Bảo Nguyên
Thứ 4 (05/01), chứng khoán Mỹ lao dốc trong khi lợi suất trái phiếu kho bạc Mỹ tăng vọt sau khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) công bố biên bản cuộc họp cho thấy họ có thể tăng lãi suất sớm hơn dự kiến và giảm lượng tài sản nắm giữ để kiềm chế lạm phát.
Biên bản cuộc họp tháng 12 của Fed, được công bố vào thứ 4 (05/01), đã cung cấp thêm chi tiết về sự thay đổi của tổ chức này trong việc hướng tới một chính sách tiền tệ cứng rắn hơn. Các nhà hoạch định chính sách Mỹ đã thống nhất đẩy nhanh việc kết thúc chương trình mua trái phiếu trong đại dịch, đồng thời dự định tăng lãi suất ở mức 3/4 điểm phần trăm trong năm 2022.
Theo Wall Street Journal, vào tháng 9/2021, một nửa trong số các thành viên của Fed cho rằng nên đợi tới năm 2023 để tăng lãi suất. Tuy nhiên, lạm phát tại Mỹ tăng vọt, cùng với thị trường lao động khan hiếm, đã khiến Fed quyết định tăng lãi suất sớm hơn dự kiến. Rất có thể Fed sẽ tăng lãi suất ngay trong tháng 3/2022. Ngoài ra, một số thành viên cũng cho rằng Fed nên thu hẹp danh mục trái phiếu và các tài sản khác với trị giá 8,76 nghìn tỷ USD. Chương trình mua tài sản của Fed dự kiến sẽ kết thúc vào tháng 3/2022 thay vì tháng 6. Tất cả các biện pháp này là nhằm thắt chặt thị trường tài chính và hạ nhiệt nền kinh tế.
Ông Dave Donabedian, giám đốc đầu tư của CIBC Private Wealth, cho biết: “Biên bản cuộc họp của FOMC (Hội nghị Ủy ban Thị trường Mở Liên Bang – cơ quan hoạch định chính sách tiền tệ của Fed) đã cho thấy FOMC đang thảo luận về 3 lần tăng lãi suất và việc thắt chặt định lượng (giảm lượng tiền trong nền kinh tế) trong năm nay.
Chương trình mua trái phiếu của Fed đã kích thích nền kinh tế bằng cách kìm hãm lãi suất dài hạn, khuyến khích doanh nghiệp và người tiêu dùng vay tiền và chi tiêu. Chương trình cũng thúc đẩy thị trường tài chính khi tạo điều kiện cho các nhà đầu tư mua tài sản. Để ổn định nền kinh tế, danh mục tài sản của Fed đã tăng gấp đôi về giá trị trong 2 năm qua.
Việc Fed tăng lãi suất sẽ khiến doanh nghiệp và người tiêu dùng chịu mức phí cao hơn cho các khoản vay. Mức lãi suất cao sẽ làm cổ phiếu giảm giá, đặc biệt là cổ phiếu công nghệ và các cổ phiếu có mức tăng trưởng cao, theo Reuters.
Thị trường chứng khoán và trái phiếu kho bạc Mỹ biến động
Phản ứng trước thông tin từ Fed, chỉ số Công nghiệp Dow Jones hôm thứ 4 (05/01) đã giảm 392,54 điểm, tương đương 1,07%, xuống 36.407,11; S&P 500 mất 92,96 điểm, tương đương 1,94%, xuống 4.700,58; và Nasdaq Composite giảm 522,54 điểm, tương đương 3,34%, xuống 15.100,17. Dẫn đầu đà giảm là cổ phiếu của các ông lớn công nghệ: Apple Inc., công ty mẹ của Google Alphabet Inc., Amazon.com, Meta Platforms và Microsoft Corp.
Cũng vào thứ 4 (05/01), lợi tức kho bạc Mỹ đã tăng vọt. Lợi suất kỳ hạn 2 năm và 5 năm của trái phiếu chính phủ Mỹ, phản ánh kỳ vọng tăng lãi suất, lần lượt tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 3 và tháng 2/2020. Lợi suất chuẩn kỳ hạn 10 năm của Mỹ tăng lên mức cao nhất kể từ tháng 4/2021, ở mức khoảng 1,7%; trong khi lợi suất kỳ hạn 30 năm tăng lên mức cao nhất trong hơn 2 tháng.
Cùng với đó, báo cáo Việc làm Quốc gia của ADP hôm thứ 4 (05/01) cho thấy những triển vọng tích cực về nền kinh tế Mỹ. Theo đó, khu vực tư nhân đã tăng 807.000 việc làm vào tháng 12/2021, cao hơn gấp đôi so với những gì các nhà kinh tế dự báo trong một cuộc thăm dò ý kiến của Reuters.
Dựa vào dự báo lạc quan của thu nhập doanh nghiệp, các nhà phân tích thị trường tại Citi đã nâng mục tiêu của chỉ số giá S&P 500 năm 2022 lên 5.100, tăng 7% so với cuối năm 2021. Mục tiêu của Citi ngang với của Goldman Sachs – cũng là 5.100; trong khi cao hơn so với Morgan Stanley – ở mức 4.400.
Trước khi biên bản của Fed được công bố, các nhà phân tích của Citi cho biết: “Chúng tôi vẫn giữ cái nhìn tích cực ở mức độ vừa phải về triển vọng của cả thị trường, đồng thời cũng thừa nhận sẽ có những định giá trái chiều khi Fed thắt chặt hơn chính sách của họ”.
Biến động của giá dầu, giá USD, giá vàng trên thị trường
Thứ 4 (05/01), giá dầu tăng nhẹ, kéo dài đà tăng ngay cả sau khi các nhà sản xuất OPEC+ vẫn giữ mức tăng sản lượng vào tháng 2 và tồn kho nhiên liệu của Mỹ đã tăng do nhu cầu tiêu dùng giảm khi các ca Covid-19 tăng đột biến.
Dầu thô Mỹ tăng 0,09%, lên 77,06 USD/thùng; và dầu Brent ở mức 80,08 USD, tăng 0,1% trong ngày.
Đồng USD giảm 0,091%.
Trong lĩnh vực tiền điện tử, bitcoin đã giảm khoảng 3,5%, xuống còn 44.201 USD – vẫn thấp hơn đáng kể so với mức cao nhất mọi thời đại mới được xác lập vào tháng 11/2021 là 69.000 USD.
Goldman Sachs cho biết trong một nghiên cứu vào thứ 3 rằng bitcoin có thể sẽ thay thế vàng trở thành “kho lưu trữ giá trị” khi đồng tiền kỹ thuật số này ngày càng được chấp nhận rộng rãi, và giá của nó có thể đạt khoảng 100.000 USD trong 5 năm tới.
Vàng giao ngay giảm 0,3%, xuống 1.809,58 USD/ounce. Giá vàng tương lai của Mỹ tăng 0,06%, lên 1.824,60 USD/ ounce.
Bảo Nguyên