì, vẫn phải cắn răng để bị lừa, mới là bi kịch. Vì nếu không chịu để người ta lừa, phải là một kẻ đi lừa những người khác hoặc bị trù dập, loại bỏ khỏi xã hội này bằng nhiều hình thức. Như cách Sài Gòn đã phải chịu đựng bao năm qua. Mà đâu dễ có con người nào có sự năng động, thích nghi và bao dung như Sài Gòn, lại không làm mất đi chất riêng của bản thân.
Nhiều khi, tôi chỉ ước mình có nhiều nghị lực, nhiều sự bao dung, lương thiện và mạnh mẽ như mảnh đất này. Mà khó quá… Khi viết bài này, tôi vừa bị ngộ độc thức ăn mua từ một người mới tập nấu.