Du Uyên
Bạn tôi ở Hóc Môn – hơi xa trung tâm Sài Gòn một chút. Ngoài tiền ra thì bạn có nhiều nhất là… đất.
– Mai bắp chuối mới ngon, mình sẽ hái và giao nha cả nhà. Chỉ hổng biết là mai nó có còn trên cây không hay người ta cắt trộm mất tiêu.
Không phải bạn tôi kể chuyện cười đâu, đây là chuyện thường xảy ra. Khách hàng của bạn cũng không lạ gì. Quả tình, không chỉ mấy cái bắp chuối, giờ hở gì là mất cái đó liền. Bao gồm luôn cả nhân cách của bản thân mình chứ chẳng chơi. Bởi vậy, bài này tôi mới đặt là “Sống giữa mùa cam” chứ không phải “sống giữ mùa chuối”.
“Cam” ở đây là “scam” chứ không phải trái cam bình thường. Scam có nghĩa Tiếng Việt là lừa đảo. Mục đích của từ Scam dùng để mô tả một người, một tổ chức hay doanh nghiệp nào đó lừa đảo trên mạng. Nói một cách đơn giản thì scam chính là lừa đảo online. Tuy nhiên, giới trẻ Việt gần đây hay dùng “scam” để chỉ chung các trò lừa đảo hoặc kẻ xấu trên mạng lẫn ngoài đời.
Nhìn vào xã hội Việt Nam giờ, nói không sống giữa mùa “cam” thì không thực tế – khi “cam” ở mọi nơi: scam trên mạng, scam dưới đất, scam trong nhà, scam ngoài phố, scam dưới biển, scam trên núi… nhiều người vô đồn cũng gặp scam, bị scam “dụ” tự tử bằng dây thun luồn quần chết queo. Tóm lại là, từ hồi tôi bắt đầu biết mùi đời, tôi bắt đầu biết tới “cam”. Mỗi ngày, mỗi thời, lại có nhiều loại “cam” mới được “nhân giống” ra. Nhiều “chiêu trò” hơn, tiến hóa hơn, có lớp vỏ bọc hoàn hảo, đẹp đẽ hơn… Tại Việt Nam hiện thời, mùa gì còn có hạn kỳ trừ mùa “cam”.
Hồi xưa, Thi sĩ Nguyễn Bính biên “Hoa chanh nở giữa vườn chanh // Thầy u mình với chúng mình chân quê”. Thì giờ chắc không ít người ngồi bên cửa sổ, nhìn ánh trăng, ngâm: “Hoa scam nở giữa vườn scam, Thầy u mình với chúng mình trồng… scam.”
“Cam” nhiều tới nỗi, nhiều người Việt tin là vị chua vốn sẵn trong bản ngã. Vì vậy, họ đi tới đâu là tạo ra tai tiếng cho cộng đồng người Việt tới đó, đưa tiếng Việt «bay cao, bay xa» ra khỏi bản đồ chữ S một cách không ai muốn. Dầu còn nhiều người Việt tốt và tài giỏi, nhưng “tiếng hát không át tiếng bom” như trong tivi được. Không biết tự khi nào, dân Việt vinh hạnh đứng gần Tàu Cộng về độ xấu xí trong mắt dân nhiều nước.
Không thể chối bỏ, tôi cũng là một trong những cánh hoa “cam” trong vườn “cam” đó. Tuy cũng ráng đàng hoàng lắm rồi, chưa lừa đảo ai bao giờ. Nhưng khỏi tự vấn thì tôi cũng tự nhận thấy mình khá xấu tánh. Vì vậy, nếu ai đó muốn lập gia đình, phải học vun vén gia đình, xây dựng tổ ấm… Còn tôi, đầu tiên phải đập… nết xây lại mới thích hợp để lập gia đình. Không thì lại vô tình làm sum suê thêm vườn «cam» bằng những quả chua của mình.
Nhưng đâu phải ai cũng “lương thiện”, nghĩ cho thế giới như tôi – hoặc họ không biết họ dần hết lương thiện khi liên tục hối thúc tôi lấy chồng sanh con. Ða số lý do họ đưa ra là «để mốt già có mà nhờ», «để có đứa chống gậy giùm», «để đời bớt quạnh hiu»… Tại sao phải tay xách nách mang hai đứa con thơ như mấy cô bạn học, khi tôi có thể tận hưởng buổi chiều yên tĩnh? Tại sao phải khóc lóc tấm tức hoặc tối ngày tìm lối đánh ghen như mấy bà hàng xóm, khi tôi có thể ngồi nhìn họ cãi vã rồi đi nhiều chuyện? Tại sao phải lo chuyện “giữ người yêu” khi “xa mặt cách lòng” mùa dịch, khi tôi có thể ngồi hả hê mong họ chia tay?
Tôi từng tưởng mình vô can như thế, cho tới hôm rồi… Tôi lướt mạng, thấy một cuộc tranh luận rùm beng về «sự ích kỷ» của những người thích cuộc sống độc thân, không muốn kết hôn và “duy trì nòi giống”. Họ cho rằng những người phụ nữ không chịu lấy chồng và sanh con (khi họ chưa sẵn sàng) là vô trách nhiệm, là có âm mưu làm loài người diệt vong (nghe cứ như là có “âm mưu lật đổ chính quyền” nhỉ?) Cảm thấy hơi “nhột” đấy! Vì vậy, đây là các lý do tôi và nhiều cô gái chưa chịu “duy trì nòi giống”…
Ngoài xấu tánh ra thì tôi còn lo xa, bởi vậy, sau mỗi tin tức hàng ngày, tôi càng cảm thấy muốn “có âm mưu làm loài người diệt vong”. Vì tôi sợ con mình chưa sanh ra đã bị chỗ khám thai hại chết vì phán bừa, sanh ra rồi chưa sống bao lâu thì bị chết vì “sốc phản vệ” với vaccine hoặc bị “chích nhầm” vaccine. Không thì cũng uống nhầm thuốc giả/ăn nhầm đồ ăn có chất tăng trưởng, rau có thuốc trừ sâu, nước mắm không có cá… mà lớn lên. Ði học thì có thể bị cổng trường ngã đè chết, hoặc bị “bỏ quên” trên xe đưa đón học sinh mà ngộp chết. Không thì đi học bị nhồi nhét kiến thức sai lầm, bị thầy cô bạo hành, bị dạy hư… Hoặc ráng nuôi được tới lớn, cho đi lính làm nghĩa vụ nhân dân thì không biết tại sao lại chết tức chết tưởi không rõ lý do, hoặc có lý do nhưng không bao giờ được làm rõ. Khi tôi và cha con tôi ly dị, tôi không đủ điều kiện giành nuôi con, con tôi có thể bị cha nó và nhân tình đánh cho chết hoặc dạy dỗ sai lầm, đi vào con đường sống không bằng chết… Hay nó lớn lên chẳng có gì trở ngại, không gặp bất cứ thứ gì ngáng chân, nhưng nó lại thích đi ngáng chân người ta. Thay vì bị ông quan chức hay tay lính quèn nào đó “vung tay trúng má” thì nó lại là người cầm cây súng thích “tự nhiên nổ” vào người ta. Chỉ vì nó sống giữa mùa “cam”, và nó phát triển theo hướng một trái “cam” chua nhất trong vườn. Sống trong một xã hội cực đoan, con người trở thành kẻ cực đoan rất dễ. Thế nào tôi cũng bị thiên hạ lôi ra chửi rủa mỗi ngày. Hoặc ít tệ nhất là nó trở thành một con người hoài nghi tất cả như tôi, sống mệt mỏi và lơ lửng mỗi ngày. Vì có nhiều cái tệ hơn lắm, như nó (con tôi) có thể là một “lão nông” cần cù cả đời nhưng bất lực trước “nhân tai” như “chú Chúc” trong bài viết của tác giả Ðào Tuấn dưới đây:
“Ðôi mắt của chú Chúc, một nông dân trồng thanh long ở Long An. Bữa qua, chú Chúc cắt thanh long. Một cần xé thanh long 70kg chỉ nhận về 35,000 VND (chưa tới $2 USD). Có nghĩa là một ký thanh long đang bán tại vườn với giá 500 VND. Nhưng người nông dân này vẫn phải bán, bởi chú chỉ có duy nhất một lựa chọn: hoặc bán giá bèo, hoặc đổ bỏ cho bò, cho cá.
Tại sao không/chưa sinh con khi chưa sẵn sàng, hoặc sẵn sàng nhưng không đủ điều kiện là một điều đáng bị chỉ trích thay vì đáng khen? Sinh con để làm gì? Ðể có trách nhiệm với xã hội? Không, tôi thấy “đẻ” không bao giờ là “trách nhiệm”, nó là một sứ mệnh rất thiêng liêng. Khi đã chọn thì phải có trách nhiệm rất dài hơi với đứa trẻ và xã hội quanh nó. Ở Việt Nam, có quá nhiều đứa bé được sanh ra với lý do “vì trách nhiệm” xong rồi cho nó sống trong sự vô trách nhiệm của gia đình và xã hội đầy “cam”. Ðáng buồn, nhưng đó là sự thật. Các “tưởng tượng” mà bạn cho là thái quá ở trên là những chuyện có thật xảy ra ở Việt Nam gần đây, với những đứa trẻ (lẫn hết trẻ) ở Việt Nam.
Bởi vậy, tôi luôn khuyên bạn thân hoặc những người quanh tôi: đừng đẻ hoặc đừng đẻ nữa khi mày ở Việt Nam (tại ở nơi khác thì tôi không rành). Cũng đừng đẻ vì “để mốt già có mà nhờ”, “để có đứa chống gậy giùm”, “để đời bớt quạnh hiu”… Nếu đẻ, hãy đẻ vì tình yêu thương và trách nhiệm. Ðẻ rồi phải che chở, dạy dỗ con mình hết sức, dìu chúng đi qua mùa “cam”. Quan trọng là, nếu có gặp Du Uyên, hãy thương nó như con thay vì bắt nó đẻ con.