Mục lục bài viết
- Tôn Lực Quân tự mình cất nhắc cán bộ cấp Phó Tỉnh/Phó Bộ là điều không thể
- Quy trình tuyển chọn cán bộ nghiêm mật của Ban Tổ chức Trung ương
- Tôn Lực Quân đang chuẩn bị nhân sự kế nhiệm sau thời Tập Cận Bình
- Tôn Lực Quân đang làm việc cho ‘ông chủ lớn’
Cựu Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân bị bắt vào tháng 4/2020. Hơn một năm sau, tức ngày 30/9/2021, trên trang web Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ đăng bài viết với tiêu đề: ‘Nguyên Uỷ viên Đảng ủy, Thứ trưởng Bộ Công an Tôn Lực Quân bị cách chức và khai trừ khỏi đảng do vi phạm nghiêm trọng kỷ luật’ với sát khí đằng đằng.
Trong đó liệt kê những 45 tội danh nổi bật gồm: bành trướng dã tâm chính trị cực độ, bồi dưỡng thế lực cá nhân, phá hoại nghiêm trọng đoàn kết thống nhất trong đảng v.v. Những tội danh này giống với tội danh của Chu Vĩnh Khang khi ngã ngựa. Do đó nhìn vào thông cáo của Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương, rõ ràng Tôn Lực Quân phạm tội mưu phản.
Nhưng kỳ lạ thay, đến ngày 13/1 năm nay, trên trang web Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ĐCSTQ đăng bài viết với nội dung chính là: Tôn Lực Quân bị khởi tố 3 tội danh là nhận hối lộ, thao túng thị trường chứng khoán và sở hữu súng phi pháp. Đây là động thái thu hẹp tội danh cho Tôn Lực Quân.
Sự việc liên quan đến Tôn Lực Quân vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại…
Cũng trong cùng ngày, tức 13/1, Ủy ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương của ĐCSTQ thông báo rằng họ đã sản xuất một bộ phim tài liệu có tựa đề ‘Không khoan nhượng’, đến ngày 15/1 thì phát sóng. Tập đầu tiên nói về Tôn Lực Quân (nhận tội trên truyền hình).
Nếu xem sơ qua thì dễ cho người ta cảm giác rằng Tôn Lực Quân là người đứng đầu băng nhóm tham nhũng, nhưng khi phân tích kỹ sẽ thấy trong đó có vấn đề. Trong phim đề cập đến việc Tôn Lực Quân đã giúp một số cán bộ làm Phó Tỉnh trưởng hoặc Phó Thị trưởng.
Điều này không đúng, bởi vì trong thông lệ chốn quan trường của ĐCSTQ, cấp bậc Thứ trưởng Bộ Công an như Tôn Lực Quân hoàn toàn không thể làm được việc này; phải là người cao hơn Tôn Lực Quân ít nhất 2 cấp, tức Uỷ viên Bộ Chính trị, Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị mới có thể làm được.
Vậy thì động thái giảm nhẹ tội và gây hiểu lầm về quy mô vụ án Tôn Lực Quân của Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương mang hàm ý gì, đằng sau bộ phim ‘Không khoan nhượng’ liệu có thông tin gì về việc ‘bồi dưỡng phe cánh’ của nhóm Tôn Lực Quân hay không?
Là một người có am hiểu sâu sắc về chính trường Trung Quốc – Giáo sư Chương Thiên Lượng trong Chính luận thiên hạ đăng ngày 17/1 đã có 2 nhận định rất đáng chú ý về sự việc này. Thứ nhất, Tôn Lực Quân không phải là người đứng đầu băng nhóm, phía sau ông ta còn có cấp cao hơn. Thứ hai, việc giảm quy mô của vụ án Tôn Lực Quân, khả năng cao là Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương ‘phản bội’ Tập Cận Bình.
Từ thông lệ đề bạt và sắp xếp nhân sự trong chốn quan trường ĐCSTQ, Giáo sư Chương đã phân tích từ đó dần dần làm rõ nhận định của mình như sau.
Tôn Lực Quân tự mình cất nhắc cán bộ cấp Phó Tỉnh/Phó Bộ là điều không thể
Trong phim của CCTV nói về việc Tôn Lực Quân tham ô hủ bại, nhưng Giáo sư Chương cho rằng vấn đề lớn nhất của Tôn Lực Quân không phải tham ô hủ bại mà là ‘mưu phản’. Nhưng trong phim này không đề cập đến từ đó, chỉ đề cập đến vấn đề Tôn Lực Quân đã nhận hối lộ như thế nào.
Trong phim đề cập đến Vương Lập Khoa – Phó Tỉnh trưởng, Bí thư Uỷ ban Chính trị và Pháp luật tỉnh Giang Tô, đã kể lại tình tiết hối lộ Tôn Lực Quân. Tổng số tiền mà Vương Lập Khoa hối lộ Tôn Lực Quân lên đến 90 triệu NDT (khoảng 13,5 triệu đô-la Mỹ). Con số này thực chất không lớn lắm so với các ‘hổ lớn’ đã sa lưới. Ví như khi Chu Vĩnh Khang sa lưới, ĐCSTQ đã tịch thu số tiền lên đến 14,5 tỷ đô-la Mỹ, tức gấp hơn 1000 lần số tiền tham nhũng của Tôn Lực Quân.
Ai đã từng xem bộ phim này sẽ có một ấn tượng rằng Tôn Lực Quân đã dệt nên mạng lưới các mối quan hệ, nhưng các mối quan hệ ấy chủ yếu là cấp Phó Tỉnh hoặc Phó Bộ (Thứ trưởng). Trong đó, ngoài Vương Lập Khoa đã nói ở trên, còn đề cập đến một số người nữa là:
+ Công Đạo An- Phó Thị trưởng, Cục trưởng Cục Công an Thượng Hải.
+ Đặng Khôi Lâm – Phó Thị trưởng thành phố Trùng Khánh.
+ Lưu Tân Vân – Phó Tỉnh trưởng tỉnh Sơn Tây.
…
Những người này đều là cán bộ cấp Phó Tỉnh hoặc Phó Bộ.
Trong phim còn nói rằng, Vương Lập Khoa là một cán bộ cấp Phó Tỉnh, sau đó Tôn Lực Quân đã giúp ông ta lên thành cán bộ cấp tỉnh. Cả Công Đạo An và Đặng Khôi Lâm vốn đều là cán bộ cấp Phó Tỉnh cũng nói rằng, họ cũng được Tôn Lực Quân ‘nâng đỡ’. Đây mới là vấn đề của vụ án Tôn Lực Quân, bởi vì cấp Thứ trưởng Bộ Công an như Tôn Lực Quân không thể làm được chuyện này.
Giáo sư Chương đã phân tích dựa vào việc tuyển chọn cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương như sau.
Quy trình tuyển chọn cán bộ nghiêm mật của Ban Tổ chức Trung ương
Là một người có am hiểu sâu sắc về chính trường Trung Quốc, Giáo sư Chương đã chia sẻ như sau.
Chúng ta biết rằng trong ĐCSTQ có một thuật ngữ là ‘cán bộ quản lý trung ương’ (Trung quản cán bộ – 中管幹部).
‘Cán bộ quản lý trung ương’ là do Ban Tổ chức Trung ương trực tiếp khảo sát, sau đó trình lên Bộ Chính trị, thậm chí Thường vụ Bộ Chính trị xem xét, sau đó mới có thể được bổ nhiệm. Nói một cách đơn giản, cán bộ mà do Ban Tổ chức Trung ương trực tiếp quản lý gọi là ‘cán bộ quản lý trung ương’. ‘Cán bộ quản lý trung ương’ thông thường đều là cấp Tỉnh hoặc cấp Bộ trở lên, và Ban Tổ chức Trung ương quản lý cán bộ từ cấp Phó Tỉnh hoặc Phó Bộ trở lên.
Thêm vào đó, việc bổ nhiệm từ cấp Phó Bộ trưởng phải được Thường vụ Bộ Chính trị thảo luận; sau khi thông qua, Ban Tổ chức Trung ương sẽ ban hành văn kiện; sau đó Phó Bộ trưởng mới có thể nhậm chức. Còn cấp cao hơn Phó Bộ trưởng là Bộ trưởng, thì không những 7 Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị (Thường Uỷ) thảo luận, mà còn mở rộng ra 25 Uỷ viên Bộ Chính trị cùng nhau thảo luận.
Cán bộ cấp Tỉnh, cấp Bộ là họp toàn Bộ Chính trị (chứ không chỉ có 7 vị Thường Uỷ thảo luận). Sau khi cuộc họp thông qua, Bộ trưởng phải qua một quy trình bổ nhiệm của Quốc vụ viện theo quy định của pháp luật.
Nói đơn giản, cán bộ cấp Bộ hoặc cấp Tỉnh phải được Ban Tổ chức Trung ương khảo sát, sau đó Bộ Chính trị biểu quyết, tiếp đến Thủ tướng Quốc vụ viện sẽ đề cử vào Uỷ ban Thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, sau khi được phê chuẩn rồi thì Chủ tịch nước bổ nhiệm theo sắc lệnh. Đây là một quá trình rất nghiêm mật.
Tôn Lực Quân nói rằng, đã giúp những người kia thành Phó Tỉnh trưởng, Phó Thị trưởng. Vấn đề ở đây chính là: Tôn Lực Quân là Thứ trưởng Bộ Công an làm sao có đủ năng lực và quyền lực để tác động đến quá trình đề bạt cán bộ của Ban Tổ chức Trung ương, còn phải đảm bảo rằng Thường Uỷ Bộ Chính trị thông qua?
Do đó, từ điều này đã thấy rõ một vấn đề: Tôn Lực Quân không phải là người đứng đầu băng nhóm này, ông ta chỉ giống như ‘chân chạy việc’ hoặc ‘tay sai vặt’, cho nên phía sau Tôn Lực Quân phải có phe phái to lớn hậu thuẫn.
Tôn Lực Quân đang chuẩn bị nhân sự kế nhiệm sau thời Tập Cận Bình
Nhìn vào toàn bộ quá trình Tôn Lực Quân đề bạt Lưu Tinh Vân hay Công Đạo An… thấy rằng, những việc đó không nằm trong phạm vi của Tôn Lực Quân. Thế thì tại sao Tôn Lực Quân lại làm những việc như vậy?
Dưới nhãn quang của mình, Giáo sư Chương nhìn nhận, Tôn Lực Quân đang cố gắng xây dựng một bản lý lịch hoàn chỉnh cho những người này. Bởi vì theo thông lệ chốn quan trường, khi ĐCSTQ đề bạt và trọng dụng ai đó phải có một yêu cầu.
Ví như muốn làm Phó Thủ tướng Quốc vụ viện, hay là Chủ nhiệm Uỷ ban Cải cách và Phát triển Quốc gia, trên thực tế những người này liên quan rất nhiều đến các ngành nghề/lĩnh vực khác nhau, và họ được chọn từ trong các Tỉnh trưởng hoặc Bí thư Tỉnh uỷ. Bởi vì trong tỉnh, những người này đều quản: công nghiệp, nông nghiệp, kinh tế, tư pháp v.v. Nếu có nhiều kinh nghiệm làm việc đó, người này có thể được chuyển lên Quốc vụ viện, hoặc lên Bộ Chính trị để làm Uỷ viên Bộ Chính trị.
Do đó, lý lịch một người có hoàn chỉnh hay không, họ phải có kinh nghiệm công tác ở địa phương, ở các bộ và Uỷ ban Trung ương, còn phải có kinh nghiệm làm việc cơ bản, thậm chí có kinh nghiệm làm việc trong quân đội hay công an thì càng tốt. Lý lịch của người ấy càng phong phú, càng hoàn chỉnh thì khả năng được trọng dụng càng cao.
Quay lại sự việc Tôn Lực Quân, ở Bộ Công an, ông ta đề bạt dần dần những người thân tín của mình, sau đó đưa họ ra các địa phương làm Phó Tỉnh trưởng hoặc Phó Thị trưởng, chính là để chuẩn bị cho một quá trình kế thừa/kế nhiệm (tiếp ban). Đây chính là đội ngũ để tiếp quản quyền lực.
Những người được Tôn Lực Quân ‘nâng đỡ’ đều là người sinh vào những năm 60 của thế kỷ trước (1964, 1965), vẫn tính là trẻ ở trong giới chính trị, còn Tập Cận Bình sinh năm 1953. Do đó những người này trẻ hơn ông Tập khoảng 10 năm.
Giáo sư Chương nhìn nhận, nhóm do Tôn Lực Quân ‘đứng đầu trên danh nghĩa’ là đang chuẩn bị tiếp quản những việc của Tôn Lực Quân sau này.
Tôn Lực Quân đang làm việc cho ‘ông chủ lớn’
Tôn Lực Quân là một Thứ trưởng Bộ Công an nhỏ bé, ông ấy dựa vào điều gì để sắp xếp nhân sự thay cho Bộ Chính trị hoặc Quốc vụ viện? Cho nên khi nhìn vào hành vi của Tôn Lực Quân, Giáo sư Chương cho rằng, ông ấy phải làm việc cho một ông chủ lớn hơn, đang giúp ông chủ tìm kiếm nhân sự để trám vào vị trí quan trọng.
Giáo sư Chương đánh giá, người này không thể là Mạnh Kiến Trụ, bởi vì Mạnh Kiến Trụ là thư ký Uỷ ban Chính trị và Pháp luật, Uỷ viên Bộ Chính trị, nguyên Bộ trưởng Bộ Công an, nhưng đã nghỉ hưu vào năm 2017; còn Công Đạo An (người trong băng nhóm của Tôn Lực Quân) làm Phó Thị trưởng Thượng Hải vào năm 2018.
Nhìn vào những phân tích ở trên: một cán bộ ở vị trí cấp Tỉnh hoặc cấp Bộ, người ấy phải được sự đồng ý của Thường vụ Bộ Chính trị. Do đó Giáo sư Chương đánh giá rằng trong Thường vụ Bộ Chính trị ít nhất phải có một người là cấp trên của Tôn Lực Quân mới có thể sắp xếp những sự tình như vậy.
Giáo sư Chương còn cho rằng, nếu đào sâu thêm vào sự việc của Tôn Lực Quân nhất định sẽ có cấp Uỷ viên Bộ Chính trị hoặc Thường vụ Bộ Chính trị liên can, thậm chí còn là người đang tại vị! Sự việc Tôn Lực Quân nhất định là một vụ đại án, nhưng ‘to nhỏ’ như thế nào thì còn phụ thuộc vào mức độ ĐCSTQ muốn công bố, cũng phụ thuộc vào việc Tập Cận Bình quyết tâm đào sâu đến đâu.
Là một người rất am hiểu về chính trường Trung Quốc, Giáo sư Chương đánh giá, bộ phim ‘Không khoan nhượng’ này đưa cho người ta một thông tin gây hiểu lầm chính là: Tôn Lực Quân là người đứng đầu băng nhóm tham ô hủ bại gồm Công Đạo An, Lưu Tân Vân…
Nhưng khi dựa vào những phân tích thông tin công khai trong phim, cùng cách vận hành của thể chế ĐCSTQ, Giáo sư Chương nhận định rằng, Tôn Lực Quân không phải là ông chủ tối cao trong băng nhóm đó, phía sau nhất định có người hơn ông ta ít nhất 2 cấp, tức Uỷ viên Bộ Chính trị hoặc Uỷ viên Thường vụ Bộ Chính trị.
Thêm vào đó, nếu Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương cố ý gây hiểu lầm cho người xem rằng Tôn Lực Quân là người đứng đầu băng nhóm tham nhũng, vậy thì tương đương với việc Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương phản bội Tập Cận Bình bởi vì truyền đạt tin giả cho ông Tập.
Tập Cận Bình muốn tái đắc cử ở Đại hội 20 diễn ra vào năm nay thì ít nhất phải hạ bệ được một quan chức cấp Phó Nhà nước, nhưng hiện nay ông Tập vẫn đang còn chần chừ vì thực sự không rõ địch – ta, hơn nữa Tôn Lực Quân từ lúc bị bắt đến khi khởi tố mất gần 2 năm, băng nhóm đảo chính do Giang – Tăng vẫn đang ngoài kia, Uỷ ban Kiểm tra Kỷ luật Trung ương lại truyền đạt thông tin gây hiểu lầm… Rốt cuộc ông Tập có dọn dẹp được những đối thủ chính trị để mở đường cho tái đắc cử được hay không, chúng ta chỉ có thể chờ xem.
Mạn Vũ
Chú thích:
(*) Phim ‘Không khoan nhượng’ có tên gốc là ‘Linh dung nhẫn’ – 零容忍: 0 dung nhẫn, không khoan nhượng.