Tin thế giới sáng thứ Tư

Covid-19 : Mỹ bắt đầu áp dụng biện pháp tiêm chủng bắt buộc đối với một bộ phận dân chúng

Phan Minh

Các ống tiêm chứa đầy vac-xin Pfizer/BioNTech tại một phòng nghiên cứu ở Lansing, Michigan, Hoa Kỳ, ngày 27/12/2021. REUTERS – EMILY ELCONIN

Chính sách tiêm chủng bắt buộc ở Hoa Kỳ bắt đầu có hiệu lực từ hôm 04/01/2022 đối với một số công chức và nhân viên y tế. Nhờ vào điều này, Nhà Trắng hy vọng sẽ nâng cao tỷ lệ tiêm chủng trên toàn quốc.

Từ Washington, thông tín viên Gullaume Naudin tường trình:

“Trước kỳ nghỉ lễ cuối năm, tổng thống Mỹ Joe Biden đã giải thích rằng việc bắt buộc người dân tiêm vac-xin không phải để kiểm soát cuộc sống của mọi người, mà là để cứu họ. Việc tiêm chủng bắt buộc đối với nhân viên y tế sẽ có hiệu lực từ thứ Ba này, giữa lúc làn sóng của biến thể Omicron đang hoành hành và số ca nhiễm hàng ngày vượt quá 400.000 trên toàn quốc.

Mặc dù vậy, tổng thống biết là quyết định của mình không được tất cả mọi người ủng hộ. Biện pháp tiêm chủng bắt buộc cũng đã bị kiện trước tòa ở một số bang, nhưng các tòa phúc thẩm cuối cùng cũng đã chấp nhận tính hợp pháp. Giai đoạn kiện tụng cuối cùng sẽ diễn ra vào thứ Sáu tới, Tòa án Tối cao sẽ nghe lập luận của các bên. Những công ty có hơn 100 nhân viên được hưởng ân hạn (chưa bắt buộc phải tiêm chủng) trong khi chờ phán quyết của Tòa án Tối cao. Nhưng họ có thể bị phạt ngay từ ngày 10 tháng Giêng tới.

Biện pháp tiêm chủng bắt buộc hiện nay liên quan đến hơn 80 triệu người. Vì vậy, tổng thống Joe Biden hy vọng nâng cao tỷ lệ tiêm chủng. Các công ty đã thực hiện chính sách tiêm chủng bắt buộc, đã đạt tỷ lệ gần 100%. Con số này cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước, tức là chỉ có 62% người dân được coi là đã chủng ngừa đầy đủ. Trong số này, một phần ba đã tiêm liều nhắc lại, mà các cơ quan y tế coi là biện pháp bảo vệ tốt nhất chống lại biến thể mới.”

Số lượng di dân vượt biển Manche đạt mức kỷ lục vào năm 2021

Phan Minh

Các di dân lên một chiếc xuồng hơi rời bờ biển phía bắc nước Pháp để vượt eo biển Manche ở Wimereux, gần Calais, sang nước Anh vào ngày 16/12/2021. REUTERS – STEPHANE MAHE

Những cuộc vượt biển Manche đầy nguy hiểm của dân di cư, từ Pháp sang Anh, đã đạt con số kỷ lục vào năm 2021, với hơn 28.000 người. Tình trạng này khiến căng thẳng gia tăng giữa Luân Đôn và Paris.  

Theo AFP ngày 04/01/2022, trích dẫn hãng thông tấn Anh PA, ít nhất 28.395 người di cư đã tới được Anh trên những chiếc thuyền nhỏ. Con số này cao hơn gấp 3 lần so với năm 2020 (hơn 8.400). Đây là số liệu của bộ Nội Vụ Anh.

Tình trạng vượt biển Manche bùng phát mạnh mẽ kể từ năm 2018 trong bối cảnh cảng Calais (miền bắc nước Pháp) và đường hầm Eurotunnel bị đóng cửa, nơi những người di cư thường sử dụng để ẩn náu trong các phương tiện giao thông.  

Chỉ riêng trong tháng 11/2021, gần 6.900 người đã vượt biển bất chấp nguy hiểm về mật độ giao thông hàng hải, dòng chảy mạnh và nhiệt độ nước thấp. Mức kỷ lục là ngày 11/11/2021, trong vòng 24 giờ, có tới 1.185 người vượt biển.

Một số người vượt biển di cư đã phải trả giá bằng mạng sống của minh. Điển hình là vụ chìm thuyền khiến 27 người thiệt mạng hồi cuối tháng 11/2021, gây xúc động mạnh trong công luận.

Công luận Đức phản đối dự án LHCA xếp hạt nhân như là năng lượng xanh, bền vững

Minh Anh

Nhà máy điện hạt nhân ở Gundremmingen, miền nam nước Đức, ngày 23/05/2006. AP – Christof Stache

Vài ngày sau khi Ủy Ban Châu Âu công bố dự thảo, được Pháp hậu thuẫn, xem hạt nhân như là nguồn năng lượng « bền vững », chính phủ và truyền thông Đức đã có phản ứng mạnh mẽ. Dự thảo của châu Âu được công bố vào thời điểm nước Đức sắp hoàn tất giai đoạn từ bỏ hạt nhân chuyển sang những nguồn năng lượng tái tạo.

AFP nhắc lại, ngày 01/01/2022, Ủy Ban Châu Âu công bố dự thảo, đề ra một số tiêu chí cho phép dán nhãn một số hoạt động khai thác năng lượng nguyên tử và khí đốt để sản xuất điện như là một nguồn năng lượng « xanh, bền vững ». Dự luật này nằm trong mục tiêu trung hòa khí CO2 của Liên Hiệp Châu Âu đến năm 2050.  

Nước Pháp, hiện nắm giữ chức chủ tịch luân phiên Liên Hiệp Châu Âu, muốn khôi phục ngành khai thác hạt nhân – nguồn sản xuất điện ổn định và ít thải khí CO2 – đòi hỏi một dự thảo như vậy. Mong muốn này của Pháp cũng được nhiều nước Trung Âu ủng hộ, chẳng hạn Ba Lan, Cộng Hòa Séc, những nước phải thay thế các trung tâm sản xuất điện chạy bằng than đá.

Ngược lại, nước Đức, vốn dĩ chống đối mạnh mẽ hạt nhân, đang trong quá trình chuyển đổi sang năng lượng tái tạo, vừa kết thúc việc đóng cửa 3 trong số 6 nhà máy điện hạt nhân cuối cùng, hôm thứ Sáu 31/12/2021. Từ Berlin, thông tín viên Julien Mechaussie cho biết thêm phản ứng từ công luận Đức:

Trò chơi quyền lực kiểu Pháp », là tít được nhật báo lớn ở thủ đô, Der Tagesspiegel, chọn để mô tả dự luật châu Âu dán nhãn xanh cho điện hạt nhân. Đây là một thông báo gây bất ngờ khó có thể chấp nhận tại một đất nước vốn dĩ đã bước vào giai đoạn cuối của chương trình từ bỏ hạt nhân.  

Cấp nhãn xanh cho một nguồn năng lượng, một mặt phát thải rất ít khí CO2, nhưng mặt khác lại tạo ra một khối lượng chất thải rất lớn không thể tái chế, chưa nói đến những rủi ro tai nạn là điều truyền thông Đức khó mà chấp nhận.  

Bộ trưởng Kinh tế và Năng lượng thuộc phe Sinh Thái đã bày tỏ sự khó hiểu. Tương tự, phó thủ tướng Đức, Robert Habeck, đã lên tiếng dọa sẽ không ủng hộ dự thảo của Bruxelles. Nếu như ông Olaf Scholz hiện tránh chỉ trích trực tiếp Emmanuel Macron, nhiều cây bút xã luận nhận thấy rõ ràng có bàn tay của tổng thống Pháp trong vụ việc này.  

Nhưng chính phủ Đức cũng không thể tránh bị chỉ trích. Buộc phải dựa vào khí đốt để bù đắp cho việc từ bỏ hạt nhân, nước Đức về phần mình cũng đã tìm cách thúc đẩy để xếp loại năng lượng hóa thạch phát thải nhiều khí CO2 này như là nguồn năng lượng bền vững. 

Bắc Kinh siết chặt bảo mật với các công ty Trung Quốc tiến hành IPO ở nước ngoài

Phan Minh

Logo công ty SenseTime bên ngoài tòa nhà trụ sở ở Thượng Hải, Trung Quốc, ngày 13/12/2021. REUTERS – ALY SONG

Cơ quan quản lý không gian mạng của Trung Quốc (CAC) hôm 04/01/2022 cho biết, từ ngày 15/02, sẽ yêu cầu những công ty có dữ liệu của hơn 1 triệu người dùng phải trải qua một đợt đánh giá tính bảo mật trước khi tiến hành IPO ở thị trường nước ngoài.  

Trong một tuyên bố được công bố trên mạng xã hội WeChat được Reuters trích dẫn, CAC đã nêu rõ rằng các công ty phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) phải tiến hành phân tích, đánh giá khả năng bảo mật thông tin trước khi gửi yêu cầu tham gia thị trường chứng khoán tới các cơ quan quản lý ở nước ngoài.  

Các công ty này sẽ không được phép niêm yết ở nước ngoài nếu bị đánh giá là có nguy cơ gây tổn hại đến an ninh quốc gia.  

CAC đưa ra biện pháp mới lần đầu tiên vào tháng 7/2021 với lập luận là bảo vệ các dữ liệu của những công ty Trung Quốc, không để các công ty Trung Quốc bị khống chế, kiểm soát qua việc các đối tác nước ngoài đầu tư vào những cổ phiếu của các doanh nghiệp này. 

Thổ Nhĩ Kỳ: Lạm phát tăng kỷ lục

Minh Anh

Một khu buôn bán ở Eminönü, Istanbul, Thổ Nhĩ Kỳ, ngày 21/12/2021. AFP – OZAN KOSE

Tại Thổ Nhĩ Kỳ, lạm phát tiếp tục phá các kỷ lục. Theo số liệu chính thức công bố hôm qua, 03/01/2022, giá tiêu thụ trong tháng 12/2021 tăng 36,08% trong vòng một năm, mức tăng chưa từng thấy kể từ năm 2002.  

Nguyên nhân một phần là do đồng bảng Thổ Nhĩ Kỳ bị rớt giá. Hàng triệu người dân Thổ Nhĩ Kỳ lâm cảnh khó khăn, không thể mua lương thực do giá các mặt hàng lương thực, thực phẩm tăng vọt đến 44%.

Từ Istanbul, thông tín viên Anne Andlauer tường trình:

Recep Ozkan có trại nuôi bò sữa tại một khu làng nằm cách thành phố Istanbul 50 km. Theo ông, lạm phát, trước hết là do chi phí sản xuất tăng : Phân bón, nhiên liệu, thức ăn cho các con bê. Giá của tất cả những mặt hàng đó – chủ yếu là nhập khẩu – leo thang mỗi ngày. Do vậy, Recep phải chọn lựa.  

Ông nói: “Tháng vừa rồi, tôi không mua phân bón vì giá đã tăng gấp ba lần. Và tôi phải tăng giá sữa bán ra. Điều đó làm tôi đau lòng vì tôi bán trực tiếp cho người tiêu thụ và tôi biết là họ phải vật lộn với mọi thứ để có thể trang trải cho đến cuối tháng.”  

Vào tháng 12/2021, giá sản xuất chính thức tăng đến 80% trong vòng một năm. Nếu tình hình nghiêm trọng, Recep không chắc có thể tiếp tục nuôi bò sữa.  

Ông nói tiếp : « Chúng tôi ngồi bàn thảo và tính toán. Tiền chi ra, tiền thu vào. Trước đây, chưa bao giờ chúng tôi lại bị thất thu đến thế. Sau khi thu hoạch những gì chúng tôi gieo trồng, nếu không đủ trang trải các chi phí, tôi tự nhủ liệu có nên dừng chăng. »  

Tương lai dự báo đầy phức tạp, nhất là với việc giá năng lượng tăng vọt. Ngày 01/01/2022, giá điện ở Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn tăng dao động trong khoảng 50 – 130%.  

Related posts