Giáo sư Harvard bị ĐCSTQ mua chuộc và nỗi ân hận muộn màng

An Liên

Giáo sư Đại học Harvard Charles Lieber (ảnh: Từ video của CBS Boston)

Theo Epoch Times, vào ngày 21/12, giáo sư Đại học Harvard Charles Lieber bị kết tội giấu giếm việc tham gia ‘Chương trình Ngàn nhân tài’ của ĐCSTQ. Charles Lieber là nhà khoa học hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ nano và là cựu trưởng khoa Hóa học của Đại học Harvard. Bộ Tư pháp Hoa Kỳ đã đệ đơn buộc tội ông vào tháng 1/2020.

Vụ việc này đã phơi bày âm mưu của ĐCSTQ trong việc dụ dỗ các chuyên gia, nhà khoa học phương Tây.

Công tố viên cho biết, năm 2011, ông Lieber đã đồng ý tham gia ‘Chương trình Ngàn nhân tài của ĐCSTQ với tư cách là ‘nhà khoa học chiến lược’ tại Đại học Công nghệ Vũ Hán. Kể từ đó, hai bên đã hợp tác trong 10 năm. Đại học Công nghệ Vũ Hán đã trả cho ông Lieber mức lương 50.000 USD/tháng, cùng với 158.000 USD chi phí sinh hoạt, một nửa lương được trả bằng tiền mặt và nửa còn lại gửi vào tài khoản ngân hàng Trung Quốc. Nhưng ông Lieber đã không khai báo khoản lương này vào tờ khai thuế thu nhập cá nhân năm 2013 và 2014, cũng như không báo cáo tài khoản ngân hàng.

Trước khi ông Lieber bị bắt, Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ và Viện Y tế Quốc gia, nơi đã cung cấp cho ông 15 triệu USD tài trợ nghiên cứu, đã thẩm vấn ông vì nói dối về việc tham gia vào một chương trình tuyển dụng của Trung Quốc.

Sau khi bị bắt vào đầu năm 2020, ông Lieber nói với các nhân viên FBI đã thẩm vấn ông rằng ông “vẫn còn non dại” khi liên hệ với Đại học Công nghệ Vũ Hán. Ông nói: “Tiền là một sự cám dỗ rất lớn. Đây là một trong những thứ mà Trung Quốc dùng để dụ dỗ mọi người”.

Tờ Wall Street Journal đã cập nhật báo cáo của mình vào ngày 22 tháng 12 rằng chính phủ Hoa Kỳ đã cáo buộc khoảng 24 học giả nói dối các nhân viên điều tra hoặc che giấu thông tin về mối quan hệ của họ với Trung Quốc, và 9 trong số các bị cáo đã nhận tội.

Một vài năm trước, chính quyền Trump đã bắt đầu một cuộc thanh trừng mạnh mẽ đối với hoạt động gián điệp của ĐCSTQ chống lại Hoa Kỳ, đặc biệt là hành vi trộm cắp tài sản sở hữu trí tuệ. Việc FBI mở cuộc điều tra đối với ‘Chương trình Ngàn nhân tài’ và các dự án khác, đồng thời xử lý một số nhà khoa học công nghệ có liên quan đã gây chấn động trong cộng đồng học thuật Mỹ. Việc xét xử các vụ án liên quan đã tiết lộ câu chuyện bên trong về sự thâm nhập của ĐCSTQ ở nước ngoài.

Vào ngày 1 tháng 8 năm 2018, Trịnh Tiểu Thanh (Zheng Xiaoqing), kỹ sư trưởng của General Electric Company (GE) và là thành viên của Chương trình Ngàn nhân tài của ĐCSTQ, đã bị FBI bắt giữ, ông bị cáo buộc đánh cắp các tập tin kỹ thuật số bí mật của công ty và cung cấp chúng cho các đối thủ cạnh tranh của GE tại Trung Quốc.

Trịnh Tiểu Thanh thú nhận với các nhân viên điều tra rằng ông đã sử dụng phương pháp bí mật để đánh cắp tài sản của General Electric từ 5 đến 10 lần khác nhau trong quá khứ. Ông cũng thừa nhận rằng công ty mà ông làm việc hoặc sở hữu ở Trung Quốc tham gia vào lĩnh vực kinh doanh công nghệ giống như GE. Hơn nữa, vì công ty của ông vẫn chưa tạo ra lợi nhuận nên đã nhận được hỗ trợ tài chính từ ĐCSTQ.

Vào tháng 9 năm 2017, Giáo sư Trương Dĩ Hằng (Zhang Yiheng) của Đại học Công nghệ Virginia đã bị FBI bắt giữ và bị buộc tội nhiều lần lừa đảo chính phủ liên bang. Ông Trương được chọn vào đợt thứ mười hai của ‘Chương trình Ngàn nhân tài’, và các dự án nghiên cứu khoa học của ông có sự tham gia của các tổ chức quan trọng như Bộ Năng lượng Hoa Kỳ, Văn phòng Nghiên cứu Quân đội Hoa Kỳ, Văn phòng Nghiên cứu Lực lượng Không quân và Chương trình nghiên cứu thiết bị của Đại học Quốc phòng Quốc gia. Ông cũng là nhà nghiên cứu tại Viện Công nghệ Sinh học Công nghiệp Thiên Tân, Viện Khoa học Trung Quốc.

Vào ngày 13 tháng 9 năm 2018, ông Lý, một nhà nghiên cứu tại Trung tâm Ung thư Anderson của Đại học Texas, nói với The Epoch Times rằng FBI đã tiến hành một chiến dịch vài tháng trước, và ít nhất 18 người đã bị bắt hoặc bị trừng phạt dưới hình thức sa thải, trong đó có 4 giáo sư người Trung Quốc. Bốn người này đều có phòng thí nghiệm riêng, và tham gia vào ‘Chương trình Ngàn nhân tài’ hoặc “Kế hoạch phần thưởng học giả Trường Giang”. Trong khi họ đang làm việc tại Hoa Kỳ, họ cũng đang phục vụ Trung Quốc.

Một nhân viên FBI từng nói: “Anh [người tham gia Chương trình Ngàn nhân tài] đương nhiên sẽ đem đồ đặt lên bàn của Trung Quốc để đổi lấy lợi ích”.

ĐCSTQ có thể chiêu mộ nhiều tinh anh khoa học và công nghệ ở nước ngoài, chủ yếu thông qua sự cám dỗ của tiền bạc và danh vọng. Đối với các nhà khoa học Trung Quốc, ĐCSTQ đã giương cao ngọn cờ yêu nước để lừa họ phục vụ đất nước. Trên thực tế, đây đều là những “con đường tắt” do ĐCSTQ lập ra để đánh cắp bí mật, và mục đích cuối cùng là củng cố quyền lực của đảng chứ không phải để làm giàu cho đất nước và nhân dân. Những người bước lên con tàu trộm cắp của ĐCSTQ vì lợi nhuận và tuân theo chỉ thị của nó đã vô tình tiếp tay cho băng đảng lạm dụng mình, và cuối cùng rước hoạ vào thân, thậm chí hủy hoại danh tiếng của chính mình.

Gần đây, chính phủ mới của Mỹ đã liên tiếp trừng phạt một số công ty công nghệ Trung Quốc, tiếp tục điều tra các mối liên hệ đáng ngờ giữa các nhân viên khoa học và công nghệ của họ với Trung Quốc, đồng thời cùng với Úc và các nước khác áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu công nghệ. Những biện pháp này làm thương tổn ĐCSTQ, và các hành vi thâm độc của ĐCSTQ sẽ bị phơi bày nhiều hơn nữa.

Related posts