Cao Dương
Các địa phương từ làng, bản cho đến quận, huyện, và thành phố Trung Quốc được chia nhỏ thành những ô lưới, mỗi ô có ít nhất 1 nhân viên mạng lưới được chỉ định để giám sát người dân và báo cáo kịp thời những nhân tố bất ổn, ví dụ như ‘những người bất đồng chính kiến, các tín đồ tôn giáo, và những người có kiến nghị’. Cùng với việc các camera được lắp đặt ở mọi nơi từ thành phố đến nông thôn, toàn bộ Trung Quốc đã nằm trong một mạng lưới giám sát lớn duy nhất của chế độ Bắc Kinh.
Kể từ khi xảy ra đại dịch, truyền thông Trung Quốc thường cho rằng việc ngăn chặn đại dịch “thành công” (dù rất đáng ngờ) của chính quyền Trung Quốc là nhờ ‘Quản lý mạng lưới xã hội’, vốn được họ cho là một lợi thế của chính quyền toàn trị Trung Quốc.
Theo ấn bản tiếng Trung của tờ Epoch Times, việc quản lý mạng lưới xã hội tại Trung Quốc có thể được bắt nguồn từ năm 2001. Tháng 09/2001, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã đặc biệt ban hành “Ý kiến về việc tăng cường quản lý toàn diện an ninh xã hội”, kêu gọi kiểm soát xã hội nhiều hơn. Văn bản yêu cầu các biện pháp giám sát người dân phải “vào thôn, hộ, triển khai cho dân”.
Theo tờ Sixth Tone, quản lý mạng lưới xã hội tại Trung Quốc bắt đầu được thí điểm năm 2004, khi các quan chức chính quyền địa phương quận Đông Thành, Bắc Kinh tái cơ cấu 205 cộng đồng của quận thành một mạng lưới gồm 589 ô lưới. Địa phương này cũng đồng thời tuyển 120.000 nhân viên giám sát cộng đồng để phân vào giám sát các ô lưới đó.
Đến tháng 03/2020, khoảng 4,5 triệu nhân viên mạng lưới đã đóng vai trò là tuyến phòng thủ đầu tiên của Trung Quốc trong đại dịch, “giống như trong tình trạng thời chiến”, truyền thông nhà nước Trung Quốc đưa tin; họ là “tình báo, thông dịch viên, và người gác cổng” cấp cơ sở của chính sách quốc gia.
Lấy huyện Hải Diêm của tỉnh Chiết Giang ven biển phía đông Trung Quốc làm ví dụ.
Chính quyền huyện này đã huy động 10.000 nhân viên mạng lưới để “canh gác” các cộng đồng bằng cách đến gõ cửa từng nhà, đo thân nhiệt, và đảm bảo người dân đeo khẩu trang và cập nhật chính sách hiện hành, trong nỗ lực ứng phó với dân số 160.000 người tại Vũ Nguyên — một thị trấn địa phương. Những nhân viên mạng lưới này thường tự giới thiệu mình là “chiến binh” của tuyến phòng thủ quốc gia.
Năm 2005, Trung Quốc đã áp dụng quản lý mạng lưới kỹ thuật số vào phát triển đô thị và nhà ở, như một phần của hệ thống thành phố thông minh. Với mạng lưới kỹ thuật số này, sự cai quản từ trung ương đã thâm nhập được đến những người dân thông qua điện thoại di động, TV và máy tính.
Theo truyền thông nhà nước Trung Quốc, các nhân viên mạng lưới được chỉ định làm việc trong một phạm vi địa lý nhất định; có chức năng như “dây thần kinh ngoại vi” của chế độ cai trị. Những nhân viên đó giúp “đảm bảo hiệu quả của việc cai trị, phục vụ nhân dân và xây dựng một chủ nghĩa xã hội mang màu sắc Trung Quốc”.
Đường Ngao, một nhà phân tích tình hình Trung Quốc, chia sẻ với ấn bản tiếng Trung của tờ Epoch Times rằng, nhân viên mạng lưới được cấp quyền “công vụ”, họ thậm chí có thể tước bỏ các quyền cơ bản của người dân.
Theo ông Đường, trên thực tế, công việc chính của nhân viên mạng lưới là giám sát và kiểm soát người dân.
Ông Đường giải thích rằng, Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) đã mở rộng việc giám sát quần chúng từ cấp cộng đồng vào thời trước, thời nay là quản lý hộ gia đình qua việc triển khai mạng lưới này.
Ông nhận xét, “quản lý mạng lưới” dưới danh nghĩa là “quản lý cấp cơ sở”, thực chất là có chức năng do thám mọi người thông qua cái gọi là “dịch vụ công”, khi mà quần chúng trở thành một bộ phận trong thể chế gián điệp của ĐCSTQ.
Lấy Sơn Đông, một tỉnh ven biển phía đông, làm ví dụ. Theo Ấn bản số 4 của Tạp chí Chi bộ Đảng năm 2021 (pdf), chi bộ đảng “được bảo đảm trên mạng lưới”. Tỉnh Sơn Đông được chia thành 168.000 ô lưới, với 257.000 nhân viên mạng lưới đã đăng ký để giám sát tỉnh, và ít nhất 97.000 chi nhánh mạng lưới của đảng được thành lập trên toàn bộ mạng lưới.
Tạp chí đã liệt kê một thí điểm ở một huyện địa phương là Phúc Sơn, nơi cứ 50 hộ gia đình thì có 1 nhân viên mạng lưới được chỉ định, và có tối đa 3 nhân viên mạng lưới cho mỗi làng; nó đã hình thành một “mạng lưới 5 trong 1” của các chi bộ đảng ở địa phương – từ cấp thị trấn, đến cấp huyện, và cấp thôn bản; cùng với các nhân viên mạng lưới, và phụ tá mạng lưới. Cùng nhau, các nhân viên mạng lưới đã loại bỏ các lỗ hổng quản lý ở nông thôn.
Việc triển khai mạng lưới này cũng đã nhấn mạnh sự kết hợp thành công của dữ liệu lớn, trí thông minh nhân tạo, và “mạng lưới giám sát”, để đảm bảo “phạm vi giám sát 100%” và “duy trì sự ổn định”.
Trong những năm gần đây, các camera giám sát của Trung Quốc đã lan tỏa đến các vùng nông thôn qua dự án Sharp Eyes (Đôi mắt sắc bén), với các camera được lắp đặt ở mọi góc phố; dẫn đến toàn bộ Trung Quốc nằm trong một mạng lưới giám sát lớn duy nhất của ĐCSTQ, đồng thời đạt được những lợi ích tổng hợp của việc “duy trì sự ổn định và thu thập tin tức”.
‘Duy trì ổn định’
Một số chuyên gia cho biết, ĐCSTQ đang sử dụng thuật ngữ “duy trì ổn định” để duy trì quyền lực và kiểm soát bất kỳ “yếu tố bất ổn” nào của xã hội.
Ngô Tộ Lai, một học giả và là nhà văn Trung Quốc, chia sẻ với ấn bản tiếng Trung của tờ Epoch Times rằng “kẻ thù chính của ĐCSTQ là nhân dân”.
Tháng 03/1998, Khi Giang Trạch Dân còn đang là Tổng Bí thư, ĐCSTQ đã thành lập “nhóm lãnh đạo công việc duy trì ổn định chế độ”.
Tháng 09/2001, trong “Ý kiến về việc tăng cường quản lý toàn diện an ninh xã hội”, ĐCSTQ đã liệt kê một số yếu tố không ổn định, chẳng hạn như “các thế lực thù địch,… những kẻ ly khai,… tham gia vào các hoạt động liên quan đến dân tộc, tôn giáo và nhân quyền… nhằm phá hoại sự ổn định xã hội”.
“Ý kiến” cũng liệt kê Pháp Luân Công là một trong những cái gọi là “nhân tố không ổn định”.
Pháp Luân Công là một môn tu luyện tinh thần được giới thiệu ra công chúng vào năm 1992, sau đó được phổ biến rộng rãi trong toàn xã hội Trung Quốc. Môn này đã bị ĐCSTQ cấm vào năm 1999, khi đảng này coi nó là mối đe dọa đối với việc kiểm soát quần chúng của mình.
Sau khi thử nghiệm mạng lưới lần đầu tiên vào năm 2004 tại quận Đông Thành, Bắc Kinh, thì đến năm 2013, Trung Quốc đã khởi xướng chương trình quản lý mạng lưới trên toàn quốc. Các trung tâm quản lý mạng lưới có thể được nhìn thấy trên khắp đất nước.
Lấy một địa phương ở tỉnh Hồ Nam, miền trung nam Trung Quốc, làm ví dụ. Vũ Lăng có dân số 420.000 người. Năm 2014, chính quyền Vũ Lăng chia thành phố cấp địa khu này thành 577 ô lưới, trung bình mỗi ô có 350-500 hộ, và thuê 550 nhân viên mạng lưới. Quan chức địa phương khẳng định, hệ thống này là một ví dụ tốt về mô hình làm việc “1 nhân viên mạng lưới – 1 chi bộ Đảng”.
Năm 2018, thành phố cấp địa khu Loa Hà ở tỉnh Hà Nam, miền trung Trung Quốc, đã áp dụng mô hình “4 nhân viên trên mỗi ô lưới”: 1 trợ lý dịch vụ cộng đồng, 1 nhân viên phục vụ thể chế, 1 cảnh sát, và 1 nhân viên giám sát. Các quan chức Loa Hà nhấn mạnh việc phải gắn kết “đảng, chính phủ, và công vụ” trong một mạng lưới thông qua “mạng và ứng dụng” dữ liệu lớn. Toàn bộ 19 cộng đồng đô thị trong khu vực Loa Hà đã được chia thành 78 ô lưới.
Cho đến nay, truyền thông Trung Quốc đã đưa tin một số khu vực sử dụng tới 10 nhân viên cho mỗi ô lưới để “phục vụ cộng đồng” tốt hơn.
Quần chúng Triều Dương
ĐCSTQ đã hăng hái khen ngợi những đóng góp của những người dân thường cho các nỗ lực giám sát khu phố, và quảng bá họ dưới những mỹ danh khác nhau.
Ví dụ như ở Bắc Kinh, “quần chúng Triều Dương” là mỹ danh mà truyền thông Trung Quốc, cảnh sát địa phương, và dân mạng dùng để chỉ một nhóm những người giám sát các ô lưới.
Triều Dương là một quận trung tâm ở Bắc Kinh. Quần chúng Triều Dương — nhóm giám sát tổ dân phố nổi tiếng nhất ở Trung Quốc — đã làm việc chăm chỉ để đưa tin về những hành vi sai trái của các ngôi sao và những người nổi tiếng, nhưng không bao giờ nói đến các quan chức ĐCSTQ.
Một báo cáo của Trung Quốc từ tháng 11/2021 chỉ ra rằng, “quần chúng Triều Dương” đã phát triển thành một tổ chức lớn với 140.000 thành viên đã đăng ký, kiểm soát một diện tích 471 km vuông ở quận Triều Dương, tương đương với 297 tình nguyện viên hoặc nhân viên mạng lưới trên mỗi km vuông.
Báo cáo cho biết, “trên các đường phố của quận Triều Dương, có những người gác cổng, nhân viên bảo vệ, người già đã nghỉ hưu, tình nguyện viên, nhân viên giao hàng, và nhân viên văn phòng; họ là “quần chúng Triều Dương”.
Trong một cuộc phỏng vấn với ấn bản tiếng Trung tờ Epoch Times, luật sư nhân quyền người Trung Quốc Ngô Thiệu Bình đã mô tả “quần chúng Triều Dương” là một tổ chức có “bản chất khủng bố”.
Một số báo tháng 09/2019 của tạp chí theo dõi nhân quyền Trung Quốc Bitter Winter đã nói rằng, nhân viên mạng lưới trên thực tế “có nhiệm vụ giám sát các yếu tố bất ổn, chẳng hạn như những người bất đồng chính kiến, các tín đồ tôn giáo, và những người có kiến nghị trong khu vực mạng lưới; và có nhiệm vụ báo cáo nhanh chóng về những người đó bằng điện thoại di động”.
Tạp chí Bitter Winter cũng tiết lộ rằng, nhân viên mạng lưới sẽ “bị trừng phạt nếu họ không báo cáo trong vòng 2 tiếng kể từ lúc xảy ra bất kỳ cuộc biểu tình, kiến nghị, hay sự việc hàng loạt nào; hình phạt sẽ tăng gấp đôi nếu họ không kiểm soát được các nhân tố bất ổn như các học viên Pháp Luân Công. Sẽ có giải thưởng khi có báo cáo về một người theo Pháp Luân Công, hoặc khi có thông tin về nơi ở của những người thỉnh nguyện; nhân viên mạng lưới sẽ được thưởng 1.000 nhân dân tệ (156,87 USD) cho mỗi người bị bắt giữ”.
Tháng 08/2021, Cục Dân tộc và Tôn giáo của Thái Nguyên, một tỉnh lỵ của tỉnh Sơn Tây phía bắc Trung Quốc, đã công bố một chiến dịch trao giải thưởng cho cái gọi là “báo cáo về các hoạt động tôn giáo bất hợp pháp“, với mức tiền thưởng từ 200 nhân dân tệ (31,38 USD) cho đến 2.000 nhân dân tệ (313,76 USD).
Cao Dương
Theo The Epoch Times