Xuân Hoa
Tỷ lệ sinh ở 10 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc đã giảm xuống dưới 1% vào năm 2020. Rõ ràng, quốc gia đông dân nhất thế giới đang bế tắc trong việc giải quyết khủng hoảng nhân khẩu học.
Các số liệu điều tra dân số mới được công bố cho thấy cuộc khủng hoảng nhân khẩu học mà Trung Quốc đang phải đối mặt sẽ ngày càng trầm trọng. Dân số trên 60 tuổi ở quốc gia này vào năm 2020 đã tăng lên 264 triệu người – tăng 18,7%. Trong khi đó, tỷ lệ sinh của Trung Quốc năm 2020 là 8,52/1.000 người, con số thấp nhất trong 43 năm trở lại đây, theo Niên giám thống kê Trung Quốc năm 2021, Global Times đưa tin.
Trong số 14 khu vực cấp tỉnh đã công bố tỷ lệ sinh năm 2020, 7 khu vực – bao gồm tỉnh Quý Châu phía tây nam Trung Quốc và Khu tự trị dân tộc Choang thuộc tỉnh Quảng Tây phía nam Trung Quốc – có tỷ lệ sinh cao hơn mức trung bình của cả nước.
Trong khi đó, cũng theo Niên giám thống kê, tỷ lệ sinh ở 10 khu vực cấp tỉnh tại Trung Quốc đã giảm xuống dưới 1% vào năm 2020. Tỷ lệ sinh ở một số khu vực phát triển như tỉnh Giang Tô phía đông Trung Quốc thấp hơn mức trung bình của cả nước, đạt 6,66/1.000 người; Bắc Kinh và Thiên Tân có tỷ lệ lần lượt là 6,98 và 5,99/1.000 người.
Lần đầu tiên tỷ lệ sinh ở Hà Nam – khu vực hành chính đông dân thứ 3 của Trung Quốc với dân số 99,4 triệu người – đã giảm xuống còn 9,24/1.000 người vào năm 2020; số trẻ mới sinh chỉ là 920.000, giảm 23,3% so với năm 2019 và là mức thấp mới kể từ năm 1978.
Trung Quốc sẽ công bố dữ liệu dân số hàng năm cho năm 2021 vào ngày 17/01, cùng thời điểm khi các nhà chức trách công bố số liệu tổng sản phẩm quốc nội của quý IV/2021 và cho cả năm.
Số lượng trẻ sơ sinh trong cả năm 2021 dự kiến sẽ giảm xuống còn khoảng 10 triệu trẻ, và tổng dân số của quốc gia đông dân nhất thế giới sẽ bắt đầu giảm trong tương lai gần, theo một báo cáo được công bố vào tháng trước bởi tổ chức nghiên cứu Dân số YuWa, được thành lập bởi một số nhà vận động hàng đầu Trung Quốc nhằm dỡ bỏ các hạn chế sinh đẻ
Các chính sách thúc đẩy gia tăng dân số của Trung Quốc chưa phát huy tác dụng
Tháng 8/2021, Trung Quốc đã thông qua chính sách 3 con. Đây là một trong những lần thay đổi chính sách lớn nhất của Trung Quốc trong nỗ lực giải quyết cuộc khủng hoảng già hóa dân số mà một phần nguyên nhân đến từ chính sách một con hà khắc đã kéo dài hàng thập kỷ. Trước đó, vào năm 2016, các cặp vợ chồng ở Trung Quốc đã được chính quyền cho phép có 2 con.
Sau khi chính sách 3 con được thông qua, hơn 20 khu vực cấp tỉnh của Trung Quốc đã hoàn thành việc sửa đổi và triển khai các biện pháp hỗ trợ như tăng thời gian nghỉ phép cho các cặp vợ chồng, hoàn thiện chế độ nghỉ sinh cho cha mẹ, kéo dài thời gian nghỉ thai sản, và bổ sung cả kỳ nghỉ khi kết hôn.
Tuy nhiên, Giám đốc Li Wei của Ủy ban Dân số, Tài nguyên và Môi trường Trung Quốc cho biết: “Ở các vùng miền trên khắp Trung Quốc, có sự hiểu lầm về chính sách hỗ trợ sinh sản, trong đó, chính quyền tập trung quá nhiều vào hỗ trợ sinh con thứ 2 và thứ 3. Nhưng vấn đề cấp bách nhất của chúng ta hiện nay là có quá ít con đầu lòng”. Ông nói thêm: “[Chúng ta] phải hiểu rõ tình hình và đưa ra các hướng dẫn đúng đắn để thực hiện chính sách”.
Bà He Dan, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Dân số và Phát triển Trung Quốc, cũng đồng tình với quan điểm của ông Li. Bà cho biết thêm, việc kết hôn và sinh con không còn là ưu tiên của thế hệ trẻ. Những chi phí liên quan đến việc chỉ sinh một đứa con cũng đủ lớn để khiến các bậc cha mẹ quyết định có sinh thêm con hay không.
Trong khi đó, nhiều người dân Trung Quốc để lại bình luận trên Internet rằng, những người sinh sau năm 1990 không muốn kết hôn và sinh con bởi họ phải chịu áp lực quá lớn về nhà ở. Cùng với đó, chính sách khuyến khích các cặp vợ chồng trẻ sinh con chưa đủ hiệu quả.
Các chuyên gia đã cảnh báo một bước ngoặt nhân khẩu học đang xảy ra ở quốc gia đông dân nhất thế giới. Điều này có nguy cơ làm xói mòn nền tảng của tăng trưởng kinh tế ở Trung Quốc trong 40 năm qua, đồng thời gây áp lực lớn lên chiến lược tiêu dùng hướng nội của Bắc Kinh, được gọi là mô hình tuần hoàn kép. “Nhiều người không coi việc có con là một cách đóng góp vào… sự phát triển của xã hội, nhưng nó thực sự đóng vai trò này”, ông Du Gang, một quan chức của Bộ Nhân lực và An sinh Xã hội Trung Quốc, cho biết.
Xuân Hoa