Xuân Hoa
Trung Quốc đã chuẩn hóa tên của 15 địa danh ở Arunachal Pradesh, một bang thuộc Ấn Độ, nằm trên biên giới với Bhutan và Myanmar. Đây là khu vực mà chính quyền Trung Quốc đã cố gắng tuyên bố chủ quyền và xâm phạm trong vài thập kỷ qua.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Ấn Độ, ông Arindam Bagchi, nói rằng việc Trung Quốc sáng tạo ra những cái tên Trung Quốc cho các địa danh Ấn Độ sẽ không làm thay đổi thực tế rằng Arunachal Pradesh đang và sẽ luôn là một phần không thể thiếu của Ấn Độ.
Ấn Độ đã tiếp quản Arunachal Pradesh kể từ năm 1954, khi khu vực này được thành lập với tên gọi Cơ quan Biên giới Đông Bắc (NEFA). Sau chiến tranh Trung-Ấn năm 1962, quan hệ giữa 2 nước xấu đi trầm trọng và tranh chấp biên giới kéo dài dai dẳng. Trong những năm gần đây, quan hệ Trung-Ấn ngày càng leo thang căng thẳng với cuộc đối đầu ở cao nguyên Doklam năm 2017 và cuộc đụng độ đẫm máu ở Thung lũng Galwan năm 2020.
Năm 1972, Ấn Độ đổi tên NEFA thành Arunachal Pradesh, một lãnh thổ do liên bang quản lý. Năm 1987, Arunachal Pradesh trở thành một tiểu bang theo hiến pháp Ấn Độ.
Tuy nhiên, kể từ năm 2006, Trung Quốc lại tuyên bố chủ quyền đối với Arunachal Pradesh và gọi nơi này là Nam Tây Tạng (Zangnan). Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ khi đó – ông Sun Yuxi, trước chuyến thăm chính thức của ông Hồ Cẩm Đào tới Ấn Độ, đã khẳng định: “Toàn bộ khu vực Arunachal Pradesh là lãnh thổ của Trung Quốc”.
Vào ngày 29/12/2021, Bộ Nội vụ Trung Quốc cho biết họ đã đặt tên chính thức cho 15 địa danh ở Nam Tây Tạng. Thông báo được đưa ra vài ngày trước khi luật biên giới trên bộ mới của Trung Quốc có hiệu lực vào ngày 01/01/2022.
Trung Quốc đã “chuẩn hóa” tên cho 8 khu dân cư, 4 đỉnh núi, 2 con sông và 1 con đèo, theo Global Times. Cùng với việc ấn định tên, chính quyền Trung Quốc cũng đã thiết lập một cơ cấu hành chính cho khu vực này. Quân nhân Ấn Độ tại đèo Bumla ở biên giới Trung-Ấn thuộc bang Arunachal Pradesh, ngày 21/10/2012.
Tấm bản đồ dối trá
Ông Frank Lehberger, một nhà Hán học chuyên nghiên cứu các chính sách của Đảng Cộng sản Trung Quốc ở Tây Tạng và là thành viên cấp cao của Tổ chức Usanas ở Ấn Độ, đã so sánh nỗ lực hiện nay của Trung Quốc với việc vẽ nên tấm bản đồ dối trá của nhà lãnh đạo Liên Xô Joseph Stalin. Stalin đã đích thân vẽ lại bản đồ ở Thung lũng Fergana Trung Á để đảm bảo rằng các nước cộng hòa thuộc Liên Xô cũ trong khu vực đó sẽ vẫn phụ thuộc vào Liên Xô, và sẽ bị run sợ bởi bạo lực sắc tộc nếu họ cố gắng tuyên bố độc lập.
Theo ông Lehberger, Stalin làm như vậy nhằm mục đích khiến bất ổn dân sự tự động xảy ra trong trường hợp Liên Xô tan rã.
Ông Lehberger nói: “Stalin đã vẽ những tấm bản đồ thể hiện biên giới [của các nước thuộc] Liên Xô theo cách mà người ta không thể xác định rõ đường biên giới trong trường hợp Liên Xô sụp đổ. Khi ấy, các cuộc chiến tranh biên giới và nội chiến sẽ gần như được kích hoạt một cách tự động. Và Stalin đã đạt được điều mà ông ta muốn. Đụng độ đã xảy ra 2 lần vào năm 1990 và 2010, tại biên giới Kyrgyzstan và Uzbekistan; cũng như vào năm 2008 ở Georgia, năm 2014 ở Crimea và năm 2021 ở Armenia”.
Ông Lehberger giải thích thêm, trên các tấm bản đồ cũ và mới của Trung Quốc, hoặc trên danh sách các địa danh chính thức thuộc Arunachal Pradesh, thì Itanagar – thủ phủ của bang Arunachal Pradesh không hề xuất hiện.
Trong số 15 địa điểm được Trung Quốc đặt tên gần đây, The Epoch Times có thể xác định các vị trí sau trên Google Earth: Duding (chính là Tuting ở Ấn Độ), Mani’gang (Monigong của Ấn Độ), Sengkezong (Senge), Daglungzong (Taklung Dzong), Migpain (Mipi H.Q.), Goling (Goiliang) và Damba (Dhanbari).
Đối với địa điểm được Trung Quốc gắn nhãn là Mejag (thuộc huyện Lhunze, tỉnh Sơn Nam), ông Lehberger cho rằng đây là địa điểm giả vì theo Google Earth, toàn bộ khu vực này chỉ là rừng rậm và núi cao. Không có nhà ở hoặc cơ sở hạ tầng nên người dân không thể định cư tại đây.
Ông Lehberger nói với The Epoch Times rằng, nỗ lực của Trung Quốc trong việc đặt tên cho các địa danh ở Arunachal Pradesh thậm chí đã bắt đầu ngay cả trước khi Đại sứ Trung Quốc tại Ấn Độ, ông Sun Yuxi, tuyên bố chủ quyền của Trung Quốc đối với tiểu bang này vào năm 2006.
Năm 2017, truyền thông Trung Quốc cũng rầm rộ loan tin về việc Trung Quốc có chủ quyền đối với Arunachal Pradesh. Ấn Độ khi đó đã gọi đây là một động thái trả đũa sau chuyến thăm của Đức Đạt Lai Lạt Ma đến Arunachal Pradesh. Bang này vốn là trung tâm của Phật giáo Kim Cương thừa (Vajrayana Buddhism) và có tu viện Tawang 400 năm tuổi – một trong những tu viện Phật giáo lớn nhất ở châu Á.
Ấn Độ nên làm gì trước nỗ lực vẽ lại biên giới Trung-Ấn của Trung Quốc?
Theo ông Lehberger, chính phủ Ấn Độ nên xem xét hủy bỏ tuyên bố chung mà họ đã ký với Trung Quốc vào năm 2003, khi nước này công nhận Khu tự trị Tây Tạng là một phần lãnh thổ của Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa. Làm như vậy, về mặt lý thuyết, sẽ vô hiệu hóa bất kỳ nỗ lực nào của Trung Quốc trong việc sử dụng luật biên giới để vẽ lại ranh giới kiểm soát thực tế, cũng như trong việc đánh cắp thêm lãnh thổ từ Ấn Độ. Đã có tiền lệ về việc hủy bỏ một tuyên bố chung như vậy; và tiền lệ đó được tạo ra bởi chính Trung Quốc.
“Năm 2020, Trung Quốc đã đơn phương hủy bỏ một thỏa thuận ràng buộc quốc tế về thể chế của Hong Kong, vốn được đảm bảo bởi Liên Hợp Quốc”, ông Lehberger cho hay. “Vì vậy, đã có tiền lệ [cho việc này] và nó được khởi xướng bởi giới lãnh đạo Trung Quốc”.
“Điều này chứng tỏ rằng chính quyền và giới lãnh đạo Trung Quốc không sẵn sàng thực hiện bất kỳ nghĩa vụ nào trong các hiệp ước quốc tế, có thể là với Vương quốc Anh trong vấn đề liên quan đến Hong Kong, hoặc có thể là với Ấn Độ. Do đó, Ấn Độ nên cân nhắc đến điều này”.
Ông Lehberger nói thêm: “Người dân Ấn Độ phải thức tỉnh trước những gì [Trung Quốc] đã làm trong nhiều thập kỷ”.
Xuân Hoa
Theo The Epoch Times