Du Uyên
Khi bạn té thì sẽ có rất nhiều người thừa cơ hội đạp bạn thêm nhiều “phát” nữa, cho bạn không còn cơ hội đứng dậy luôn.
Thường thì những người “đạp” bạn khi bạn té sấp mặt, lại là những người đã từng rất thân với bạn. Họ sẽ là một “camera chạy bằng cơm” xịn nhất, bóc trần bạn với thế giới khi bạn ngã ngựa. Vì, họ biết nhiều chuyện “thầm kín” của bạn. Hoặc họ có thể khiến người ta tin mấy chuyện họ bịa ra chính xác là chuyện “thầm kín” (thật) của bạn. Nhưng, gì cũng sẽ có ngoại lệ…
“Camera chạy bằng cơm” hiện là loại camera nổi tiếng nhất, được nhắc nhiều nhất tại Việt Nam mỗi khi có chuyện không may xảy ra. Vượt xa các loại camera hiện đại, có thể thu âm, truyền âm, nhận biết cử động, lưu lại hình ảnh, nhận dạng khuôn mặt… hiện nay. “Camera chạy bằng cơm” này làm mọi thứ mà các loại camera khác làm được, ngoài ra, còn có các “tác dụng phụ” như: truyền miệng, truy tìm, khẩu nghiệp, phát tán tin tức khắp nơi, phân tích và phán xét những thứ/những người nó “ghi” lại…
Trong truyện xưa tích cũ, có câu nổi tiếng “giặc ở sau lưng ngươi đó”. Thì thời nay, “giặc” ở trước mặt, bên trái, bên phải, dưới đất lẫn trên đầu ta luôn. Bởi “camera chạy bằng cơm” sẽ là bất cứ ai mà bạn biết (hoặc không biết). Hãy cẩn thận, ai biết đâu tới một bữa đẹp trời, toàn bộ thông tin cá nhân, lý lịch ba đời, gia cảnh… của bạn bị tung khắp chốn, chỉ vì một lý do vô thưởng vô phạt. Như bạn vô tình lớn tiếng nhân viên quán cà phê nào đó vì bạn bị lãng tai, mà cô nhân viên này vô tình là một hot facebooker có nhiều fan… Cổ sẽ viết về bạn với giọng điệu thù ghét trên trang cá nhân, và vô tình một “camera chạy bằng cơm” ở gần bạn (nhưng không ưa bạn lâu nay) đọc được…
Một người bạn của tôi – là giáo viên dạy đàn – vừa viết trên mạng xã hội với giọng bất bình: “Học trò, ai đời đi “block” Thầy chỉ vì Thầy viết và share mấy cái bài liên quan tới kit test Việt Á. Mỗi người ai cũng nên có chút ít lòng trắc ẩn, nhìn nhận và tỏ thái độ sống chứ. Các anh chị cứ bảo nói có giải quyết được gì không, không sợ công an bắt à… Các anh chị thậm chí còn không dám like bài viết, thì thôi đã đành. Sao lại đi “bờ lốc” Thầy Tóc Xù dễ thương này cơ chứ. Buồn.” – Quả tình, nhiều bạn bè khác của tôi không chỉ từng bị học trò, đồng nghiệp, bạn bè “block” mà còn bị sếp bắt viết bản kiểm điểm, đuổi việc, bị “đì”, bị lối xóm xa lánh… chỉ vì những bài viết trên mạng xã hội. Tất cả đều “nhờ ơn” các “camera chạy bằng cơm” mà bạn tôi từng tin tưởng đã âm thầm “tình báo” cho cấp trên/lối xóm… Bạn tôi có “tư tưởng phản động” (theo định nghĩa của tuyên giáo) không? Có. Vì vậy, tuy hơi xấu tánh, hơi thiếu văn minh, hơi vô giáo dục, hơi khốn nạn, hơi… nhưng tính ra mấy cái “camera chạy bằng cơm” cũng chạy đúng chức năng là lan truyền sự thật (dầu hông ai mượn).
Những tưởng sự nhanh chóng và bao đồng của “camera chạy bằng cơm” kèm theo cái nết thích “đánh người chết rồi” của những kẻ này – là con dao sắc bén để “trị” cái xấu, vạch mặt cái ác, đánh chết luôn mấy kẻ ác đang “ngáp ngáp”. Kịp thời ngăn chặn điều đáng tiếc xảy ra, khiến xã hội tốt đẹp hơn. Khiến người ta cố kỵ khi làm điều không tốt…
Như khi bạn hái trộm một trái mít của hàng xóm, có thể bạn sẽ “nổi tiếng” khắp thành phố bởi tội “ăn cắp vặt”. Nhưng hàng ngàn, thậm chí hàng triệu hécta rừng khắp Việt Nam đã bị tàn phá ngay giữa nhân loài nhộn nhịp chứ không phải chốn rừng thiêng nước độc, mà không ai hay biết – bao gồm người dân, chính quyền, kiểm lâm… Nhưng khi phóng viên, người có chức trách tới ghi lại «hiện trường», vẫn kịp chụp lại hình ảnh gốc cây còn ứa máu (nhựa). «Camera chạy bằng cơm» lúc này ở đâu? Nhiều người còn nghi ngờ, liệu bọn «lâm tặc» có đeo tai nghe cho lãnh đạo trước khi cưa rừng?
Hay khi bạn xây một cái mái hiên, hay cái toilet sai luật, chỉ sau 5 phút xe cát đầu tiên đổ trước nhà bạn, công an phường/người quản lý xây dựng… đã tới nhà bạn lập biên bản. Nhưng cứ giở báo ra mà xem, bao nhiêu công trình không phép đã được dựng lên một cách hùng dũng sang trọng giữa chốn phồn hoa, có ai biết nó là không phép tới khi chủ công trình ra tòa hoặc lên báo? “Camera chạy bằng cơm” lúc này ở đâu?
Hoặc trong thời dịch này, nhất là lúc dịch trở nặng tại Việt Nam, ai ho cái là… công an phường biết liền, vì “camera chạy bằng cơm” nào đó nghĩ bạn bị nhiễm bệnh. Hay bạn thèm chua là cả xóm “biết” bạn có… chửa hoang liền (không cần biết bạn có chửa hay không). Rất đúng “chuẩn” khẩu hiệu “Mỗi gia đình là một pháo đài, mỗi người dân là một chiến sĩ! Nhưng mỗi lần có ông cán bộ nào đó sai phạm hàng trăm tỷ, ngàn tỷ, trăm ngàn tỷ tiền thuế dân, chẳng ai biết. Mấy ổng chạy tội bằng những lý do: bệnh nặng, tâm thần… cũng không có “camera chạy bằng cơm” nào lên bóc mẽ sự thật, chỉ ra coi đêm đêm mấy ổng có lên ban công đòi nhảy xuống hay lên nóc nhà nhảy đầm hoặc mặc vest ra đường nằm lăn lộn… hay không? Hay họ vẫn khệnh khạng cổ cò, đĩnh đạc vào cơ quan, sáng giá trong các buổi tiệc tùng, uy nghiêm khi nhận quà từ cấp dưới và những người cần “nhờ vả”/nịnh nọt… Họ chỉ bị bệnh nặng, tâm thần khi ra tòa. Mà khổ cái là ngay cả khi ra tòa, thì các “camera chạy bằng cơm” cũng không dám hoạt động, “bỏ đá xuống giếng” như đã làm với những dân thường phạm tội hay “bọn phản động” như trên. Bởi vậy, khi quan chức ngã ngựa, thì chỉ có đồng chí của họ “bỏ đá xuống giếng” thôi.
Gần đây, có một chuyện rất buồn đã xảy ra, đó là một cô bé 8 tuổi đã mất sau thời gian dài bị hành hạ một cách tàn nhẫn bởi cha ruột và nhân tình của chồng. Ðiều lạ là, trước khi xảy ra cái kết đáng buồn nhất, không ai cố gắng khiến chuyện này ngừng lại, ngay cả mẹ ruột (đã ly dị với ba bé), ông bà/họ hàng hai bên và hàng xóm xung quanh nơi bé đang ở, bảo vệ/quản lý tòa nhà… Họ có rất nhiều lý do: Người mẹ thì nói do cha của đứa bé không cho gặp con, họ hàng thì nói không biết gì, hàng xóm thì nói không ngờ sẽ có án mạng… Vậy mà khi bé mất, vô số hàng xóm tung bằng chứng xác thực chứng minh mình biết là cô bé có bị hành hạ, bị bóc lột… Người thì nói nhiều lần nghe em bị đánh/bị chửi thậm tệ rất nhiều lần rồi, người thì nói từng thấy cô bé khệ nệ khiêng túi rác to đi đổ, người thì lục lại hình ảnh em bé chụp cùng cha và “dì ghẻ”, thân thể đầy dấu vết đòn roi. Có người còn nghe rõ đoạn đối thoại của cha bé và nhân tình sau khi đánh bé chết, đồng ý làm nhân chứng (nhưng trước đó lại không tỏ thái độ gì). Khi em chết rồi, các «camera chạy bằng cơm» này mới được sạc pin ư? Phải chi, trước đó vài ngày, vài tháng các «camera chạy bằng cơm» đang tố cáo người cha độc ác và người dì ghẻ máu lạnh trên có thể chạy bằng liêm sỉ, sự tử tế, sự công chính… một cách quyết tâm như bây giờ, thì một mạng người có thể được cứu sống rồi. Và đây không phải chuyện «hy hữu» xảy ra tại Việt Nam, rất nhiều em bé bị bạo hành tới chết hoặc sống không bằng chết, có em được dư luận quan tâm, có em không. Và không phải tôi trù ẻo, nếu xã hội và những người lớn tại Việt Nam không thay đổi, thì sẽ còn nhiều việc tương tự xảy ra nữa…
Sự nguy hiểm của con cúm Vũ Hán là những biến chủng nhanh chóng của nó. Không biết bằng cách nào đó, nó đã cố thay đổi thật nhanh để thách thức các nhà khoa học, vaccine học, y tế học… tiếp tay cho những kẻ “hát trên những xác người”. Phải chi con người cũng biết thay đổi nhanh chóng, để hướng tới sự phát triển, trừng trị cái xấu? Thay vì đứng tại chỗ và ngày càng ác hơn.
“Phản động” không phải là “tư tưởng xấu, độc”, không ai có thể “lật đổ” một đất nước chỉ bằng ngòi bút, hãy ngừng lại đọc các góp ý của bọn “phản động” một lần được không? Xem “chúng nó” đòi “lật đổ” hay muốn xây dựng đất nước?
“Thương cho roi cho vọt, ghét cho ngọt cho bùi” không còn là chân lý nữa, hoặc chỉ còn ở nghĩa bóng mà thôi. Chúng ta đã sống quá lâu trong cái xã hội thích dùng vũ lực để cưỡng ép sự răm rắp phục tùng rồi, đừng tạo ra thêm những thế hệ như vậy nữa.
“Camera chạy bằng cơm” không hoàn toàn xấu, đôi khi có ích nữa. Nhưng “soi” không đúng chỗ – bỏ mặc lẽ phải thì không phải là “thạo tin” nữa, mà là bất lịch sự, là vô văn hóa, là gián tiếp hại người…
Bạn thấy bất công mà bạn mặc kệ, bạn xứng đáng nhận bất công.
Du Uyên