Tây An: Cuộc phong tỏa nghiêm ngặt nhất từ trước đến nay thử thách Zero-COVID của Trung Quốc

Eva Fu

Các nhân viên chính phủ mặc quần áo bảo hộ tập trung tại một địa điểm phòng chống dịch bên ngoài một khu dân cư ở thành phố Tây An ở tỉnh Thiểm Tây, phía tây bắc Trung Quốc, hôm 03/01/2022. (Ảnh: Chinatopix/AP)

Người đàn ông đầu tiên bước chân ra đường. Ròng rã tám ngày bảy đêm, anh ta đi bộ băng qua những ngọn núi tuyết, đi qua đi lại để tự làm ấm cơ thể giữa những cơn gió buốt và chỉ ngủ được khi mặt trời ló rạng – cho đến khi bị dân làng báo cảnh sát vì cảm thấy khả nghi.

Người thứ hai nhảy lên một chiếc xe đạp công cộng, đạp xe hơn 10 giờ đồng hồ suốt đêm. Nhưng rồi cảnh sát cũng bắt được anh ta.

Người thứ ba chọn đi đường thủy, nhảy xuống dòng sông băng với hy vọng bơi trốn khỏi đây, nhưng cuối cùng bị mắc kẹt ở đó hơn sáu giờ đồng hồ.

Bị các biện pháp COVID-19 hà khắc ở Trung Quốc dồn ép tới đường cùng, một số thường dân như bộ ba kể trên đã làm đủ mọi cách chẳng quản sinh tử để chạy trốn khỏi Tây An. Thành phố này đã áp dụng chính sách phong tỏa hà khắc cấm 13 triệu cư dân không cho họ ra khỏi nhà.

Nổi tiếng là quê hương của các Chiến binh Đất nung 2,000 năm tuổi, thành phố phía bắc trung tâm Trung Quốc này đang ghi nhận tổng số ca nhiễm COVID-19 tồi tệ nhất đất nước trong hơn 21 tháng. Điều này khiến chính quyền Bắc Kinh lo lắng không yên vì họ đang chiến đấu để đánh bại căn bệnh này khi chỉ còn bốn tuần nữa là đến Thế vận hội Mùa Đông, vốn là một sự kiện mà Bắc Kinh đã hứa là “an toàn và hoành tráng”.

Trong khi tổng số ca nhiễm từ Tây An – hơn 1,700 ca tính đến ngày 04/01 – chẳng thấm vào đâu so với nhiều quốc gia ở phương Tây, các chuyên gia và người dân đã đặt câu hỏi về tính xác thực của những số liệu như vậy, vì nhà cầm quyền này thường xuyên kiểm duyệt những tin tức phụ diện gây bất lợi.

Trung Quốc là quốc gia lớn nhất thực hiện chính sách “zero-COVID”, kiên quyết truy cản từng ca nhiễm virus dù phải trả giá về mặt kinh tế hay cảm xúc.

Tuy nhiên, sách lược chiến đấu với virus cứng rắn của Bắc Kinh – chủ yếu dựa vào việc đẩy mạnh truy vết tiếp xúc, xét nghiệm trên diện rộng, cách ly tập trung, và phong tỏa nghiêm ngặt – đang hiển lộ những bất cập trong bối cảnh công chúng trở nên ngày càng thất vọng và tức giận. Với sự bùng phát ngày càng nghiêm trọng ở Tây An, câu hỏi đặt ra là liệu các biện pháp COVID nghiêm ngặt như vậy có thể kéo dài bao lâu.

phong tỏa Tây Bắc Trung Quốc
Các nhân viên y tế tiến hành xét nghiệm axid nucleic để phát hiện virus corona COVID-19 ở Trương Dịch thuộc tỉnh Cam Túc, Tây Bắc Trung Quốc, hôm 23/10/2021. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Đau khổ vì phong tỏa

Đưa số ca nhiễm về 0 đã trở thành một nhiệm vụ chính trị.

Ông Lưu Quốc Trung (Liu Guozhong), Bí thư Tỉnh ủy tỉnh Thiểm Tây có thủ phủ là Tây An, vào ngày 01/01 đã chỉ thị cho các quan chức địa phương áp dụng “tinh thần chống dịch như chống giặc” và cách ly bất kỳ ai có nguy cơ “không được chậm trễ dù chỉ một khắc.” Một tài liệu bị rò rỉ lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy ông Lưu đã đặt mục tiêu ngày 04/01 là ngày Tây An cần đạt được số ca nhiễm COVID là 0. The Epoch Times không thể xác minh tính xác thực của bản ghi nhớ này.

Chạy đua để kiềm chế sự bùng phát, Tây An đã áp dụng các biện pháp ngăn chặn nghiêm ngặt nhất trên thế giới kể từ khi Vũ Hán trở thành tâm chấn đầu tiên của đại dịch.

Qua một đêm, hàng ngàn người được xác định là có tiếp xúc gần đã bị tống lên xe tải để chở đi các quận và thành phố khác để được cách ly. Đối với những người còn lại, khoảng cách xa nhất mà họ có thể đi là cánh cổng sắt bao quanh khu dân cư lân cận của mình.

Một số quận bị phong tỏa chặt hơn, và cư dân không được phép bước chân qua bậc cửa nhà của họ. Ở một số khu vực lân cận, chính quyền đã ngắt dịch vụ thang máy mà không thông báo gì thêm.

Vào Đêm Giao Thừa, lính cứu hỏa đã phải trèo tường để vào một khu phố bị phong tỏa sau khi một tòa nhà bị hỏa hoạn.

Cuộc phong tỏa đột ngột này đã làm dấy lên làn sóng phản đối dữ dội khi cư dân phải chật vật để bảo đảm các nhu cầu căn bản. Hashtag “khó có được thực phẩm ở Tây An” nhanh chóng trở thành một trong những cụm từ thịnh hành nhất trên Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc.

Trong một buổi họp báo trực tiếp mới đây về đợt bùng phát này, những khán giả nôn nóng đã đổ xô vào kênh này để cầu xin trong phần bình luận trực tiếp.

“Làm ơn bố trí cho khu phố của chúng tôi được mua rau.” “Đồ ăn của chúng tôi ở đâu?” Các nhà chức trách đã ngay lập tức vô hiệu hóa các bình luận này.

Cán bộ phường mang nhu yếu phẩm hàng ngày phát cho các gia đình dưới sự quản lý khép kín ở Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây, phía tây bắc Trung Quốc, hôm 29/12/2021. (Ảnh: Liu Xiao/Tân Hoa Xã/AP)

Giá thực phẩm đã tăng chóng mặt do tình trạng khan hiếm, được cho là buộc một số người phải đổi hàng hóa khác để lấy một bao gạo. Trong một bức ảnh chụp màn hình được lan tỏa mạnh mẽ, một hộp bắp cải Trung Quốc, bình thường có giá rẻ bèo, mà nay được bán với giá 438 NDT (khoảng 69 USD).

“Thế này là đang ăn cướp đấy à?” Một cư dân hỏi, tỏ vẻ nghi ngờ trong một cuộc trò chuyện nhóm trên mạng xã hội. “Mấy cây bắp cải này được dát ngọc à?”

“Không đủ tiền mua thì đừng có mà tỏ thái độ. Người nghèo như mấy người có thể chết đói đấy,” một vị cán bộ tổ dân phố đáp lại.

Đối với những người vi phạm các quy định vì bất cứ lý do gì, thì hậu quả sẽ đến tức thì — và đôi khi là đẫm máu. Một đoạn video nổi lên trên mạng xã hội vào cuối tuần qua cho thấy một người đàn ông mặc áo trắng bị hai nhân viên phòng dịch đánh đập vì lén ra ngoài mua bánh bao.

“Tôi không còn gì để ăn,” người đàn ông nói với hai nhân viên kia.

Ai quan tâm anh có gì ăn hay không,” một nhân viên mặc đồng phục vừa la lớn vừa đấm đá người đàn ông, trong khi nửa chục chiếc bánh bao trắng của anh này rơi xuống đất.

Một video khác trên mạng xã hội Ngày đầu Năm Mới cho thấy một người đàn ông mặt bê bết máu. Một cán bộ thôn ở địa phương đã dùng gạch đánh anh này khi anh ấy cố đến thăm bà của mình ở một ngôi làng gần đó vì lo rằng bà không có đồ dự trữ (như thực phẩm, đồ thiết yếu), anh cho biết.

Một nhân viên bảo vệ kiểm tra thông tin của một người dân tại lối vào của một khu dân cư đang thực hiện các biện pháp hạn chế sau đợt bùng phát virus corona gần đây ở Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây, phía bắc Trung Quốc hôm 23/12/2021. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

Dưới căng thẳng áp lực

Các hạn chế ở Tây An cũng được thực hiện dập khuôn theo một mô hình trên khắp Trung Quốc trong suốt hai năm qua. Biện pháp nặng tay này đã được khai triển song song với một chiến dịch chích ngừa tích cực. Tính đến tháng 12/2021, chiến dịch này đã khiến hơn 85% dân số phải chích các vaccine do Trung Quốc sản xuất.

Một thành phố ở Hà Nam, một tỉnh giáp ranh với Thiểm Tây, đã thực thi một lệnh phong tỏa tương tự vào ngày 03/01 sau khi thông báo có ba ca không triệu chứng.

Tại Quảng Tây, một tỉnh phía nam Trung Quốc, gần Việt Nam, các quan chức đã dùng đến biện pháp hạ nhục “diễn hành thị chúng” để trừng phạt những ai vi phạm quy định [phòng dịch]. Cuối năm ngoái, bốn người bị tình nghi là buôn lậu người đã bị đưa đi diễu phố mặc bộ đồ khử nhiễm và treo trước ngực tấm biển có tên và ảnh chân dung của họ, một cảnh tượng gợi nhớ đến những vụ nhục mạ trước công chúng nhiều thập niên trước trong Cách mạng Văn hóa. Những người đàn ông này sau đó đã được đưa lên xe tải sau khi các quan chức kê khai xong hành vi phạm tội của họ, một nhân chứng sau đó nói với The Epoch Times.

Hồi tháng 11/2021, một vụ phong tỏa đột ngột ở Trang Hà, một thành phố ở đông bắc Trung Quốc, chỉ vì một ca COVID khiến cho một tài xế giao hàng ngang qua không kịp trở tay. Cuối cùng, anh cùng vợ đã phải ở trong chiếc xe tải của họ và sống bằng mì gói suốt cả tháng cho đến khi thành phố này dỡ bỏ hạn chế đi lại.

Vì Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh đang đến gần, nên Bắc Kinh lại càng tỏ ra quyết tâm tiếp tục đường hướng hiện tại của mình hơn bao giờ hết.

Theo ông Lương Vạn Niên (Liang Wannian), một chuyên gia hàng đầu giám sát việc ứng phó với dịch bệnh của Trung Quốc, chiến lược zero-COVID vẫn là lựa chọn tốt nhất cho Trung Quốc.

Nhân viên an ninh đi bộ trong một khu vực bị hạn chế sau đợt bùng phát COVID-19 mới đây ở thành phố Tây An, thuộc tỉnh Thiểm Tây, Trung Quốc, hôm 22/12/2021. (Ảnh: STR/AFP/Getty Images)

“Hiện tại, mấu chốt để kiểm soát đợt bùng phát này không phải là ‘điều chỉnh để thích ứng’ mà là ‘thực hiện nghiêm túc’”, ông nói với hãng thông tấn nhà nước The Paper cuối tháng 12/2021, đồng thời cho biết thêm rằng sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron mới, có khả năng lây nhiễm nhanh hơn Delta, đòi hỏi Trung Quốc phải tăng cường các biện pháp hiện hành. Các chính sách hiện hành của Trung Quốc tập trung vào việc phòng ngừa biến thể Delta.

Ông nói: “Tôi tin tưởng vững chắc rằng hệ thống phòng dịch của đất nước chúng ta có thể ứng phó với các biến thể như Omicron.”

Nhưng một số người đang đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thể duy trì đến bao giờ.

Công ty tư vấn rủi ro chính trị Hoa Kỳ Eurasia Group hôm 03/01 đã đánh giá chính sách zero-COVID của Trung Quốc là rủi ro đầu tiên trong số 10 rủi ro hàng đầu cho năm 2022.

“Chính sách zero-COVID của Trung Quốc sẽ thất bại,” nhóm này khẳng định. “Việc để đất nước bị phong tỏa trong hai năm giờ đây đã khiến việc mở cửa trở lại càng trở nên rủi ro hơn.”

Chính sách này sẽ không cô lập được các ca nhiễm, nhưng lại gây ra các đợt bùng phát lớn hơn, từ đó gây ra tình trạng phong tỏa khắc nghiệt hơn, họ nêu rõ.

“Điều này sẽ dẫn đến gián đoạn kinh tế lớn hơn, chính quyền can thiệp nhiều hơn, và dân chúng bất mãn hơn vì chán ghét khẩu hiệu chiến thắng ‘Trung Quốc đã đánh bại COVID’ của các phương tiện truyền thông nhà nước.”

Tại Tây An, một số cư dân đã trông uể oải trong lúc nói chuyện.

“Phòng dịch không giống như chiến tranh,” một người dân họ Trịnh nói với The Epoch Times. “Chúng ta không thể dùng các biện pháp thời chiến để đối xử với dân thường.”

Cô Eva Fu là một phóng viên tại New York của The Epoch Times. Cô chuyên đưa tin về Hoa Kỳ–Trung Quốc, tự do tôn giáo, và nhân quyền.

Hồng Ân biên dịch

Related posts