Tin thế giới sáng thứ Ba

Tổng thư ký NATO muốn họp với Nga ngày 12/01/2022

image.png
Ảnh tư liệu: Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg (P) trong cuộc họp báo tại Litva, cùng với thủ tướng Ingrida Simonyte (T), Chủ tịch Ủy ban Châu Âu Ursula von der Leyen và tổng thống Litva Gitanas Nauseda ngày 28/11/2021. © AP Photo/Mindaugas Kulbis

Thụy My
Tổng thư ký Liên Minh Bắc Đại Tây Dương (NATO)Jens Stoltenberg quyết định tổ chức cuộc họp Hội đồng NATO – Nga vào ngày 12/01/2022 và đang tiếp xúc với Matxcơva về vấn đề này. Một viên chức NATO tại Bruxelles hôm 26/12/2021 cho AFP biết như trên.

Những tháng gần đây, ông Stoltenberg đã nhiều lần đề nghị Matxcơva tái lập đối thoại với Liên Minh Bắc Đại Tây Dương, hiện rất quan tâm đến xung đột ở Ukraina, nhưng Nga vẫn từ chối. Nga và phương Tây tố cáo lẫn nhau là khiêu khích qua việc tăng cường quân đội tại biên giới.

Suốt từ bảy năm qua, NATO không ngừng lên án việc Nga dùng vũ lực sáp nhập bán đảo Crimée hồi tháng 3/2014, đòi hỏi phải tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ của Ukraina. Đến giữa tháng 12, Nga đưa ra hai bản yêu sách, một cho Hoa Kỳ và một cho NATO, nêu rõ những đòi hỏi để xuống thang. Theo các văn bản này, NATO không được mở rộng, nhất là không kết nạp Ukraina, giới hạn việc hợp tác quân sự giữa phương Tây với Đông Âu và các nước thuộc Liên Xô cũ, cụ thể là rút các vũ khí nguyên tử của Mỹ khỏi châu Âu, triệt thoái các đội quân đa quốc gia của NATO khỏi Ba Lan và các nước vùng Baltic.

Cuộc họp ngày 12/01 là đề nghị đầu tiên của ông Jens Stoltenberg kể từ khi Nga công bố các yêu sách nói trên. Cùng ngày hôm đó, dự kiến sẽ có hội nghị Ủy ban Quân sự của NATO, với sự tham dự của tổng tham mưu trưởng 30 quốc gia thành viên. Thứ Năm tuần trước, ông Stoltenberg tái khẳng định ủng hộ Ukraina và quyết tâm bảo vệ tất cả các đồng minh của NATO chống lại các hành động của Nga, đồng thời cho biết sẵn sàng đối thoại với ông Putin.

Về phía Nga, Reuters hôm qua dẫn lại nguồn tin từ bộ Quốc Phòng cho biết Matxcơva đang cân nhắc đề nghị của tổng thư ký NATO. Hãng tin Anh nhắc lại, Hoa Kỳ, Liên Hiệp Châu Âu và nhóm G7 đều cảnh báo tổng thống Putin về những « hậu quả to lớn », kể cả trừng phạt kinh tế nghiêm khắc, nếu Nga xâm lăng Ukraina.

Thủ tướng Scholz bị chỉ trích vì các hợp đồng bán vũ khí thời Merkel

image.png
Thủ tướng Đức Olaf Scholz tại Quốc Hội Đức, Berlin, Đức, ngày 15/12/2021. Tobias Schwarz AFP

Thụy My
Trong những ngày cuối nhiệm kỳ, chính phủ Angela Merkel đã thông qua vào phút chót các hợp đồng bán 4 tỉ euro vũ khí cho các khách hàng nước ngoài, chủ yếu là Ai Cập. Việc này đang bị chỉ trích, nhất là trong liên minh cầm quyền mới, khiến tân thủ tướng Olaf Scholz cũng bị ảnh hưởng.

Từ Berlin, thông tín viên Léo Bräuer-Potier tường trình :

« Năm 2021 là một năm kỷ lục về bán vũ khí và thiết bị quân sự của Đức. Tổng cộng Đức đã bán ra 9 tỉ euro vũ khí, trong đó có 4 tỉ được thông qua vội vã trong những ngày cuối cùng của chính quyền Angela Merkel. Cụ thể, đó là việc cấp những giấy phép xuất khẩu mà các doanh nghiệp Đức chờ đợi để giao các chiến hạm và hệ thống phòng không, chủ yếu cho Ai Cập.

Đã có những chỉ trích, vì đương kim thủ tướng Scholz cũng chính là bộ trưởng tài chính trong chính quyền tiền nhiệm đã vội vàng cấp phép xuất khẩu. Tân ngoại trưởng Anna Lena Baerbock nói rằng bà muốn có một luật nghiêm khắc hơn về xuất khẩu vũ khí, nhất là để kiểm soát đích đến thực sự. Điều này cho thấy một số người lo ngại Ai Cập, khách hàng mua vũ khí thứ nhì của Đức, có thể gởi những khí giới mua được sang Libya hay Yemen, những khu vực chiến sự mà Ai Cập có lợi ích nhưng nhân quyền thường xuyên bị vi phạm. »


Đảng Xanh và cánh tả từ lâu vẫn đòi xét lại kỹ lưỡng các hợp đồng vũ khí, trong khi cánh bảo thủ bác bỏ yêu cầu này, nhấn mạnh tất cả đều đúng luật. Một nhân vật đảng CDU tuyên bố việc các nước Trung Đông mua vũ khí sản xuất tại Liên Hiệp Châu Âu là điều tốt cho Đức, vì nếu họ quay sang mua của Trung Quốc hay Nga, Đức sẽ không còn ảnh hưởng chính trị trong khu vực.

Seoul kêu gọi Bình Nhưỡng « bắt đầu năm mới bằng đối thoại »

image.png
Lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong Un và tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in trong Ngôi nhà Hòa bình tại Bàn Môn Điếm ngày 27/04/2018. AP

Thùy Dương
Bộ Thống Nhất Hàn Quốc hôm nay 27/12/2021 kêu gọi Bắc Triều Tiên bắt đầu năm 2022 bằng một bước hướng tới đối thoại và hợp tác. Thông báo của Seoul được đưa ra trong bối cảnh Bình Nhưỡng đang chuẩn bị họp đảng Lao Động Triều Tiên trong tuần này để giải quyết các vấn đề đối nội và đối ngoại.


Theo hãng tin Hàn Quốc Yonhap, chính quyền Bắc Triều Tiên trước đó đã thông báo Ban Chấp hành Trung ương Đảng sẽ họp hội nghị toàn thể trong khoảng thời gian 10 ngày cuối tháng 12/2021 để thảo luận và quyết định về các kế hoạch hành động cho năm 2022.

Trong một cuộc họp báo định kỳ, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hàn Quốc Lee Jong Joo nhắc lại là hội nghị toàn thể Ban chấp hành TRung ương thường diễn ra trong từ 1 đến 4 ngày với sự hiện diện của lãnh đạo Kim Jong Un, và chính phủ Hàn Quốc đang theo dõi sát sao việc tổ chức sự kiện mà trong đó rất có thể Bình Nhưỡng sẽ đưa ra những thông điệp về quan hệ liên Triều hoặc về các cuộc đàm phán hạt nhân.

Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Hàn Quốc Lee Jong Joo cũng nói thêm là Seoul « hy vọng Bắc Triều Tiên sẽ bắt đầu năm mới bằng cách mở ra cánh cửa đối thoại với cộng đồng quốc tế và tiến một bước hướng đến cam kết và hợp tác ».

Xin nhắc lại các cuộc đàm phán hạt nhân giữa Bắc Triều Tiên và Hoa Kỳ đã gặp bế tắc kể từ sau thất bại của thượng đỉnh Mỹ – Triều tại Hà Nội hồi tháng 02/2019. Cho đến nay, Bình Nhưỡng vẫn chưa hồi đáp các đề xuất mở của Hàn Quốc. Chế độ Kim Jong Un muốn trước tiên Washington phải rút lại điều mà Bình Nhưỡng xem là « cách hành xử không công bằng » và « chính sách thù địch » của Mỹ đối với Bắc Triều Tiên.

Thảm sát thường dân tại Miến Điện : LHQ kêu gọi “điều tra nghiêm túc và minh bạch”

image.png
Cảnh tàn phá tại thị trấn Hpruso, bang Kayah, Miến Điện ngày 24/12/2021. Ảnh do Lực Lượng Phòng Vệ Các dân tộc Karen (KNDF) cung cấp. Quân đội chính phủ Miến Điện bị cáo buộc tấn công sát hại thường đân. AP

Trọng Nghĩa
Sau khi nhiều mạng xã hội tiết lộ thông tin và hình ảnh về vụ 35 thi thể cháy đen được phát hiện trong nhiều chiếc xe bị đốt tại thị trấn Hpruso, thuộc bang Kayah, miền đông Miến Điện, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc đặc trách các vấn đề nhân đạo ngày 26/12/2021 đã đánh giá đây là những thông tin “đáng tin cậy” và kêu gọi chính quyền Miến Điện mở một cuộc “điều tra nghiêm túc và minh bạch” về vụ thảm sát.

Trong một bản tuyên bố, phó tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Martin Griffiths đã bày tỏ thái độ “kinh hoàng” trước sự kiện này. Ông lên án vụ việc “nghiêm trọng” đó, cũng như “mọi vụ tấn công vào thường dân tại Miến Điện”, đồng thời kêu gọi chính quyền Miến Điện là phải “khởi động ngay lập tức một cuộc điều tra nghiêm túc và minh bạch”.

Hôm thứ Bảy 25/12 vừa qua, các bức ảnh được đăng trên mạng xã hội cho thấy hai chiếc xe tải và một chiếc xe hơi bốc cháy trên một con đường ở thị trấn Hpruso, với nhiều thi thể bên trong.  

Trả lời hãng tin Pháp AFP, một thủ lĩnh của Lực Lượng Phòng Vệ Các dân tộc Karen, thuộc phong trào vũ trang nổi dậy chống chính quyền quân sự Miến Điện, xác nhận đã tìm thấy ít nhất 27 thi thể tại hiện trường. Còn theo trang thông tin Myanmar Witness, đã có “35 người, bao gồm cả trẻ em và phụ nữ, đã bị quân đội đốt và giết vào ngày 24/12 tại thị trấn Hpruso.”

Về phía chính quyền, phát ngôn viên của tập đoàn quân sự Zaw Min Tun thừa nhận rằng các cuộc đụng độ đã nổ ra tại khu vực này vào thứ Sáu 24/12, lực lượng chính phủ đã hạ sát một số người, nhưng không cho biết thêm chi tiết.

Miến Điện đã chìm vào hỗn loạn kể từ cuộc đảo chánh ngày 1/2 do quân đội tiến hành, lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi. Chính quyền quân sự Miến Điện đã thẳng tay đàn áp phong trào phản đối bằng những biện pháp tàn bạo, kể cả bắn thẳng hay tông xe vào đám đông biểu tình, trong lúc quân đội Miến Điện thường xuyên bị tố cáo thảm sát thường dân trong những vụ bố ráp.

Tư Pháp Miến Điện dời ngày công bố bản án nhắm vào bà Aung San Suu Kyi
Về tình hình chính trị, một tòa án Miến Điện vừa quyết định dời việc công bố bản án nhắm vào cựu lãnh đạo Aung San Suu Kyi qua ngày 10/01/2022 thay vì hôm nay, 27/12/2021, trong vụ xử bà về tội danh vi phạm các quy định về viễn thông.

Bị bắt giam từ cuộc đảo chánh, bà Aung San Suu Kyi bị chính quyền quân sự truy tố trong gần 10 vụ án, với mức án tù có thể lên đến tổng cộng hơn 100 năm. Nhà lãnh đạo 76 tuổi đã phủ nhận mọi cáo buộc đối với bà, trong lúc những người ủng hộ bà đã tố cáo các thủ tục pháp lý vô căn cứ nhằm mục đích chấm dứt sự nghiệp chính trị của bà và cho phép quân đội củng cố quyền lực.

Hồi đầu tháng 12 này, người đoạt giải Nobel Hòa Bình năm 1991 đã bị tuyên án 4 năm tù về tội vi phạm các quy định phòng chống dịch Covid-19. Bản án này sau đó được giảm xuống còn hai năm và bà hiện bị giam giữ tại địa điểm bí mật. 

Khí hậu: Thiệt hại do các thiên tai trong năm 2021 cao hơn bao giờ hết

image.png
Ảnh minh họa: Hàng trăm người mất nhà sau trận bão Rai tại Philippines. Alan TANGCAWAN AFP

Trọng Thành
Theo một tổ chức phi chính phủ hôm nay, 27/12/2021, thiệt hại do các thiên tai bắt nguồn từ hiện tượng khí hậu bị hâm nóng đã lên tới ít nhất 170 tỷ đô la trong năm 2021, một con số có nguy cơ sẽ còn tăng cao.

Trong bản báo cáo thường niên vừa được công bố, tổ chức phi chính phủ Christian Aid của Anh ghi nhận rằng thiệt hại ước tính thành tiền của riêng 10 thảm họa thời tiết lớn nhất trong năm 2021 đã lên tới 170 tỷ đô la, một con số cao hơn mức gần 150 tỷ đô la của năm 2020. Thực tế này phản ánh tác hại ngày càng tăng của hiện tượng Trái Đất nóng lên.

Ngoài thiệt hại vật chất, 10 thảm họa thiên nhiên này cũng đã giết chết ít nhất 1.075 người và khiến hơn 1,3 triệu người phải tản cư.

Dù đã ở mức cực cao, nhưng Christian Aid cho rằng “thiệt hại trong thực tế còn nặng nề hơn, vì phần lớn đánh giá thiệt hại chỉ dựa trên các khoản tiền mà ngành bảo hiểm phải chi ra”.

Theo tổ chức này, nhiều sự kiện thời tiết khắc nghiệt tàn khốc nhất của năm 2021 lại xảy ra ở các nước nghèo, nơi mà hầu hết các thiệt hại không được bảo hiểm. Ở Nam Sudan chẳng hạn, lũ lụt trong năm 2021 đã ảnh hưởng đến khoảng 800.000 người, nhưng thiệt hại kinh tế lại không thể đánh giá được.

Trong bản xếp hạng được công bố trong báo cáo năm nay, thảm họa gây tốn kém nhất là cơn bão Ida (cuối tháng Tám, đầu tháng Chín), dẫn đến lũ lụt ở tại thành phố New York ở Hoa Kỳ, với thiệt hại kinh tế ước tính là 65 tỷ đô la.

Đứng thứ hai là trận lũ lụt tháng Bảy ở Đức, Bỉ và các nước lân cận, gây với thiệt hại lên đến 43 tỷ đô la. Kế đến là cơn bão mùa đông Uri ở Mỹ, với một cơn lạnh kéo tận đến Texas, ảnh hưởng đáng kể đến mạng lưới điện và gây ra 23 tỷ đô la thiệt hại. Một thảm họa thứ tư vượt quá 10 tỷ đô la thiệt hại, là trận lụt ở tỉnh Hà Nam của Trung Quốc vào tháng 7 với chi phí 17,6 tỷ đô la.

Trong số 10 thiên tai tốn kém nhất năm 2021, tổ chức Christian Aid còn ghi nhận đợt lũ lụt tháng 11 ở vùng British Columbia, Canada, (7,5 tỷ), đợt lạnh cuối tháng 4 ở Pháp đã tàn phá các vườn nho (5,6 tỷ), cơn bão Yaas ở Ấn Độ và Bangladesh vào tháng 5 (3 tỷ), bão In-Fa ở Trung Quốc tháng 7 (2 tỷ), lũ lụt ở Úc vào tháng 3 (2,1 tỷ) và bão Tauktae hồi tháng 5 ở Ấn Độ và Sri Lanka (1,5 tỷ).

Vào giữa tháng 12, công ty tái bảo hiểm Swiss Re đã công bố ước tính tổng thể về chi phí của các thảm họa thiên nhiên trong năm 2021 trên toàn thế giới là khoảng 250 tỷ đô la, tăng 24% so với năm 2020. 

Related posts