Thủ tướng Hun Sen thăm chính thức Miến Điện để “làm dịu căng thẳng”
Thanh Phương
Hôm 07/01/2022, thủ tướng Cam Bốt Hun Sen đến Naypyidaw, mở đầu chuyến viếng thăm chính thức hai ngày tại Miến Điện, để “làm dịu căng thẳng” tại quốc gia này. Ông sẽ hội đàm với các lãnh đạo tập đoàn quân sự. Đây là chuyến thăm Miến Điện đầu tiên của một lãnh đạo ngoại quốc kể từ cuộc đảo chính quân sự ngày 01/02/2021 lật đổ chính quyền dân sự của bà Aung San Suu Kyi.
Theo hãng tin AFP, các tổ chức nhân quyền quốc tế và các nhà hoạt động chống tập đoàn quân sự ở Miến Điện đã kêu gọi lãnh đạo chính phủ Cam Bốt từ bỏ chuyến viếng thăm này. Nhưng ông Hun Sen lại tuyên bố là ông sẵn sàng kéo dài chuyến đi thêm một ngày nếu cần.
Hôm qua, một cuộc biểu tình phản đối chuyến đi của thủ tướng Cam Bốt đã diễn ra ở vùng Saigang, miền tây bắc của nước này.
Từ Phom Penh, thông tín viên Juliette Buchez tường trình:
“Hun Sen, hãy ở nhà ông đi, đừng ủng hộ những cánh đồng chết nữa”. Đó là khẩu hiệu của những người biểu tình đã xuống đường hôm qua bất chấp sự đàn áp. Nội dung khẩu hiệu rất có ý nghĩa: Cam Bốt đã từng sống dưới chế độ Khmer Đỏ, tiếp theo là nhiều năm nội chiến.
Thế mà, ông Hun Sen, vốn tự xem mình là một người bảo đảm cho hòa bình, ổn định và phát triển kinh tế cho Cam Bốt, hôm nay đã đặt chân đến Naypyidaw, thủ đô vắng lặng của Miến Điện, và như vậy ông trở thành lãnh đạo ngoại quốc đầu tiên đến thăm nước này kể từ cuộc đảo chính tháng 2/2021.
Năm 2022, Cam Bốt giữ chức chủ tịch luân phiên của ASEAN, mà Miến Điện là một trong những thành viên. Vào tháng 4/2021, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á đã đạt được bản Đồng Thuận 5 điểm, chủ yếu yêu cầu phải chấm dứt bạo lực ở Miến Điện. Con số hơn 1.400 thường dân bị sát hại cho thấy là bản Đồng Thuận ấy đã không có tác dụng gì.
Mục tiêu mà thủ tướng Hun Sen đề ra là tái lập đối thoại, thuyết phục chính quyền quân sự thi hành bản Đồng Thuận 5 điểm, đưa Miến Điện trở lại bàn hội nghị của ASEAN. Thủ tướng Cam Bốt sẽ gặp tướng Min Aung Hlaing, cầm đầu phe đảo chính và gặp các đại diện khác của tập đoàn quân sự. Nhưng chính quyền Naypyidaw không chấp nhận cho ông Hun Sen tiếp xúc với lãnh đạo chính phủ dân sự bị lật đổ Aung San Suu Kyi và cũng như với đại diện các lực lượng phiến quân.
Trong bối cảnh như vậy, nhiều nhà quan sát tỏ vẻ nghi ngờ về sự hữu ích của chuyến thăm chính thức này. Trong khi ASEAN vẫn xem cuộc đảo chính là không chính đáng, một số nhà quan sát sợ rằng chuyến đi của ông Hun Sen là khởi đầu của việc công nhận chính quyền quân sự Miến Điện.
Sau Djokovic, Úc tạm giữ tiếp một tay vợt khác vì vấn đề thị thực
Xuân Thành
Tay vợt nữ người Czech Renata Voracova hôm thứ Sáu (7/1) cũng đã bị giới chức Úc đưa vào nơi tạm giữ người nhập cư cùng khách sạn với Novak Djokovic, theo Reuters đưa tin.
Reuters cho biết Renata Voracova bị tạm giữ cùng khách sạn Park cấp thấp tại thành phố Melbourne, bang Victoria. Cơ sở lưu trú này là nơi giới chức địa phương thường sử dụng để tạm giữ người xin tị nạn.
Renata Voracova sinh năm 1983 và hiện đang nằm trong top 100 tay vợt nữ hàng đầu thế giới với vị trí 83, theo xếp hạng của WTA (Hiệp hội Quần vợt nữ).
Bộ Ngoại giao Czech cho biết tay vợt nữ Voracova không có ý định ở lại Úc và cô đã có kế hoạch rời đi khi bị hủy thị thực và tạm giữ.
“Renata Voracova đã quyết định rút khỏi giải đấu [tại Úc] vì cơ hội tập luyện hạn chế và cô sẽ rời Úc”, Bộ Ngoại giao Czech tuyên bố. Cơ quan này nói thêm rằng họ đã đưa ra phản đối ngoại giao và khẳng định nhiều vận động viên khác cũng đã bị bắt giữ tại Úc trong hoàn cảnh tương tự.
Lực lượng Biên giới Úc (ABF) hôm thứ Sáu (7/1) cho biết một người nước ngoài đã tình nguyện rời Úc, trong khi thị thực của một người thứ ba cũng đã bị hủy. ABF không nêu rõ danh tính 2 trường hợp này.
Xuân Thành
CEO Moderna cảnh báo người dân có thể cần tiêm mũi 4 do hiệu quả vắc-xin giảm theo thời gian
Theo ông Stephane Bancel, Giám đốc điều hành (CEO) của hãng dược phẩm Moderna, người dân có thể cần phải tiêm mũi vắc-xin COVID-19 thứ 4 vào mùa thu năm 2022 do khả năng bảo vệ của mũi tiêm bổ sung (mũi 3) sụt giảm theo thời gian.
Cụ thể, trong hội thảo chăm sóc y tế do tập đoàn Goldman Sachs chủ trì hôm 6/1 vừa qua, ông Bancel cho biết rằng những người đã tiêm mũi bổ sung từ mùa thu năm ngoái sẽ được bảo vệ trong mùa đông năm nay, khi số ca mắc mới gia tăng. Dẫu vậy, hiệu quả của mũi bổ sung có thể sẽ giảm trong vài tháng, tương tự những gì đã xảy ra với 2 mũi đầu tiên.
Theo ông Bancel, những người cao tuổi hoặc có bệnh nền có thể cần tiêm mũi vắc-xin bổ sung hàng năm trong nhiều năm tới. Ông cho hay: “Chúng tôi đã nói từ trước là chúng tôi tin loại virus này sẽ không biến mất. Chúng ta phải sống chung với virus… Tôi tin chúng ta sẽ cần các mũi vắc-xin bổ sung vào mùa thu 2022 trở đi”. Bên cạnh đó, CEO Moderna cũng cho biết rằng chính phủ các nước, trong đó có Anh và Hàn Quốc, đã đặt hàng vắc-xin để chuẩn bị cho chiến dịch tiêm chủng tiếp theo.
Phát biểu trên của CEO Moderna được đưa ra trong bối cảnh Mỹ đang đối mặt với đợt bùng dịch COVID-19 do biến thể Omicron. Theo dữ liệu của Đại học Johns Hopkins, số ca mắc mới COVID-19 trung bình mỗi ngày trong 7 ngày tại Mỹ hiện là trên 574.000 trường hợp.
Theo CNBC,
Phan Anh
Trung Quốc: Nổ sập tòa nhà ở Trùng Khánh chôn vùi 26 người, có 16 người tử vong
Đông Phương
Một vụ nổ nghiêm trọng đã xảy ra tại Trùng Khánh, Trung Quốc vào khoảng 12h10 trưa ngày 7/1 theo giờ Bắc Kinh. Nhà ăn của văn phòng nhai đạo (đơn vị hành chính tương đương cấp phường ở Việt Nam) Phượng Sơn, quận Vũ Long, thành phố Trùng Khánh bị sập khiến tổng cộng 16 người tử vong, 10 khác bị thương nặng.
Tính đến 11h05 đêm ngày 7/1 theo giờ địa phương, lực lượng chức năng đã đưa 26 người ra khỏi đống đổ nát, trong đó có 16 người được xác nhận đã tử vong. Những người bị thương đều được đưa đến bệnh viện và đang được nỗ lực điều trị, một số bị thương nghiêm trọng. Vụ nổ đã được Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đưa tin. Ông Trần Mẫn Nhĩ (Chen Miner), Bí thư Thành ủy Trùng Khánh, cũng nhanh chóng đến hiện trường.
Các ngôi nhà xung quanh bị vỡ kính, mất điện
Một nhân viên cửa hàng gần nơi xảy ra vụ việc nói với Jimu News rằng, nơi cô làm cách nơi xảy ra vụ nổ hơn 100 mét, khi đó cô nghe thấy một tiếng nổ lớn và ngay lập tức cảm thấy như có động đất.
Cô cho biết, hàng chục phương tiện cứu hộ như xe chữa cháy, xe cứu thương nhanh chóng đến hiện trường; do cách xa hơn 100 mét nên cửa hàng của cô không bị ảnh hưởng nhiều, tuy nhiên một số căn nhà gần hơn đã bị vỡ kính. Nhân viên một cửa hàng buôn bán khác cho biết, đường Kiến Thiết Trung và Kiến Thiết Tây gần đó đã tạm thời bị chặn; sau vụ tai nạn, hầu hết các cửa hàng xung quanh đều mất điện.
Chính quyền chưa công bố nguyên nhân
Truyền thông nước này đưa tin, sau khi nắm được tình hình, Bí thư Thành ủy Trùng Khánh Trần Mẫn Nhĩ và Phó Bí thư Thành ủy kiêm Quyền Thị trưởng Hồ Hoành Hoa (Hu Henghua) đã ngay lập tức đến hiện trường để chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nạn. Ngoại giới quan sát cho rằng, chính quyền vẫn chưa công bố nguyên nhân chính thức, nhưng Bí thư Thành ủy Trùng Khánh đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường, điều này cho thấy mức độ nghiêm trọng của vụ nổ.
CCTV đưa tin, nguyên nhân của vụ tai nạn được cho là do rò rỉ khí gas dẫn đến phát nổ. Cơ quan Quản lý Ứng phó khẩn cấp Trung Quốc cũng đăng thông tin trên trang web cho biết, vụ nổ lúc 12h10 trưa ngày 7/1 ở Trung Khánh bị nghi do rò rỉ khí ga, hiện đang xác minh nguyên nhân vụ việc và số người gặp nạn.
Sau khi vụ tai nạn xảy ra, lực lượng cứu hỏa địa phương đã điều động ngay 260 nhân viên và 50 phương tiện đến hiện trường để tìm kiếm cứu nạn. Ngoài ra, một đội cứu hộ khu mỏ và một đội giải nguy công trình gồm 60 người, cùng 20 máy cẩu, xúc cũng được đưa đến hiện trường để chi viện.
Hình ảnh đăng tải trên Internet cho thấy, sau vụ nổ, ngôi nhà tan hoang, gạch vụn tứ tung, hiện trường ngổn ngang.