Theo chuyên gia, Bắc Kinh cuối cùng sẽ loại Tesla khỏi Trung Quốc để ưu ái các công ty xe điện nội địa

Frank Fang

Nhà máy Tesla Shanghai Gigafactory ở Thượng Hải, Trung Quốc, hôm 29/03/2021. (Ảnh: Xiaolu Chu/Getty Images) Mỹ – Trung

Ông Robert Atkinson, chủ tịch Quỹ Đổi mới và Công nghệ Thông tin (ITIF) bất vụ lợi có trụ sở tại Hoa Thịnh Đốn, cho biết chiến lược quốc gia về cưỡng ép chuyển giao công nghệ của Bắc Kinh có nghĩa là Tesla cuối cùng sẽ bị loại khỏi thị trường Trung Quốc, giống như số phận của các công ty phương Tây khác trong quá khứ.

“Suy cho cùng thì chiến lược dành cho Trung Quốc hiện khá rõ ràng. Đó là họ sẽ lợi dụng quý vị rồi sau đó gạt quý vị sang một bên,” ông Atkinson nói trong một cuộc phỏng vấn gần đây với NTD, một kênh truyền thông chi nhánh của The Epoch Times.

Ông nói thêm, “Tôi tin rằng chiến lược của Trung Quốc đối với Tesla là, này, chúng ta sẽ thu được một số lợi ích từ Tesla. Nhưng cuối cùng, chúng ta muốn các công ty như Geely và các nhà sản xuất xe điện EV khác của Trung Quốc luôn thống trị, mà không chỉ ở thị trường Trung Quốc mà còn phải thống trị ở rất nhiều thị trường trên thế giới.”

Chế độ Trung Quốc luôn được biết đến với việc yêu cầu các công ty ngoại quốc liên doanh với các công ty Trung Quốc, nhiều công ty trong số đó được chế độ cộng sản này hậu thuẫn, để có được bí quyết, công nghệ có giá trị, và tài sản trí tuệ (IP) của họ.

Tesla dường như đã tránh được rủi ro như vậy khi vào năm 2018, hãng này trở thành nhà sản xuất xe hơi ngoại quốc đầu tiên thành lập nhà máy hoàn toàn thuộc sở hữu của mình tại Trung Quốc mà không có công ty Trung Quốc làm đối tác. Tọa lạc tại Thượng Hải, nhà máy này đã bắt đầu sản xuất xe hơi Tesla Model 3 từ cuối năm 2019.

Tuy nhiên, ông Atkinson cho biết Bắc Kinh có nhận được “chuyển giao công nghệ trực tiếp hoặc gián tiếp” từ Tesla. Hơn nữa, các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc cũng được hưởng lợi vì một số công nhân hiện tại của Tesla cuối cùng sẽ chuyển việc sang làm cho các nhà sản xuất xe điện của Trung Quốc, ông nói thêm.

Ví dụ, ông chỉ vào hai công ty viễn thông Âu Châu Nokia và Ericsson, nói rằng hai công ty này từng chiếm thị phần lớn tại thị trường Trung Quốc trước khi nhường lại cho các đối thủ Trung Quốc là ZTE và Huawei.

Ông Atkinson nói rằng, “Tôi nghĩ đó là những gì chúng ta sẽ thấy [với Tesla] tại một thời điểm nào đó. Câu hỏi thực sự là bao lâu nữa [nó sẽ xảy ra]?”

Ông Atkinson cho biết, có lẽ điều quan trọng hơn mà tất cả các công ty ngoại quốc cần biết là Trung Quốc sẽ không từ bỏ các biện pháp hiện hữu của mình nhằm tiếp cận công nghệ phương Tây.

Ông cảnh báo: “Cưỡng ép chuyển giao công nghệ, đánh cắp tài sản trí tuệ, thu thập kiến thức, dù quý vị muốn gọi nó là gì, thì nó vẫn sẽ là một phần cốt lõi của nền kinh tế Trung Quốc trong ít nhất một hoặc hai thập niên nữa.”

Nền kinh tế Trung Quốc ngày càng trở nên phức tạp hơn, nhanh chóng bắt kịp với Hoa Kỳ trong 20 năm qua, theo xếp hạng toàn cầu về mức độ phức tạp kinh tế của Phòng thí nghiệm Tăng trưởng của Đại học Harvard. Một xếp hạng cao trên Chỉ số Phức tạp Kinh tế (ECI) biểu thị về một quốc gia xuất cảng hàng hóa đa dạng và phức tạp hơn.

Năm 2000, Trung Quốc đạt vị trí thứ 39 trong chỉ số ECI trong khi Hoa Kỳ là quốc gia phức tạp đứng thứ sáu trên thế giới. Năm 2019, Trung Quốc thăng lên vị trí thứ 16 trong khi Hoa Kỳ rớt xuống vị trí thứ 11. Nhật Bản đứng đầu trong cả năm 2000 và 2019.

Để đảo ngược xu hướng đó, ông Atkinson cho biết Đạo luật Cạnh tranh và Đổi mới Hoa Kỳ (USICA), một dự luật được thông qua tại Thượng viện hồi tháng Sáu năm ngoái, là một luật quan trọng để xây dựng năng lực của Hoa Kỳ trong các lĩnh vực công nghệ tiên tiến.

Nếu được ban hành, thì dự luật này sẽ cho phép khoảng 190 tỷ USD chi tiêu cho nghiên cứu và phát triển khoa học và 52 tỷ USD tài trợ để thúc đẩy sản xuất và nghiên cứu chất bán dẫn của Hoa Kỳ – những con chip nhỏ cung cấp năng lượng cho mọi thứ từ điện thoại thông minh, xe điện, đến hỏa tiễn.

Hạ viện vẫn cần thông qua phiên bản của mình về dự luật Thượng viện. Tháng 11 năm ngoái, Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi (Dân Chủ-California) và Lãnh đạo Đa số Thượng viện Chuck Schumer (Dân Chủ-New York) đã đưa ra một tuyên bố chung công bố một thỏa thuận lưỡng viện để đồng thuận về USICA.

Theo ông Atkinson, có thể sẽ có một cuộc bỏ phiếu trong Hạ viện vào tháng tới.

Ông Atkinson cho biết thêm, chính phủ Hoa Kỳ có thể làm nhiều việc hơn nữa, chẳng hạn như từ chối các công ty Trung Quốc được cho là đã hưởng lợi từ hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ hoặc từ các khoản trợ cấp lớn của chính quyền từ việc tiếp cận thị trường Hoa Kỳ.

Các khoản trợ cấp quá mức của chính quyền và hành vi trộm cắp tài sản trí tuệ nằm trong số các thông lệ thương mại bất hợp pháp của Trung Quốc, Đại diện Thương mại Hoa Kỳ phát hiện trong cuộc điều tra “Mục 301” năm 2018. Cuộc điều tra đó đã thúc đẩy chiến tranh thương mại Mỹ-Trung và việc ký kết một thỏa thuận thương mại giai đoạn một hồi tháng 01/2020. Theo thỏa thuận này, Trung Quốc đã đồng ý mua thêm ít nhất 200 tỷ USD hàng hóa và dịch vụ của Hoa Kỳ trong giai đoạn 2020-2021 và chấm dứt việc cưỡng ép chuyển giao công nghệ.

“Tôi nghĩ suy cho cùng thì, điều chúng ta phải làm ở Mỹ là chúng ta phải bắt đầu đạp xe nhanh hơn nữa,” ông Atkinson nói. “Nếu chúng ta không làm điều đó, thì tôi nghĩ về căn bản trò chơi đã kết thúc rồi.”

Anh Frank Fang là một ký giả tại Đài Loan. Anh đưa tin về Trung Quốc và Đài Loan. Anh có bằng Thạc sĩ về khoa học vật liệu tại Đại học Thanh Hoa ở Đài Loan.

Thanh Tâm biên dịch

Related posts