Vũ Hiến
vẫn xoay đều, một ngày vẫn đi hết đầy đủ 24 tiếng và sau đó lại bước qua ngày mới.
2021 là một năm cũng đầy những biến cố và cho tới nay chúng ta vẫn đang phải đối phó với tình hình đại dịch tiếp tục biến đổi và do đó việc tiêm chủng vẫn đóng một vai trò quan trọng trong việc kiểm soát sự lây lan của những biến thể mới.
Tại những quốc gia giàu có trên thế giới với phần lớn dân số đã được chích ngừa đầy đủ, năm thứ ba của đại dịch sẽ khác hơn năm thứ hai, và Covid-19 sẽ ít gây ảnh hưởng đến sức khoẻ và những hoạt động thường ngày của người dân hơn. Dựa trên các số liệu từ những quốc gia như Vương quốc Anh và Israel, thuốc chủng rõ ràng làm giảm con số các trường hợp mắc bệnh và tử vong. Nhưng tại những quốc gia nghèo nơi mà tỷ lệ chích ngừa trong dân chúng còn tương đối thấp thì những ảnh hưởng xấu do con vi khuẩn corona gây ra sẽ còn kéo dài.
Mặc dù nguồn cung cấp thuốc chủng tăng trong quý cuối cùng của năm 2021, nhiều quốc gia cho đến nay vẫn chưa đạt được mức tiêm chủng khả quan, do hậu quả của việc phân phối gặp trục trặc và cũng một phần vì sự do dự không muốn chích ngừa từ dân chúng. Ðiều này sẽ dẫn tới hậu quả là tỷ lệ tử vong và nhiễm bệnh cao hơn và khiến cho sự phục hồi kinh tế chậm hơn so với những nơi khác.
Ngoài ra, tình hình quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc trở nên ngày càng đối đầu hơn. Cuộc chiến dài nhất của Hoa Kỳ và cũng của khối NATO tại Afghanistan đã đi đến kết cục đầy hỗn loạn. Trong khi đó, năm 2021 một lần nữa nhắc nhở cho chúng ta hiểu sự vận chuyển tự do của hàng hoá vẫn đóng một vai trò thiết yếu trong nền kinh tế toàn cầu. Trong suốt một năm qua, có thể nói chuỗi cung ứng toàn cầu là một mớ hỗn độn, mà nguyên do thì nhiều, có thể một phần là do con tàu Ever Given bị mắc cạn tại kênh đào Suez trong nhiều tuần lễ, hoặc vì tình trạng gián đoạn do đại dịch, hoặc cũng có thể do hậu quả của một vài chính sách sai lầm.
Nhìn lại một số những sự kiện quan trọng này của năm cũ không ngoài mục đích giúp hé mở phần nào những gì có thể xảy ra trong năm mới. Theo dự đoán của tờ đặc san World Ahead 2022, một ấn phẩm đặc biệt của tạp chí The Economist, sau đây là 10 chủ đề và xu hướng nên chú ý trong năm 2022:
1. Dân chủ đấu với chuyên chế. Cuộc bầu cử giữa kỳ của Hoa Kỳ và hội nghị đảng cộng sản Trung Quốc sẽ là một sự tương phản đậm nét giữa hai hệ thống chính trị đối đầu nhau. Hệ thống chính trị nào mang lại sự ổn định, phát triển và cải cách tốt hơn? Sự cạnh tranh này sẽ diễn ra trong đủ mọi lãnh vực, từ thương mại đến kỹ thuật, từ thuốc tiêm chủng đến các trạm không gian. Trong khi Tổng thống Joe Biden đang cố gắng tập hợp thế giới tự do cùng đứng chung dưới ngọn cờ dân chủ, thì những thất bại trong chính sách của ông và một nước Mỹ tiếp tục chia rẽ không phải là những thí dụ tốt để đưa ra quảng cáo cho những giá trị dân chủ vào lúc này.
2. Từ đại dịch tới hình thức bệnh địa phương. Những loại thuốc kháng Covid mới, các phương pháp điều trị kháng thể được cải thiện và nhiều loại thuốc chủng khác đang sắp sửa có mặt trên thị trường. Ðối với những người đã được tiêm chủng ở các quốc gia phát triển, con vi khuẩn corona không còn là sự đe doạ đến tính mạng. Nhưng ở các quốc gia đang phát triển, nó vẫn còn là thứ gây nguy hiểm chết người. Trừ khi chiến dịch tiêm chủng được thúc đẩy mạnh hơn, Covid-19 sẽ chỉ trở thành một trong số rất nhiều những căn bệnh lưu hành mang tính địa phương ảnh hưởng đến cuộc sống của người dân ở những xứ nghèo.
3. Lo lắng lạm phát. Tình trạng gián đoạn của chuỗi cung ứng và nhu cầu năng lượng tăng mạnh đã đẩy giá cả mọi mặt hàng lên cao. Các ngân hàng trung ương nói đây chỉ là hiện tượng tạm thời, nhưng không hẳn ai cũng tin điều đó. Ðặc biệt là Vương quốc Anh có nguy cơ rơi vào tình trạng lạm phát và trì trệ (stagflation), do thiếu hụt lao động thời hậu Brexit và sự phụ thuộc của họ vào khí đốt nay bỗng dưng quá đắt đỏ.
4. Tương lai của công việc. Người ta cho rằng tương lai của công việc sẽ là ngày càng có nhiều người làm nhiều ngày ở nhà hơn là ở sở. Có điều người ta vẫn chưa đồng ý nhau trên vấn đề chi tiết. Bao nhiêu ngày, và những ngày nào thì làm ở nhà hay vào sở? Và sự chia ngày như vậy có công bằng cho mọi người không? Các cuộc khảo sát cho thấy phụ nữ ít muốn quay trở lại văn phòng hơn so với đàn ông, và vì vậy họ có thể có nguy cơ bị bỏ quên trong những đợt thăng thưởng.
5. Ðánh kỹ thuật. Các cơ quan chức năng tại Mỹ và Âu châu đã từng tìm cách kiềm chế các đại công ty kỹ thuật trong nhiều năm nhưng cho tới nay vẫn chưa gây được dù chỉ một chút sứt mẻ nào đến sự tăng trưởng hay lợi nhuận của họ. Nay Trung Quốc cũng đang đánh vào các công ty kỹ thuật của họ trong một cuộc đàn áp không kém phần tàn bạo. Lãnh tụ Tập Cận Bình muốn họ tập trung vào “kỹ thuật mới” mang lại lợi thế địa chiến lược, chứ không phải những thứ phù phiếm như trò chơi điện tử và mua sắm. Nhưng chính sách trên có sẽ thúc đẩy sự sáng tạo hay lại kìm hãm sự năng động của ngành kỹ nghệ này?
6. Tiền điện tử chín muồi. Giống như tất cả những kỹ thuật mang tính đột phá, tiền điện tử (cryptocurrencies) đang được thuần hoá để đi vào dòng chính trong khi các cơ quan kiểm soát tài chính thắt chặt thêm các quy định về loại tiền này. Nhiều ngân hàng trung ương cũng đang xem xét cách để đưa ra loại tiền điện tử của chính họ được kiểm soát bởi trung ương. Kết quả là một cuộc đấu tay ba đối với tương lai của lãnh vực tài chính – giữa nhóm những người sử dụng tiền điện tử không lệ thuộc các trung gian tài chính trung ương (DeFi), các công ty kỹ thuật theo lối truyền thống hơn và ngân hàng trung ương – sẽ ngày càng tăng trong năm 2022.
7. Về vấn đề khí hậu. Trong khi các vụ cháy rừng, các đợt nóng kéo dài và lũ lụt ngày càng xảy ra thường xuyên hơn thì ngược lại các nhà hoạch định chính sách trên thế giới vẫn tỏ ra thiếu sự cấp bách khi đề cập đến vấn đề biến đổi khí hậu. Một cuộc nghiên cứu địa kỹ thuật năng lượng mặt trời tại Harvard đang gây được sự chú ý. Trong năm 2022, nhóm nghiên cứu muốn thử nghiệm việc sử dụng một khinh khí cầu bay ở độ cao thải ra những lớp bụi giúp làm mờ bớt đi ánh sáng mặt trời – một kỹ thuật mà với tình trạng ấm nóng của trái đất như hiện nay có thể cần để cho thế giới có thêm thời gian để từng bước giảm thiểu và hoàn toàn ngưng việc thải khí nhà kính.
8. Rắc rối chuyện du lịch. Các hoạt động gia tăng trong khi kinh tế mở cửa trở lại và thế giới ngày càng phải chấp nhận một hiện thực là đại dịch sẽ dần biến thành một thứ bệnh lưu hành. Trong khi đó, một nửa những chuyến đi lại liên quan đến công việc làm ăn bằng đường hàng không nay đã hoàn toàn biến mất. Ðiều này có lợi cho bầu khí quyển trái đất, nhưng lại bất lợi cho khách du lịch vì giá vé tăng cao để bù vào thiếu hụt do con số doanh nhân trên các chuyến bay giảm mà họ lại là những khách hàng thường chi tiêu rộng rãi hơn.
9. Chạy đua không gian. Năm 2022 sẽ là năm đầu tiên số hành khách mua vé và được các công ty du lịch không gian đưa ra ngoài bầu khí quyển nhiều hơn so với nhân viên làm việc cho chính phủ (phi hành gia, nhà nghiên cứu). Trung Quốc sẽ hoàn tất công trình xây dựng trạm không gian mới của họ. Nhiều nhà làm phim đang cạnh tranh nhau để dựng những bộ phim trong môi trường không trọng lực (zero-gravity). Và cơ quan NASA sẽ cho phóng một máy thăm dò đáp lên một thiên thạch khổng lồ, một sứ vụ không gian có thực mà tưởng như một chuyện phim của Hollywood.
10. Chính trị trong thể thao. Thế vận hội Mùa Ðông tại Bắc Kinh và giải bóng đá World Cup tại Qatar sẽ một lần nữa nhắc nhở chúng ta rằng thể thao có khả năng mang thế giới xích lại gần nhau hơn – nhưng ở mặt khác, các sự kiện thể thao lớn như nói trên cũng dễ trở thành mục tiêu đấu đá chính trị như thế nào. Nhiều cuộc biểu tình lớn được dự tính sẽ xảy ra nhắm trực tiếp tới hai quốc gia tổ chức mặc dù sự tẩy chay của các đội thể thao quốc gia được biết trước là khó xảy ra.