Đức Duy
Biến thể Omicron của virus corona đang làm suy giảm đà phục hồi của nền kinh tế Trung Quốc. Các ca bệnh gia tăng và vaccine Trung Quốc tỏ ra không hiệu quả.
Tuy Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đang tích cực theo đuổi chính sách “zero COVID (không COVID)” nhưng số ca nhiễm COVID tại nhiều tỉnh thành nước này đều trên mức “0” kể từ khi bùng phát biến thể Omicron. Số ca nhiễm Omicron gia tăng nhanh chóng, mặc dù ít nhất 75% dân số Trung Quốc đã tiêm chủng đầy đủ. Ngay cả liều thứ 3 của vaccine Sinovac cũng dường như không có hiệu quả đối với Omicron. Kết quả là, Trung Quốc có thể phải phong tỏa và tiếp tục thực thi các lệnh hạn chế vào năm thứ 3 của đại dịch; dù cho những biện pháp này đang làm tê liệt nền kinh tế Trung Quốc.
Đối phó với Omicron: Trung Quốc tăng cường phong tỏa, cách ly, xét nghiệm, tàn sát vật nuôi
Trong những tháng gần đây, Bắc Kinh tăng cường áp dụng các biện pháp kiểm soát xã hội. Hôm 2/12, thành phố Tây An có 13 triệu cư dân bị nhốt và 810 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận. Tại Nội Mông, gần 10.000 khách du lịch bị mắc kẹt chỉ vì vài chục ca dương tính. Khoảng 33.863 người bị giữ lại trong Disneyland Thượng Hải vì 1 người có kết quả xét nghiệm dương tính với COVID. Hai chuyến tàu cao tốc hướng Bắc Kinh đã bị tạm hoãn khi người ta phát hiện 2 nhân viên phục vụ trên tàu đã ở gần 1 người bị nhiễm bệnh; hàng trăm hành khách buộc phải cách ly tập trung. Một thành phố ở tỉnh Giang Tây đã tắt đèn giao thông để ngăn người dân lái xe ra đường, sau khi phát hiện 1 trường hợp nhiễm COVID-19.
Trong khi đó, vật nuôi tại gia đình lâm vào thảm cảnh bị ‘tàn sát’. Tại Nội Mông, nhân viên phòng chống COVID đã giết thú cưng của những người đang trong khu cách ly khi họ đến khử trùng nhà của những người này. Tại các thành phố Thành Đô, Cáp Nhĩ Tân và Vô Tích, chính quyền ập vào nhà của những người bị cách ly với mục đích duy nhất là xử tử vật nuôi của họ.
Nhiều thành phố tại Trung Quốc vẫn đang bị phong tỏa. Cảnh sát chăng dây chặn đường, trường học đóng cửa, tàu bị hủy chuyến, và hàng triệu lượt xét nghiệm COVID đang được thực hiện. Các quan chức địa phương sẽ bị trừng phạt nếu phát hiện ra ca nhiễm trong khu vực của họ. Do đó, nhiều nơi đã áp dụng các biện pháp khắc nghiệt để phòng chống dịch bệnh. Thành phố Hắc Hà ở miền bắc Trung Quốc đã ra tuyên bố tình trạng “chiến tranh nhân dân”, đưa ra phần thưởng lên tới 15.600 USD cho những cư dân thông báo về những ai vi phạm các hạn chế.
Các hiệu thuốc bán thuốc hạ sốt phải ghi lại tên người mua trong cơ sở dữ liệu theo dõi virus, nếu không sẽ đối mặt nguy cơ bị tước giấy phép hoạt động. Những công dân có kết quả xét nghiệm dương tính nhưng lại không thông báo đến bệnh viện có thể bị truy tố.
Chính quyền Trung Quốc không chỉ cách ly những người tiếp xúc trực tiếp với bệnh nhân, mà còn cách ly cả những ai tiếp xúc thứ cấp. Chính quyền sử dụng các ứng dụng trên điện thoại di động để tìm ra và cách ly những người vô tình đi qua các khu vực có khả năng lây nhiễm. Tại Thành Đô, 82.000 người đã phải xét nghiệm vì người ta phát hiện điện thoại di động của họ nằm trong phạm vi 800 mét xung quanh một người bị nghi nhiễm bệnh, trong khoảng thời gian từ 10 phút trở lên.
Cái giá phải trả của chính sách zero COVID tại Trung Quốc
Sau 2 năm, những nỗ lực không thành công của Bắc Kinh trong việc loại bỏ virus corona Vũ Hán chính là bằng chứng cho thấy, thay vì “tận diệt” thì quản lý mới là chiến lược thích hợp để đối phó với đại dịch. Các quốc gia như Úc và Singapore đã từ bỏ chính sách “zero COVID”, khi họ nhận ra rằng không thể phong tỏa đất nước mãi mãi. Tuy nhiên, Trung Quốc lại vẫn tiếp tục định kỳ đóng cửa, từ đó tạo ra nhiều gián đoạn cho nền kinh tế. Quốc gia này cũng đang đóng cửa với thế giới, bằng cách hạn chế các tuyến du lịch và vận chuyển hàng hóa.
Một chuyến bay của hãng Delta Air Lines đã buộc phải quay đầu khi đã bay được nửa chặng đường đến Seattle từ Thượng Hải, vì các quy tắc phòng chống COVID bị điều chỉnh. Điều này đã tạo nên tình cảnh hỗn loạn khi máy bay hạ cánh xuống Mỹ, vì một số hành khách đã hết hạn thị thực cũng như hết hạn giấy xét nghiệm COVID. Trên lý thuyết, họ đã không thể quay trở lại Mỹ. Bắc Kinh kiên quyết chỉ giữ tần suất các chuyến bay quốc tế ở mức 2,2% so với thời kỳ trước COVID. Những người vừa nhập cảnh vào nước này phải cách ly trong 14 ngày. Ngay cả công dân Trung Quốc trở về từ nước ngoài cũng phải hoàn thành hàng núi thủ tục giấy tờ và phải tự đi thực hiện hàng loạt xét nghiệm liên quan đến COVID. Đối với du khách nước ngoài, chính quyền Trung Quốc gần như đã ngừng hoàn toàn việc cấp hộ chiếu mới.
Cái giá phải trả của chính sách “zero COVID” của Trung Quốc là rất đắt. Biên giới giáp các nước láng giềng đã đóng lại trong gần 2 năm. Các quốc gia như Mông Cổ và Kazakhstan, những nước có nhiều hoạt động thương mại với Trung Quốc, đã bị ảnh hưởng nặng nề. Năm 2019, lượng hàng hóa từ Trung Quốc chiếm 33% kim ngạch nhập khẩu của Mông Cổ; trong khi Trung Quốc chiếm 89,1% kim ngạch xuất khẩu của Mông Cổ. Năm 2020, khi biên giới đóng cửa, xuất khẩu của Mông Cổ sang Trung Quốc giảm xuống còn 68% trong khi nhập khẩu vẫn ở mức 35,2%. Nguyên nhân là do xuất khẩu khoáng sản từ Mông Cổ sang Trung Quốc đã giảm khoảng 30% so với năm 2019. Ở Kazakhstan, người dân cũng phải chịu đựng nhiều thiệt hại kinh tế trong cả xuất khẩu và nhập khẩu khi mà hàng chục nghìn container rỗng đang nằm ở khu vực biên giới. Trung Quốc cũng nhiều lần đóng cửa cảng biển sau khi phát hiện 1 ca nhiễm bệnh duy nhất . Phương thức xử lý này của Bắc Kinh đã làm ảnh hưởng đến chuỗi cung ứng toàn cầu.
Nhà lãnh đạo Trung Quốc Tập Cận Bình đã tiến hành một cuộc đàn áp trong lĩnh vực công nghệ, trong khi nước này cùng lúc phải đối phó với cuộc khủng hoảng bất động sản. Việc xây dựng mới ở những nơi như Chiết Giang – khu vực nhiều lần bị phong tỏa – đã chậm lại. Trong khi đó, giá nhà ở tại Trung Quốc liên tục giảm do nền kinh tế trì trệ.
Tăng trưởng bán lẻ đang giảm tốc và không đạt được so mục tiêu của Bắc Kinh. Tỷ lệ thất nghiệp cao, ở mức 5%, chưa kể hàng triệu công nhân nhập cư có thể bị mất việc làm trong các nhà máy. Nhiều nhà phân tích nhận định, nền kinh tế Trung Quốc sẽ tiếp tục suy yếu vào năm 2022, đặc biệt khi ĐCSTQ tiếp tục chính sách “Zero COVID”. Để giảm nhẹ ảnh hưởng, Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc đang có kế hoạch giải phóng thanh khoản trị giá 188 tỷ USD vào hệ thống ngân hàng. Điều này sẽ làm tăng nợ quốc gia Trung Quốc, vốn đã lên tới hơn 300% GDP.
Năm 2019, ngành du lịch chiếm gần 12% tổng GDP của Trung Quốc. Chỉ riêng du lịch nội địa đã là một ngành công nghiệp trị giá 942 tỷ USD, mang lại sinh kế cho khoảng 30 triệu người. Năm 2020, du lịch giảm khoảng 60%; và với những hạn chế mà giới chức trách áp đặt lên người dân, không có kỳ vọng rằng ngành du lịch Trung Quốc sẽ phục hồi vào năm 2022.
Bất chấp chính sách “zero COVID” của Trung Quốc, ĐCSTQ vẫn cử hành Thế vận hội Bắc Kinh 2022 theo kế hoạch. Chính quyền trung ương Trung Quốc đã yêu cầu chính quyền các thành phố xây dựng một loạt cơ sở kiểm dịch cho hàng nghìn lượt khách nước ngoài. Có thể thấy, chính sách cách ly và xét nghiệm của ĐCSTQ không thể tạo cảm hứng cho sự hồi sinh của ngành du lịch.
Tác giả Antonio Graceffo đã có hơn 20 năm làm việc tại châu Á. Ông tốt nghiệp Đại học Thể thao Thượng Hải và có bằng MBA của Đại học Giao thông Thượng Hải; và hiện là Giáo sư và nhà phân tích kinh tế Trung Quốc. Ông viết bài cho nhiều phương tiện truyền thông quốc tế. Một số cuốn sách về Trung Quốc của ông gồm: Beyond the Belt and Road: China’s Global Economic Expansion (Đằng sau Vành đai và Con đường: Sự mở rộng kinh tế toàn cầu của Trung Quốc); và A Short Course on the Chinese Economy (Khóa học ngắn hạn về kinh tế Trung Quốc).
Đức Duy
Theo The Epoch Times