Cao Dương
Công ty tư vấn rủi ro chính trị toàn cầu Eurasia Group nhận xét rằng chính sách ‘Không COVID’ của Trung Quốc sẽ thất bại trong việc kiểm soát dịch bệnh, và sẽ dẫn đến vòng xoáy hậu quả kinh tế và xã hội tồi tệ hơn.
Người đầu tiên thì đi bộ. Trong tám ngày bảy đêm, anh đã đi bộ qua những ngọn núi tuyết, đi đi lại lại để tự sưởi ấm giữa những cơn gió buốt và chỉ đi ngủ khi mặt trời ló dạng — cho đến khi có những người dân làng đa nghi báo cảnh sát.
Người thứ hai nhảy lên một chiếc xe đạp dùng chung, đạp xe hơn 10 tiếng qua đêm. Nhưng cảnh sát cũng bắt được anh.
Người thứ ba chọn đường thủy, nhảy xuống dòng sông đóng băng với hy vọng có thể bơi đi, nhưng cuối cùng bị mắc kẹt trong hơn sáu tiếng.
Bị thúc ép bởi các biện pháp phòng chống COVID-19 hà khắc ở Trung Quốc, một số người dân bình thường như bộ ba ở trên đã dùng đến các biện pháp liều lĩnh để trốn khỏi Tây An — thành phố với chính sách phong tỏa nghiêm ngặt đã cấm 13 triệu cư dân rời khỏi nhà.
Tây An nổi tiếng là quê hương của đội quân đất nung 2.000 năm tuổi — thành phố phía bắc miền trung Trung Quốc đang có số ca nhiễm COVID-19 tồi tệ nhất đất nước trong hơn 21 tháng qua. Thực trạng ở Tây An đang đặt ra một vấn đề đau đầu cho chính quyền ở Bắc Kinh, khi họ cố gắng thắng thế trước dịch bệnh chỉ bốn tuần trước khi Thế vận hội Mùa đông diễn ra. Thế vận hội mà Bắc Kinh đã cam kết là sẽ “an toàn và hoành tráng”.
Mặc dù số ca nhiễm ở Tây An đã leo thang tới hơn 1.700 ca vào ngày 04/01, vốn rất ít ỏi so với các con số của nhiều quốc gia phương Tây, các chuyên gia và người dân đã đặt câu hỏi về tính xác thực của những con số như vậy, vì chính quyền Trung Quốc luôn kiểm duyệt những tin tức bất lợi.
Trung Quốc là quốc gia lớn nhất thực hiện chính sách “không COVID”, kiên quyết xử lý mọi trường hợp nhiễm virus mà không quan tâm tới sự tốn kém của chi phí kinh tế hay suy nghĩ của người dân.
Tuy nhiên, kịch bản cứng rắn của Bắc Kinh trong việc chống lại virus — chủ yếu dựa vào truy dấu tiếp xúc sát sao, xét nghiệm hàng loạt, cách ly tập trung và phong tỏa chặt chẽ — đang bộc lộ tình trạng căng như dây đàn, trong bối cảnh công chúng ngày càng thất vọng và phẫn nộ. Với sự bùng phát ngày càng xấu đi ở Tây An, các câu hỏi đang đặt ra là, liệu các biện pháp COVID nghiêm ngặt như vậy có thể tồn tại trong bao lâu.
Đau khổ vì phong tỏa
Đưa số liệu lây nhiễm xuống 0 đã trở thành một nhiệm vụ chính trị.
Ngày 01/01, Lưu Quốc Trung, Bí thư Tỉnh ủy Thiểm Tây, nơi Tây An là thủ phủ, đã chỉ thị các quan chức địa phương làm theo “tinh thần thời chiến” và cách ly bất kỳ ai có nguy cơ “không chậm trễ dù chỉ một chút”. Một tài liệu bị rò rỉ lan truyền trên mạng xã hội Trung Quốc cho thấy, ông Lưu đã đặt ngày 04/01 là ngày Tây An cần đạt được trạng thái không có ca nhiễm COVID mới nào. Tờ Epoch Times cho biết họ không thể xác minh tính xác thực của tài liệu đó.
Trong khi chạy đua để kiềm chế bùng dịch, Tây An đã áp dụng các biện pháp phong tỏa nghiêm ngặt nhất thế giới kể từ khi Vũ Hán trở thành tâm dịch đầu tiên.
Trong đêm, hàng nghìn người được xác định là có tiếp xúc gần với các ca nhiễm đã bị xe tải chở đi các quận và thành phố khác để được cách ly. Đối với những người còn lại, họ có thể đi xa nhất đến cánh cửa kim loại đóng chặt khu dân cư của mình.
Một số quận đã bị phong tỏa chặt hơn, và cư dân không được phép mạo hiểm ra khỏi ngưỡng cửa nhà. Ở một số khu phố, hệ thống thang máy đã bị ngắt mà không hề có thông báo.
Vào đêm giao thừa, những người lính cứu hỏa đã phải trèo tường để vào một khu phố bị phong tỏa, sau khi một tòa nhà ở đó bốc cháy.
Việc phong tỏa đột ngột đã gây ra làn sóng phản đối dữ dội khi người dân phải vật lộn để đảm bảo các nhu cầu cơ bản. Hashtag “#khó kiếm được thức ăn ở Tây An” nhanh chóng trở thành một trong những cụm từ thịnh hành nhất trên Weibo, phiên bản Twitter của Trung Quốc.
Trong phần bình luận dành cho khán giả của một buổi họp báo phát sóng trực tiếp gần đây về sự bùng phát dịch bệnh, những người xem quẫn trí đã đổ ào ạt lên những lời cầu xin.
“Xin hãy sắp xếp cho khu phố chúng tôi mua rau”, “Thức ăn của chúng tôi đâu?”. Các nhà chức trách đã nhanh chóng tắt phần bình luận này.
Giá lương thực đã tăng chóng mặt do tình trạng khan hiếm. Theo như đưa tin, việc này đã buộc một số người phải đổi hàng lấy hàng để có một bao gạo. Trong một bức ảnh chụp màn hình đã lan truyền khắp nơi, một hộp bắp cải Trung Quốc, thường được biết đến như thứ rẻ bèo, nay có giá 438 nhân dân tệ (khoảng 69 USD).
“Đây có phải là ăn cướp không?”, một người dân bị choáng khi thấy cái giá này đã hỏi vậy trong một cuộc trò chuyện nhóm trên mạng xã hội. “Có phải những cây cải này làm bằng ngọc không?”
“Đừng tỏ thái độ nếu bạn không đủ khả năng mua. Mấy người nghèo các bạn có thể chết đói đó”, một nhân viên hội đồng khu phố trả lời.
Đối với những người vi phạm các quy tắc vì bất kỳ lý do gì, hậu quả ập đến rất nhanh chóng — và đôi khi đẫm máu. Một đoạn video đăng trên mạng xã hội cuối tuần qua cho thấy, một người đàn ông mặc áo trắng bị hai nhân viên kiểm soát dịch đánh đập vì lén ra ngoài mua bánh bao hấp.
“Tôi không có thức ăn,” người đàn ông nói với các nhân viên đó.
“Ai quan tâm mày có thức ăn hay không”, một nhân viên mặc đồng phục hét lên khi anh ta đá và đấm người đàn ông, làm nửa tá bánh bao trắng rơi xuống đất.
Một video khác trên mạng xã hội trong ngày đầu năm mới cho thấy một người đàn ông với máu chảy dài trên mặt. Anh cho biết, một quan chức ở làng đã dùng một cục gạch đánh anh, khi anh cố đến thăm bà anh ở một ngôi làng gần đó, vì lo lắng rằng bà thiếu đồ dự trữ.
Căng như dây đàn
Các hạn chế ở Tây An theo cùng một mô hình lặp lại trên khắp Trung Quốc trong suốt hai năm qua. Cách tiếp cận nặng tay đã đang song hành với một chiến dịch tiêm chủng như vũ bão, kết quả 85% dân số đã tiêm vaccine do Trung Quốc sản xuất tính đến tháng 12/2021.
Một thành phố ở Hà Nam, một tỉnh giáp ranh với Thiểm Tây, đã thực thi một lệnh phong tỏa tương tự vào ngày 03/01, sau khi thông báo có ba ca nhiễm không có triệu chứng.
Tại Quảng Tây — một tỉnh phía nam Trung Quốc, ráp ranh Việt Nam — các quan chức đã dùng đến biện pháp làm nhục trước công chúng để trừng phạt những người vi phạm luật. Cuối năm ngoái, bốn người được cho là không tuân thủ nguyên tắc phòng dịch đã bị diễu qua các đường phố, họ mặc bộ quần áo chống chất nguy hiểm (hazmat) và đeo tấm biển có tên và ảnh chụp khuôn mặt của họ. Cảnh tượng này gợi lại những vụ đấu tố công khai nhiều thập kỷ trước trong thời Cách mạng Văn hóa. Những người này sau đó được tống lên xe tải thùng, sau khi các quan chức đã liệt kê hành vi phạm tội của họ, một nhân chứng kể với tờ Epoch Times như vậy.
Tháng 11/2021, chỉ vì 1 ca nhiễm COVID mà Trang Hà — một thành phố ở đông bắc Trung Quốc — bất thình lình phong tỏa, khiến một tài xế giao hàng đến thành phố này không lường trước được. Cuối cùng, anh và vợ đã phải ở trong xe tải của mình và sống bằng mì gói trong cả tháng, cho đến khi hạn chế đi lại được dỡ bỏ.
Với việc Thế vận hội Mùa đông Bắc Kinh đang đến gần, Bắc Kinh tỏ ra quyết tâm hơn bao giờ hết trong việc đi tiếp con đường hiện tại của mình.
Theo Lương Vạn Niên, một chuyên gia hàng đầu đang giám sát việc ứng phó bùng phát dịch bệnh của Trung Quốc, chiến lược không COVID vẫn là lựa chọn tốt nhất cho nước này.
“Hiện tại, chìa khóa để kiểm soát sự bùng phát không phải là “điều chỉnh” mà là “triển khai”, ông Lương nói với tờ báo nhà nước Paper vào cuối tháng 12/2021. Đồng thời ông cho biết thêm rằng, sự lây lan nhanh chóng của biến thể Omicron mới — vốn có khả năng lây nhiễm cao hơn Delta — có nghĩa là Trung Quốc cần phải tăng cường các biện pháp hiện tại. Các chính sách hiện nay của Trung Quốc đang tập trung vào việc kiểm soát biến thể Delta.
Ông Lương nói: “Tôi tin tưởng chắc chắn rằng, hệ thống kiểm soát bùng phát của đất nước chúng ta có thể xử lý các biến thể như Omicron”.
Nhưng một số người đang đặt câu hỏi liệu Trung Quốc có thể duy trì tình trạng này không.
Ngày 03/01, Eurasia Group — công ty tư vấn rủi ro chính trị toàn cầu có trụ sở tại New York — đã đánh giá rằng, chính sách không COVID của Trung Quốc chính là rủi ro số 1 trong số 10 rủi ro hàng đầu cho năm 2022.
“Chính sách không COVID của Trung Quốc sẽ thất bại”, công ty này tuyên bố. “Việc phong tỏa đất nước trong hai năm giờ đã khiến việc mở cửa trở lại trở nên rủi ro hơn”.
Eurasia Group nêu rõ, chính sách này sẽ không kiềm chế được sự lây nhiễm, mà sẽ dẫn đến các đợt bùng phát lớn hơn, từ đó gây ra phong tỏa hà khắc hơn.
“Hệ quả là sẽ dẫn đến gián đoạn kinh tế lớn hơn, nhà nước có nhiều can thiệp hơn, và người dân bất mãn hơn thì không hài lòng với câu thần chú đắc thắng ‘Trung Quốc đã đánh bại COVID’ của các phương tiện truyền thông nhà nước”.
Nhưng Trung Quốc không thể đổi hướng, chỉ vì thành công lúc đầu của chính sách không COVID, và vì mối gắn bó cá nhân mật thiết của Tổng bí thư Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình với chính sách này, Eurasia phân tích.
Tại Tây An, một số cư dân đã chia sẻ trong mệt mỏi.
“Ngăn chặn bùng phát không phải là chiến tranh”, một người dân có họ Zheng nói với tờ Epoch Times. “Chúng ta không thể sử dụng các biện pháp thời chiến để đối xử với dân thường”.
Cao Dương
Theo The Epoch Times