Khi nói đến sức mạnh quân sự người ta thường nghĩ ngay tới Hoa Kỳ, với một quân đội luôn được trang bị bằng những loại vũ khí với kỹ thuật tinh vi và tối tân nhất có thể áp đảo đối thủ trên chiến trường bất cứ lúc nào. Afghanistan và Iraq là những thí dụ điển hình khi quân đội Hoa Kỳ chỉ trong ít ngày là đã có thể dứt điểm chiến trường. Bình định và kiến thiết thuộc về vấn đề khác chúng ta không bàn tới ở đây.
Một vài giải pháp đang được đưa ra thử nghiệm mà mới nghe qua có vẻ giống như được lấy ra từ một truyện khoa học giả tưởng, từ loại súng bắn tia laser đến máy phát vi sóng.
Theo tướng Kenneth McKenzie, tư lệnh Bộ chỉ huy Trung ương Hoa Kỳ (USCENTCOM), loại máy bay không người lái vừa nhỏ vừa rẻ này hiện là mối đe dọa chiến thuật mới đáng lo ngại nhất mà quân đội Mỹ đang phải đối mặt kể từ khi có sự gia tăng của các loại vũ khí nổ tự chế ở Iraq khoảng 15 năm trước.
Một số tổ chức quân nổi dậy như Nhà nước Hồi giáo và phiến quân Houthi tại Yemen đã biết học cách biến chế loại máy bay không người lái bán tự do ngoài thị trường được gắn thêm chất nổ để tấn công các loại xe bọc thép đắt tiền và các cơ sở quân sự cũng như các nhà máy lọc dầu, bến cảng và sân bay dân sự. Những loại máy bay không người lái này thường được mua trên internet hoặc được lắp ráp từ những bộ phận cũng được mua trên internet.
Trong năm 2021, nhóm dân quân tại Iraq do Iran bảo trợ đã gia tăng chiến thuật tấn công bằng máy bay không người lái, trong đó có các vụ tấn công vào Toà Ðại sứ Hoa Kỳ tại Iraq và dinh thự của thủ tướng Iraq mà qua đó các giới chức an ninh cho là một âm mưu nhằm ám sát ông. Ngoài ra còn có chiến thuật sử dụng máy bay không người lái lao vào một tàu thương mại trong vùng Biển Ả Rập vào tháng 7, gây thiệt mạng cho hai nhân viên làm việc trên tàu, cũng như khu dinh thự chính của hoàng gia Ả Rập Saudi tại thủ đô Riyadh. Mới đây hơn, một số máy bay không người lái có trang bị vũ khí bị bắn hạ tại phi trường Baghdad vào hôm Thứ Hai 3/1 và gần một căn cứ không quân tại Iraq có binh lính Hoa Kỳ đồn trú vào hôm Thứ Ba, và một chiếc khác bị bắn rơi rạng sáng hôm Thứ Năm gần một căn cứ khác của quân đội Iraq.
Các vụ tấn công bằng máy bay không người lái nhắm vào Ả Rập Saudi của Iran và các nhóm dân quân do quốc gia này hỗ trợ dạo gần đây đã làm nổi bật lên tình trạng mất quân bình về cán cân phí tổn. Quân đội Saudi thường chống trả lại các cuộc tấn công bằng cách phóng loại hoả tiễn địa đối không Patriot, giá mỗi chiếc vào khoảng 3 triệu Mỹ kim, và đưa chiến đấu cơ hàng chục triệu đô lên để bắn hạ những máy bay không người lái vài trăm đô này. Hiện quân đội Ả Rập Saudi đang trong tình trạng thiếu hụt trầm trọng các loại vũ khí phòng thủ đánh chặn.
Năm 2016, lực lượng Hoa Kỳ lần đầu tiên chạm trán với cuộc tấn công bởi hàng loạt máy bay không người lái nhỏ tại Iraq do các tay súng Nhà nước Hồi giáo thực hiện. Bộ Quốc phòng đã nhanh chóng trang bị cho quân đội với hàng chục loại vũ khí nhẹ loại cầm tay có thể phá sóng tín hiệu giữa máy bay trên không và trạm điều khiển bên dưới của chúng.
Năm 2019, một máy bay không người lái của Iran bị bắn hạ tại eo biển Hormuz bởi một máy phá sóng được đặt trên chiến hạm USS Boxer là bước ngoặt về chiến thuật phòng thủ. Ðây là thành công đầu tiên của loại vũ khí sử dụng điện năng và giá rẻ hơn nhiều so với bất cứ loại hoả tiễn nào trang bị trên tàu.
Do đó, quân đội Hoa Kỳ phải tìm giải pháp khác và hai hệ thống đang mang lại nhiều hứa hẹn nhất để đánh chặn máy bay không người lái bằng cách bắn vi sóng để phá hỏng thiết bị điện tử hoặc bắn tia laser để đốt cháy động cơ hoặc các bộ phận quan trọng khác của chúng.
Lý do khiến Hoa Kỳ tập trung vào hai loại vũ khí chiến thuật sử dụng điện năng này chính là vì chi phí thấp. Việc đầu tư ban đầu có thể cao, lên tới hàng nhiều triệu đô la, nhưng một khi bắt đầu hoạt động thì chi phí cho mỗi lần bắn chỉ bằng chi phí tiền điện chúng ta trả ở nhà. So với hoả tiễn, chi phí cho loại vũ khí mới này không đáng bao nhiêu, muốn bắn bao nhiêu thì bắn cho tới khi không còn máy bay tấn công nữa thì thôi.
Những công ty quốc phòng như Boeing, Raytheon, Lockheed Martin và General Dynamics hiện đang nghiên cứu và chế tạo những loại vũ khí phòng thủ mới này, trong đó có loại gọn nhẹ có thể mang theo trong ba lô, gắn vào càng ba chân khi bắn, hết điện thì có thể sạc thêm điện và sử dụng tiếp.
Bởi vì không có hệ thống đơn lẻ nào có khả năng chống lại mối đe doạ ngày càng gia tăng từ máy bay không người lái một cách toàn bộ trong các môi trường hoạt động khác nhau của chúng, thử thách lớn nhất đối với các chiến lược gia là làm thế nào để kết hợp nhiều loại vũ khí lại với nhau.
Hầu hết các căn cứ của Hoa Kỳ tại Trung Ðông đều có bố trí phòng thủ bằng nhiều hệ thống khác nhau, mỗi hệ thống được thiết kế để đối đầu với các mối đe dọa khác nhau với mức độ hiệu quả khác nhau. Ðiểm bất lợi ở đây là càng trang bị thêm nhiều hệ thống khác nhau thì lại càng khiến cho khả năng ứng biến chống lại các cuộc tấn công càng thêm phức tạp.
Trong khi kỹ thuật máy bay không người lái ngày càng tiến bộ nhanh thì mục tiêu của các nhà hoạch định chiến lược quân sự cũng phải thay đổi một cách mau chóng để thích nghi.
Chiến thuật phòng thủ của loại chiến tranh nhỏ sẽ còn thay đổi nhiều. Vỏ quýt dày thì móng tay nhọn, móng tay càng nhọn thì vỏ quýt lại càng dày hơn, và trở thành cuộc đuổi bắt nhau giữa hai bên trong cái vòng tròn bất tận: Khi một bên có những sáng kiến mới thì bên kia lại tìm cách thích nghi và thay đổi. Trận chiến giữa các chính phủ và các nhóm dân quân có lẽ sẽ không bao giờ chấm dứt.