Giờ lecture đầu tiên – Tamar Lê
Trong lecture đầu tiên của tôi tại Đại Học Tasmania, tôi bắt đầu với những lời giới thiệu về cuộc đời của mình, sau đó ‘ai muốn hỏi chi thì hỏi’, vì tôi quan niệm nếu sinh viên biết mình thì khi học sẽ gần gủi với mình hơn, nhất là dạy về môn tâm lý ngôn ngữ (psycholinguistics).
Thật ra tôi cũng chẵng có chi để mà dấu diếm, nhất là khi nói về đời sống nội tâm. Một cô nữ sinh mắt xanh, tóc vàng xỏa ngang vai mỉm cười hỏi: “Why did you choose to be a teacher?” – Rồi một nam sinh viên ‘lém lỉnh’ hỏi tiếp: “When did you first fall in love?” – Tôi vẫn còn nhớ tiếng cười nhẹ nhàng trong giảng đường ngày đó.
“Tôi yêu ngành này.” Tôi trả lời thật ngắn gọn vì còn nhiều câu hỏi khác của các sinh viên. Nhưng thật ra sự yêu thương và gắn bó này với nghề ‘gõ đầu trẻ’ bắt đầu nẩy nở trong tâm hồn tôi khi tôi bước vào trung học, vào thời điểm mà trái tim tôi bị lôi cuốn bởi dòng văn và hình ảnh nhẹ nhàng trong ‘Nửa Chừng Xuân’.
Mổ̃i khi đọc lại đoản văn trong trang đầu của nhà văn Khái Hưng, đoản văn này đã đi sâu vào tiềm thức của tôi và mỗi khi nhớ lại lòng tôi vẫn còn xao xuyến bùi ngùi… và tôi biết tại sao từ lâu tôi chọn làm nghề giáo.
“Một buổi chiều thứ bảy. Trường Bảo hộ đương ở trong cảnh nhộn nhịp. Tiếng giày, tiếng guốc qua sân rất là huyên náo… Đứng vơ vẩn bên hàng giậu giăng, một cô thiếu nữ vào trạc mười bảy mười tám, chít khăn ngang vận áo trắng sổ gấu, chân đi ngơ ngác nhìn sân trường, như muốn vào, nhưng dùng dằng lo sợ. Nước da cô trắng xanh, quầng mắt đen sâu hoắm càng làm tăng vẻ rực rỡ long lanh của hai con ngươi sáng dịu. Trong cái khuôn mặt trái xoan, má hơi hóp, môi khô khan, chỉ có hai con mắt là có vẻ hoạt động khác nào như hai ngôi sao lấp lánh sau làn mây mỏng. Thoáng trông cô, cũng biết cô có điều tư lự…
Buổi chiều mùa xuân hạt mưa lấm tấm, bao phủ hồ Tây bát ngát mênh mông. Con thuyền nan của khách chơi xuân rập rờn trên mặt nước. Cơn gió heo may thoảng đưa, mấy chiếc lá vàng rơi lác đác. Mai ngước mắt nhìn lên, búp xuân non mơn mớn đầy cành. Cái cảm tưởng về xuân dịu dàng êm ái, khiến Mai hé cặp môi tươi thắm, mỉm cười với xuân, trong lòng chứa chan hy vọng.”
. . (Nửa Chừng Xuân – Khái Hưng)
❤️🌹❤️Đến câu hỏi thứ hai: “when did you first fall in love?”
Câu này là cả một bầu trời tình cảm huyền bí mà tôi cũng thường tự hỏi mình. Tôi không thể nào quên được câu chuyện tình cảm bâng khuâng của thời Trung Học.
Trong lớp có cô gái dáng gầy gầy, tên Huyền, giọng nói êm ái như làn gió chiều mùa hạ, và nụ cười làm chim sa cá lặn, ngay cả mấy ông thầy cũng thấy lòng mình ngẩn ngơ.
Tôi rất quý mến và luôn im lặng nhìn lén ‘cô bé’ này, nhưng tuy là cùng một lớp, nhưng lại không quen, chỉ thỉnh thoảng chào hỏi một hai câu cho có lệ.
Thế rồi vào một buổi chiều, thầy dạy văn, còn trẻ và mới ra trường đại học, ‘bực mình’ vì Huyền thầm thì với cô bạn ngồi cạnh. Thầy kêu tên Huyền thật to và ‘đuổi’ ra khỏi lớp, vì thầy nghe Huyền nói chuyện thầm thì trong lớp hay chính thầy cũng muốn Huyền chú ý đến mình??? Thật sự tôi có nghe Huyền nói ồn ào chi đâu..
Huyền bước ra khỏi lớp, vừa đi vừa tức tưởi khóc, làm cả lớp bùi ngùi và tim tôi nhói lên với thương cảm, vừa tức thầy vừa lo lắng cho ‘cô bé’…
Tuy còn ‘con nít’, nhưng không hiểu sao, trước sự ngạc nhiên của lớp trong tâm trạng lo lắng, lúc đó tôi không còn cảm thấy ‘sợ’ thầy nữa, chững chạc đứng dậy, đi lên xin phép thầy cho mình ra ngoài để an ủi Huyền… Tiếng khóc của Huyền còn vang, sầu cảm hơn tiếng ve kêu mùa hè.
Hành lang của trường còn bay bay với những chiếc lá vàng khô với những giọt mưa nhè nhẹ xoa dịu nước mắt của Huyền trong khoảng trống bơ vơ. Huyền như tìm được nguồn an ủi khi thấy tôi ra đứng cạnh, không nói một lời, chỉ nhìn tôi với đôi mắt đồng cảm, nên tiếng khóc bớt đi, và tiếng mưa cũng vậy. Huyền còn tức tưởi, nhưng những giọt nước mắt ‘hờn giận thầy’ cứ lăn tràn trên hai gò má của cô gái mới tuổi 15.
❤️🌹❤️
Biết Nói Gì Đây – – Sáng tác: Huỳnh Anh – Trình bày: Quỳnh Lê