John Mac Ghlionn
Trung Quốc đang sử dụng sông Mekong như một công cụ địa chính trị.
Được thành lập vào năm 1995, Ủy hội Sông Mekong (MRC) là một hiệp định chính thức giữa các chính phủ Campuchia, Lào, Thái Lan và Việt Nam. Theo trang web của MRC, thỏa thuận này “ra đời khi bốn quốc gia nhận thấy một lợi ích chung trong việc cùng nhau quản lý các nguồn nước chung và phát triển tiềm năng kinh tế của dòng sông này.”
Năm 2006, nhận thấy tầm quan trọng của sông Mekong, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã quyết định tham gia. Trong suốt 15 năm kể từ đó, ĐCSTQ đã làm mọi thứ trong khả năng của mình, để thao túng sông Mekong theo hướng có lợi cho mình.
Năm 2016, Hợp tác Lancang-Mekong (LMC), một thỏa thuận đa phương giữa các quốc gia ven sông Lancang và sông Mekong, đã được ký kết có hiệu lực. Lancang [Lan Thương – phần sông Mekong trên lãnh thổ Trung Quốc], là một trong những con sông lớn nhất và dài nhất ở Trung Quốc hợp lưu với sông Mekong, bắt nguồn từ Tây Tạng, một cao nguyên rộng lớn ở Nam Á.
Không chỉ là một dòng sông, Mekong còn đang bị Bắc Kinh vũ khí hóa. Vào tuần thứ hai của tháng 6/2021, Vương Nghị, một chính trị gia giữ cương vị ngoại trưởng Trung Quốc từ năm 2013, đã chủ trì Hội nghị các Ngoại trưởng Hợp tác Lancang-Mekong (LMC) lần thứ sáu. Sử dụng COVID-19 làm điểm tham chiếu xuyên suốt, ông Vương Nghị đã ca ngợi các thành viên LMC về “sự hợp tác chống đại dịch”. Ông Nghị nói về tầm quan trọng của “phục hồi kinh tế” và làm sâu sắc thêm “giao lưu văn hóa”. Ông Nghị cũng nói về các triển vọng mới cho tăng trưởng thương mại, và việc số lượng chuyến bay chở hàng hóa giữa các nước thành viên “đã tăng từ 49 chuyến mỗi tuần trong năm 2019, lên 289 chuyến mỗi tuần.” Rõ ràng là ĐCSTQ coi LMC là một phương tiện để củng cố ảnh hưởng của mình ở Đông Nam Á.
‘Chính trị thủy văn’ và sự thao túng sông Mekong
Chào mừng quý vị đến với thời đại chính trị thủy văn, nơi mà việc phân bổ các nguồn tài nguyên nước được nhìn nhận qua một lăng kính chính trị. Chúng ta thấy điều đó ở Israel, nơi các nhà chức trách tiếp tục thao túng các nguồn cung cấp nước của người Palestine. Trong khi đó, ở Á Châu, ĐCSTQ đang bận rộn thao túng sông Mekong.
Là con sông quan trọng nhất của Đông Nam Á, sông Mekong cung cấp nguồn thực phẩm và sinh kế cho 65 triệu người. Đối với nhiều người trong số này, cá cung cấp nguồn protein chính yếu cho họ. Nếu không có sông Mekong, hàng triệu người sẽ có nguy cơ mắc bệnh kwashiorkor, một dạng suy dinh dưỡng do thiếu protein trong chế độ ăn của một người. Khi nói đến đánh bắt cá, con sông dài nhất ở Đông Nam Á này chiếm hơn 25% sản lượng cá nước ngọt đánh bắt trên toàn cầu. Với diện tích khoảng 200 triệu mẫu Anh – gần bằng diện tích của các tiểu bang Texas và Arkansas cộng lại – Tiểu vùng sông Mekong mở rộng (GMS) là nơi có một vài môi trường sống đa dạng nhất về mặt sinh học ở Á Châu. Đáng buồn thay, ĐCSTQ đang phá hủy những môi trường sống này. Bằng cách đó, ĐCSTQ cũng đang hủy hoại cuộc sống của hàng triệu người trong khu vực. Trước khi sông Mekong ra khỏi Trung Quốc, nó phải đi qua 11 con đập lớn. Không có gì ngạc nhiên khi việc xây dựng những con đập này giúp ích cho Trung Quốc và gây hại cho các quốc gia khác, vốn sống dựa vào dòng sông này để sinh tồn.
Viện chiến lược độc lập bất vụ lợi Future Directions International (FDI) đã công bố một báo cáo, đây là một bài viết đáng để suy ngẫm. Hơn một nửa dòng chảy của sông Mekong nằm ở Trung Quốc, điều này mang lại cho ĐCSTQ “cơ hội đáng kể để khai thác dòng chảy nhanh của nó”. Là quốc gia ven sông ở vị trí cao hơn, Trung Quốc “có ảnh hưởng đáng kể đối với các quốc gia ở vị trí thấp hơn”. Bởi rất nhiều người phụ thuộc vào dòng sông như một phương kế sinh tồn, nên họ phải tìm kiếm “những nguồn thực phẩm và thu nhập thay thế”.
Như Tạp chí ‘Foreign Policy’ đã lưu ý rằng trong một tương lai không xa, ĐCSTQ có thể sử dụng 11 đập ở thượng nguồn của mình để “cắt nguồn cung cấp nước cho các quốc gia ở hạ nguồn”. Nếu bị thúc ép, Bắc Kinh có thể bắt các thành viên LMC làm con tin. Do sự can thiệp của ĐCSTQ, năm 2019 đã chứng kiến mực nước sông Mekong giảm xuống mức thấp nhất trong một thế kỷ. Điều thú vị là, theo các nhà nghiên cứu tại Trung tâm Stimson, năm 2019 tình cờ cũng là năm mà ĐCSTQ “giữ lại nhiều nước hơn bao giờ hết — ngay cả khi các quốc gia ở hạ nguồn phải hứng chịu một đợt hạn hán chưa từng có vào mùa mưa”. Các nhà nghiên cứu cảnh báo việc ĐCSTQ liên tục thao túng sông Mekong, “đang gây ra những thay đổi thất thường và tàn phá đối với mực nước ở hạ lưu”. Những trận lũ quét gây chết chóc đột ngột đều có liên đới trực tiếp đến các con đập ở Trung Quốc. Các nhà nghiên cứu viết: “Việc xả đập bất ngờ,” đã dẫn đến “mực nước sông dâng cao nhanh chóng, tàn phá những cộng đồng ở hạ lưu, khiến hàng triệu [người] bị thiệt hại, gây sốc cho các quá trình sinh thái của dòng sông.”
Bên cạnh nguồn cung cấp cá bị ảnh hưởng nặng nề, các khu vực đất trồng lúa – nơi đã định hình đi định hình lại Đông Nam Á trong hơn 4,000 năm – đang bị phá hủy. Cần lưu ý rằng gạo là lương thực chính của hơn 557 triệu người trong khu vực này. Ở các nước LMC như Campuchia, nơi tỷ lệ nghèo đói được dự báo tăng gần như gấp đôi trong những năm tới và Miến Điện (Myanmar), nơi gần một nửa dân số của đất nước có nguy cơ rơi vào cảnh nghèo đói, thì hành động can thiệp đầy toan tính của Trung Quốc chỉ khiến vấn đề trở nên tồi tệ hơn.
Những gì đang xảy ra ở Đông Nam Á không chỉ là một vấn đề về nguồn nước mà còn là một vấn đề nhân đạo. Cái chết của sông Mekong là một cái chết do hàng ngàn nhát chém gây ra, và rất nhiều trong số đó là do [bàn tay của] ĐCSTQ gây ra. Nếu Bắc Kinh tiếp tục thao túng sông Mekong, thì nhiều cây trồng, mùa màng hơn sẽ bị phá hủy và nhiều người hơn sẽ lâm vào cảnh khốn khổ.
Ông John Mac Ghlionn là một nhà nghiên cứu và nhà viết luận. Tác phẩm của ông đã được xuất bản bởi những tờ báo như New York Post, Sydney Morning Herald, Newsweek, National Review, The Spectator US cùng những tờ báo danh tiếng khác. Ông cũng là một chuyên gia tâm lý xã hội, rất quan tâm đến rối loạn chức năng xã hội và sự thao túng của truyền thông.
Yến Nhi biên dịch