Hơn 200 cảnh sát Hồng Kông đột kích tòa soạn địa phương, bắt giữ 6 người

Jack Phillips

Tổng biên tập Lâm Thiệu Đồng (Patrick Lam) của tờ Lập Trường Tân văn bị còng tay áp tải đến tòa soạn của hãng thông tấn này sau khi cảnh sát được điều động đến khám xét cơ sở của hãng ở Hồng Kông hôm 29/12/2021. (Ảnh: Daniel Suen/AFP/Getty Images)

Hôm 29/12, hơn 200 cảnh sát từ Sở An ninh Quốc gia Hồng Kông đã đột kích vào tòa soạn của kênh thông tấn ủng hộ dân chủ trực tuyến có tên là Lập Trường Tân văn (Stand News), đồng thời bắt giữ sáu người gồm cả nhân hiện tại và cựu nhân viên.

Họ đã bị bắt vì “âm mưu xuất bản các ấn phẩm xúi giục nổi loạn”, chính quyền Hồng Kông thông báo trong một tuyên bố. Thông báo không nêu cụ thể danh tính của sáu người này, chỉ cho biết họ gồm ba nam và ba nữ, với độ tuổi từ 34 đến 73.

Cáo buộc âm mưu này không phải là một tội theo luật an ninh quốc gia hà khắc của thành phố. Theo tuyên bố, sáu người bị buộc tội vi phạm Điều lệ Tội phạm Hình sự thuộc địa của thành phố.

Một người bị bắt được cho là ông Trần Lãng Thăng (Ronson Chan), phó biên tập của tờ Lập Trường Tân văn, hãng thông tấn này cho biết. Hãng đã công bố một video trên trang Facebook của mình cho thấy cảnh sát đến nhà ông vào khoảng 6 giờ sáng theo giờ địa phương.

Ông Trần hiện cũng là chủ tịch Hiệp hội Ký giả Hồng Kông (HKFA).

Cô Hà Vận Thi (Denise Ho), một ca sĩ nổi tiếng từng là thành viên hội đồng quản trị của tờ báo này, đã bị bắt vào khoảng 6 giờ sáng theo giờ địa phương, theo trang Facebook của cô. Cô Hà từng là một tiếng nói ủng hộ của những người biểu tình đòi dân chủ ở Hồng Kông.

Theo truyền thông Hồng Kông, cựu tổng biên tập Chung Phái Quyền (Chung Pui-kuen), quyền tổng biên tập Lâm Thiệu Đồng (Patrick Lam) và luật sư Ngô Ái Nghi (Margaret Ng) nằm trong số những người bị bắt. Bà Ngô cũng từng là một thành viên trong hội đồng quản trị.

Theo một tuyên bố riêng, chính quyền Hồng Kông cho biết “hơn 200 cảnh sát mặc quân phục và thường phục đã được điều động” trong một chiến dịch nhằm vào tờ Lập Trường Tân văn. Họ nói rằng cảnh sát đã ở đó để “lục soát và thu giữ các tài liệu báo chí có liên quan.”

Chiến dịch quy mô lớn này của cảnh sát ngay lập tức thu hút sự lên án từ anh Châu Mục Dân (Samuel Chu), chủ tịch đồng thời là người sáng lập nhóm vận động có trụ sở tại Hoa Kỳ là Campaign for Hong Kong (Chiến dịch vì Hồng Kông). Anh Châu cho biết Bắc Kinh đã gửi một thông điệp mạnh mẽ kể từ khi cuộc đột kích được thực hiện một ngày sau khi Hiệp hội Ký giả Hồng Kông tổ chức tiệc tối thường niên.

Anh Châu cho biết, “Bắc Kinh đang gửi một ‘lời đe dọa đầy sát khí’ đến những gì còn sót lại của tự do báo chí ở Hồng Kông — và đang làm như vậy với sự tàn ác và hung bạo tối đa.”

Anh nói thêm: “Chúng tôi lên án mạnh mẽ việc sử dụng một cách nguy hiểm các điều luật về hành vi xúi giục từ thời thuộc địa để bóp nghẹt quyền tự do báo chí và tự do ngôn luận, và chúng tôi cũng biết rằng cuộc tấn công này sẽ không chỉ dừng lại ở các công ty truyền thông Hồng Kông.”

Hồi tháng Sáu, khoảng 500 cảnh sát Hồng Kông đã đột kích vào trụ sở của Apple Daily và bắt giữ 5 giám đốc của tờ báo, trong đó có cả tổng biên tập. Cảnh sát cáo buộc họ “thông đồng với ngoại quốc hoặc với các tác nhân bên ngoài để gây nguy hiểm cho an ninh quốc gia.”

Apple Daily, vốn được công ty Next Digital xuất bản, là một tờ báo Hồng Kông được biết đến với việc đưa tin về những tiếng nói chỉ trích Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) cầm quyền của Trung Quốc đồng thời lên tiếng ủng hộ những người biểu tình ở Hồng Kông.

Kết cục là Apple Daily đã đóng cửa sau khi in ấn bản cuối cùng của họ vào ngày 24/06, sau nhiều năm xuất bản kể từ ấn bản đầu tiên vào năm 1995.

Hôm 28/12, các công tố viên Hồng Kông đã đệ trình một [cáo buộc] “xuất bản ấn phẩm xúi giục nổi loạn” chống lại ông Lê Trí Anh (Jimmy Lai), người sáng lập của Apple Daily, bổ sung vào những cáo buộc mà ông đã phải đối mặt theo luật an ninh quốc gia. Ông Lê hiện đang ngồi tù.

Anh Châu nói, “Chúng tôi kêu gọi chính phủ Hoa Kỳ và các đồng minh, cùng với các tổ chức tin tức và ký giả trên toàn thế giới, lên án cuộc tấn công vào tự do báo chí mới nhất này và hợp lực hướng tới việc trả tự do cho tất cả các ký giả bị giam cầm ở Hồng Kông và Trung Quốc.”

Hiệp hội Ký giả Hồng Kông, trong một tuyên bố được công bố trên trang Facebook của mình, cho biết họ “lo ngại sâu sắc rằng cảnh sát đã liên tục bắt giữ các thành viên cao cấp của giới truyền thông và khám xét văn phòng của các tổ chức tin tức lưu giữ số lượng lớn tài liệu báo chí trong cả một năm.”

“Hiệp hội Ký giả Hồng Kông kêu gọi chính quyền bảo vệ quyền tự do báo chí theo Luật Cơ bản,” hiệp hội này nói thêm.

Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.

Hồng Ân biên dịch

Related posts