Trung Quốc tự đặt tên cho lãnh thổ dưới quyền quản lý của Ấn Độ

Venus Upadhayaya

Một nhà sư Phật Giáo Ấn Độ tới Thupten Gatsal Ling Gunpa, một nhánh của Tu viện Tawang, ở Itanagar, thủ phủ của Arunachal Pradesh, đông bắc Ấn Độ vào ngày 11/10/2009 (Ảnh: Diptendu Dutta/AFP/Getty Images)

NEW DELHI – Trung Quốc đã “chuẩn hóa” tên của 15 địa danh ở Arunachal Pradesh, một tiểu bang của Ấn Độ nằm trên biên giới với Bhutan và Miến Điện mà Trung Cộng đã cố gắng xâm phạm và tuyên bố chủ quyền trong vài thập niên qua.

Tuy nhiên, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ấn Độ Arindam Bagchi nói rằng việc gán những cái tên do Trung Quốc nghĩ ra cho các địa điểm trong tiểu bang sẽ không làm thay đổi thực tế rằng Arunachal Pradesh đang và sẽ luôn là một “phần không thể thiếu” của Ấn Độ.

Ấn Độ đã quản lý Arunachal Pradesh kể từ năm 1954, khi khu vực này được thành lập với tên gọi Cơ quan Biên giới Đông Bắc (NEFA) dưới quyền quản lý của Raj thuộc Anh (Ấn Độ dưới thời là thuộc địa của Anh). Sau chiến tranh Trung-Ấn năm 1962, quan hệ giữa hai nước xấu đi và tranh chấp biên giới nổi lên. Những tranh chấp này đã leo thang trong những năm gần đây với tình trạng bế tắc ở Doklam vào năm 2017 và cuộc đụng độ đẫm máu ở Thung lũng Galwan vào năm 2020.

Năm 1972, Ấn Độ đổi tên NEFA thành Arunachal Pradesh, một lãnh thổ do liên bang quản lý, hoặc lãnh thổ Liên minh, và vào năm 1987, nơi đây đã được công nhận là một tiểu bang theo hiến pháp Ấn Độ.

Tuy nhiên, kể từ năm 2006, Trung Quốc đã tuyên bố chủ quyền với lãnh thổ này và gọi Arunachal Pradesh là “Tạng Nam” (“Zangnan”), hay Nam Tây Tạng. Hôm 29/12, Bộ Nội vụ Trung Quốc cho biết họ đã đặt tên tiếng Trung chính thức cho 15 địa danh ở “Tạng Nam”. Thông báo được đưa ra vài ngày trước khi luật biên giới đất liền mới của Trung Quốc có hiệu lực hôm 01/01.

Các tên “được chuẩn hóa” của Trung Quốc áp dụng cho tám khu dân cư, bốn đỉnh núi, hai con sông, và một con đèo, theo hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Thời báo Hoàn Cầu (Global Times).

Cùng với việc ấn định tên, chính quyền Trung Quốc cũng đã thiết lập một cơ cấu hành chính cho khu vực này theo hệ thống các tỉnh và quận của Trung Quốc.

Những địa danh này bao gồm Sengkezong (Thân Cách Tông) và Daglungzong (Đả Lũng Tông) ở huyện Thác Na của địa khu Sơn Nam; Mani’gang (Mã Ni Cương), Duding (Đô Đăng), và Migpain (Mễ Bồi) ở huyện Mặc Thoát của địa khu Lâm Tri; Goling (Cổ Lý) và Damba (Đả Bá) ở huyện Sát Ngung của địa khu Lâm Tri; và Mejag (Mã Gia) ở huyện Long Tử của địa khu Sơn Nam.

Tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với Arunachal Pradesh bắt đầu từ năm 2006, khi Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ lúc bấy giờ là ông Tôn Ngọc Tỷ (Sun Yuxi) khẳng định “Toàn bộ Arunachal Pradesh là lãnh thổ Trung Quốc,” trước chuyến thăm chính thức tới Ấn Độ của lãnh đạo Trung Quốc đương thời Hồ Cẩm Đào (Hu Jintao).

Các binh sĩ Lục quân Ấn Độ đứng gác tại đèo Bumla ở biên giới Ấn-Trung tại Arunachal Pradesh vào ngày 21/10/2012. Bumla là trạm đóng quân cuối cùng của Quân đội Ấn Độ tại biên giới Ấn-Trung ở độ cao 15,700 feet (khoảng 4,785 mét) so với mực nước biển. (Ảnh: Biju Boro/AFP/Getty Images)

‘Những tấm bản đồ dối trá’

Ông Frank Lehberger, một nhà Hán học chuyên về các chính sách của Trung Cộng ở Tây Tạng và là thành viên cao cấp của tổ chức tư vấn Usanas ở Ấn Độ, đã so sánh nỗ lực của Trung Quốc với sự phát minh và hoàn thiện của lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin về “chết vì bản đồ”. Ông Stalin đã đích thân vẽ lại các bản đồ ở Thung lũng Fergana ở vùng Trung Á để bảo đảm rằng tất cả các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trong khu vực đó sẽ vẫn phụ thuộc vào Liên Xô và sẽ rơi vào tình trạng bất ổn do bạo lực sắc tộc nếu họ cố gắng tuyên bố độc lập.

Ông Lehberger đã nói về việc đặt ra các ranh giới, hay còn gọi là “những tấm bản đồ dối trá”, mà ông nói rằng ông Stalin đã tuân theo nhằm mục đích tự động tạo ra tình trạng bất ổn dân sự, trong trường hợp Liên Xô tan rã.

Ông Lehberger nói: “Ông Stalin đã vẽ những tấm bản đồ biên giới nội bộ của Liên Xô theo cách mà chúng không thể bị tách rời trong trường hợp Liên Xô sụp đổ và các cuộc chiến tranh biên giới và nội chiến sẽ xảy ra gần như tự động. Ông ta đã đạt được mong muốn của mình. Chiến tranh đã xảy ra ở đó hai lần vào năm 1990 và 2010, tại biên giới Kyrgyzstan và Uzbekistan, cũng như vào năm 2008 ở Georgia, năm 2014 ở Crimea và năm 2021 ở Armenia.”

Ông nói thêm rằng trên các bản đồ cũ và mới của Trung Quốc, hoặc trên danh sách chính thức về địa danh ở Arunachal Pradesh, thủ phủ Itanagar của tiểu bang Arunachal Pradesh không hề tồn tại.

Trong số 15 địa điểm được Trung Quốc đặt tên gần đây, The Epoch Times có thể xác định những vị trí sau trên Google Earth: Duding (Tuting ở Ấn Độ), Mani’gang (Monigong), Sengkezong (Senge), Daglungzong (Taklung Dzong), Migpain (Mipi H.Q.), Goling (Goiliang) và Damba (Dhanbari).

Mặc dù một địa điểm ở huyện Long Tử của địa khu Sơn Nam đã được gán nhãn là Mejag (nơi này được biết đến với tên gọi là Meyaba Rai), nhưng ông Lehberger gọi đây là một địa điểm giả vì Google Earth cho thấy toàn bộ vùng lân cận chỉ bao gồm rừng núi dày đặc. Không có khu dân cư hoặc cơ sở hạ tầng nào để cư dân có thể sinh sống hay xuất hiện thường xuyên ở đó.

Năm 2017, trong đợt đầu tiên, Bộ Nội vụ Trung Quốc đã đưa ra sáu tên sửa đổi cho các địa danh ở Arunachal Pradesh, điều mà truyền thông Ấn Độ gọi là một hành động trả đũa sau chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma. Tiểu bang này cũng là nơi lưu truyền Phật Giáo Kim Cương Thừa và nơi tọa lạc của tu viện Tawang có tuổi đời bốn thế kỷ, một trong những tu viện Phật Giáo lớn nhất ở Á Châu.

Ông Lehberger nói với The Epoch Times rằng nỗ lực của Trung Quốc để gán tên cho các địa danh ở Arunachal Pradesh là một hoạt động đã bắt đầu ngay cả trước tuyên bố của ông Tôn Ngọc Tỷ, vào đầu những năm 2000.

Dành nhiều năm nghiên cứu các bản đồ của Trung Quốc về Tây Tạng và Arunachal Pradesh, ông Lehberger đã chia sẻ với The Epoch Times một tấm bản đồ năm 2005 từ tập bản đồ chính thức của Bắc Kinh, trên đó có “các tên tự nghĩ ra” của nhà cầm quyền này cho các khu vực trên lãnh thổ Ấn Độ.

“Ở đây, bên cạnh Itanagar không tồn tại trên bản đồ Trung Quốc, quý vị chỉ tìm thấy những ‘ngôi làng’ nhỏ bé có tên giả như ‘Ta-geng-si’ hoặc ‘Duo-li.’ Trên Google Earth, các địa danh Ấn Độ với tên gọi nghe giống như thế không xuất hiện ở bất kỳ đâu trong vùng lân cận của [thủ phủ tiểu bang Arunachal Pradesh] Itanagar,” ông nói.

Người biểu tình hô khẩu hiệu khi phản đối yêu sách của Trung Quốc đối với sáu quận của tiểu bang Arunachal Pradesh ở New Delhi vào ngày 25/04/2017 (Ảnh: Chandan Khanna/AFP/Getty Images)

Ông nói thêm rằng ám chỉ gián tiếp duy nhất mà các bản đồ của Trung Quốc cung cấp về sự tồn tại của thủ phủ tiểu bang này là vị trí của vùng ngoại ô phía đông Doimukh của nó. Cách viết phiên âm tiếng Trung của thị trấn này được hiển thị trên nhiều bản đồ Trung Quốc là Duo-Yi-Mu-ke. Ông gọi đó là “một nỗ lực có chủ ý để đánh lạc hướng” khỏi sự tồn tại của thành phố thủ phủ, nơi có dân số khoảng 65,000 người và là nơi đặt hội đồng lập pháp của Arunachal Pradesh.

Bằng cách điền vào tên các địa danh ở tiểu bang Ấn Độ này, các bản đồ Trung Quốc không “trông quá trống trải đối với các công dân Trung Quốc bình thường, những người chẳng hề hay biết rằng kể từ năm 1962 Arunachal đã thuộc về Ấn Độ,” ông nói. Trung Cộng không thể thừa nhận sự tồn tại của Itanagar như một đô thị ở nơi mà họ gọi là Nam Tây Tạng hoặc Tạng Nam, bởi vì nó lớn hơn “nơi được gọi là tỉnh lỵ Thác Na”, địa điểm mà khu vực này “đáng lẽ ra” đang nằm dưới quyền quản lý.

Cả “Ta-geng-si” và “Duo-li” đều không nằm trong số 15 tên gọi “được chuẩn hóa” của các địa danh mà Trung Quốc tuyên bố là thuộc vùng “Nam Tạng”. Tuy nhiên, ông Lehberger nói rằng bản đồ năm 2005 cho thấy hai địa điểm không tồn tại đó đã chính thức được Trung Cộng và các cơ quan vẽ bản đồ của nhà cầm quyền này công nhận.

Ông Lehberger chỉ ra một ngôi làng khác không tồn tại, được cho là ở phía nam của dãy Dafla và cách Dikrong Power House vài km về phía tây nam. Mặc dù ngôi làng này được đánh dấu trên bản đồ Tây Tạng chính thức năm 2005 của Trung Quốc với tên gọi là “Wupang”, nó không tồn tại trên Google Earth.

Ông nói: “Hãy gọi đó là logic xảo ngôn của Trung Quốc,” và cho biết thêm việc “chuẩn hóa” tên gọi chỉ là cách chế độ cộng sản này công khai những địa danh đó trên trường quốc tế, một quá trình mà họ đã âm thầm thực hiện trong hơn hai thập niên qua.

“Người dân ở Ấn Độ phải thức tỉnh trước những gì [mà Trung Cộng đã] làm trong nhiều thập niên.”

Ông nói rằng chính phủ Ấn Độ nên xem xét hủy bỏ tuyên bố chung mà họ đã ký với Trung Quốc vào năm 2003, khi nước này công nhận Khu tự trị Tây Tạng là một lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Làm như vậy về mặt lý thuyết sẽ khiến bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc nhằm sử dụng luật biên giới của họ để vẽ lại đường kiểm soát thực tế (LAC) và đánh cắp thêm lãnh thổ từ Ấn Độ là “vô hiệu”. Tiền lệ về việc hủy bỏ một tuyên bố như vậy đã được đặt ra – bởi chính Trung Cộng.

“Năm 2020, Trung Quốc đã đơn phương hủy bỏ một thỏa thuận ràng buộc quốc tế về trạng thái của Hồng Kông, do Liên Hiệp Quốc bảo đảm. Vì vậy, đã có tiền lệ và nó được khởi xướng bởi giới lãnh đạo Trung Quốc,” ông nói.

“Điều này chứng tỏ rằng chính quyền và giới lãnh đạo Trung Quốc không sẵn sàng thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào của các hiệp ước quốc tế, dù là với Anh Quốc liên quan đến vấn đề Hồng Kông, hay là với Ấn Độ. Do đó, Ấn Độ nên tính đến điều này.”

Cô Venus Upadhayaya đưa tin về nhiều chủ đề. Lĩnh vực chuyên môn của cô là về địa chính trị Ấn Độ và Nam Á. Cô đã đưa tin từ biên giới Ấn Độ-Pakistan đầy biến động và đã đóng góp cho các phương tiện truyền thông in ấn chính thống ở Ấn Độ trong khoảng một thập niên. Truyền thông cộng đồng, phát triển bền vững và giới lãnh đạo là những lĩnh vực cô quan tâm.

Thiện Lan biên dịch

Related posts