Một chuyên gia đã có cảm nhận như thế này: “Không biết bạn cảm thấy thế nào về năm 2021, nhưng đối với tôi, cả năm 2020 và năm 2021 đều trôi qua rất nhanh. Năm 2021 vừa bắt đầu đã kết thúc, không có một đoạn trung gian, năm 2020 thì còn có một nút tua nhanh Fast Over… Hai năm nay đều như vậy”.
Thời gian trôi nhanh, cuộc sống không vì thế mà bớt áp lực…
Dịch bệnh khiến nhiều người tạ thế; đóng cửa khiến nhiều doanh nghiệp phá sản; người dân thất nghiệp; trẻ em đến tuổi vào lớp 1 nhưng do trường chưa mở nên dẫn đến ‘thất học’, ‘mù chữ’; sinh viên tốt nghiệp khó kiếm việc làm; học sinh tốt nghiệp trung học phổ thông cũng cân nhắc không dám đi học xa vì cha mẹ sợ dịch bệnh… Chúng ta đang sống trong một thời đại đầy biến động, vậy thì làm thế nào để sinh tồn trong thời loạn thế?
Trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 2/2, nhân tiện được Phương Vĩ – người dẫn chương của ‘Phát thanh hy vọng’ mời chia sẻ nhân dịp Tết Dương lịch, Giáo sư Chương Thiên Lượng có nhìn nhận về năm cũ 2021 rồi mạn đàm một chút về nhân sinh như sau.
Ý nghĩa câu “Người tính không bằng Trời tính” và góc nhìn của người tín Thần
Dù xã hội nghèo đến đâu, vẫn có một số người có cuộc sống tương đối tốt. Người Trung Quốc có câu rằng: “Người tính không bằng Trời tính”, cũng có thể nói là: mệnh của người, Trời đã định. Mọi người có thể biết câu này nhưng có thể hơi khó thực hiện, bởi vì nó xuất hiện một vấn đề: Nếu hết thảy đều là định trước, vậy thì người ta có cần nỗ lực không?
Giáo sư Chương nhìn nhận, khi có một thứ gì đó đặt trước mặt của một người, họ biết rằng họ sẽ có được điều ấy nếu làm việc chăm chỉ, do đó họ sẽ không nằm dài há miệng chờ sung, họ nhất định sẽ nỗ lực. Bởi vì họ đặt tầm nhìn của mình vào lợi ích trên thế gian.
Giáo sư Chương chia sẻ rằng mình là một người tín Thần, người tín Thần sẽ xem xét vấn đề từ một khía cạnh khác, chứ không phải chỉ nhìn vào lợi ích thế gian. Nếu có Thiên đường và địa ngục, thì dù có người có hạnh phúc đến đâu cũng không hạnh phúc như ở trên Thiên đường, dù thống khổ đến đâu cũng không thống khổ bằng ở địa ngục.
Khi đặt tư tưởng của mình dưới góc độ như thế mà suy xét, người ta sẽ suy nghĩ rằng: làm thế nào tôi có thể đạt được hạnh phúc giống như trên Thiên đường. Đây không phải việc làm chuyện lớn gì đó trên thế gian, tích luỹ giàu có, tích luỹ quan hệ xã hội… để được lên Thiên đường. Giáo sư Chương nhìn nhận, điều kiện cần để lên Thiên đường là phải tích luỹ đức hạnh cho mình.
“Thông minh là Thiên phú, nhưng thiện lương là sự lựa chọn”
Vào năm 2010, khi ấy CEO của Amazon là Jeff Bezos đã có một cuộc nói chuyện trong lễ tốt nghiệp ở trường Đại học Princeton. (Giáo sư Chương không ủng hộ quan điểm chính trị của Bezos chỉ là kể một câu chuyện để làm rõ cách nhìn nhận của mình).
Lúc đó, Bezos đã chia sẻ câu chuyện thời thơ ấu của mình, trong đó có một câu nói rất hay, nhưng không phải của Bezos mà là của ông nội của Bezos, thời của ông nội Bezos vẫn còn có rất nhiều lý niệm truyền thống.
Bezos kể rằng, khi ông còn là một đứa trẻ, ông ấy luôn dành cả mùa hè của mình ở trang trại của ông bà tại Texas, làm một vài việc gì đó giúp ông bà như: sửa chữa cối xay gió, tiêm vắc-xin cho bò, cùng các công việc nhà khác v.v. Ông ấy nói rằng ông bà mình đã đến câu lạc bộ RV (Recreational Vehicle: xe nhà di động), sau đó đi du lịch khắp nước Mỹ trên những con đường cao tốc, cứ cách một mùa hè là họ lại đi. Bezos rất thích những chuyến đi như vậy. Bezos ngồi trên chiếc RV rồi đi chung với ông bà.
Lúc đó Bezos khoảng 10 tuổi và ngồi ghế sau, còn ông nội thì lái xe. Sau đó, bà của Bezos ngồi cạnh rồi hút thuốc. Bezos nói mình rất ghét mùi thuốc lá. Hồi nhỏ Bezos rất thông minh và giỏi toán. Bezos từng xem một quảng cáo là hút thuốc sẽ rút ngắn bao nhiêu năm tuổi thọ, thế là ông bắt đầu tính tốc độ hút thuốc của bà, trải qua một số phép toán đơn giản, cuối cùng Bezos đã ra một con số. Bezos nói với bà: “Bà ơi, nếu bà hút thuốc với tốc độ như thế này, 2 phút hút một điếu, bà sẽ giảm 9 năm tuổi thọ”.
Sau khi nói câu ấy, Bezos cho rằng ông bà sẽ khen ngợi mình kiểu như ‘con thật giỏi Toán’ hay cái gì đó tương tự… Kết quả, bà của Bezos bắt đầu khóc, Bezos không biết mình sai ở chỗ nào. Ông nội tấp xe vào lề đường, ra hiệu cho Bezos xuống xe ra ngoài. Tất nhiên Bezos chưa bao giờ thấy điều gì như vậy, ông không biết ông nội sẽ làm gì tiếp theo, Bezos nghĩ có lẽ ông nội sẽ nói lời nghiêm khắc với mình, hoặc là bảo phải quay lại xin lỗi bà nội…
Ông nội nhìn vào mắt của Bezos, im lặng trong giây lát, sau đó, dùng một giọng điệu rất nhẹ nhàng và bình tĩnh nói với Bezos rằng: “Jeff à, đến một ngày nào đó, con sẽ nhận ra rằng ‘thiện lương còn khó hơn thông minh’” (1).
Bezos đã giải thích cho các sinh viên tốt nghiệp ở Đại học Princeton rằng: “Bạn nên biết rằng Thiên phú là gì, và lựa chọn là gì. ‘Thông minh là Thiên phú, còn thiện lương lại là sự lựa chọn’”. Khi một sự việc xảy ra, bạn có thể chọn thiện lương hay hung ác, đây là lựa chọn của bạn, còn việc bạn thông minh là món quà Trời cho (Thiên phú, Thiên tư). Sau đó Bezos tiếp tục nói về lựa chọn nghề nghiệp…
Khi Giáo sư Chương đọc đến đoạn câu nói của ông nội Bezos đã rất cảm động. Từ cả câu chuyện trên, Giáo sư Chương nhìn nhận rằng, mỗi người làm sự việc gì, họ phải đưa ra quyết định dựa trên phẩm chất đạo đức của chính mình, đây là một loại lựa chọn.
Hộp bắp cải giá 1,5 triệu đồng ở Tây An: Khi thành công của mình được đánh giá bằng… thất bại của người khác
Nhân câu chuyện của Bezos, Giáo sư Chương kể thêm một câu chuyện xảy ra ở Tây An, Trung Quốc vào những ngày cuối của năm 2021.
Lúc đó Tây An bị ‘phong thành’ (đóng cửa), tài khoản Twitter của tờ Apollo đã đăng một dòng tweet có nội dung chủ yếu là: Những người bị nhốt trong nhà ở Tây An không thể ra ngoài mua nhu yếu phẩm, một nhà cung cấp được chính phủ chỉ định đã bán một hộp bắp cải với giá… 438 NDT (khoảng 1,5 triệu đồng).
Sau đó có người để lại tin nhắn rằng: “Bạn bán một hộp bắp cải giá 438 NDT, như vậy chẳng phải ăn cướp sao?”. Nhà cung cấp này đã trả lời như sau: “Không ăn được thì không ép. Những người chết đói như bạn là những người nghèo”.
Những người Hoa rời Đại lục đã lâu như Giáo sư Chương khi đọc câu chuyện này thật không thể nói nên lời, làm thế nào mà người Trung Quốc lại trở nên như vậy, ‘không còn nhân tính, chỉ cần tôi có thể sống, bạn càng thê thảm, tôi càng ưu việt’… Chủng tâm lý này thật sự biến thái bởi vì: thành công của mình được đánh giá bằng… thất bại của người khác. Đây là một loại văn hoá biến dị.
Rất nhiều người nhìn thấy điều này sẽ cho rằng nhà cung cấp này thật xấu xa, nhưng Giáo sư Chương cho rằng, họ đáng thương hơn là đáng trách. Họ có thể giàu có, quyền lực, có mối quan hệ, không lo cơm ăn áo mặc… nhưng lại không đưa ra một lựa chọn thiện lương.
Giáo sư Chương tin rằng con người có nghiệp lực luân hồi, khi người ta làm những điều tồi tệ với người khác, họ nhất định sẽ có báo ứng. Nói cách khác, thống khổ do họ tạo ra cho người khác chắc chắn sẽ quay lại và gắn lên thân của họ. Khi làm cho người khác thống khổ để thể hiện sự vượt trội, lúc này chính là đang tự đào hố chôn mình, bởi vì trong tương lai không biết đến một ngày, người ấy cũng có thể gặp đói khát và sỉ nhục đồng dạng như vậy.
Twilight Zone – vùng chạng vạng, nơi chuyển giao giữa cũ và mới…
Trí huệ trên thế gian không phải là thông minh, mà là thiện lương. Làm nhiều việc tốt, trồng nhiều ruộng phúc, như thế người này mới có được thiện báo trong tương lai, cũng có thể lên Thiên quốc, hoặc hưởng cuộc sống hạnh phúc ở thế gian. Trong thời loạn thế như vầy, thì thiện lương lại càng thêm trân quý, nó giống như ánh vàng kim loé sáng nơi thế gian đen đục.
Trên trang mạng thành viên ‘Thành trì hy vọng’, Giáo sư Chương đã làm một chương trình tên là ‘Trung Hoa văn minh sử’ (2), trong đó đặc biệt để cập đến một vấn để chính là: chúng ta hiện nay đang sống trong một thời kỳ vô cùng đặc thù. Khái niệm này trong tiếng Anh gọi là Twilight Zone – vùng chạng vạng, tức giao giới giữa âm và dương, nó không phải âm cũng không phải dương, cũng gần giống với khái niệm ‘thân trung ấm’ (3) trong Tạng truyền Phật giáo.
Trong trạng thái này, mọi thứ đều không ổn định, cái gì cũng có thể dao động, rất nhiều quy tắc (Giáo sư Chương lấy ví dụ chỉ để minh hoạ) như các định luật vật lý tại một số nơi sẽ không còn tác dụng nữa.
Trong 2 năm nay, mọi người thấy Bầu cử Mỹ, hay đại dịch, kể cả rất nhiều sự tình phát sinh ở Mỹ, mọi người thật khó có thể tin được, nó hoàn toàn không phải là sự việc mà xã hội chính thường nên có. Mọi người sẽ cảm giác nó giống như Twilight Zone, chính là thời kỳ quá độ vô cùng kỳ lạ, sau khi qua giai đoạn này, nó sẽ là một trạng thái khác. Do đó Giáo sư Chương nhìn nhận, chúng ta đang sống trong một thời đại vô cùng đặc thù.
Tính đặc thù của thời đại này thì Giáo sư Chương đã đề cập trong loạt bài ‘Trung Hoa văn học sử’, bao gồm cả ‘Tiếu đàm phong vân’. Khi chỉnh lý văn tự của ‘Tiếu đàm phong vân’ để in thành sách, thì trong chương cuối cùng của phần 5 (Đại Minh vương triều) có tên là ‘Mật mã lịch sử’ đã phân tích mật mã của lịch sử chính là giảng về giai đoạn hiện nay – một thời đại phi thường.
Trong thời đại hiện nay, chúng ta có cảm giác hết thảy đều không ổn định, lúc này tiêu chuẩn đạo đức con người cũng dao động, không ổn định, thậm chí trượt dốc, càng như vậy thì thiện lương càng là điều quý hiếm. Do đó, trong thời đại như thế này, nếu chúng ta không quá xem trọng vào lợi ích thế gian, mà đặt tư tưởng của mình ở một góc độ khác, biết được sự tồn tại của thiên đường và địa ngục, khi ấy chúng ta mới có thể càng thêm lương thiện. Làm được như vậy, chúng ta cũng đang tích lũy nhiều phúc đức cho tương lai của chính mình.
Khổng Tử từng giảng rằng: “Làm người Nhân (仁) là do mình, ta muốn Nhân, Nhân tự đến”. Một người liệu có muốn là một người nhân ái hay không, hoàn toàn do mình quyết định, bạn muốn làm một người nhân ái, bạn có thể làm được một người nhân ái.
Trên thế gian này, làm việc có thể thành hoặc không thành, nhưng làm người thiện lương thì hoàn toàn là do lựa chọn của chính mình. Bạn muốn làm người thiện lương, bạn luôn có thể làm được điều đó.
Mạn Vũ
Chú thích:
(1) Nguyên gốc là: Jeff, one day, you will understand that is harder to be kind than clever.
(2) ‘Trung Hoa văn minh sử’ là loạt bài quy mô lớn thứ hai của Giáo sư Chương sau ‘Tiếu đàm phong vân’.
Cá nhân tôi nhìn nhận, điều mà Giáo sư Chương muốn nói về ‘thời đại phi thường’ nằm ở tập 5: Sự trùng hợp của lịch sử.
Giáo sư Chương có gắn chữ ‘miễn phí’, do đó độc giả/khán giả nào biết tiếng Trung và yêu thích văn hoá Trung Quốc, cộng thêm có email cá nhân là có thể truy cập vào xem.
Giáo sư Chương có cho xem miễn phí nhưng không rõ là có cho dịch sang ngôn ngữ khác hay không, vấn đề này chúng tôi sẽ liên hệ lại với ekip của Giáo sư Chương. Nếu được thì chúng tôi sẽ dịch để truyền tải những điều tinh hoa ấy đưa đến cho quý độc giả.
(3) Thân trung ấm: một thuật ngữ trong Tạng truyền Phật giáo, chỉ trạng thái trung gian mà con người sẽ trải nghiệm được giữa lâm chung và lần chuyển sinh tiếp theo.