Việt Nam ngày 6/1 ghi nhận gần 26,000 ca nhiễm mới, 170 ca tử vong, hơn 28,000 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh. Sài Gòn thêm 5 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron.
Gần 26,000 ca nhiễm mới, Vĩnh Long bổ sung hơn 9,000 F0
Tối 6/1, Bộ Y tế thông báo về 16,472 ca nhiễm mới gồm 55 ca nhập cảnh và 16,417 ca ghi nhận tại 60 tỉnh/thành, trong đó có 10,555 ca nhiễm cộng đồng.
Có 9 tỉnh/thành ghi nhận số ca nhiễm trong ngày trên 500 ca gồm: Hà Nội (2,716), Hải Phòng (923), Tây Ninh (853), Khánh Hòa (800), Bình Phước (798), Cà Mau (702), Bình Định (575), Trà Vinh (553), Vĩnh Long (519).
Trong ngày, tỉnh Vĩnh Long đăng ký bổ sung thêm 9,370 ca, nâng tổng số F0 trong ngày lên 25,842 tăng 8,790 ca so với ngày 5/1.
Ngày 6/1, Việt Nam có 28,369 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh, 170 ca tử vong tại 24 tỉnh/thành, tập trung nhiều nhất ở Sài Gòn (21), An Giang (19), Bà Rịa – Vũng Tàu (13), Tiền Giang (13),… Ngoài ra, Hải Dương đính chính số ca tử vong ngày 5/1 là một ca, nâng tổng số ca tử vong toàn quốc tính đến nay lên 33,644 ca.
Hiện số bệnh nhân nặng đang điều trị là 6,626 ca, trong đó có 5,683 ca thở oxy, 943 ca thở máy và ECMO.
Tính từ đầu mùa dịch đến nay, Việt Nam có 1,843,563 ca nhiễm, trong đó, riêng đợt dịch thứ 4 (từ ngày 27/4/2021 đến nay) là 1,837,650 ca. Tổng có 1,464,415 bệnh nhân được công bố khỏi bệnh.
Hà Nội lập đỉnh mới với hơn 2,700 ca nhiễm trong ngày
Tối 6/1, CDC Hà Nội thông báo về 2,716 ca nhiễm mới trong ngày, trong đó có 720 ca cộng đồng, nâng tổng số ca nhiễm trong đợt bùng phát dịch thứ 4 đến nay lên 62,631 ca.
Các ca nhiễm mới trong ngày ghi nhận tại 28/30 quận, huyện, trong đó phân bố nhiều nhất tại Đống Đa (180), Hai Bà Trưng (130), Thanh Trì (128), Hoàng Mai (108), Hà Đông (103)…
Hiện Hà Nội đang điều trị cho hơn 35,500 ca bệnh, trong đó có hơn 2,600 F0 thuộc tầng 2 và 3, khoảng 6,700 F0 điều trị ở tầng 1. Số F0 điều trị tại nhà là gần 25,800 người.
Trong ngày, Sở Y tế thành phố yêu cầu các cơ sở y tế phân luồng tiếp nhận, điều trị F0. Đây là lần điều chỉnh thứ 6 của ngành y tế thủ đô liên quan đến vấn đề này.
Sài Gòn thêm 5 trường hợp nhiễm biến chủng Omicron
Tối 6/1, HCDC công bố thêm 5 ca nhiễm biến chủng Omicron, nâng tổng số ca nhiễm biến chủng mới tại Sài Gòn lên 11 trường hợp.
HCDC cho biết, 5 trường hợp mới này đều là người nhập cảnh trong tháng 12/2021. Các trường hợp đều đã được cách ly tập trung và lấy mẫu xét nghiệm.
Sau khi có kết quả xét nghiệm dương tính, các bệnh nhân được chuyển đến điều trị tại Bệnh viện dã chiến số 12, giải trình tự gene mẫu xét nghiệm và có kết quả nhiễm biến chủng Omicron.
Hiện những trường hợp liên quan đang được cách ly tập trung, trong đó 223 ca có kết quả xét nghiệm âm tính.
Quảng Ninh số F0 tăng kỷ lục, một huyện thuộc ‘vùng cam’
Ngày 6/1, CDC Quảng Ninh cho biết, tỉnh vừa ghi nhận số ca nhiễm tăng kỷ lục trong ngày 5/1, với 337 ca; trong đó có 283 F0 cộng đồng. Đây là số ca nhiễm ghi nhận trong ngày cao nhất từ trước tới nay.
Theo nhận định của CDC tỉnh, 3 khu vực đang có nguy cơ cao là Tp Cẩm Phả, Thị xã Quảng Yên và Tp Uông Bí do tại đây có hàng trăm doanh nghiệp ngành than, với hàng vạn công nhân thường xuyên ăn ở, làm việc tập trung.
Tỉnh khuyến cáo người dân chủ động test nhanh để phát hiện sớm F0 cộng động; hoãn việc hỉ; tổ chức đám tang đơn giản, không ăn uống, tập trung đông người tại lễ tang, đám giỗ.
Tính đến hôm nay, tỉnh Quảng Ninh ghi nhận dịch ở cấp độ 1 (vùng xanh), ở cấp huyện có Thị xã Đông Triều và Tp Uông Bí thuộc cấp độ 2 (vùng vàng). Thị xã Quảng Yên có dịch ở cấp 3 (vùng cam).
Ninh Bình dừng học trực tiếp tại 42 trường học các cấp để phòng dịch
Tính đến hết hôm 6/1, tỉnh Ninh Bình phải dừng dạy học trực tiếp tại 42 trường, từ cấp Mầm non đến Trung học phổ thông. Trong đó, huyện Kim Sơn 17 trường, huyện Nho Quan 11 trường, huyện Gia Viễn 6 trường…
Đến nay, ngành y tế tỉnh đã ghi nhận trên 300 F0 là học sinh. Trong đó, riêng ngày 5/1, tỉnh ghi nhận cụm dịch tại Trường Tiểu học Lý Tự Trọng (Tp Ninh Bình) với 9 F0. Hiện, các cơ sở giáo dục của tỉnh tạm thời dạy học trực tuyến, phù hợp với từng cấp học.
Đến nay, Ninh Bình đang cách ly, điều trị 867 F0 tại 16 cơ sở, với 24 cụm dịch xuất hiện tại 8/8 huyện, thành.
Người nhập cảnh Quảng Ninh không được rời nơi cư trú trong 7 ngày
Do lo ngại biến chủng Omicron lây lan, ngày 6/1, tỉnh Quảng Ninh đã ra quy định mới đối với người nhập cảnh.
Cụ thể, tỉnh này yêu cầu người đã chích đủ liều vaccine hoặc khỏi bệnh COVID-19 khi nhập cảnh vào tỉnh phải tự theo dõi sức khỏe tại nơi lưu trú, không được tiếp xúc với người xung quanh, không được rời khỏi nơi lưu trú trong 7 ngày, kể từ ngày nhập cảnh.
Nếu chưa chích hoặc chích chưa đủ liều vaccine, người nhập cảnh phải cách ly tại nơi lưu trú 7 ngày. Trường hợp là trẻ em dưới 18 tuổi, người cao tuổi từ 65 tuổi trở lên, phụ nữ có thai, người có bệnh lý nền được cách ly cùng với người chăm sóc.
Ngoài ra, người nhập cảnh phải có xét nghiệm âm tính trước giờ nhập cảnh 72 tiếng và tùy từng trường hợp đã chích hoặc chưa chích, chích đủ hay chưa chích đủ liều để làm xét nghiệm PCR sau khi nhập cảnh từ 1-2 lần vào ngày thứ 3 và ngày thứ 7.
Sau thời hạn tự theo dõi, cách ly, người nhập cảnh tiếp tục theo dõi sức khỏe trong 14 ngày.
Dương Minh tổng hợp
Máy bay Vietnam Airlines bị đe dọa cho nổ
VnExpress – Liên quan đến vụ máy bay Vietnam Airlines bị đe dọa khi từ Nhật Bản về Việt Nam, sáng 6/1, một lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam đánh giá việc máy bay Vietnam Airlines bị đe dọa là tình huống hy hữu. Các máy bay Việt Nam hoạt động ở nước ngoài chưa từng bị dọa bắn, chỉ một số lần khách tung tin có bom.
Thông tin ban đầu, sáng 5/1, nhân viên chi nhánh Vietnam Airlines tại Nhật Bản tiếp nhận cuộc điện thoại từ một người xưng là người Mỹ, nói tiếng Nhật, đe dọa có thể bắn hoặc cho nổ máy bay của Vietnam Airlines khi qua vịnh Tokyo. Lúc này máy bay đã khởi hành trên đường về Việt Nam.
Ngay lập tức, chi nhánh hãng tại Nhật Bản đã báo cáo về Tổng công ty. Lãnh đạo Cục Hàng không Việt Nam trực tiếp trao đổi với lãnh đạo Vietnam Airlines về hướng xử lý sự cố và xin ý kiến cơ quan có thẩm quyền.
Máy bay Boeing 787 lúc này đã bay qua vịnh Tokyo, song nhà chức trách hàng không Việt Nam đánh giá không thể bỏ qua các giả thiết, như có chất nổ trên máy bay. Do đó, qua trao đổi với cơ quan chức năng Nhật Bản, các bên thống nhất cho máy bay hạ cánh tại sân bay Fukuoka để kiểm tra an ninh.
Cảng hàng không sau đó bố trí nhân viên an ninh, kỹ thuật xem xét đánh giá thông tin cũng như an toàn của chuyến bay. “Chúng tôi hơi bất ngờ khi tiếp nhận thông tin đe dọa máy bay, song tình huống này đã nằm trong kịch bản máy bay bị can thiệp bất hợp pháp, có người tung tin giả”, lãnh đạo Cục nói.
Đại diện Cục Hàng không Việt Nam cũng cho biết, các tình huống đe dọa an ninh hàng không đều được lường trước, nằm trong phương án xử lý với các kịch bản khác nhau. Vietnam Airlines đã triển khai quy trình ứng phó khẩn nguy an ninh để xử lý theo đúng quy định, bảo đảm an toàn cho chuyến bay. Cục đã báo cáo Bộ Công an, Bộ Ngoại giao để phối hợp với nhà chức trách Nhật Bản làm rõ sự việc.
Hơn 2,2 triệu lao động đã bỏ thành phố về quê trong năm 2021
VnExpress – Theo số liệu Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/1, tính đến ngày 15/12/2021 đã có hơn 2,2 triệu lao động bỏ thành phố về quê do ảnh hưởng của đợt dịch thứ tư kéo dài.
Trong đó có khoảng 447.000 người trở về từ Hà Nội, 524.000 người về từ TP HCM; 600.000 người trở về từ các tỉnh thành phía Nam và hơn 676.000 người từ các địa phương khác.
Số người trở về chủ yếu là lao động tự do, lực lượng chịu ảnh hưởng nhiều nhất trong các đợt giãn cách theo Chỉ thị 15, 16. Song vẫn có khoảng 839.000 người từ 15 tuổi trở lên thuộc lực lượng lao động, phần lớn đang làm việc hoặc đã thất nghiệp.
Ông Phạm Hoài Nam, Vụ trưởng Thống kê Dân số và Lao động, nhận định làn sóng dịch chuyển về quê dẫn tới một số ngành thiếu hụt lao động như dệt may, da giày. Lực lượng này về quê gặp khó khăn khi tìm việc mới, vì vậy, các cơ quan cần có chính sách quy hoạch tổng thể về việc làm, phục hồi thị trường lao động.
Theo đại diện Tổng cục Thống kê, công tác quy hoạch vùng tới thời điểm này chưa thực sự tốt. Đơn cử như Đồng bằng sông Cửu Long đang gặp thách thức nghiêm trọng về vấn đề di cư, dân số, việc làm, trong khi đây là vùng nông nghiệp của cả nước, sản lượng thủy sản chiếm khoảng 70%. Lực lượng lao động khu vực này di dân tới thành phố lớn làm việc ngày càng tăng, dân số sụt giảm, ảnh hưởng an ninh quốc phòng, an ninh lương thực và sự phát triển của các địa phương trong vùng.