Đông Phương
Trung Quốc lại một lần nữa rơi vào tình thế khó khăn khi chính phủ kiểm soát giá nhà ở và thúc đẩy tiêu dùng trong nước. Tại sao những tình huống khó khăn này rất khó giải quyết? Có rất nhiều đáp án, nhưng các nhà nghiên cứu đã phát hiện một nhân tố thú vị. Đó là: nam giới trong độ tuổi thanh niên ở Trung Quốc có nhiều hơn nữ, hiện tượng này đã làm biến dạng nền kinh tế Trung Quốc một cách tinh vi.
Một bài báo đăng ngày 13/1 trên The Wall Street Journal viết rằng, chính sách một con (hiện đã bị bãi bỏ) của chính quyền Trung Quốc vào những năm 1980, cùng với tư tưởng phải sinh con trai, đã góp phần làm gia tăng khoảng cách giới ở Trung Quốc. Theo số liệu chính thức, vào cuối những năm 1990, số lượng nam giới và nữ giới ở độ tuổi 20 tương đương nhau; nhưng đến năm 2020 thì số nam nhiều hơn nữ, cứ 100 nữ thì có khoảng 111 nam.
Hơn nữa, một số biến dạng trong nền kinh tế Trung Quốc có thể đã được khuếch đại bởi một xu hướng khác: khoảng cách về mức lương và về tỷ lệ tham gia lực lượng lao động giữa nam và nữ liên tục mở rộng. Theo số liệu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, Trung Quốc có khoảng cách về mức lương giữa các giới nhỏ hơn so với hầu hết các nước có thu nhập trên trung bình, nhưng vẫn còn đáng kể.
Hiện tượng nam nhiều hơn nữ đẩy giá nhà ở tăng cao
Trong vài năm qua, các nhà nghiên cứu đã bắt đầu điều tra xem tất cả những yếu tố này có thể ảnh hưởng như thế nào đến nền kinh tế tổng thể của Trung Quốc. Họ đưa ra một kết luận là, những điều này có thể gây tác động rất lớn lên giá nhà ở, vì nam giới thường được cho là cần phải sở hữu một căn hộ thì mới có thể kết hôn.
Ông Ngụy Thượng Tiến (Shang-Jin Wei), Giáo sư Tài chính và Kinh tế tại Trường Kinh doanh Columbia, và các nhà kinh tế khác đã cùng đưa ra một phân tích vào năm 2017. Khi so sánh về mức thu nhập, họ phát hiện rằng ở các thành phố Trung Quốc có mức độ mất cân bằng giới tính cao thì giá nhà ở lại càng cao.
Theo điều tra dân số do chính quyền Trung Quốc công bố vào ngày 11/5/2021, nam giới nhiều hơn nữ giới 34,9 triệu người. Trong đó, nam giới trong độ tuổi kết hôn từ 20 đến 40 nhiều hơn nữ giới trong cùng độ tuổi 17,52 triệu người.
Ông Ngụy Thượng Tiến từng là nhà kinh tế trưởng của Ngân hàng Phát triển Châu Á (Asian Development Bank). Vào ngày 4/8/2021, ông đã xuất bản một bài viết tại Trường Tài chính Quốc tế Phiếm Hải trực thuộc Đại học Phúc Đán. Trong đó nói rằng, đối với các vấn đề như tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ tiết kiệm, xuất siêu thương mại, giá nhà ở, v.v., việc mất cân bằng giới tính ở người trẻ tuổi có thể mang lại tác động rất lớn, thậm chí không lường trước được.
Mất cân bằng giới làm tăng tỷ lệ tiết kiệm ở nam giới
Ông nói rằng sự mất cân bằng giới tính đẩy việc tiết kiệm thành một cuộc cạnh tranh. Vì khi có nhiều nam hơn nữ, nam giới cần tăng tỷ lệ tiết kiệm để nâng cao khả năng cạnh tranh trên thị trường hôn nhân.
Ông Ngụy cũng cho biết, từ đầu thế kỷ 21, tỷ lệ nam giới Trung Quốc trong độ tuổi trước hôn nhân cũng tăng hơn so với nữ giới. Nó đã dẫn đến tình trạng cạnh tranh ngày càng gay gắt trên thị trường hôn nhân. Khi có nhiều nam hơn nữ, phái nữ cũng sẽ có yêu cầu cao hơn khi chọn đối tượng. Người đàn ông sẽ phải dốc toàn lực để mua một ngôi nhà lớn hơn, đắt hơn, vượt quá nhu cầu tiêu dùng (và đầu tư tài chính) của anh ta. Qua phân tích dữ liệu vi mô, người ta thấy rằng kiểu cạnh tranh này dẫn đến giá nhà ở tăng một cách phi lý. Từ năm 2003 đến năm 2009, giá nhà ở tại các thành phố Trung Quốc đã tăng từ 30% đến 48%.
Thách thức lớn nhất của nền kinh tế Trung Quốc: Người dân không nguyện ý mở ví
Có phân tích cho rằng, thách thức lớn nhất đối với nền kinh tế Trung Quốc trong năm 2022 là người dân thường không sẵn sàng mở ví. Các nhà kinh tế rất chú ý tới hai lĩnh vực tiêu dùng và bất động sản để quan sát triển vọng tăng trưởng của Trung Quốc. Các quan chức Bắc Kinh đã cảnh báo tại cuộc họp về quy hoạch kinh tế vào tháng 12/2021 rằng, Trung Quốc đang phải đối mặt với “3 áp lực cùng đè nặng” là “nhu cầu suy giảm, nguồn cung bóp nghẹt và kỳ vọng suy yếu”.
Ngày 30/12/2021, hãng tin tài chính Mỹ CNBC phân tích rằng, sự bất ổn trong công việc và thu nhập của người dân Trung Quốc cũng đã làm giảm mức độ sẵn sàng tiêu dùng của họ.
Đông Phương