Thu Hằng
Biến thể Omicron của SARS-CoV-2 đã chiếm khoảng 73% số ca nhiễm hàng ngày tại Mỹ, theo dữ liệu ngày 18/12. Nhiều nước châu Âu buộc phải phong tỏa, hủy các hoạt động lễ hội tập trung đông người và tăng cường các biện pháp hạn chế để tránh biến thể Omicron lan rộng trong kỳ nghỉ lễ cuối năm.
Được phát hiện lần đầu ở Nam Phi và Botswana vào tháng 11/2021 với tên gọi khoa học B.1.1.529, hiện vẫn còn quá sớm để kết luận Omicron là “một biến thể không quá nguy hiểm” nhưng điều chắc chắn là Omicron sẽ lấn át biến thể Delta trong thời gian tới vì có đến 30 đột biến khác nhau so với chủng gốc từ Vũ Hán (Trung Quốc).
Ai là bệnh nhân đầu tiên của biến thể Omicron ? Đây là câu hỏi được trang France 24 đặt ra trong phần Giải mã (Décryptage) ngày 02/12/2021 : “Covid-19 : về nguồn gốc của các biến thể, dấu vết từ các bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch”.
Siêu biến thể Omicron xuất phát từ đâu ?
Cho đến giờ nguồn gốc của biến thể Omicron vẫn là một ẩn số nhưng một số nhà khoa học hướng đến giả thuyết các bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch, có thể là môi trường thuận lợi để các đột biến sinh sôi và tạo ra một biến thể mới. Từ nhiều tháng nay, họ nghiên cứu khả năng về mối liên hệ giữa những người có hệ miễn dịch bị suy giảm (đang chờ ghép tạng, bệnh nhân ung thư, người nhiễm HIV nhưng không được điều trị) với sự phát triển của các biến thể đáng lo nhất.
Cụ thể, theo giải thích với đài France 24 của nhà virus học Morgane Bomsel, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Quốc gia Pháp (CNRS) và Viện Cochin ở Paris : “Khi một bệnh nhân bị suy giảm hệ miễn dịch, virus sẽ ở lại rất lâu trong cơ thể người đó, đôi khi là nhiều tháng, trái với vài ngày đối với người bình thường. Hệ thống miễn dịch của người đó quá yếu và không thể thải virus”.
Một nghiên cứu đăng trên tạp chí Nature Communications ngày 04/11 nêu trường hợp một người đàn ông 58 tuổi, bị bệnh thận phải điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, đã bị nhiễm Covid-19 trong suốt 6 tháng. Tháng 12/2020, nhiều bác sĩ Mỹ cũng ghi nhận một trường hợp tương tự : một bệnh nhân được điều trị bằng thuốc ức chế miễn dịch, đã qua đời sau khi bị nhiễm Covid-19 suốt 154 ngày. “Trong suốt thời gian đó, virus có thể đã tích tụ thành hàng loạt đột biến và sinh ra một biến thể mới”, vẫn theo giải thích của nhà virus học Morgane Bomsel.
Cũng như mọi virus khác, SARS-CoV-2 có khả năng tái tạo, nhưng đôi khi xảy ra lỗi trong quá trình này và người ta gọi đó là một “đột biến”. Trong đa số trường hợp không có bất kỳ sự cố nào, nhưng không phải là không có ngoại lệ và việc này có thể dẫn đến khả năng lây nhiễm và độc lực của virus. Biến thể trở thành phiên bản mới của virus và mang theo những điều chỉnh này.
Giáo sư virus học Vicent Maréchal, đại học Sorbonne, giải thích với France 24 : “Ở những bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch, hệ thống miễn dịch không thắng được virus, nhưng sẽ vẫn chống virus. Quá trình đó sẽ gây ra điều mà người ta gọi là “áp lực lựa chọn””.
Nói tóm lại, trong cuộc chiến giữa virus và hệ miễn dịch, virus buộc phải tiến hóa và sẽ chỉ giữ lại những đột biến cho phép virus tiếp tục sản sinh và chống đỡ. Do đó sẽ chỉ còn những đột biến nguy hiểm nhất, có khả năng thoát được sức mạnh vô hiệu hóa của các kháng thể. Và virus, với những đột biến đó, sẽ lây lan nếu bệnh nhân lây cho một người khác.
Do đó, theo giáo sư Vincent Maréchal, “với số đột biến nhiều như vậy, có rất nhiều khả năng một bệnh nhân suy giảm hệ miễn dịch là nguồn gốc của biến thể Omicron”. Tuy nhiên, “đây không phải là lần đầu tiên một giả thuyết như vậy được nêu lên, nhà virus học Morgane Bomsel giải thích, mà từng được nhắc đến khi xuất hiện các biến thể Anh và Bêta”.
Nam Phi, vùng đất mầu mỡ
Nam Phi có lẽ là vùng đất thuận lợi cho kiểu tiến hóa như vậy, trong đó nguyên nhân chính là bệnh Sida (AIDS). Nam Phi có 7 triệu người sống với căn bệnh này, chiếm 12% dân số và 19% số người ở độ tuổi 15-45. Điều đáng nói là tỉ lệ bệnh nhân sida được điều trị lại rất ít, chỉ khoảng 57% người bệnh được điều trị trong năm 2017. Do đó, theo phân tích của giáo sư virus học Vincent Maréchal, “số người bị suy giảm hệ miễn dịch rất lớn, lại sống ở đất nước có tỉ lệ tiêm chủng thấp và là nơi virus lây lan nhanh. Rõ ràng đây là điều kiện để các biển thể có thể xuất hiện”.
Omicron cũng không phải là biến thể đầu tiên của SARS-CoV-2 được phát hiện ở Nam Phi. Trước đó có hai biến thể, từng được gọi là “biến thể Nam Phi”, sau đó được đổi tên thành Bêta và C.1.2. Tuy nhiên, “điều này cũng được hiểu là Nam Phi tiến hành nhiều giải trình tự gen cho phép nhận dạng các biến thể” và giáo sư Vincent Maréchal nhấn mạnh “không hẳn bệnh nhân số 0 là ở Nam Phi”.
Sau khi Nam Phi thông báo phát hiện biến thể mới Omicron, nhiều nước trên thế giới, như Hà Lan, thông báo dường như biến thể Omicron xuất hiện tại nước họ trước ngày phát hiện lần đầu tại Nam Phi. Dù nguồn gốc địa lý của Omicron hiện vẫn là một ẩn số, nhưng có lẽ biến thể Bêta đã xuất hiện lần đầu ở Nam Phi, theo một bài nghiên cứu đăng trên tạp chí Sciences ngày 09/09/2021.
Cụ thể, biến thể Bêta, được tách lần đầu tiên vào tháng 10/2020, được cho là xuất hiện ở những người nhiễm bệnh sida ở vịnh Nelson-Mandela, có thể là do khu vực này thiếu phương tiện điều trị bệnh nhân nhiễm HIV. Vịnh Nelson-Mandela nằm trong số những vùng trên thế giới tập trung đông người nhiễm virus HIV nhất nhưng lại không được điều trị thích hợp.
Nhờ những phân tích tin học, khi so sánh tất cả các biến thể thuộc dòng Bêta trên thế giới, các tác giả bài nghiên cứu phát hiện ra rằng 90% “tổ tiên” của những biến thể này đều xuất phát từ Nam Phi. Biến thể đầu tiên thuộc dòng Bêta đúng là xuất hiện ở vịnh Nelson-Mandela. Sau đó, virus lan nhanh sang những tỉnh khác ở Nam Phi, tiếp theo là các nước láng giềng. Vào tháng 03/2021, biến thể Bêta trở thành virus “thống trị” ở miền nam châu Phi, ở đảo Mayotte và đảo La Réunion.
“Biến thể có thể xuất hiện ở khắp nơi”
Tuy nhiên, không vì thế mà chỉ mặt điểm tên Nam Phi mà ngược lại, theo giáo sư Vincent Maréchal, “điều này cho thấy chuyện gì xảy ra khi cùng lúc gặp hai đại dịch và điều quan trọng là không được quên cuộc chiến chống sida để ưu tiên chống Covid-19. Chúng ta thấy rõ trong hai năm gần đây, các biến thể có thể xuất hiện ở khắp nơi, từ vùng Bretagne của Pháp đến Anh và Ấn Độ. Rất nhiều yếu tố cần được chú ý. Có nhiều điều về các biến thể mà chúng ta chưa hiểu hết được”.
Trong khi các nhà khoa học vẫn đang nghiên cứu để làm sáng tỏ cơ chế phát triển của các biến thể này, giáo sư virus học đưa ra một giả thuyết cuối : “Có thể là các biến thể xuất hiện dễ dàng hơn ở một số nơi, tùy theo bối cảnh văn hóa-xã hội và dịch tễ. Vì thế, cần phải xác định những khu vực đó và triển khai theo dõi để xem chuyện sẽ xảy ra”.
Covid-19: Các loại vac-xin và hiệu quả của liều tăng cường trước Omicron
Trọng Nghĩa
Đối mặt với biến thể Omicron, mức độ bảo vệ mà các loại vac-xin dùng công nghệ RNA thông tin cung cấp vẫn được ghi nhận là khả quan nhất cho đến nay. Tuy nhiên, giới khoa học lo ngại khả năng miễn dịch giảm dần theo thời gian, ngay cả sau ba lần tiêm.
Vài ngày trước lễ Giáng Sinh và Tết Dương Lịch, khi các gia đình phương Tây có truyền thống đoàn tụ xum vầy, dịch Covid-19 đang tăng tốc độ lây lan dưới tác động của biến thể Omicron.
Omicron đã chiếm 73% các ca nhiễm mới tại Mỹ, 20% tại Pháp
Theo Tổ Chức Y Tế Thế Giới, tính đến hết ngày 21/12/2021, biến thể có sức truyền nhiễm cực mạnh này đã được phát hiện ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, và càng lúc càng chiếm đa số các ca nhiễm.
Ví dụ rõ nhất là tại Mỹ, nơi Omicron đã chiếm 73% số ca nhiễm mới, một đà tăng chóng mặt so với tỷ lệ không đầy 1% vào đầu tháng.
Tại Pháp, theo phát ngôn viên chính phủ vào hôm qua, 21/12, số người bị nhiễm Omicron đã chiếm khoảng 20% các ca mới, một tỷ lệ cao gấp đôi so với cuối tuần trước. Riêng tại Paris, tỷ lệ này đã vượt mức 30%. Đối với giới chuyên gia, số ca nhiễm Omicron ghi nhận chính thức kể trên thấp hơn nhiều so với thực tế.
Tiêm chủng: Vũ khí chống Omicron duy nhất hiện nay
Để chống đà lây lan nhanh chóng của Omicron, hiện chỉ có một vũ khí duy nhất: đó là tiêm phòng, đặc biệt là tiêm liều tăng cường, tức là liều thứ ba đối với những người đã chích loại vac-xin hai mũi như Pfizer/BioNTech, Moderna, AstraZeneca, hoặc là liều thứ hai cho những ai đã dùng thuốc chủng của Johnson&Johnson.
Tại Pháp, tính đến ngày 20/12 chẳng hạn, theo thống kê từ bộ Y Tế, đã có hơn 19 triệu người được tiêm liều tăng cường, con số này sẽ tiếp tục tăng nhanh trong những ngày tới.
Câu hỏi đặt ra là hiệu quả của các loại vac-xin đang được phép sử dung là như thế nào, đặc biệt là đối với biến thể Omicron, được cho là có khả năng vượt qua hàng rào phòng ngự của tất cả các loại vac-xin hiện hành.
Tiêm chủng đơn giản không đủ hiệu quả
Tốc độ lây lan và vô số các dạng đột biến của biến thể được xác định vào cuối tháng 11 năm 2021 ở Nam Phi cho thấy là Omicron đã xuyên thủng hàng rào miễn dịch do vac-xin cung cấp dễ dàng hơn nhiều so với các biến thể trước đó.
Bất kể loại vac-xin nào được tiêm, các nhà khoa học đều đồng ý rằng hai liều không đủ để chống lại một cách hiệu quả tác động của biến thể mới này của Sars-CoV-2. Một nghiên cứu gần đây được đại học Imperial College Luân Đôn thực hiện thậm chí còn bảo đảm rằng mức độ bảo vệ sau hai liều không vượt quá 20%.
Một nghiên cứu khác được công ty bảo hiểm tư nhân Nam Phi Discovery Health thực hiện, đã đánh giá hiệu quả của hai liều vac-xin Pfizer-BioNTech chỉ ở mức 33% đối với dạng nhiễm Omicron nhẹ (80% đối với biến thể Delta) và mức 70% đối với nguy cơ phải nhập viện (93% so với Delta).
Viện Pasteur cũng phân tích máu của những người đã tiêm hai liều vac-xin Pfizer hoặc AstraZeneca. Kết luận: “5 tháng sau khi tiêm vac-xin, kháng thể có trong máu không còn khả năng vô hiệu hóa Omicron”.
Còn ông Ugur Sahin, giám đốc BioNTech, đối tác của Pfizer, thì đã xác nhận trong một cuộc phỏng vấn với nhật báo Le Monde rằng dữ liệu sơ bộ từ Anh Quốc cho thấy hiệu quả là khoảng “từ 20% đến 40% sau liều thứ hai”.
Liều tăng cường có hiệu quả hơn đối với Omicron
Theo một số nghiên cứu quốc tế được nhật báo Mỹ New York Times điểm lại, liều thứ ba dường như là giải pháp duy nhất để chống lại hiệu quả các dạng nhiễm nhẹ cũng như các dạng bệnh nặng do Omicron gây ra. Nhưng không phải tất cả các loại vac-xin đều có mức độ hiệu quả như nhau, các liều tăng cường Pfizer và Moderna, dùng công nghệ RNA thông tin, được cho là bảo vệ tốt nhất chống lại Omicron.
Vac xin Pfizer/BioNTech
Các nhà nghiên cứu Anh xác nhận rằng liều thứ ba của vac-xin Pfizer/BioNTech giúp tăng cường khả năng bảo vệ và phản ứng miễn dịch chống lại các dạng bệnh nhẹ của biến thể Omicron, với hiệu quả ước tính là 70% đối với những người ban đầu đã tiêm vac-xin AstraZeneca và khoảng 75% cho những người đã dùng Pfizer.
Viện Pasteur (Pháp) cũng đang xác nhận hiệu quả của liều thứ ba của vac-xin Pfizer/BioNTech chống lại Omicron. Các nhà nghiên cứu giải thích: “Một liều nhắc lại thứ ba với vac-xin Pfizer, hoặc một liều đầu tiên đối với những người trước đó đã bị nhiễm virus, làm tăng mạnh nồng độ kháng thể, đến mức đủ để vô hiệu hóa Omicron”.
Vac-xin Moderna
Trong một tuyên bố ngày 20/12, Moderna khẳng định: “Liều tăng cường hiện được cho phép là 50 microgam đã tăng mức kháng thể lên 37 lần, và liều tăng cường 100 microgam thậm chí còn mạnh hơn, làm tăng mức kháng thể khoảng 83 lần so với mức thu được sau hai liều đầu tiên.”
Vac-xin Janssen của Johnson & Johnson
Đây là loại thuốc duy nhất chỉ hoạt động với một liều duy nhất. Và cũng là vac-xin cuối cùng nhận được đèn xanh từ Cơ Quan Dược Phẩm Châu Âu (EMA) để được sử dụng như một liều tăng cường.
Trong một thông cáo báo chí vào tuần trước, EMA ghi nhận: “Liều tăng cường của vac-xin Janssen tiêm ít nhất hai tháng sau liều đầu tiên ở người lớn đã dẫn đến sự gia tăng kháng thể chống lại Sars-CoV-2”. Tuy nhiên, không có số liệu nào về hiệu quả của loại vac-xin này đối với Omicron được tiết lộ.
Sức bảo vệ của vac-xin giảm dần theo thời gian
Nếu tác động tích cực của liều tăng cường đối với biến thể Omicron đã rõ, thì hiện nay, chưa đủ dữ liệu để xác định thời gian bảo vệ mà liều vac-xin tăng cường mang lại. Nhưng theo các nghiên cứu đã có, thì hiệu quả của thuốc chủng giảm dần với thời gian.
Mặc dù liều thứ ba rất cần thiết trong việc kiểm soát các bệnh nhiễm virus do biến thể Omicron gây ra, nhưng thời gian bảo vệ do liều tăng cường mang lại không chắc chắn. Đối với các nhà nghiên cứu tại Viện Pasteur, những người đã tiêm liều thứ ba của vac-xin Pfizer/BioNTech vẫn được bảo vệ chống lại Omicron một tháng sau khi tiêm. Họ cảnh báo: “Tuy nhiên, cần nhiều kháng thể gấp 5 đến 31 lần để vô hiệu hóa Omicron so với Delta”.
Theo Olivier Schwartz, một trong những tác giả chính công trình nghiên cứu của Viện Pasteur thì “vac-xin có thể mất hiệu lực trong việc chống lây nhiễm, nhưng tiếp tục bảo vệ chống lại các dạng bệnh nặng”
Theo Ugur Sahin, giám đốc BioNTech, phòng thí nghiệm của ông hiện đang nghiên cứu và có thể giao vào tháng 3 năm tới một loại “vac-xin phù hợp với Omicron”.
Câu hỏi đặt ra là nên chăng chuẩn bị những loại vac-xin cụ thể để chống lại từng biến thể và cụ thể là Omicron? Có lẽ, nhưng theo ông Alain Fischer, chủ tịch Hội Đồng Định Hướng Chiến Lược Tiêm Chủng của Pháp thì: “Tuyệt đối không nên chờ đợi một loại vac-xin đặc trị Omicron mà phải tiêm ngay liều tăng cường”.