Một nghiên cứu mới chứng minh rằng các tế bào nâng đỡ trong niêm mạc mũi liên quan đến nhận cảm mùi là vị trí xâm nhập quan trọng của SARS COV-2. Đây chính là lý do khiến những người mắc virus COVID-19 bị mất khứu giác.
Các nhà nghiên cứu đã tiến hành thử nghiệm với một số lượng nhỏ tế bào người. Kết quả cho thấy rằng “móc” của các tế bào mà virus SARS-CoV-2 sử dụng để bám vào và lây nhiễm phổ biến hơn tới 700 lần ở các tế bào nâng đỡ lót bên trong phần trên của mũi so với các tế bào lót bên trong phần còn lại của mũi và khí quản.
Các tế bào hỗ trợ này cần thiết cho hoạt động và sự phát triển của các tế bào cảm nhận mùi.
Những phát hiện trên có thể hỗ trợ việc tìm kiếm mục tiêu tốt nhất cho các loại thuốc kháng virus tại chỗ để điều trị COVID-19, cũng như cung cấp thêm manh mối về lý do tại sao những người bị nhiễm virus đôi khi mất khả năng cảm nhận mùi.
Giáo sư Andrew Lane, chuyên gia về tai mũi họng và phẫu thuật đầu cổ, đồng thời là giám đốc bộ phận phẫu thuật mũi xoang và nền sọ tại Trường Y Đại học Johns Hopkins cho biết: “Nói chung, mất khứu giác có liên quan đến COVID-19 khi không có các triệu chứng khác ở mũi. Và nghiên cứu của chúng tôi có thể giúp tìm kiếm câu trả lời chính xác về cách thức, lý do, cũng như đích điều trị tốt nhất cho chứng mất khứu giác.”
Virus SARS-COV-2 và tế bào niêm mạc mũi
Các nhà khoa học đã biết rằng virus SARS-CoV-2 bám vào một móc sinh học trên bề mặt của nhiều loại tế bào người, được gọi là thụ thể enzym chuyển đổi angiotensin 2 (ACE-2).
Trong nỗ lực khám phá chi tiết hơn mối liên kết giữa ACE-2 và virus COVID-19, giáo sư Lane, Mengfei Chen, một cộng sự nghiên cứu trong phòng thí nghiệm của Lane và những người khác trong nhóm của ông đã kiểm tra kỹ lưỡng mức ACE2 trong các mẫu mô mũi của 19 người đàn ông và phụ nữ trưởng thành bị viêm mũi xoang mãn tính và một nhóm đối chứng gồm bốn người đã phẫu thuật mũi vì các vấn đề khác ngoài viêm xoang. Các nhà nghiên cứu cũng nghiên cứu các mẫu mô khí quản của 7 người đã trải qua phẫu thuật vì hẹp khí quản bất thường.
Không ai trong số những người tham gia nghiên cứu được chẩn đoán mắc bệnh COVID-19.
Các nhà nghiên cứu không tiến hành phân tích trên các tế bào của trẻ em trong nghiên cứu này. Một phần vì các tế bào niêm mạc mũi của trẻ em thường có mức ACE-2 thấp, điều này có thể góp phần giúp cho những đứa trẻ nhiễm virus SARS-CoV-2 bị bệnh nhẹ hơn.
Các nhà khoa học đã sử dụng một kỹ thuật hình ảnh có độ phân giải cao, được gọi là kính hiển vi đồng tiêu để tạo ra hình ảnh rất sắc nét của các tế bào niêm mạc lót trong đường thở ở mũi và khí quản. Đồng thời sử dụng vết ố huỳnh quang để xác định các thụ thể ACE-2.
Kết quả cho thấy hàm lượng ACE-2 cao ở các tế bào nâng đỡ, có vai trò hỗ trợ ổn định cấu trúc niêm mạc mũi. Các tế bào này nằm trong khu vực biểu mô thần kinh khứu giác cùng với các tế bào thần kinh cảm nhận mùi.
Các nhà nghiên cứu nói rằng vùng mũi này có thể đặc biệt dễ bị nhiễm trùng và có thể là vị trí bị nhiễm trùng duy nhất ngay cả khi không có triệu chứng. Do đó, họ kêu gọi mọi người đeo khẩu trang và đeo đúng cách.
Lý do mất khứu giác khi nhiễm virus COVID-19
Trong nghiên cứu này, tùy thuộc vào mẫu sinh thiết, các tế bào trong biểu mô thần kinh khứu giác có lượng protein ACE-2 tăng từ 200 lần đến 700 lần so với các mẫu ở mũi và khí quản. Bởi vì các tế bào có nồng độ ACE-2 cao liên quan đến cảm nhận mùi vị, các nhà nghiên cứu cho rằng sự nhiễm trùng của các tế bào này có thể là lý do khiến một số người mắc COVID-19 bị mất khứu giác.
Hai trong số bảy mẫu khí quản có mức độ thụ thể ACE-2 thấp, Và số lượng của những thụ thể này là tương tự nhau giữa những người tham gia nghiên cứu có và không có viêm mũi xoang mãn tính.
Vì các tế bào nâng đỡ nằm trong niêm mạc mũi có thể là vị trí xâm nhập chính của SARS-CoV-2, giáo sư Lane nói rằng có thể phát triển nhiều cách khác nhau, chẳng hạn thuốc kháng virus tại chỗ hoặc các liệu pháp trực tiếp nhắm vào tế bào cụ thể này.
Một bản tóm tắt những phát hiện trên được đăng tải trên Tạp chí Hô hấp Âu Châu.
Bài báo này ban đầu được xuất bản bởi Đại học Johns Hopkins. Được xuất bản lại qua Futurity.org
Tú Liên biên dịch