Vì sao một số người không dễ mắc Covid-19?

Hoàng Tuấn

Nghiên cứu mới nhất trên các tạp chí khoa học cho thấy một số người có thể “có khả năng miễn dịch tự nhiên” và không dễ bị nhiễm coronavirus mới. (Getty)

Nghiên cứu mới nhất trên các tạp chí khoa học cho thấy một số người có thể “có khả năng miễn dịch tự nhiên” và không dễ bị nhiễm coronavirus mới; thậm chí ngay cả khi bị nhiễm, họ cũng không có khả năng phát triển thành bệnh nặng.

Tiến sĩ Dong Yuhong, một nhà virus học châu Âu và là nhà khoa học chính của một công ty công nghệ sinh học, kết hợp với các nghiên cứu khác, đã đưa ra những lý do tại sao một số người không dễ mắc coronavirus mới.

Sau đây là nguyên văn cuộc phỏng vấn Tiến sĩ Dong Yuhong:

Làm thế nào để có các yếu tố miễn dịch tự nhiên? 3 yếu tố chính giúp bạn không dễ mắc Covid-19

Vào tháng 11/2021, một bài báo trên tạp chí Nature-Immunology đã đề cập đến một hiện tượng thú vị: trong một số gia đình có quan hệ gần gũi với nhau, khi tất cả mọi thành viên đều bị nhiễm coronavirus mới, thì lại có một người không nhiễm.

Điều này có nghĩa là ngay cả khi tiếp xúc nhiều với virus, một số người vẫn không dễ bị lây nhiễm.

Có sự khác biệt rất lớn giữa việc nhiễm hay không nhiễm Covid-19. Một số người không dễ mắc bệnh, có người mắc nhưng không có triệu chứng, một số thì hồi phục nhanh, trong khi có người sẽ tiến triển nặng và nguy hiểm đến tính mạng.

Nhìn bề ngoài thì đây là một bài toán xác suất ngẫu nhiên, nhưng thực tế sau khi phân tích kỹ sẽ thấy đây là kết quả tất yếu sau khi tổng hợp nhiều yếu tố.

Để tìm hiểu nguyên nhân đằng sau, các nhà khoa học đã khởi động một dự án nghiên cứu toàn cầu – “Dự án gen người COVID”, do 16 nhà nghiên cứu đến từ các trường đại học hoặc viện nghiên cứu nổi tiếng như Đại học Rockefeller, Hy Lạp, Pháp… đăng trên tạp chí Nature Immunology.

Sau khi phân tích toàn diện nghiên cứu này và nhiều nghiên cứu khác, chúng tôi đã tóm tắt ba yếu tố chính khiến cho quá trình cấu thành bệnh viêm phổi Vũ Hán trở nên khó khăn hơn, chúng bao gồm: interferon, nhóm máu và gen.

Interferon bảo vệ cơ thể con người khỏi nhiễm trùng và bệnh tật nặng

Khả năng sản xuất và mức độ interferon trong cơ thể là những liên kết cần thiết và quan trọng trong việc kiểm soát nhiễm Covid-19.

Tạp chí Nature Immunology chỉ ra rằng, hơn 10% bệnh nhân mắc Covid-19 nặng có kháng thể tự trung hòa của interferon loại I, có nghĩa là chức năng của một số interferon loại I bị kháng thể làm suy yếu.

Ngoài ra, 20% bệnh nhân Covid-19 nặng trên 70 tuổi cũng chứa kháng thể này.

Mặt khác, những người có hàm lượng interferon cao trong cơ thể thường ít có khả năng mắc Covid-19, thậm chí nếu không may bị nhiễm virus thì nguy cơ mắc bệnh nặng của họ cũng thấp.

Nhóm máu có ảnh hưởng đến khả năng miễn dịch

Nhóm máu có mối tương quan cao với sức khỏe con người, những người có nhóm máu khác nhau có mức độ miễn dịch tự nhiên không giống nhau.

Năm 1900, Carl Landsteiner, một nhà sinh vật học tại Viện Bệnh học thuộc Đại học Vienna (Áo), lần đầu tiên phát hiện ra rằng cơ thể người có 4 nhóm máu bẩm sinh, bao gồm: A, B, AB và O.

Nhóm máu đề cập đến mô hình kháng nguyên trên bề mặt của tế bào hồng cầu. 

Người nhóm máu A có kháng nguyên A trên bề mặt hồng cầu của họ, người nhóm máu B có kháng nguyên B, người nhóm máu AB có cả kháng nguyên A và B cùng một lúc, trong khi người nhóm máu O không mang kháng nguyên.

Thông thường, những người nhóm máu A có kháng nguyên A trên bề mặt hồng cầu, nhưng họ không có kháng thể A trong cơ thể mà là kháng thể B.

Người nhóm máu B có kháng thể A. Ngoài ra, người với nhóm máu O có cả kháng thể A và B trong cơ thể.

Hệ thống nhóm máu ABO không chỉ biểu hiện ở hồng cầu mà còn ở tế bào biểu mô và tế bào nội mô ở người, đồng thời có liên quan đến nhiều bệnh tật.

Ví dụ, một số nghiên cứu đã phát hiện ra rằng những người có nhóm máu A có xác suất phát triển ung thư dạ dày cao hơn; trong khi những người có nhóm máu A, B và AB có tỷ lệ ung thư tuyến tụy cao hơn; điều này có thể liên quan đến việc bài tiết các yếu tố tiền viêm và quá trình apoptosis.

Thật trùng hợp, một nghiên cứu từ các học giả Hà Lan được công bố trên tạp chí y học về Xơ cứng động mạch, Huyết khối và Sinh học Mạch máu vào tháng 1/2020, đã chỉ ra rằng những người không thuộc nhóm máu O có nhiều khả năng bị bệnh tim, huyết khối, lipid máu cao v.v.

Về khả năng chống nhiễm coronavirus, theo kết quả nghiên cứu của “Vox Sanguinis” do Hiệp hội Truyền máu Quốc tế (ISBT) công bố, những người nhóm máu O ít có khả năng mắc Covid-19, và tỷ lệ chuyển nặng cũng tương đối thấp.

Ngược lại, những người nhóm máu A có tỷ lệ nhiễm Covid-19 cao hơn và có xu hướng bị bệnh nặng.

Về vấn đề này, các nhà khoa học đưa ra hai giả thuyết: người nhóm máu O mang đồng thời hai kháng thể A và B, điều này có thể giúp vô hiệu hóa virus; đồng thời, chúng cúng ngăn chặn sự kết hợp giữa virus và tế bào, từ đó bảo vệ tế bào người khỏi bị virus xâm nhập.

Trong khi đó, những người có nhóm máu A thiếu kháng thể A; vì vậy cơ thể ít có khả năng vô hiệu hóa virus hơn.

Ngoài ra, một số chất trong nhóm máu A có thể làm tăng ái lực của virus đối với các thụ thể của tế bào người, tăng nguy cơ mắc bệnh và cũng có thể làm tăng tỷ lệ biến chứng tim mạch, các bệnh huyết khối tắc mạch và nhiễm trùng nặng.

Gen cũng là một trong các yếu tố tác động giúp cơ thể chống lại virus corona

Ngoài ra, nghiên cứu của tạp chí Nature Immunology cũng tóm tắt tác động của các gen khác ảnh hưởng đến sự nhân lên của virus, và khả năng miễn dịch đối với các bệnh truyền nhiễm ở người.

Đồng thời, tạp chí này cũng phân tích sâu hơn về những người có “khả năng miễn dịch tự nhiên” đối với Covid-19, từ đó để tìm ra các gen miễn dịch quan trọng.

Khi nhiều gen liên quan đến miễn dịch liên tục được tiết lộ, con người sẽ có hiểu biết ngày càng toàn diện hơn về cơ chế kháng virus của cơ thể và những bí ẩn của khoa học đời sống.

Tuy nhiên, interferon, nhóm máu và gen cũng chỉ là một vài yếu tố quan trọng, không thể tuyệt đối hóa chúng.

Từ góc độ tổng thể, điều đó không có nghĩa là những người nhóm máu O và có lượng interferon cao có thể ngồi lại và thư giãn trong đại dịch, cũng không có nghĩa là những người có nhóm máu A cần phải lo lắng quá nhiều.

Có nhiều yếu tố quyết định một người có bị nhiễm Covid-19 hay không: tuổi tác, hút thuốc, uống rượu, cân bằng dinh dưỡng, chỉ số khối cơ thể, lối sống, kiểm soát cảm xúc và nhiều yếu tố khác.

Chỉ khi các yếu tố liên quan đạt được tích cực về mọi mặt thì mới có thể đảm bảo an toàn trong đại dịch.

Hoàng Tuấn
Theo Epoch Times

Related posts