Văn Thiện
Một nghiên cứu đã kết luận rằng ô nhiễm không khí có thể góp phần gây ra cái chết của hơn 1,8 triệu người trên toàn cầu trong năm 2019…
Các chuyên gia do Đại học George Washington đứng đầu đã nghiên cứu nồng độ của PM₂.₅ – hạt bụi mịn có đường kính 2,5 micromet hoặc nhỏ hơn – tại các vùng đô thị trên thế giới.
PM₂.₅ là yếu tố tạo ra nguy cơ bệnh tật hàng đầu cho con người từ môi trường, việc hít phải loại bụi này có thể dẫn đến bệnh tim mạch, ung thư phổi và bệnh hô hấp.
Nhóm nghiên cứu đã phân tích nồng độ bụi mịn và các xu hướng tử vong liên quan đến loại hạt nhỏ này trong giai đoạn từ 2000–2019 tại hơn 13.000 thành phố trên toàn cầu.
Các mô hình tính toán của họ cho thấy rằng, trong năm 2019, 86% cư dân tại các thành phố trên toàn thế giới – 2,5 tỷ người – đã tiếp xúc với PM₂.₅ ở các mức độ được cho là không an toàn.
Hướng dẫn năm 2019 của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyến cáo một người không được tiếp xúc với mức nồng độ bụi mịn trung bình hàng năm là hơn 10 microgam PM₂.₅ trên một mét khối không khí.
Năm ngoái, hướng dẫn nói trên đã thắt chặt chỉ còn 5 μg. Tuy nhiên, nồng độ PM₂.₅ trung bình mà cư dân trên tất cả các khu vực thành thị tiếp xúc vào năm 2019 cao hơn yêu cầu đó 7 lần.
Nhóm nghiên cứu cho biết, trên thực tế, thực trạng nói trên đã không thay đổi kể từ năm 2000. PM₂.₅ chịu trách nhiệm cho khoảng 61 trong mỗi 100.000 ca tử vong vào năm 2019.
Nhóm nghiên cứu viết trong bài báo: “Hơn 1,21 triệu ca tử vong ở các khu vực thành thị trên toàn cầu có thể tránh được vào năm 2019 nếu tất cả các khu vực thành thị đều đáp ứng hướng dẫn của WHO”.
Tác giả bài báo và nhà nghiên cứu sức khỏe cộng đồng Veronica Southerland thuộc Đại học George Washington ở Washington DC cho biết: “Phần lớn dân cư thành thị trên thế giới vẫn sống trong những khu vực có mức PM₂.₅ không tốt cho sức khỏe”.
“Để tránh gánh nặng sức khỏe cộng đồng lớn do ô nhiễm không khí gây ra sẽ đòi hỏi các chiến lược không chỉ giảm lượng khí thải mà còn cải thiện sức khỏe cộng đồng tổng thể để giảm tính dễ bị tổn thương”.
Hơn một nửa dân số thế giới – chính xác là 55% – hiện đang sống ở các thành phố. Mặc dù vậy, nhóm nghiên cứu cho biết, có rất ít nghiên cứu về gánh nặng bệnh tật do bụi mịn gây ra trong khu vực đô thị ngoài các siêu đô thị.
Các nhà nghiên cứu cũng lưu ý rằng, trong khi nồng độ PM₂.₅ trung bình tại vùng đô thị trên toàn cầu vẫn duy trì ổn định từ năm 2000–2019, thì quy mô khu vực có sự khác biệt lớn.
Sự gia tăng lớn nhất về nồng độ bụi mịn đô thị trên quy mô khu vực là ở Đông Nam Á, nơi nồng độ PM₂.₅ tính theo dân số trung bình tăng 27% trong hai thập kỷ.
Các thành phố ở Đông Nam Á cũng có mức tăng tỷ lệ tử vong do PM₂.₅ lớn nhất, tăng khoảng một phần ba từ 63 lên 84 ca tử vong trên mỗi 100.000 người trong giai đoạn 2000–2019.
Ngược lại với Đông Nam Á, các khu vực thành thị ở một số vùng đã giảm nồng độ PM₂.₅ trong khoảng thời gian hai thập kỷ.
Ví dụ, các thành phố ở Châu Phi, Châu Âu và Châu Mỹ đã ghi nhận mức giảm nồng độ PM₂.₅ tương ứng là 18%, 21% và 29%.
Tuy nhiên, nhóm nghiên cứu lưu ý rằng những cải thiện này không đi kèm với việc giảm tỷ lệ tử vong do PM₂.₅ tương xứng.
Các nhà nghiên cứu cho biết, điều này cho thấy các yếu tố nhân khẩu học khác – chẳng hạn như sức khỏe cộng đồng giảm sút và dân số già – cũng là những động lực có ảnh hưởng đến gánh nặng tử vong liên quan đến ô nhiễm.
Các nhà nghiên cứu cũng thận trọng cho biết rằng nghiên cứu của họ có một số hạn chế và không chắc chắn – ví dụ, trong cách họ buộc phải tính toán tỷ lệ tử vong dựa trên tỷ lệ bệnh cơ bản trên toàn quốc, thay vì tỷ lệ cụ thể cho các khu vực thành thị.
Hơn nữa, nhóm chỉ đánh giá tác động của PM₂.₅ đối với tỷ lệ tử vong, chứ không phải là gánh nặng sức khỏe rộng hơn của nó, có thể bao gồm nhẹ cân, sinh non ở trẻ sơ sinh và suy giảm nhận thức.
Nghiên cứu được công bố trên tạp chí The Lancet Planetary Health.
Văn Thiện