Nhà khoa học Trung Quốc thứ ba nhận tội đánh cắp bí mật thương mại từ hãng dược GlaxoSmithKline

Katabella Roberts

Biển hiệu GlaxoSmithKline trên các văn phòng của hãng ở London, Anh, vào ngày 30/03/2016 (Ảnh: Reuters/Toby Melville/Ảnh tư liệu)

Cựu khoa học gia thứ ba tại GlaxoSmithKline (GSK) đã nhận tội đánh cắp bí mật thương mại để thu lợi cho công ty dược Renopharma, do Trung Cộng hậu thuẫn, Bộ Tư pháp (DOJ) thông báo hôm 03/01.

Bà Lucy Tịch (Lucy Xi), 44 tuổi, trước đây là cư dân Malvern, Pennsylvania, là người thứ tư nhận tội trong kế hoạch liên quan đến các cựu khoa học gia của GSK là bà Tiết Vũ (Yu Xue) và bà Lý Đào (Tao Li), chị gái của bà Tiết là bà Tiết Thiên (Tian Xue), và ông Mai Nham (Yan Mei), chồng của bà Tịch.

Theo DOJ, bà Tịch và các đồng phạm đã thành lập Renopharma ở Nam Kinh, Trung Quốc để nghiên cứu và phát triển các loại thuốc chống ung thư. Trong khi đó, ba người kia cũng làm việc cho nhà sản xuất thuốc GSK của Anh tại cơ sở ở Upper Merion, Pennsylvania, nơi họ phát triển các sản phẩm dược phẩm sinh học.

Các công tố viên cho biết họ đã tận dụng các vị trí của mình tại công ty để đánh cắp bí mật thương mại và thu lợi cho Renopharma, công ty vốn nhận được hỗ trợ tài chính và trợ cấp từ Trung Cộng.

Biện lý Hoa Kỳ Jennifer Arbittier Williams cho biết những sản phẩm này thường tốn hơn 1 tỷ USD để nghiên cứu và phát triển, khi công bố lời nhận tội của bà Tịch.

DOJ tuyên bố rằng bà Tịch đã gửi cho chồng một tài liệu của GSK năm 2015 có đính kèm dữ liệu và thông tin mật chứa bí mật thương mại, bao gồm bản tóm tắt nghiên cứu của công ty về kháng thể đơn dòng – các protein được tạo ra trong phòng thí nghiệm mô phỏng khả năng của hệ miễn dịch trong việc chống lại nhiễm trùng, chẳng hạn như chống lại các virus — tại thời điểm đó.

Bà Tịch được cho là đã viết trong email: “Anh cần hiểu rất rõ về tài liệu này. Nó sẽ giúp ích cho công việc kinh doanh của anh trong tương lai [Renopharma].”

Bà Williams nói: “Bị cáo này đã đánh cắp bất hợp pháp các bí mật thương mại để làm lợi cho công ty của chồng bà ta, mà công ty đó được tài trợ bởi chính quyền Trung Cộng. Huyết mạch của các công ty như GSK là tài sản trí tuệ của họ, và khi tài sản đó bị đánh cắp và chuyển ra ngoại quốc, nó sẽ đe dọa hàng ngàn việc làm của người dân Hoa Kỳ, gây nguy hiểm cho những lợi ích chiến lược mang lại thông qua nghiên cứu và phát triển. Hành vi phạm tội kiểu này phải bị truy cứu trách nhiệm trước pháp luật ở mức độ cao nhất.”

Trước đó, bà Vũ, bà Thiên, và bà Đào đều đã nhận tội về vai trò của họ trong kế hoạch này, vốn được đưa ra ánh sáng sau một cuộc điều tra. Ông Nham, người bị chính phủ Hoa Kỳ coi là kẻ đào tẩu, hiện đang sống ở Trung Quốc.

Bà Vũ đã nhận tội tại tòa án liên bang ở Pennsylvania với các cáo buộc âm mưu đánh cắp bí mật thương mại từ GSK vào tháng 08/2018, theo tuyên bố năm 2018 của DOJ. Bà Đào đã nhận tội với các cáo buộc tương tự vào tháng sau.

Đặc vụ FBI Jacqueline Maguire lưu ý các công ty dược phẩm như GSK đầu tư rất nhiều thời gian và tiền bạc vào việc phát triển các loại thuốc mới và đưa chúng ra thị trường.

“Khi các cá nhân đánh cắp bí mật thương mại có giá trị liên quan đến một trong những loại thuốc này, đó là mối đe dọa cho cả công ty đó và hơn thế nữa. Xét cho cùng, một sáng chế như thế này sẽ thúc đẩy nền kinh tế Hoa Kỳ,” đặc vụ Maguire, người phụ trách Phòng Philadelphia của FBI cho biết.

“FBI cam kết thực thi luật pháp để bảo vệ các doanh nghiệp của quốc gia khỏi những hành vi trộm cắp như vậy. Chúng tôi sẽ không cho phép những nghiên cứu và phát triển của Hoa Kỳ bị lấy đi vì lợi ích của các công ty hoặc quốc gia khác.”

Cô Katabella Roberts là một phóng viên hiện đang sống tại Thổ Nhĩ Kỳ. Cô viết về tin tức nói chung và tin kinh doanh cho The Epoch Times, tập trung chủ yếu vào Hoa Kỳ.

Thiện Lan biên dịch

Related posts