KYIV — Hôm thứ Tư (19/01), Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken cho biết Nga có thể sắp tiến hành một cuộc tấn công mới vào Ukraine nhưng Hoa Thịnh Đốn sẽ theo đuổi ngoại giao chừng nào còn có thể.
Trong một chuyến thăm tới Kyiv để thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine, ông Blinken nói rằng người dân Ukraine nên chuẩn bị cho những ngày gian khó. Ông cho biết Hoa Thịnh Đốn sẽ tiếp tục cung cấp hỗ trợ quốc phòng cho Kyiv và nhắc lại lời hứa về các biện pháp trừng phạt nghiêm khắc đối với Nga trong trường hợp có một cuộc xâm lược mới.
Điện Kremlin cho biết căng thẳng xung quanh Ukraine đang gia tăng và họ vẫn đang chờ phản hồi bằng văn bản của Hoa Kỳ trước những yêu cầu sâu rộng về việc bảo đảm an ninh từ phương Tây.
Những tuyên bố bi quan này đã càng làm nổi rõ khoảng cách giữa Hoa Thịnh Đốn và Moscow khi ông Blinken chuẩn bị cho cuộc gặp với Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov vào thứ Sáu (21/01) mà một nhà phân tích chính sách ngoại giao của Nga coi đó “có thể là điểm dừng chân cuối cùng trước khi điều tồi tệ nhất xảy ra”.
Ông Blinken hứa “nỗ lực ngoại giao không ngừng để ngăn chặn các hành động xâm lược mới và thúc đẩy đối thoại và hòa bình.” Ông cho biết việc Nga tăng cường hàng chục ngàn quân gần biên giới Ukraine đang diễn ra mà “không có hành động khiêu khích, không có lý do nào”.
Ông nói: “Chúng tôi biết rằng có những kế hoạch nhằm nhanh chóng tăng cường lực lượng đó nhiều hơn nữa mà không báo trước, và điều đó cho phép Tổng thống (Vladimir) Putin có khả năng, cũng rất mau lẹ, thực hiện các hành động gây hấn hơn nữa đối với Ukraine”.
Ông không nói rõ Nga có thể tiến hành nhanh như thế nào. Các nhà phân tích an ninh độc lập cho biết họ không tin rằng cho đến nay Moscow đã tập hợp được các đơn vị hậu cần và y tế mà họ cần để tiến hành một cuộc tấn công ngay lập tức.
Nga cũng đã chuyển quân đến Belarus để tham gia cuộc tập trận chung, mang lại cho nước này quyền lựa chọn tấn công nước láng giềng Ukraine từ phía bắc, đông và nam.
Họ tiếp tục phủ nhận mọi ý định như vậy. Phát ngôn viên Điện Kremlin Dmitry Peskov cho biết việc phương Tây giao vũ khí cho Ukraine, các cuộc diễn tập quân sự, và các chuyến bay của phi cơ NATO là nguyên nhân khiến căng thẳng gia tăng xung quanh Ukraine.
Ngoại trưởng Ukraine Dmytro Kuleba cáo buộc Nga đang cố gieo rắc hoang mang ở Ukraine. Ông nói rằng ngoại giao là lối thoát duy nhất, và đó là một “nguyên tắc không thể phá vỡ” rằng không có quyết định nào về Ukraine có thể được thực hiện mà không có sự tham gia thảo luận của nước này.
Ông nói: “Nguyên tắc căn bản này rất đơn giản: một Ukraine vững mạnh là công cụ tốt nhất để kiềm chế Nga.”
‘Hy vọng đang mờ nhạt’
Hoa Kỳ nói rằng Nga đang đe dọa nước láng giềng thời hậu Xô Viết của mình và có thể sẵn sàng cho một cuộc xâm lược mới, tám năm sau khi nước này chiếm Crimea và hỗ trợ lực lượng ly khai nắm quyền kiểm soát phần lớn miền đông Ukraine.
Nga cho biết họ cảm thấy bị đe dọa bởi mối liên hệ ngày càng khăng khít của Kyiv với phương Tây. Họ muốn áp đặt “lằn ranh đỏ” để ngăn Ukraine gia nhập NATO và để liên minh này rút quân và vũ khí khỏi Đông Âu. Hoa Thịnh Đốn nói rằng những yêu cầu này là “không thể thỏa hiệp”.
Ông Vladimir Frolov, một cựu quan chức ngoại giao Nga, hiện là nhà phân tích chính sách ngoại giao, cho biết Moscow sẽ không thỏa mãn trước lời đề nghị đàm phán kiểm soát vũ khí của Hoa Kỳ và NATO và đang theo đuổi việc sắp xếp lại trật tự an ninh Âu Châu sâu rộng hơn nhiều.
“Cuộc gặp giữa hai ông Lavrov-Blinken có lẽ là điểm dừng chân cuối cùng trước khi điều tồi tệ nhất xảy ra. Nhưng hy vọng mờ mịt, các quan điểm này không tương hợp với nhau,” ông nói.
Mô tả việc khai triển quân sự của Nga ở Belarus là một “sự leo thang lớn”, ông Frolov đã đưa ra đánh giá khốc liệt về cuộc khủng hoảng này.
“Tôi nghĩ rằng việc ngăn chặn Hoa Kỳ đầu hàng và họ giao Ukraine cho Nga, kiểu lựa chọn quân sự giờ đây gần như là không thể tránh khỏi”.
Ông Blinken cho biết ông sẽ không đưa ra một văn bản phản hồi cho ông Lavrov tại Geneva vào thứ Sáu – điều mà Nga đã nhiều lần yêu cầu.
Ông cho biết cả hai bên cần xem xét một loạt các cuộc họp ngoại giao về cuộc khủng hoảng này vào tuần trước.
Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelenskiy nói với ông Blinken ở Kyiv: “Cá nhân tôi muốn cảm ơn ông và Tổng thống Biden cũng như chính phủ Hoa Kỳ đã hỗ trợ quân sự cho Ukraine, vì đã tăng cường hỗ trợ này”.
Chính phủ của Tổng thống Joe Biden tháng trước đã thông qua việc cung cấp thêm 200 triệu USD hỗ trợ phòng thủ an ninh cho Ukraine và đã cung cấp nhiều hơn các khoản viện trợ như vậy vào năm ngoái (2021) so với bất kỳ thời điểm nào kể từ khi Nga thôn tính Crimea vào năm 2014.
Hôm thứ Hai (17/01), Anh Quốc cho biết họ đã bắt đầu cung cấp vũ khí chống tăng cho Ukraine để giúp nước này tự vệ.
Hãng thông tấn Interfax đưa tin, Thứ trưởng Ngoại giao Nga Sergei Ryabkov hôm 19/01 đã kêu gọi phương Tây ngừng cung cấp vũ khí cho Ukraine và mô tả tình hình xung quanh an ninh Âu Châu là “nguy cấp”.
Do Simon Lewis của Reuters thực hiện
An Nhiên biên dịch