Hoàng Hiếu
Vì sao iPhone luôn có dòng chữ Lắp ráp ở Trung Quốc mà không phải ở Mỹ?
Đơn giản là ở Mỹ, làm được 1 chiếc iPhone không hề dễ dàng.
Nhìn ra đằng sau mặt lưng chiếc iPhone của bạn hay bất kỳ ai đó, để ý một chút là sẽ thấy ngay dòng chữ “Designed by Apple in California. Assembled in China” (tạm dịch: Thiết kế bởi Apple tại California. Lắp ráp tại Trung Quốc). Đúng rồi đó, nếu có đang bất chợt nảy lên một thắc mắc trong đầu thì đừng lo, còn có rất nhiều người cũng cùng nghĩ như bạn thôi.
Trước kia, ngay cả Tổng thống Obama cũng từng tự hỏi như thế, về việc tại sao Apple phải lặn lội đến tận Trung Quốc xa xôi để hoàn thiện hàng triệu chiếc iPhone. Trong một cuộc gặp mặt cấp cao, khi đến buổi ăn tối, ông Obama đã thẳng thắn hỏi Steve Jobs – khi đó còn đương nhiệm ở Apple – rằng cớ gì mà không cho ra lò iPhone ở ngay tại Mỹ. Thật bất ngờ, Steve Jobs trả lời bình tĩnh: “Điều đó là không thể.”
Nguyên nhân ẩn giấu đằng sau
Tại sao lại không thể? Tại sao chỉ làm những công đoạn thiết kế và thống nhất ở Mỹ, còn hầu hết sản lượng iPhone lại phải nhờ đến nhà máy ở Trung Quốc làm ra, thậm chí cả iPad và hàng tá thiết bị khác cũng thế? Hay là công nghệ ở Mỹ không tiên tiến bằng Trung Quốc để đáp ứng nhu cầu sản xuất?
Thời báo The New York Times từng tò mò tới mức muốn làm cho ra nhẽ thắc mắc này, và họ cho người bỏ công đi phỏng vấn rất nhiều nhân viên cấp cao của Apple. Cuối cùng, câu trả lời nhận được lại vô cùng đơn giản: Tỷ lệ lao động và quy mô cơ sở hạ tầng tại Mỹ không đáp ứng được yêu cầu của Apple, và cũng không thể sánh được với Trung Quốc.
Không phải là công nghệ ở Mỹ lỗi thời hơn Trung Quốc, mà nhà máy tại Trung Quốc được Apple dựa vào để sản xuất iPhone hiện nay có nguồn nhân lực tối đa vào khoảng 230.000 công nhân. Ở Mỹ, việc huy động được từng đó con người trong một thành phố, đi tới một địa điểm nhà máy hàng ngày liên tục chỉ để lắp ráp iPhone là bất khả thi. Ngay ở yếu tố số lượng con người, Mỹ đã khó mà đáp ứng đủ được như Trung Quốc rồi.
Hầu hết các nhà máy trọng yếu hợp tác với Apple tại Trung Quốc là của Foxconn. Với con số 230.000 kia, có khoảng 1/4 trong số họ sống luôn ở khu ký túc xá gần sát, đồng nghĩa với việc khoảng 60.000 người vừa sống và làm việc tại đó luôn. Một ngày làm 12 tiếng, làm việc 6 ngày/tuần và lương trả thuộc mức rẻ mạt hơn rất nhiều – ở Mỹ có thể coi là bóc lột, nhưng tại Trung Quốc, đó lại là mức sống được nhiều người săn đón.
Những con số gây sốc
Trên kia mới chỉ là vài thông tin khái quát cho việc tại sao Apple đưa ra quyết định như vậy mà thôi. Giờ mới đến phần thú vị hơn: Có khoảng hơn 8.000 kỹ sư được Apple tìm kiếm và đang làm việc trong các nhà máy đó. Tại Mỹ, để gọi được kỹ sư đủ tiêu chuẩn với số lượng lớn như vậy phải mất 9 tháng. Còn ở Trung Quốc, họ chỉ mất… 15 ngày.
Dĩ nhiên, lợi ích lớn nhất khiến Apple hứng thú vẫn là tối đa lợi nhuận và tối thiểu chi phí. Ở Mỹ, tiền xây nhà máy cao hơn, tiền lương phải trả cao hơn, rồi bảo hiểm, thuế má, phụ chi cũng vượt mặt. Còn tại Trung Quốc, mọi thứ đều ở một mức “dễ thở” ngay từ bước đầu tiên là tìm nhân công. Hơn nữa, Apple luôn tìm kiếm một nơi “có thể làm được nhiều iPhone nhất trong thời gian ngắn nhất” – và không gì thích hợp hơn là Trung Quốc.
Có tổng số khoảng 40.000 người làm việc cho Apple ở Mỹ, đó là bao gồm cả các nhân viên lãnh đạo cấp cao và mọi chức vụ, vậy mà vẫn ít hơn 1/5 số người làm việc cho họ ở một nhà máy Trung Quốc. Thế mới thấy muốn bỏ chữ “China” trên vỏ chiếc iPhone mà bạn đang dùng chưa bao giờ là dễ, đến Apple cũng không chắc có dám làm thế không nữa.
Ngày 4/11/2018