Âu Châu có nguy cơ xảy ra chiến tranh cao nhất trong ba thập niên

Lorenz Duchamps

Ông Zbigniew Rau, Bộ trưởng Ngoại giao Ba Lan đồng thời là Chủ tịch Văn phòng Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Âu Châu (OSCE), tổ chức một cuộc họp báo tại Cung điện Hofburg ở Vienna, Áo, hôm 13/01/2022. (Ảnh: Alex Halada/AFP/Getty Images) Tây Dương

Theo một quan chức đứng đầu của Ba Lan, người đã trình bày trước các đại biểu tập trung tại Vienna cho vòng đàm phán ngoại giao cuối cùng ở Vienna, khả năng xảy ra một cuộc chiến tranh mới ở Âu Châu hiện cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong ba thập niên qua.

“Có vẻ như nguy cơ chiến tranh trong khu vực OSCE hiện đang lớn hơn bao giờ hết trong 30 năm qua,” ông Zbigniew Rau nói trong bài diễn văn mà không nêu đích danh Nga.

Người đứng đầu của Bộ Ngoại giao Ba Lan đã đưa ra bình luận trên trong khi trình bày trước các phái viên từ 57 thành viên của Tổ chức An ninh và Hợp tác ở Âu Châu (OSCE) – nêu ra một loạt các cuộc xung đột mà Moscow bị cáo buộc có dính líu.

“Trong vài tuần, chúng ta đã phải đối mặt với viễn cảnh leo thang quân sự lớn ở Đông Âu,” ông Rau cho biết, có thể ám chỉ việc Nga điều động hơn 100,000 quân gần biên giới với Ukraine.

“Chúng ta nên tập trung vào một giải pháp hòa bình cho cuộc xung đột trong và xung quanh Ukraine,” ông nói, đồng thời kêu gọi “tôn trọng đầy đủ chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ và thống nhất của Ukraine trong các biên giới được quốc tế công nhận của họ.”

Các quốc gia phương Tây đã nhiều lần cáo buộc Moscow có kế hoạch xâm lược Ukraine sau khi Điện Kremlin điều động hàng loạt các đơn vị quân đội, xe tăng, và pháo binh gần biên giới phía đông Ukraine.

Một thành viên của Lực lượng Biên phòng Quốc gia Ukraine đứng gần biên giới với Belarus và Ba Lan, trong vùng Volyn, Ukraine, hôm 16/11/2021. (Ảnh: Gleb Garanich/Reuters)

Nga chiếm Bán đảo Crimea từ Ukraine vào năm 2014 – nhưng bác bỏ ý định xâm lược trong cuộc khủng hoảng hiện tại. Điện Kremlin khẳng định việc khai triển quân đội là phản ứng trước hành vi đe dọa từ phương Tây sau sự hiện diện ngày càng tăng của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) ở Đông Âu.

Hồi tháng 12/2021, Moscow đã đưa ra một số yêu cầu dự thảo, nói rằng họ muốn NATO ngừng mở rộng thêm, không muốn có hỏa tiễn ở biên giới của Nga, và muốn NATO không còn tổ chức các cuộc tập trận quân sự, hoạt động tình báo, hoặc cơ sở hạ tầng bên ngoài biên giới năm 1997 của mình.

Hoa Thịnh Đốn cho biết một số bảo đảm do Nga đề xướng “chỉ đơn giản là không có khả năng thành công với Hoa Kỳ,” nhưng họ sẵn sàng thực hiện các cuộc đàm phán và giải quyết các mối lo ngại thông qua ngoại giao.

Các cuộc đàm phán ngày 13/01 là vòng ngoại giao thứ ba trong tuần này, sau các cuộc đàm phán Nga-Mỹ tại Geneva hôm 10/01 và một hội nghị Nga-NATO tại Brussels hôm 12/01 để thảo luận về các đề xướng an ninh.

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã tiếp Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko tại trụ sở liên minh cho các cuộc hội đàm này. Ông Stoltenberg cho biết “đó là một dấu hiệu tích cực” khi 30 thành viên NATO và Nga đã ngồi cùng bàn đám phán và thảo luận các chủ đề thực chất, mặc dù có vẻ như cần phải đối thoại nhiều hơn, vì có sự khác biệt đáng kể giữa NATO và Nga mà “sẽ không dễ dàng để kết nối.”

Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg trò chuyện với Thứ trưởng Ngoại giao Nga Alexander Grushko trước Hội đồng NATO-Nga tại trụ sở của Liên minh ở Brussels, Bỉ, hôm 12/01/2022. (Ảnh: Olivier Hoslet/Pool/Reuters)

Hôm 13/01, Nga đã đưa ra một đánh giá ảm đạm về các cuộc đàm phán an ninh của họ với Hoa Kỳ và NATO trong tuần này, mô tả chúng là “không thành công”.

Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết Moscow coi dự luật trừng phạt sâu rộng do các nghị sĩ Đảng Dân Chủ tại Thượng viện Hoa Kỳ công bố là “hết sức tiêu cực” và thời điểm đưa ra có vẻ như một nỗ lực nhằm gây áp lực lên Moscow.

Ông Peskov nói rằng vòng đàm phán thứ nhất và thứ hai giữa Nga và phương Tây đã tạo ra một số “dấu hiệu tích cực”, nhưng Moscow đang tìm kiếm kết quả cụ thể chứ không phải chỉ là dấu hiệu.

Theo NTD News 

An Nhiên biên dịch

Related posts