Kathleen Li
Trước khi tiếp tục giao dịch hôm 04/01, đại tập đoàn địa ốc đang gặp khó khăn của Trung Quốc Evergrande Group đã đưa ra thông báo về một quyết định mà họ nhận được từ thành phố Đan Châu, tỉnh Hải Nam, 5 ngày trước đó. Bức thư yêu cầu phá bỏ 39 tòa nhà trên đảo nhân tạo Ocean Flower Island, dự án ngôi sao của công ty, để khắc phục những thiệt hại về môi trường biển do công ty gây ra.
Đảo Ocean Flower Island, hòn đảo nhân tạo lớn nhất thế giới, thực chất được tạo thành từ ba hòn đảo nhân tạo riêng biệt. Đảo 1 chủ yếu chứa các khách sạn và công viên giải trí, chẳng hạn như Thế giới Trẻ em, Vương quốc Nước, Thiên đường Đại dương, và Trung tâm Hội nghị Quốc tế — tổng cộng có 28 cơ sở kinh doanh. Đảo 2 và Đảo 3 chủ yếu được dành để làm nhà ở. Theo trang web của Evergrande, quần đảo này mất 12 năm để xây dựng, với chi phí hàng trăm tỷ nhân dân tệ.
Vào tháng 08/2013, Oriental Outlook, một tạp chí của Tân Hoa xã, đưa tin rằng ông Lin Dong, thị trưởng thành phố Đan Châu vào thời điểm đó, là người liên hệ cho dự án Ocean Flower Island. Ông Dai Wenda, Cục trưởng Cục Hàng hải và Nghề cá thành phố Đan Châu, nói rằng dự án Ocean Flower Island là “một dự án trọng điểm ở tỉnh Hải Nam” và “các thủ tục sử dụng khu vực biển đã được chính quyền trung ương phê duyệt. Không có vấn đề gì về các thủ tục cả.”
Tuy nhiên, sau đó người ta tiết lộ rằng chính phủ Thành phố Đan Châu và cục Hàng hải đã phê duyệt dự án một cách bất hợp pháp bằng cách chia nhỏ nó thành nhiều phần. Họ chia dự án khai hoang thành 36 tiểu dự án, mỗi tiểu dự án có diện tích dưới 27 ha (khoảng 67 mẫu Anh), và phê duyệt 18 tiểu dự án trong vòng một ngày hôm 21/01/2013 và 18 tiểu dự án khác cũng trong vòng một ngày hôm 04/07/2013.
Vi phạm Quy định
Kể từ khi bài báo nổi tiếng về Ocean Flower Island của Evergrande trên Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc và trên hàng chục phương tiện truyền thông báo chí vào tháng 11/2015, các báo cáo về việc Evergrande vi phạm các quy định trong việc xây dựng hòn đảo này đã xuất hiện trên mạng và trên báo chí.
Các hoạt động bất hợp pháp bắt đầu với công việc khai hoang ban đầu. Tuần báo CaiXin, một tạp chí của Trung Quốc, đã tiết lộ trong số 29 năm 2017 rằng Tập đoàn Evergrande đã bắt đầu công việc cải tạo trước khi được phép sử dụng biển. Hôm 23/03 và 30/08/2013, Đảo Hoa Đại dương đã được Cục Quản lý Đại dương Nhà nước Trung Quốc cấp giấy chứng nhận và số quyền sử dụng biển. Nhưng một số người dân địa phương cho biết họ đã chứng kiến việc bắt đầu dự án cải tạo vào đầu năm 2012, phù hợp với ngày xây dựng được tiết lộ trong bản tin của Công ty TNHH Cục Đường thủy Thiên Tân, công ty đầu tiên vào Ocean Flower Island.
Ocean Flower Island vẫn là một dự án trọng điểm được chính quyền Hải Nam xúc tiến từ năm 2016 đến năm 2020. Nhưng theo báo cáo chính thức, việc cải tạo rộng 783 ha (khoảng 1,824 mẫu Anh) của Ocean Flower Island đã hủy hoại môi trường biển với “các rặng san hô rộng lớn và các lớp vỏ bướm trắng bị phá hủy do xây dựng công trình”. Vào năm 2017, Đoàn Thanh tra Bảo vệ Môi trường Trung ương đã mô tả hòn đảo này là “kiếm bộn tiền, hủy hoại hệ sinh thái” và khuyến nghị tỉnh Hải Nam sửa chữa lại hệ sinh thái. Tuy nhiên, Evergrande đã “dàn xếp” và tiếp tục thi công với mức phạt là 215 triệu NDT (khoảng 34.4 triệu USD).
Nhưng bây giờ giấy phép quy hoạch cho 39 tòa nhà, có diện tích sàn 43,500 mét vuông (468,230 Feet vuông), đã bị thu hồi. Với lý do vi phạm Điều 40 của Luật Quy hoạch Đô thị và Nông thôn của Trung Quốc, Evergrande đã bị Cục Thi hành Luật Hành chính Toàn diện Thành phố Đan Châu yêu cầu phá bỏ 39 tòa nhà trên đảo nhân tạo này.
Các vi phạm trước đây
Đây không phải là lần đầu tiên Ocean Flower Island của Evergrande bị yêu cầu phá bỏ các dự án hiện có. Hôm 24/10/2020, Bộ Sinh thái và Môi trường Trung Quốc đã công bố vòng thứ hai của Kế hoạch chỉnh thể và bảo vệ sinh thái ở tỉnh Hải Nam.
Theo Kế hoạch Chỉnh đốn, vòng kiểm tra đầu tiên đã làm rõ rằng các dự án xây dựng trái phép của Evergrande trong khu vực biển phải được dừng lại và chỉ tiếp tục sau khi đã có biện pháp chấn chỉnh theo yêu cầu. Tuy nhiên, công ty con của Evergrande là Công ty Ocean Flower Island đã không thực hiện các yêu cầu. Đến tháng 07/2019, công ty này đã xây dựng bốn cây cầu ống cống vi phạm quy định, và hình thành một khu vực biển rộng 369 ha (khoảng 912 mẫu Anh) bất hợp pháp.
Kế hoạch này cũng cho biết rằng mặc dù thành phố Đan Châu đã trừng phạt công ty này từ tháng 08/2017 đến tháng 06/2018 vì các hoạt động bất hợp pháp như xây dựng mà không được chấp thuận, nhưng vẫn cho phép công ty này tiếp tục công việc xây dựng của mình. Về việc sử dụng đất, dự kiến làm cơ sở hạ tầng du lịch, phát triển bất động sản, tỉnh Hải Nam đã yêu cầu thành phố Đan Châu điều chỉnh và tối ưu hóa quy hoạch xây dựng, nhưng việc quy hoạch vẫn chưa được phê duyệt vào thời điểm thanh tra. Công ty đã tiếp tục xây dựng 39 tòa nhà dân cư mới trên Ocean Flower Island vào năm 2018, trong khi Phòng Môi trường Sinh thái của thành phố Đan Châu đang cung cấp cho công ty các thủ tục Đánh giá Tác động Môi trường bổ sung.
Kế hoạch Chỉnh đốn đã kêu gọi dỡ bỏ bốn cây cầu ống cống, khôi phục các đặc tính biển công cộng, phá bỏ 39 tòa nhà dân cư, ban hành các quy định và thực hiện phục hồi sinh thái, và loại bỏ các nguy hại đối với an toàn trên hòn đảo.
Theo thông báo chính thức được đưa ra vào tháng 11/ 2021, cầu ống cống số 3 và số 4 thuộc dự án Ocean Flower Island đã được phá dỡ và các công việc phá dỡ khác đang được tiến hành.
Ông Zhang Qi, cựu Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hải Nam của ĐCSTQ và là cựu Bí thư Thành ủy Hải Khẩu của ĐCSTQ, đã bị kết án tù chung thân vì tội nhận hối lộ, và tất cả tài sản cá nhân của ông ta đã bị tịch thu bởi Tòa án Trung cấp Quảng Châu hôm 03/12/2020. Tòa án nhận thấy rằng trong các chức vụ khác nhau của ông – nhiệm kỳ Phó Thị trưởng Tam Á, Phó Bí thư Thành ủy Tam Á, Phó Bí thư Thành ủy Đan Châu, Thị trưởng Thành phố Đan Châu, và Bí thư Ủy ban thành phố Đan Châu — ông Zhang đã hỗ trợ nhiều cá nhân và công ty khác nhau trong các vấn đề như phát triển đất đai, ký hợp đồng dự án và tiến hành dự án, để đổi lấy tài sản trị giá hơn 107 triệu NDT (khoảng 17.12 triệu USD).
Thông đồng giữa Chính phủ và Doanh nghiệp
Ông Li Yuanhua, cựu phó giáo sư tại Trường Sư phạm và Khoa học của Đại học Capital Normal, nói với The Epoch Times hôm 06/01: “Ocean Flower Island là một ví dụ điển hình về sự cấu kết giữa chính phủ và doanh nghiệp dưới sự cai trị của ĐCSTQ. Sự thật về việc dự án đã được phê duyệt ngay từ đầu cho thấy một số cơ quan hành chính đã làm ngơ. Tại sao bây giờ chuyện này [mới] được lôi ra? Bởi nó có liên quan đến cuộc tranh giành quyền lực trong nội bộ ĐCSTQ. Thời của Evergrande đã qua rồi.”
Ông Li nói rằng ngay từ đầu Evergrande không thuộc phe của ông Tập Cận Bình, và giờ đây tập đoàn này đã mất những người ủng hộ chính trị. Một số người ủng hộ cao cấp đã từ chức hoặc bị đi tù, nên hối lộ không còn khả thi nữa.
Bình luận về thời hạn 10 ngày để phá bỏ 39 tòa nhà trên đảo nhân taọ, ông Li nói: “ĐCSTQ chỉ là một kẻ lưu manh tàn bạo. Các quan chức tàn ác của ĐCSTQ coi việc bức hại người khác là những hành động mạnh mẽ trong công việc của họ.”
Ông Li nói, khi Evergrande có tiền và sự hỗ trợ, công ty này có thể đã làm mất lòng một số người. Cũng có thể một số người không nhận được bất kỳ lợi ích nào, và giờ những người này đang xử lý Evergrande mà không hề sợ hãi.
Bà Kathleen Li đã đóng góp cho The Epoch Times từ năm 2009 và tập trung vào các chủ đề liên quan đến Trung Quốc. Bà là một kỹ sư, làm việc trong lĩnh vực xây dựng dân dụng và kết cấu tại Úc.
Lưu Đức biên dịch