SGCN
Một số người khá giả, giàu có nhờ buôn bán, sản xuất, đầu tư chứng khoán, bất động sản… dư tiền, dư thời gian để giải trí khắp nơi. Có từ tâm, họ nghĩ đến việc đi làm từ thiện.
Những việc làm ấy lan rộng nhanh chóng. Tuy nhiên không phải chỉ giàu có dư dả mới nghĩ đến giúp đỡ người khác mà sự chia sẻ mở rộng ra các thành phần khác nhau. Giới trẻ cũng dành nhiều thời gian cho thiện nguyện. Ngày cả người nghèo trong các hẻm bình dân, dù chỉ đủ ăn cũng dành chút tiền tiết kiệm đi làm từ thiện. Không góp của thì góp sức như làm công quả ở các bếp ăn từ thiện, ở các phòng khám thuốc Nam miễn phí… Ở những phòng khám này có chẩn mạch, người phơi thuốc, gói thuốc, cả người lặn lội vào rừng hái thuốc mang về. Việt kiều khắp nơi trên thế giới cũng hướng về quê hương còn lắm người bần hàn, cùng cực.
Có nhiều hình thức làm từ thiện. Xây nhà, xây trường, làm đường, làm cầu, chữa bệnh, gửi tiền, phát lương thực, thực phẩm, sách vở, quần áo, mùng mền, bảo trợ học sinh nghèo…
Đoàn từ thiện là bác sĩ, dược sĩ đi khám bệnh, phát thuốc.
Đoàn giáo viên, sinh viên chuyên dạy học, cắt tóc, phân phát sách vở, học cụ, hướng dẫn trẻ em trò chơi…
Đàn ông có tay nghề lo xây cầu, xây trường, cất nhà… Đàn bà khéo tay nấu ăn, may quần áo… Nhiều người họp thành nhóm. Nhóm tiểu thương ngoài chợ, nhóm giáo chức cùng trường, nhóm nhân viên đồng nghiệp…
Thông thường được phát là lương thực, thực phẩm, quần áo, vật dụng gia đình… cho người nghèo; các viện nuôi trẻ mồ côi, người già không nơi nương tựa; phát cơm, sữa…cho bệnh nhân; phát sách vở, cặp, áo mưa, xe đạp… cho học sinh; học bổng cho sinh viên; giúp tiền cho bệnh nhân, quần áo cũ gửi lên cao nguyên, miền núi… Lại phát theo mùa: tết Nguyên Đán thì bánh tét, bánh chưng, Trung thu thì bánh nướng; Vu Lan thì gạo, mì gói, nước tương, khai trường cặp vở, áo mưa…
Sau này người ta kết hợp đi từ thiện xa kèm luôn du lịch. Đằng nào cũng một chuyến xe trên một con đường đó. Sau khi phát quà, viếng các viện dưỡng lão, trại mồ côi, buôn làng xa xôi, trên đường về, nhân thể họ ghé thăm các danh lam thắng cảnh, leo núi, tắm biển .
Vì thế các chuyến đi từ thiện có khi mở rộng đến một, hai chiếc loại xe buýt to không kể ô tô nhà đi kèm. Nhiều người dù không đóng góp vào các phần quà từ thiện thì cũng muốn gia nhập một chuyến đi chơi thú vị với giá không thể nào rẻ hơn. Những chuyến đi này chỉ tính tiền xe chia theo đầu người. Họ mang theo nồi niêu xoong chảo trú chân ở quán bên đường tự nấu ăn nên chi phí chung bỏ ra rất thấp, tiền dành tối đa cho các phần quà. Loại du lịch từ thiện bụi này vừa rất vui, thân thiện, vừa có ý nghĩa nên thu hút khá nhiều người tham gia.
Để quà từ thiện đến tay đúng người rất cần thì phải đi xa. Chi phí tăng lên ngoài quà chính thức trao tay còn gồm tiền thuê xe, chi phí tiền trạm cho người đi trước xem thung thổ đường xá, dân tình, nhu cầu, việc phát quà thuận lợi hay khó khăn… Những nhóm từ thiện lớn, chuyên nghiệp đều phải liên lạc với địa phương trước để lên danh sách, phát số trước để tránh tình trạng chen lấn. Các buổi phát quà đông hàng chục, hàng trăm người đều phải trật tự như vậy mới tiến hành được.
Quà có giới hạn. Những người không có trong danh sách đâm ra bực tức, so sánh rồi phá đám, gây gổ, la ó, chửi bới… chưa kế giành giật.
Tại một buổi phát quà cho người Khmer nghèo ở Tịnh Biên (An Giang), một bà lão vừa đặt phần quà ở ngoài cổng, rồi quay vào trong sân dắt chiếc xe đạp ra thì ôi thôi, bao quà gồm: gạo, mì, đường, dầu ăn, bột ngọt, bánh ngọt, dầu gió, rổ rá… bị bốc hơi. Chị trưởng nhóm từ thiện đành móc tiền túi ra đền.
Nơi khác đường gập ghềnh, xe tải khó vào tận nơi. Sợ lật xe, hàng hóa đành dỡ chuyển dần vào bằng xe cút kít.
Một nơi khác là vùng cao nguyên do lộn xộn lạc mất hai phần quà, đoàn đền tiền ngang trị giá nhưng ông già la lối om xòm. Gạo còn mua được chứ cá khô ông biết mua ở đâu. Thế là đoàn từ thiện phải mất công cử người “xuống núi” lùng mua phần quà y chang để phát bù cho ông già.
Một đoàn từ thiện muốn phát quà cho dân nghèo ở xã tít sâu trong rừng cao su. Dự tính đi tiền trạm hôm trước, giao tiền nhờ xã mua dùm rồi hôm sau xuống phát luôn khỏi chở hàng từ nơi xa tới lôi thôi và tốn cước phí. Thế nhưng xã cho biết phải lên xin ý kiến của huyện, mà hôm đó là thứ Sáu mắc họp tổng kết, rồi cơ quan nghỉ hai ngày cuối tuần, tới thứ Hai chờ lãnh đạo họp “đồng thuận” mới trả lời được. Đoàn từ thiện đành kiếu từ vì ba hôm nữa, họ phải rời đi rồi.
Những nơi xa xôi, hẻo lánh, chẳng những đường xá gập ghềnh mà còn có thể lôi thôi xảy ra đội chi phí tăng lên dành cho những nhóm lớn. Vì thế nhiều người chọn hoạt động ở thành phố lớn, xe cộ đi lại thuận tiện. Họ thường phát quà, phát cơm, tiền… ở các bệnh viện chuyên trị bệnh hiểm nghèo. Bệnh nhân ở những nơi này đa số cùng cực vì phải theo đuổi chữa trị trong thời gian dài đến cùng kiệt nên những bữa cơm từ thiện rất cần thiết với họ.
Phát quà những nơi này cũng không dễ. Biết ai là bệnh nhân thực sự nghèo, thủ tục xin phép đứng phát, cách thức phát phiếu, phát vào ngày, giờ nào… Chạy xe ngoài đường phát quà cho người cơ nhỡ vào tối đêm khuya cũng rất nguy hiểm vì dễ bị ùa đến tranh giành hoặc cướp giật.
Thế là có những tổ chức, nhóm… nhận làm trung gian giữa người phát và nhận quà. Họ có sẵn bếp, sẵn nồi… và hoạt động thuần thục. Chỉ cần đưa tiền, họ sẽ tính toán để nấu nướng, chia phần sẵn và giao cho mạnh thường quân đi phát. Dĩ nhiên làm thiện nguyện, không tính công.
Một mạnh thường quân muốn bỏ ra 800 Mỹ kim nhờ một cơ sở nấu cơm hộp cho bệnh nhi vào ngày thứ Tư tuần này vì tuần sau đã bay đi. Nhưng cơ sở trả lời lịch phát cơm nguyên tháng này đã kín rồi, nếu đăng ký thì đến cuối tháng sau mới tới lượt. Mạnh thường quân muốn tận mắt thấy quà của mình đến tay người nhận, không kịp nên đành thôi.
Trường hợp khác phát quà cho bệnh nhân trại tâm thần ở miền Tây. Không rõ sắp xếp thế nào mà các nhóm từ thiện dẫm chân nhau. Vào ngày Chủ nhật, vì cuối tuần mọi người mới rảnh, nhóm từ thiện tới trước phát bánh bao. Cầm tay chưa kịp ăn hết cái bánh thì đoàn thứ hai mang đến nồi bò kho ăn với bánh mì. Tất nhiên tô bò kho nóng hổi thơm lừng bắt mắt, bắt mũi hơn chiếc bánh nguội ngắt, khô queo. Người bệnh không biết cất để dành, thế là những chiếc bánh chưa kịp ăn hay chưa ăn hết bị vất lăn lóc dưới đất, dẫm đạp chèm nhẹp.
Đi làm từ thiện ngày càng… khó khăn. Cá nhân mỗi người có thể ăn uống thực phẩm cận date nhưng quà từ thiện buộc phải đúng chuẩn mực. Date còn hạn dài ngày, nguồn gốc rõ ràng, nơi mua phải có địa chỉ, hóa đơn, nhãn mác… Sơ sảy là bị phạt, bị tịch thu tiêu hủy quà thực phẩm ngay. Bởi ham giá thành rẻ hơn thị trường, một anh đặt tư nhân làm mấy trăm cái bánh trung thu cho trẻ mồ côi. Chẳng ngờ bánh không nhãn mác nên khi bị kiểm tra, anh phải méo mặt đóng tiền phạt không ít.
Trong đợt cao điểm dịch Covid-19 vừa qua, nhiều nhóm từ thiện đã chung tay chia sẻ với người dân. Nào phát lương thực, thực phẩm, thuốc men, tiền bạc, xăng, xe cộ, mai táng, quan tài…
Khi lệnh giãn cách xã hội bắt đầu thi hành, nhiều nơi rau cỏ được phát tận nhà. Vài nhóm nhỏ vẫn cố ra đường phát thức ăn cho số ít người lang thang. Dù sao, do không thể vượt các trạm kiểm soát để đi xa hơn nên họ chỉ phát quanh quẩn khu nội thành. Nươc chảy vào chỗ trũng. Mấy con đường chính hết nhóm này đi qua, nhóm khác tạt lại. Một ông đạp cyclo cho biết nhận bánh bao, cơm hộp nhiều tới mức phải ném đi vì mang về nhà rồi vẫn ăn không hết…
Mấy tháng qua chuyện từ thiện của các nghệ sĩ trình diễn bị khui ra be bét. Nghệ sĩ càng nổi tiếng càng có nhiều fan hâm mộ. Vì thế khi họ kêu gọi dễ được hưởng ứng mạnh mẽ, rộng rãi, quyên góp được số tiền từ thiện lớn.
Người âm thầm làm việc, không đưa lên truyền thông thì bị kêu là keo kiệt, lãnh cát-xê cao mà không chịu bỏ bớt ra. Kẻ khác tung hô trên fan club, ầm ĩ livestream… thì bị mỉa mai là khoe khoang, diễn sâu…
Một nghệ sĩ hài đình đám nhận hơn 13 tỷ giúp đồng bào gặp thiên tai lũ lụt từ năm ngoái. Hơn 6 tháng sau, nếu không bất ngờ bị phanh phui thì hẳn số tiền đó đã bị ỉm luôn không ai hay biết. Một MC đình đám tích cực quyên góp nhưng viện cớ bận nên không tự giao mà đưa hết người khác làm dùm cho đỡ mệt. Cặp vợ chồng cầu thủ-ca sĩ kêu gọi được số tiền khổng lồ 177 tỉ nhưng sau đó vô cùng khốn khổ khi đối mặt với sự nghi ngờ của dư luận, buộc trả lời bằng cách công bố hơn 18.000 trang in sao kê đựng trong 8 thùng carton vẫn chưa yên.
Sau những vụ quyên góp đầy tai tiếng, sau những chứng minh đầy rắc rối đó, thì mọi người co lại khiếp hãi thị phi, không kể nạn dịch kéo dài, công cuộc từ thiện gồng mình cả nửa năm trời làm ai nấy căng thẳng về tinh thần và kiệt quệ về tài chính. Những doanh nghiệp rất lớn không kể chứ những doanh nghiệp vừa và nhỏ lao đao đối đầu với tình hình sạt nghiệp
Việc kêu gọi đóng góp từ thiện của giới nghệ sĩ gần như đóng băng. Cuối mùa mưa, suốt dải miền Trung chìm ngập trong cảnh sạt lở, ngập lụt… Người chết, người mất tích. Nhiều nhà cửa, cầu cống, đường xá, ruộng vườn tan nát. Năm nay chẳng thấy ai lên tiếng phát động giúp đỡ nữa. Nơi nào cũng oằn mình vì dịch còn chưa xong.
Nhà nước cũng quá đuối. Đối phó với nạn dịch Covid-19 hết cả hơi. Khó dễ quá khiến nguồn từ thiện huy động từ người dân cũng không còn nhiều. Mới đây có một nghị định ban hành cho phép công dân từ 18 tuổi trở lên có thể vận động quyên góp từ thiện. Điều này nhằm khuyến khích người dân giúp đỡ những nơi gặp thiên tai, sự cố, dịch bệnh trong lúc ngân sách eo hẹp, nhưng cũng kèm một số điều kiện: công khai con số quyên góp, sử dụng; mở tài khoản riêng… để khỏi nghe gây hấn, kiện cáo nhau.
Năm nay mùa bão, miền Trung chịu ảnh hưởng 5 cơn bão thiệt hại lớn. Ước tính tổng giá trị thiệt hại trên 2.100 tỷ đồng. Suốt từ đầu mùa bão đến giờ, người dân xác xơ không thấy ai tới cứu trợ nữa.
Thật là khổ. Đã nghèo còn gặp cái eo.
SGCN