IMF: Các nền kinh tế mới nổi phải thực hiện các biện pháp phòng ngừa cho việc tăng lãi suất ở Hoa Kỳ
Naveen Athrappully
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho biết các nền kinh tế mới nổi trên toàn thế giới phải phòng ngừa cho việc tăng lãi suất ở Hoa Kỳ dựa trên hoàn cảnh và mức độ dễ bị tổn thương của mình, vì tác động lan tỏa của việc tăng lãi suất có thể dẫn đến các chu trình tác động bất lợi như bất ổn tài chính, giảm giá tiền tệ, và lạm phát nhanh chóng.
Giá cả tăng vọt, thị trường lao động thắt chặt, và những gián đoạn liên quan đến biến thể Omicron đã dẫn đến việc Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ thắt chặt chính sách tiền tệ và đẩy nhanh việc giảm bớt việc mua tài sản để kiềm chế cơn lạm phát cao nhất trong 39 năm.
Trong một bài đăng trên blog hôm thứ Hai (10/01) Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho biết: “Những thay đổi này đã làm cho triển vọng đối với các thị trường mới nổi trở nên rủi ro hơn. Các quốc gia này cũng đang đối mặt với lạm phát gia tăng và nợ công cao hơn đáng kể”.
Tổng nợ của chính phủ trung bình ở các thị trường mới nổi đang tăng lên, “ước tính đạt khoảng 64% GDP vào cuối năm 2021, với sự khác biệt lớn giữa các quốc gia. Tuy nhiên, trái ngược với Hoa Kỳ, sự phục hồi kinh tế và thị trường lao động của các quốc gia này kém mạnh mẽ hơn”.
IMF đã chỉ ra hai kịch bản, một trong số đó là việc thắt chặt và tăng lãi suất dần dần, theo đó tác động lên các nền kinh tế mới nổi có thể sẽ là “nhẹ”. Trong trường hợp này, nền kinh tế Hoa Kỳ mạnh lên sẽ duy trì nhu cầu trong nước và các nền kinh tế mới nổi có thể bù đắp bất kỳ tác động tiêu cực nào như giảm giá tiền tệ thông qua gia tăng thương mại.
Lãi suất tăng nhanh là kịch bản thứ hai. Trong tình huống này, thị trường tài chính ở các nền kinh tế nhạy cảm sẽ bị lung lay, do các điều kiện tài chính được thắt chặt trên toàn cầu. Dòng vốn chảy ra lớn so với sự mất giá của USD và những đợt mất giá của tiền tệ sẽ khiến các nền kinh tế tuột xuống.
Khi một số quốc gia đã bắt đầu quá trình điều chỉnh chính sách tiền tệ của mình, IMF khuyến nghị các nền kinh tế có thể chế yếu hơn nên bắt đầu hành động nhanh chóng và toàn diện. Tổ chức cho vay quốc tế này đề nghị các quốc gia cho phép đồng tiền của họ giảm giá trong khi tăng lãi suất chuẩn.
Sự đánh đổi đối với các nền kinh tế này bao gồm việc không hỗ trợ thị trường nội địa của họ như các doanh nghiệp địa phương với các công cụ tín dụng. Mặc dù sự đánh đổi này này giúp thắt chặt các điều kiện tài chính, nhưng sẽ dẫn đến một nền kinh tế suy yếu.
Đối với các quốc gia có nhiều nợ bằng ngoại tệ, họ nên nỗ lực theo hướng giảm nợ, thực hiện bảo hiểm rủi ro, và tăng thời gian hoàn vốn. Đối với các nền kinh tế có các doanh nghiệp đang gánh nhiều nợ và các khoản nợ khó đòi, IMF chỉ ra rằng bên cho vay đang phải đối mặt với các vấn đề về khả năng thanh toán.
Các chính sách tài khóa như tăng thuế, làm cho chi tiêu công hiệu quả hơn, và thực hiện cải cách tài khóa cấu trúc sẽ giúp các nền kinh tế vượt qua những gián đoạn như vậy trên các thị trường quốc tế.
Bên cạnh đó, các quốc gia có thể dựa vào sự hỗ trợ của IMF, nhưng số lượng cho vay sẽ phụ thuộc vào việc các nền kinh tế này củng cố tình hình tài khóa của mình trong thời kỳ bất ổn kinh tế quan trọng này như thế nào.
Các thị trường mới nổi bao gồm Trung Quốc, Ấn Độ, Indonesia, Malaysia, Philippines, Singapore, Thái Lan, Nga, Brazil, Mexico, Saudi Arabia, Nigeria, và Nam Phi.
Naveen Athrappully là một ký giả đưa tin về các sự kiện kinh doanh và thế giới tại The Epoch Times.
Lưu Đức biên dịch
Trung Quốc cần trả tự do cho nhà hoạt động nhân quyền để lo tang lễ cho vợ
Nguyên Hương
Thân nhân và các nhà hoạt động đang kêu gọi chính quyền Trung Quốc (ĐCSTQ) trả tự do cho nhà hoạt động nhân quyền nổi tiếng Yang Maodong (bí danh Guo Feixiong) và cho phép ông đến Hoa Kỳ để giải quyết các vấn đề gia đình càng sớm càng tốt.
Vợ của ông Guo, bà Zhang Qing, ngoài 50 tuổi, đã qua đời ở Germantown, Maryland vào sáng ngày 10/1. Hai người con của họ, thân nhân duy nhất của bà Zhang, đang rơi vào tình trạng hỗn loạn sau khi mất mẹ.
“Hai đứa trẻ không thể lo liệu tang lễ và các vấn đề liên quan”, chị gái của ông Guo là bà Yang Maoping cho biết hôm thứ Hai (10/1). Ông Guo muốn sang Hoa Kỳ để lo cho vợ con. Tuy nhiên, ông Guo đã “biến mất” sau khi xin rời khỏi Trung Quốc cách đây 5 tuần.
“Chúng tôi kêu gọi chính quyền Trung Quốc ngay lập tức cho phép ông Guo Feixiong đến Hoa Kỳ một cách vô điều kiện”, Chen Guangcheng, một nhà hoạt động nhân quyền và luật sư lưu vong nổi tiếng của Trung Quốc, nói với The Epoch Times vào ngày 10/1. “Ông ấy cần có mặt ở Mỹ để lo hậu sự cho vợ”.
“Chúng tôi yêu cầu chính quyền Trung Quốc ngay lập tức cho phép ông Guo Feixiong đến Hoa Kỳ để chăm lo cho hai người con còn sống của họ”, Bob Fu, người sáng lập và chủ tịch của tổ chức ChinaAid, viết trong tuyên bố hôm thứ Hai (10/1).
Nhà hoạt động đã biến mất
Chiều ngày 5/12/2021, một trong những người bạn của ông Guo ở Trung Quốc nhận được tin nhắn từ ông nói rằng ông đã bị bắt giam. Kể từ đó, không một người thân hay bạn bè nào có thể liên lạc được với ông Guo.
“Dựa trên kinh nghiệm của tôi, anh ấy đang bị giam phi pháp trong một ‘nhà tù đen’ ở Trung Quốc do ĐCSTQ điều hành”, ông Chen nói.
Ngày 29/11/2021, trước khi mất tích, ông Guo đã gửi một bức thư ngỏ cho Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Ông yêu cầu thủ tướng cho phép ông được chăm sóc người vợ đang lâm bệnh ở Hoa Kỳ. Các nhà hoạt động tin rằng ĐCSTQ giam giữ ông Guo để diệt khẩu.
Trong bức thư, ông Guo giải thích rằng vợ ông được chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết giai đoạn IV và đã trải qua cuộc phẫu thuật vào tháng Giêng năm ngoái. Vào tháng 11, bà Zhang bị tắc ruột một lần nữa, và người ta xác định rằng ung thư đã di căn sang các cơ quan khác, và tình hình của bà ấy không thể phẫu thuật được.
“Các tế bào ung thư đã di căn đến gan, phổi, các hạch bạch huyết và phần phụ của cô ấy trước khi cô ấy qua đời”, ông Chen nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
Kể từ lần đầu tiên ông Guo nghe tin vợ ông bị chẩn đoán mắc bệnh ung thư ruột kết, ông đã cố gắng đoàn tụ với gia đình. Tuy nhiên, ông đã bị chặn tại sân bay khi đang chuẩn bị rời khỏi Trung Quốc.
Nguyên Hương
Theo The Epoch Times
Anh Quốc: Nga sẽ không ngăn cản được Vương quốc Anh giúp Ukraine
Nguyên Hương
Bộ trưởng Quốc phòng Ben Wallace nói: “Anh Quốc sẽ không bị Nga làm cho nhụt chí khi họ bắt nạt Ukraine”.
Phát biểu trước Hạ viện hôm thứ Hai (10/1), ông Wallace cho biết ông sẽ đến thăm “một số quốc gia” ở Đông Âu và bán đảo Scandinavia trong tuần này, “nhiều nước trong khu vực này rất, rất lo lắng về những gì đang xảy ra”. Lời phát biểu của ông Wallace được đưa ra trong bối cảnh hàng chục nghìn binh sĩ Nga đang tập trung gần biên giới với Ukraine. Điều này làm dấy lên quan ngại về khả năng gây hấn của Nga.
Ông Wallace nói với các nhà lập pháp rằng Vương quốc Anh sẽ “làm việc với bất kỳ ai muốn hợp tác với chúng tôi, những người chia sẻ các giá trị của chúng tôi”.
“Hành động bắt nạt Ukraine của Nga cũng như khoảng cách không thể ngăn cản chúng tôi” ông nói. “Chúng tôi sẽ thúc đẩy và giúp đỡ các quốc gia ở Đông Âu, ở Scandinavia và Ukraine, nếu họ muốn chúng tôi hỗ trợ”.
Ông Wallace cũng cho biết, điều quan trọng là phải giúp Ukraine “duy trì năng lực hải quân” sau khi nước này mất một phần lớn lực lượng hải quân ở Crimea đã bị Nga thôn tính bất hợp pháp năm 2014.
Nga đã yêu cầu NATO từ chối cho phép Ukraine gia nhập khối và không phát triển về phía Đông Âu.
Các quan chức Nga và Mỹ đã tổ chức các cuộc đàm phán tại Geneva nhưng không có dấu hiệu tìm được tiếng nói chung trong các vấn đề Ukraine và an ninh châu Âu.
Thứ Tư (12/1), Nga hội đàm với NATO tại Brussels và sẽ gặp đại diện của Tổ chức An ninh và Hợp tác châu Âu (OECD) tại Vienna vào thứ Năm (13/1).
Tại sự kiện kỷ niệm 40 năm Chiến tranh Falklands hôm thứ Hai (10/1), ông Wallace nói: “Mặc dù chúng tôi hy vọng về kết quả tốt nhất của các nỗ lực ngoại giao trong tuần này, chúng tôi cần lạc quan và chuẩn bị cho điều tồi tệ nhất”.
Ông nói: “Khoảng cách không thể ngăn cản nước Anh, cũng như mức độ thách thức, và những ai đánh giá thấp hòn đảo nhỏ này sẽ phải hứng chịu hậu quả”.
Văn phòng Đối ngoại, Khối thịnh vượng chung và Phát triển Vương quốc Anh (FCDO) cũng kêu gọi Nga “ngừng các hành động gây hấn”.
Người phát ngôn cho biết: “Vương quốc Anh đang hợp tác chặt chẽ với các đồng minh và đối tác của chúng tôi, bao gồm cả Hoa Kỳ, để nói rõ với Nga rằng chúng tôi sẽ không chấp nhận chiến dịch lật đổ các nước láng giềng dân chủ của mình”.
Ông nói: “Bất kỳ cuộc tấn công quân sự nào của Nga vào Ukraine sẽ đều là sai lầm chiến lược lớn với tổn hại nghiêm trọng”.
Nguyên Hương
Theo The Epoch Times
ĐCSTQ tung tiền để ngăn người dân về quê ăn Tết
Phụng Nghi
Theo News, trước kỳ nghỉ Tết Nguyên đán, ngày lễ lớn nhất ở Trung Quốc, các chính quyền địa phương đã phát động cái gọi là ‘đền bù tiền mặt’ để ngăn sự lây lan của Covid. Mục đích là để ngăn dịch không bùng lên mạnh mẽ trước sự kiện Olympic Bắc Kinh.
Theo tờ Jijinbao, vào ngày mùng 10/1, chính quyền của Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) ở thành phố Hợp Phì, tỉnh An Huy, đã công bố ‘kế hoạch hành động đặc biệt nhằm ổn định lực lượng lao động trong dịp Tết Nguyên đán 2022’. Theo kế hoạch này, trong thời gian nghỉ Tết Nguyên đán, kéo dài từ ngày 26/1 đến ngày 9/2, người lao động nhập cư không về quê mà ở lại thành phố sẽ nhận được 1.000 nhân dân tệ (khoảng 150 USD).
Thành phố Hợp Phì cũng khuyến khích các doanh nghiệp thưởng tiền cho những ai không phải người lao động nhập cư để họ không đi xa trong dịp Tết.
Chính quyền của ĐCSTQ ở thành phố Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, đang phát phiếu mua hàng giảm giá 600 nhân dân tệ cho những người lao động nhập cư không trở về quê hương của họ trong dịp Tết.
Chính quyền của ĐCSTQ ở thành phố Ninh Ba, thành phố Thiệu Hưng lần lượt đưa ra mức thưởng 500 và 1000 nhân dân tệ cho những người lao động ngoại tỉnh không về quê trong Tết.
Chính quyền của ĐCSTQ đang gia sức áp dụng các biện pháp phòng dịch cực đoan để giữ an toàn cho Olympic Bắc Kinh 2022. Các biện pháp phòng dịch chắc chắn sẽ càng trở nên khắt khe hơn khi một trường hợp dương tính với Omicron được phát hiện ở Thành phố Thiên Tân, chỉ cách Bắc Kinh 30 phút đi tàu cao tốc. Chính quyền thành phố Thiên Tân đang khuyến cáo người dân không nên rời thành phố trừ khi thực sự cần thiết.
Đài Loan ra mắt quỹ tín dụng Lithuania trị giá 1 tỷ USD trong bối cảnh Bắc Kinh gây áp lực
Andrius Sytas
VILNIUS — Hôm thứ Ba (11/01), một bộ trưởng chính phủ Đài Loan cho biết, Đài Loan sẽ khởi động một chương trình tín dụng trị giá 1 tỷ USD để giúp tài trợ cho các dự án chung giữa các công ty của Lithuania và Đài Loan trong sáu hạng mục kinh doanh.
Lithuania đang phải chịu áp lực từ phía Trung Quốc, vốn tuyên bố Đài Loan được cai trị một cách dân chủ là lãnh thổ của riêng mình, để đảo ngược quyết định hồi năm ngoái cho phép hòn đảo này mở đại sứ quán trên thực tế ở Vilnius dưới tên riêng của mình.
Trung Quốc đã hạ cấp liên hệ ngoại giao với Vilnius, và đang gây áp lực buộc các công ty, chẳng hạn như tập đoàn phụ tùng xe hơi khổng lồ Continental của Đức ngừng sử dụng các linh kiện do Lithuania sản xuất. Họ cũng đã cấm cửa không cho hàng hóa Lithuania nhập cảng Trung Quốc. Hồi tuần trước, Đài Loan đã công bố kế hoạch thành lập một quỹ riêng trị giá 200 triệu USD để đầu tư vào các ngành công nghiệp của Lithuania và thúc đẩy thương mại song phương khi nước này cố gắng chống lại áp lực ngoại giao của Trung Quốc lên quốc gia Baltic này.
“Các quỹ đầu tư và tín dụng sẽ giúp chúng tôi tăng cường hợp tác,” Bộ trưởng Hội đồng Phát triển Quốc gia Đài Loan Cung Minh Hâm (Kung Ming-hsin) trình bày trong một cuộc họp báo trực tuyến.
Ông Cung cho biết quỹ tín dụng này sẽ tập trung vào phát triển tiềm năng chất bán dẫn và tạo điều kiện phát triển chất bán dẫn, cũng như công nghệ sinh học, vệ tinh, tài chính và nghiên cứu khoa học.
Bộ trưởng Kinh tế và Đổi mới của Lithuania Ausrine Armonaite cho biết đất nước của bà đang có kế hoạch mở văn phòng đại diện thương mại tại Đài Loan vào mùa xuân này.
Bà nói rằng, “Các công ty Đài Loan đang cần các dự án về laser, hy vọng các công ty laser của chúng tôi sẽ sớm tìm được đối tác tại Đài Loan và chúng tôi lấy làm vui mừng khi được thúc đẩy mối liên kết hợp tác này”.
Các văn phòng đại diện của Đài Loan ở các quốc gia khác, ngoại trừ Somaliland không được công nhận ra, đều được đặt theo tên thủ đô Đài Bắc của Đài Loan.
Các nhà ngoại giao Hoa Kỳ đã bày tỏ sự ủng hộ mạnh mẽ đối với Lithuania, đồng thời gọi áp lực từ phía Trung Quốc là “sự cưỡng bách kinh tế”.
Bộ trưởng Ngoại giao Lithuania cho biết ông sẽ thảo luận về áp lực của Trung Quốc với những người đồng cấp ở Liên minh Âu Châu vào thứ Sáu (14/01).
Andrius Sytas của Reuters
Thanh Tâm biên dịch
Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan báo cáo thu nhập kỷ lục trong quý thứ 6 liên tiếp
Nicholas Dolinger
Công ty sản xuất chất bán dẫn Đài Loan (TSMC) đã kết thúc quý cuối cùng của năm 2021 với thu nhập kỷ lục, tiếp tục thời kỳ đạt lợi nhuận lớn khi vất vả bắt kịp với nhu cầu chưa từng có về thiết bị bán dẫn.
Nhà sản xuất này đã đạt doanh thu 438.18 tỷ Đài tệ (15.8 tỷ USD) trong quý cuối cùng của năm 2021, lập kỷ lục doanh thu hàng quý thứ sáu liên tiếp của công ty công nghệ, bao gồm 155.38 tỷ Đài tệ (5.6 tỷ USD) chỉ riêng trong tháng 12.
Công ty Đài Loan, được các công ty như Apple và Qualcomm sử dụng để cung cấp các thiết bị bán dẫn được sử dụng trong điện thoại thông minh, thiết bị gia dụng, và đèn LED, đã trở thành trụ cột sau hậu quả của virus ĐCSTQ, gây ra COVID -19. Sự thiếu hụt toàn cầu về vi mạch bán dẫn (chip), đôi khi do các vấn đề về chuỗi cung ứng và sự gia tăng nhu cầu toàn cầu trong đại đại dịch, đã dẫn đến việc sản xuất các thiết bị theo yêu cầu trong một số ngành công nghiệp bị hạn chế, nhưng bối cảnh này đã cho phép các công ty như TSMC tăng giá và thu được nhiều lợi nhuận.
TSMC đáng chú ý không chỉ vì tầm vóc kinh doanh mà còn vì ý nghĩa địa chính trị của công ty trong những căng thẳng liên quan đến đảo Đài Loan, nơi được tuyên bố chủ quyền bởi ĐCSTQ, nhưng trên thực tế lại do chính phủ địa phương của riêng nước này cai trị.
Được thành lập vào năm 1987, TSMC vận hành xưởng đúc bán dẫn chuyên dụng đầu tiên và việc sớm gia nhập vào ngành công nghiệp mới nổi của công ty này đã cho phép công ty phát triển như một xưởng đúc bán dẫn lớn nhất trên thế giới.
Ngành công nghiệp bán dẫn Đài Loan là một cái gai dai dẳng trong tham vọng địa chính trị của Trung Quốc trong những năm gần đây, và những nỗ lực của chính phủ Trung Quốc nhằm cạnh tranh trong ngành bán dẫn đã bị cản trở.
Trước tình hình địa chính trị phức tạp và nhu cầu đáng kinh ngạc đối với chất bán dẫn, TSMC đã nỗ lực mở rộng hoạt động ra ngoại quốc, đặt nền móng cho các cơ sở ngoài Đài Loan.
Mùa hè năm ngoái, TSMC đã công bố kế hoạch thành lập các cơ sở mới tại Hoa Kỳ và Nhật Bản để đáp ứng nhu cầu toàn cầu về chất bán dẫn.
Vào tháng 11, công ty này đã tuyên bố hợp tác với Sony để thành lập liên doanh Sản xuất chất bán dẫn tiên tiến Nhật Bản, với mục tiêu sản xuất sẽ bắt đầu tại Kumamoto, Nhật Bản, vào năm 2024.
Sự thiếu hụt toàn cầu về chất bán dẫn đã cho phép TSMC nổi lên như một trong những công ty quốc tế sinh lợi nhất trong đại dịch khi một số ngành công nghiệp đang tranh giành để cung cấp chất bán dẫn cho các thiết bị của họ.
Trong khi các cường quốc trên thế giới đang cố gắng giảm bớt sự phụ thuộc vào Đài Loan về công nghệ bán dẫn, TSMC có thể sẽ tiếp tục thu lợi nhuận từ các nhà sản xuất muốn cung cấp chất bán dẫn cho sản phẩm của họ.
Ông Nicholas Dolinger là một ký giả về kinh doanh của The Epoch Times và là người tạo ra podcast “The Beautiful Toilet” (Nhà vệ sinh đẹp đẽ).
Bình Hòa biên dịch
Mỹ – Nhật sẽ thành lập liên minh để hạn chế Trung Quốc phát triển công nghệ bán dẫn
Kha Đạt
Mỹ và Nhật Bản dự kiến thành lập một liên minh mới để điều chỉnh việc xuất khẩu các công nghệ tiên tiến có thể bị Bắc Kinh lợi dụng cho việc phát triển năng lực sản xuất chất bán dẫn.
Các nước châu Âu có thể sẽ tham gia vào liên minh này. Đây là một liên minh được xem như một phiên bản hiện đại của Ủy ban hợp tác về Quản lý Xuất khẩu Đa phương (COCOM) từng khiến Liên Xô gặp khó khăn trong thời kỳ chiến tranh lạnh.
Tờ Yomiuri của Nhật Bản, ngày 10/1, đưa tin rằng Chính phủ Hoa Kỳ và Nhật Bản đang xem xét thiết lập một liên minh mới để thảo luận về các quy định xuất khẩu công nghệ cao. Liên minh dự kiến sẽ đặt ra các quy định về việc xuất khẩu các công nghệ tiên tiến liên quan đến thiết bị sản xuất chất bán dẫn, giao tiếp mật mã lượng tử và trí tuệ nhân tạo.
Yomiuri cho biết, vào tháng 4/2021, nhiều nghị sĩ Mỹ đã yêu cầu Bộ Thương mại quản lý chặt việc xuất khẩu phần mềm hỗ trợ thiết kế sản phẩm bán dẫn sang Trung Quốc.
Các nhà quan sát chỉ ra rằng thiết bị sản xuất chất bán dẫn của Nhật Bản và Hà Lan đã vô tình góp phần tăng cường năng lực sản xuất chất bán dẫn cho Trung Quốc.
Yomiuri dự đoán, “Có khả năng hệ thống kiểm soát xuất khẩu mới sẽ phát triển thành một ‘phiên bản hiện đại của COCOM’”.
COCOM được các nước phương Tây thành lập năm 1949 nhằm ngăn chặn sự rò rỉ công nghệ có thể dẫn đến việc tăng cường sức mạnh quân sự cho Liên Xô. Vào năm 1994, sau khi Liên Xô sụp đổ, COCOM được giải tán.
Theo News