Lê Hữu
“Cô ca sĩ qua đời, bài hát ấy cũng qua đời.”
Ông bạn tôi, nhạc sĩ sáng tác Phan Tần, thốt lên câu ấy với giọng lừng khừng.
“Làm gì có chuyện bài hát qua đời,” tôi nói, “không người này hát thì cũng có người khác hát vậy.”
“Thế nhưng bài ấy thì chỉ có Phương Nhi, không tiếng hát nào thay được.” Chàng nhạc sĩ lắc đầu, giọng thẫn thờ. “Người đời có tiếc thương cô ca sĩ thì cũng tiếc thương bài hát ấy, có tưởng nhớ đến cô thì cũng tưởng nhớ đến bài hát ấy.”
Tôi chưa nghe ai nói lạ vậy, nhưng ngẫm nghĩ thì cũng có lý. Có những bài hát người ta không muốn nghe ai hát nữa từ khi tiếng hát gắn liền với những bài ấy đã về trời.
“Bài hát qua đời” ấy là bài “Bến cũ đò xưa”, mang âm hưởng dân ca Nam bộ. Nói vừa dứt tiếng, tác giả bài hát ôm cây đàn guitar cất giọng ồm ồm.
Chiều nay trên bến xưa
hắt hiu bóng con đò
Bến cũ cây già
tôi về nghe mưa khóc hoài con sáo bay xa…
Chim sáo bay xa rồi
trăng cũng bỏ tôi ngồi
giữa bến đời sầm sập mưa rơi…
Mưa “sầm sập”, ít nghe ai nói vậy, hẳn là mưa to gió lớn. Liệu cái “bến đời” heo hút của chàng nhạc sĩ có chịu nổi những gió mưa tơi bời?
Giọng Phan Tần nghe rưng rưng cảm xúc. Có điều chàng nói đúng, người ta không muốn nghe ai khác hát bài ấy ngoài Phương Nhi, kể cả tác giả bài hát. “Bến cũ đò xưa” hay những bài “Lý con sáo Bạc Liêu”, “Phải lòng con gái Bến Tre” thì chỉ có Phương Nhi. Không ít ca sĩ từng thử sức với những bài ấy, gồm cả những giọng hát chuyên trị dân ca, nhưng kể từ khi Phương Nhi cất tiếng thì những bài hát này đã ở lại với cô và gắn liền với tên cô.Từ ngày cô ca sĩ rời bỏ thế gian này không lời từ giã, Phan Tần ngân nga mãi câu hát…
Rồi thì… sáo cũng bay xa
bỏ trên bến nước tiếng ca buồn hiu
Vàng trôi chẳng tiếc chi nhiều
tiếc thương em bậu chín chiều ruột đau1
“Con chim sáo bay mất biệt rồi,” Phan Tần ngồi thở ra.
“Chim sáo nào?” tôi hỏi.
“Chim sáo Phương Nhi.”
Nói quanh nói quẩn một hồi rồi cũng Phương Nhi. Chàng nhạc sĩ của bài hát chim sáo vẫn chưa nguôi nỗi tiếc thương.
“Có kỷ niệm nào về cô ca sĩ kể nghe cho vui?” Tôi lái câu chuyện sang hướng khác để thôi nói chuyện chim chóc.
Phan Tần kể với giọng hào hứng về lần gặp đầu tiên giữa hai người. Đêm hôm ấy, giữa buổi tiệc sinh nhật người bạn trong giới nghệ sĩ sân khấu, một ca sĩ đàn chị dắt Phương Nhi đến gặp chàng nhạc sĩ đang ngồi ở ngoài vườn cây.
“Đây, nhạc sĩ Phan Tần là ông này đây. Hỏi riết, thấy dung nhan mặt mũi chưa?”
“Trời đất, chú là nhạc sĩ Phan Tần sao?” Phương Nhi tròn mắt. “Con hát hoài mấy bài của chú mà tới nay mới biết mặt chú.”
“Còn tôi thì biết mặt cô lâu rồi,” Phan Tần cười cười. “Cô nói ‘Trời đất’ là sao? Chắc tưởng tôi là chàng trai trẻ cao ráo đẹp trai, ngờ đâu già chát chứ gì?”
“Hông phải dzậy,” Phương Nhi lắc lắc đầu. “Con biết chú lớn tuổi, ý con là trông chú… ngầu quá.”
“Hong dám ngầu đâu, ngó dzậy chứ hiền khô à. Chắc tại bộ râu rậm rì, bữa nào chú cạo sạch sẽ là hết ngầu ngay.”
“Đừng cạo uổng chú,” Phương Nhi cười ngặt nghẽo, “chú cứ để vậy đi, nhìn riết cũng quen mắt. Mấy bài của chú con hát khán giả chịu lắm. Khi nào có bài gì mới chú nhớ gửi cho con nghen.”
Chỉ ít câu trao đổi, có tiếng ai gọi, Phương Nhi vội vàng chạy đi.
“Con phải chạy vô trỏng. Bữa nào mình nói chuyện nhiều nhiều nghe chú.”
Phan Tần không nhớ đã hơn một lần kể tôi nghe chuyện Phương Nhi hơi bị “dị ứng” với bộ râu cằm dài, rậm như râu đạo sĩ ấy.
“Có vậy thôi. Phương Nhi có lối nói chuyện rất tự nhiên cho dù mới gặp lần đầu.”
Từ đó, mỗi lần đi show, hát bài nào của Phan Tần được khán giả yêu cầu, tán thưởng, hoặc có chuyện gì vui buồn Phương Nhi hay kể cho ông chú nhạc sĩ nghe. Lần gặp sau cùng, có mừng vui đó nhưng cả hai không dám xáp lại gần vì “giãn cách xã hội” giữa lúc dịch bệnh lên đến cao điểm.
“Chú vẫn sáng tác đều chứ?” cô ca sĩ hỏi. “Lúc này có bài nào mới không chú?”
“Bài mới gì nổi. Lớp người bệnh, lớp người chết rần rần, chú còn lòng dạ nào mà đàn hát, mà kể chuyện tình yêu trai gái.”
“Không chuyện tình thì chuyện gì vui vui cho bớt lo lắng, rầu rĩ cũng được vậy chú.”
“Âm nhạc nào mà xoa dịu nổi những đớn đau, những mất mát của con người giữa thảm họa, tai ương này. Chú bó tay, không cầm nổi cây đàn.” Phan Tần nói giọng buồn xo.
“Hay là chú sáng tác bài dân ca nói về mùa cách ly, mùa dịch giã này đi.” Phương Nhi ra dáng ngẫm nghĩ. “Chưa có bài hát nào như thế. Dân ca người mình cũng có bài vui, bài buồn vậy.”
“Cũng là ý kiến hay,” Phan Tần gật gù, “chú sẽ nghiên kíu đề nghị này. Nhưng mà nói gì thì nói, cũng phải có cảm hứng thì mới sáng tác được.”
“Nói như chú thì biết tới chừng nào chú mới có cảm hứng,” Phương Nhi rụt cổ, lắc lắc đầu.
“Cũng khó nói lắm, có khi gặp con ở đây nói chuyện xong chú về nhà dạo đàn viết xuống liền, ngày mai có ngay bài hát mới toanh đưa cho con. Lại có khi mấy tháng liền không viết được một bài, nhứt là trong mùa mắc dịch này.”
“Chi mà khó vậy chú?” Phương Nhi nhăn mặt. “Vậy chứ khi con hát khán giả yêu cầu bài gì thì mình hát bài đó chứ đâu có nói được là chờ tới khi nào… có cảm hứng mới hát được. Chú cứ nghe lời con, cứ cầm cây đàn lên là cảm hứng tới liền à.”
“Hong dám đâu,” Phan Tần cười hề hề. “Nhiều lần chú cầm cây đàn lên rồi phải bỏ xuống vì tiếng đàn nghe lạt lẽo, vô duyên, không có hồn vía chi cả. Con khác, chú khác. Con là ca sĩ, con có khán giả, con hát cho khán giả, còn chú…”
“Thì chú cũng sáng tác cho khán giả, cho người nào yêu nhạc của chú, hay là chú sáng tác theo lời yêu cầu của… con cũng được vậy.” Phương Nhi cười rinh rích.
“Ok, như vậy khi nào viết được bài ấy thì chú sẽ ghi lên đầu bài nhạc là ‘Riêng tặng Phương Nhi’, hoặc là ‘Nhạc Phan Tần, ý Phương Nhi’.”
“Chú nói giữ lời nghe,” cô ca sĩ nhoẻn miệng cười.
Chàng nhạc sĩ nhớ như in những lần chuyện trò, đùa nghịch, đối đáp qua lại giữa hai người.
“Phương Nhi nói chuyện thiệt vui, thiệt có duyên. Cô tới đâu là mang niềm vui tới đó và truyền cảm hứng cho người khác. Có ngờ đâu cô lại vắn số đến vậy.” Phan Tần nói, lộ vẻ trầm ngâm.
Phương Nhi không phải là giọng ca thần tượng của tôi và cũng chưa bài nào cô hát gọi là chạm tới trái tim tôi. Mãi tới khi được Phan Tần cho nghe một bài nhạc phổ thơ, tôi nói “Bài này nghe sướng tai thiệt. Nhạc hay, lời hay, cô ca sĩ hát cũng hay, giọng trong trẻo, ngọt ngào, mùi mẫn.”
Bậu sang phà Rạch Miễu / thăm trường cũ Nam Phương
Lư lắc lư xe thổ mộ / Chèn ơi, quá dễ thương!
Tức mình theo bén gót ơ…ơ… / Năn nỉ hoài (mà) hổng nghe
Ước gì đương trắc trở / gặp nụ cười Bến Tre 2
“Chèn ơi, quá dễ thương!… Năn nỉ hoài mà hổng nghe. Phương Nhi hát mấy chỗ này thiệt hay, thiệt quá dễ thương.” Phan Tần tấm tắc khen.
Phà Rạch Miễu là con phà nào tôi không rõ. Trường Nam Phương là ngôi trường nào tôi không rành. Con gái xứ dừa Bến Tre nghe nói đẹp hết biết tôi cũng chưa gặp bao giờ. Nói cho đúng tôi chưa từng đặt chân tới Bến Tre, vậy mà nghe bài hát, nghe giọng lảnh lót, ngọt lịm như nước dừa tươi của Phương Nhi tôi nghe ra cái đẹp của những mối tình chơn chất, hiền hòa mà dạt dào như sông nước miền Tây minh mông. Lạ một điều, nghe thêm ít bài cũng với giọng hát ấy, có khi lại nghe man mác nỗi buồn, nghe da diết khắc khoải như có nỗi niềm nào u uẩn, có dòng nước mắt nào lặng thầm.
“Cái đó không lạ,” Phan Tần nói. “Cuộc đời Phương Nhi buồn nhiều hơn vui, cô thường giấu kín nỗi buồn.”
Phương Nhi không phải là danh ca nức tiếng, cô cũng không “sở hữu” giọng ca vàng ròng, vàng khối chi cả, nhưng nội việc cưu mang đến hơn hai chục trẻ mồ côi, lại còn chăm sóc đến từng miếng cơm manh áo cho người nghèo khó giữa tâm dịch bệnh thì trái tim cô, tấm lòng cô đúng là vàng thật. Nhiều người nhắc tên cô diễn viên điện ảnh tốt bụng Angelina Jolie, tiền tài danh vọng gấp nhiều lần Phương Nhi nhưng số con nuôi vẫn không nhiều bằng cô. Phương Nhi không thừa tiền lắm bạc nhưng trái tim cô giàu có, tấm lòng cô hào sảng.
Đời ca hát của Phương Nhi không dài bằng nhiều ca sĩ khác, tiếng hát cô cũng chưa đạt danh hiệu nào sáng chói, thế nhưng cái chết của cô làm dậy sóng, làm rơi nước mắt không ít người. Loài virus độc ác ấy đã mang cô đi để lại nỗi tiếc thương cho biết bao người, cả trong nước lẫn ngoài nước, cả những người trước đó còn chưa biết nhiều về cô. Hơn bao giờ hết, trong mùa dịch giã này, cái nhân cách và lòng nhân ái được thương quý, vượt trên cả tài năng.
Chim sáo bất ngờ bay đi. Phương Nhi, cô sớm rời bỏ cõi tạm này khi những ước mơ làm đẹp cho cuộc sống vẫn chưa thành tựu, những tâm huyết tâm nguyện vẫn còn dở dang.
* * *
“Nếu cô ca sĩ chịu khó chích ngừa thì đâu có ra nông nỗi,” tôi nói. “Chỉ việc vén cánh tay áo lên là xong.”
“Không rõ nội tình thế nào,” Phan Tần trầm ngâm. “Nghe đâu khi ấy thuốc chủng ngừa còn khan hiếm nên cô lui về sau nhường mũi kim cho người khác.”
“Người khác nào nữa? Một người xông xáo, xả thân làm việc thiện giữa lúc dịch bệnh bùng phát thì có rất nhiều rủi ro.”
“Đôi mắt Phương Nhi buồn quá, buồn vời vợi.” Phan Tần nói sang chuyện khác. “Cả những lúc cô cười, miệng cười mà mắt thì vẫn cứ buồn.”
Phan Tần nói chàng nhớ, nhớ ánh mắt gợn buồn, nhớ giọng nói pha chút gì nũng nịu. Không nhớ không buồn sao được, bài nhạc chàng ưng ý nhất đã bay theo con chim sáo ấy.
“Bài hát ấy chết rồi, chết theo cô ca sĩ.” Phan Tần lặp lại mãi điệp khúc ấy.
Chưa kịp nghĩ ra cách nào giúp chàng nghệ sĩ nguôi ngoai nỗi buồn “chim sáo bay xa” thì hôm sau Phan Tần bất ngờ gọi cho tôi.
“Nói riêng thôi, tôi mới gặp Phương Nhi đêm qua.”
Tôi khựng lại mấy giây, ngỡ mình nghe lầm.
“Vậy sao!?…Vui chứ?”
“Phương Nhi vui lắm,” Phan Tần tuôn ra một tràng. “Nàng nói ‘Chàng đừng buồn, đừng tiếc thương em nữa. Chim sáo đã bay về miền đất mới, miền cỏ cây hoa lá xanh tươi, không khổ đau, không dịch bệnh.’ Mới câu trước câu sau, chưa kịp hỏi han cho rõ sự tình thì nàng bất ngờ hỏi ‘Chàng đã viết xong bài ấy cho em chưa? Đừng bắt em chờ thêm nữa.’”
“Bài gì?” tôi hỏi.
“Làm sao tôi biết được,” Phan Tần trả lời. “Hỏi ra mới hay là bài mà nàng nửa đùa nửa thiệt yêu cầu tôi viết riêng cho nàng trong lần gặp sau cùng ấy, đại để ‘Khúc dân ca mùa dịch giã’ hay gì gì đó…”
Phan Tần còn nói thêm những gì nữa, tôi chịu không hiểu nổi. Lúc thì “cô” khi thì “nàng”, lúc thì chú với con, khi thì chàng với em, chẳng biết đâu vào đâu.
“Vậy là Phương Nhi nói thiệt chứ đâu có đùa,” tôi nói. “Nhưng mà ‘miền đất mới’ của cô làm gì có dịch bệnh?”
“Thì tôi cũng nói vậy. Nàng lại nói rằng bài hát ấy sẽ xoa dịu phần nào những mất mát, khổ đau của các nạn nhân trong đại dịch này.”
“Thiệt hết biết,” tôi lắc đầu, “đã về trời rồi mà còn ngó xuống xót thương người trần gian.”
Thế rồi, ngay hôm ấy, chàng nhạc sĩ thức trắng đêm để thực hiện cho bằng được một lời hứa còn treo lơ lửng. Thế rồi, trước tấm ảnh cũ chụp Phương Nhi cùng chàng ngồi đàn hát, tập dượt bài hát “Bên dòng sông Trẹm”, Phan Tần ôm đàn cất tiếng hát cho cô ca sĩ nghe bài nhạc mới toanh còn chưa ráo mực. Bài nhạc được viết xuống từ nguồn nhạc hứng trào dâng mà chàng có lúc tưởng đã tắt lịm.
Chim sáo bay xa còn nhớ thương quê nhà
còn thương quê mình mùa dịch giã
Chim sáo muốn bay về
nhưng đường về quá xa
nhưng ngàn trùng cách chia…
Sau Phương Nhi, đến lượt tôi được tác giả hát cho nghe sáng tác mới, cũng với giọng khàn khàn, ồm ồm.
“Sao, nghe được không?”
“Tất nhiên là phải được,” tôi gật gù, “nghe cảm động lắm. Bài nhạc chưa có tên à?”
“Tôi chưa nghĩ ra, thôi để cho Phương Nhi đặt tên vậy, bài hát của nàng mà.” Phan Tần trả lời tỉnh queo, không biết nói chơi hay nói thiệt. Rồi chàng đổi giọng buồn buồn, “Những bài trước tôi không viết cho Phương Nhi nhưng đã thuộc về nàng, còn bài này tôi viết riêng cho nàng thì tiếng hát ấy nay còn đâu.”
Giọng thở than ấy như xuống câu vọng cổ não nùng, nghe sao mà mủi lòng.
“Nghe đâu có cô ca sĩ trẻ nào hát giống giọng Phương Nhi lắm,” tôi nói.
“Có giống tới đâu thì cũng chỉ là bản sao. Đâu cần hát giống, hát giọng nào cũng được, hát để tưởng nhớ Phương Nhi, để nghe lời chim sáo hót.”
Nghe vậy, tôi lặng im. Phan Tần cũng lặng im, dạo vài nốt nhạc rời rạc. Tôi cụng chai bia nữa với chàng, rồi nốc cạn, nghe vị đăng đắng. Trên đường về tôi ngẫm nghĩ câu nói của Phan Tần, “Hát để tưởng nhớ Phương Nhi, để nghe lời chim sáo hót.”
Mới sáng sớm đã nghe tiếng nhấn chuông, gõ cửa. Một cái đầu thò vào, vẻ mặt rạng rỡ.
“Đêm qua tôi lại nằm mơ.”
Vẫn chưa hết chuyện, tôi nghĩ.
“Lại gặp Phương Nhi nữa chứ gì?”
“Không,” Phan Tần lắc đầu, kể bằng giọng phấn khích, “Tôi đang ngồi đàn hát sau vườn nhà thì bỗng thấy chim sáo nâu từ đâu bay về đậu trên cành trúc la đà. Chim sáo nghiêng đầu nghe hết bài hát, rồi chuyền cành sà xuống đậu trên vai tôi, rồi đậu trên cánh tay tôi, rồi đậu trên tờ nhạc hót lên mấy tiếng líu lo, rồi lượn một vòng, rồi bay vù đi mất.”
“Tuyệt quá, vậy là xong!” Tôi đập mạnh vào vai Phan Tần. “Bây giờ thì chim sáo mới thực sự bay đi. Cánh chim bay đi mang theo niềm vui mới.”
Lâu lắm mới thấy chàng nhạc sĩ nở nụ cười tươi. Từ nay có một người không còn buồn vì nỗi chim sáo bay xa.
Lê Hữu
1“Lý con sáo Bạc Liêu”, nhạc Phan Ni Tấn
2“Phải lòng con gái Bến Tre”, nhạc Phan Ni Tấn & thơ Luân Hoán