Andrew Thornebrooke
Theo một chuyên gia, Trung Quốc và Nga đang tham gia các nỗ lực độc tài nhằm lật đổ và thay đổi các quy tắc trật tự quốc tế. Chuyên gia này nói rằng nỗ lực đó chỉ có thể bị cản trở bởi sự hiệp lực của các quốc gia dân chủ trên thế giới.
Ông Aaron Friedberg, một thành viên cao cấp tại quỹ German Marshall Fund (GMF) của Hoa Kỳ cho biết: “Trung Quốc và Nga là những quốc gia độc tài tự thấy mình bị kìm hãm, bao vây, và đe dọa bởi các nền dân chủ tự do do Hoa Kỳ lãnh đạo.”
“Họ đang cố gắng, bằng cả cách riêng lẻ và phối hợp, để thay đổi những khía cạnh quan trọng của trật tự quốc tế hiện hành. Họ là những cường quốc theo chủ nghĩa xét lại lịch sử. Thử thách mà họ đặt ra mang tính tập thể và đòi hỏi một phản ứng tập thể.”
Ông Friedberg đã đưa ra nhận xét trên trong một hội thảo trên web hôm 19/01 do quỹ German Marshall Fund của Hoa Kỳ – một tổ chức tư vấn tìm cách thúc đẩy hợp tác giữa các quốc gia Bắc Mỹ và Âu Châu – tổ chức.
Những bình luận trên được đưa ra trong bối cảnh thế giới ngày càng lo ngại rằng Nga sẽ xâm lược Ukraine, cũng như hoang mang về sự khuếch trương quân sự chưa từng có của chính quyền Trung Quốc và các kế hoạch tiềm tàng cho một cuộc xâm lược Đài Loan.
Ông Friedberg và các chuyên gia khác có mặt tại hội thảo trên web này đã thảo luận về cách Nga và Trung Quốc hợp tác ngày càng chặt chẽ hơn sau khi Nga sáp nhập Crimea bất hợp pháp vào năm 2014.
Sau khi sáp nhập, Nga chuyển sang sử dụng nền kinh tế Trung Quốc như một phương tiện để giảm thiểu tác động của các lệnh trừng phạt của phương Tây, trong khi Đảng Cộng sản Trung Quốc (ĐCSTQ) tìm cách giảm thiểu những tổn thất của chính mình do các biện pháp tương tự.
Mối liên hệ này cuối cùng bắt nguồn từ một nỗ lực xây dựng khả năng kháng cự các cơ chế của hệ thống quốc tế với việc cách ly nền kinh tế Nga khỏi các lệnh trừng phạt đồng thời cung cấp cho thị trường Trung Quốc một nguồn cung ứng thực phẩm và tài nguyên năng lượng không yêu cầu phải đi qua các tuyến đường biển.
Ông Friedberg cho biết, kể từ năm 2014, Trung Quốc và Nga đã tham gia vào một mô hình hợp tác ngày càng chặt chẽ, cả hai đều công khai và bí mật liên kết với nhau để chống lại trật tự quốc tế lớn hơn.
Ông nói, sự hợp tác ngày càng chặt chẽ đó được thúc đẩy bởi một số yếu tố, trong đó đáng chú ý nhất là sự nghi kỵ về các giá trị nền tảng của các xã hội dân chủ.
“Điều sâu xa nhất và có lẽ là quan trọng nhất [trong số những yếu tố này], là một nỗi sợ hãi và thù địch chung đối với cái mà người Trung Quốc ngày nay gọi là ‘các giá trị phổ quát’ của phương Tây dân chủ tự do, và chính điều này đang đe dọa tính hợp pháp của các chế độ Nga và Trung Quốc,” ông Friedberg nói.
Ông Friedberg giải thích rằng xung đột công khai giữa các quốc gia Á-Âu này với phương Tây phần lớn đã tránh được vì cả hai quốc gia hiện đều cần tiếp cận các nguồn tài nguyên ở phương Tây. Cho đến nay, tham vọng bị cáo buộc của Nga đối với việc chinh phục Ukraine và Trung Quốc đối với Đài Loan đã bị kìm hãm do lo sợ mất đi quyền tiếp cận đó.
Ông Friedberg cho hay: “Cả Trung Quốc và Nga vẫn cần tiếp cận thị trường, vốn, và công nghệ của phương Tây. Vì vậy, họ đang đi trên một sợi dây mảnh. Họ đang gia tăng áp lực, nhưng họ cố gắng không kích động các cường quốc phương Tây dẫn tới việc cắt đứt sự tiếp cận của họ.”
Tuy nhiên, tình trạng như vậy có thể không kéo dài mãi mãi, ông Friedberg cảnh báo.
Chẳng hạn, nếu các thị trường Á-Âu ngày càng tách rời khỏi phương Tây, hoặc nếu một trong hai chế độ không còn lo sợ chút gì về sự trả đũa của phương Tây đối với các hành động của họ, thì trò chơi sẽ kết thúc.
Đây là một vấn đề bởi vì, theo ông Friedberg, Trung Quốc và Nga đang ngày càng không tin rằng các quốc gia dân chủ tự do sẵn sàng chịu đựng để trừng phạt hành vi độc tài đi quá giới hạn.
Ông Friedberg nói: “Các nhà lãnh đạo độc tài phải trở nên tin tưởng rằng các xã hội dân chủ, và các nhà lãnh đạo của các xã hội dân chủ, sẵn sàng làm những việc không chỉ áp đặt những tổn thất cho đối thủ mà còn áp đặt tổn thất cho chính xã hội của mình.”
“Tôi e rằng họ không tin điều đó nhiều như tôi mong muốn.”
Để làm được điều đó, ông Friedberg nói rằng sự hợp tác ngày càng tăng giữa các chế độ Trung Quốc và Nga lớn hơn nhiều so với những gì được nhiều người dự đoán, và một nỗ lực như vậy chỉ có thể được đáp trả thông qua sự hợp tác ở quy mô tương tự.
Ông Friedberg nói: “Cùng nhau, chúng ta cần có một số khái niệm rộng hơn về những khó khăn mà chúng ta đang phải đối diện và cách chúng ta cần ứng phó với những vấn đề đó.”
“Chúng ta đang chống lại thách thức phối hợp từ các cường quốc chuyên chế Á-Âu lớn này. Họ đang bành trướng ra bên ngoài và cố gắng mở rộng phạm vi ảnh hưởng cũng như thay đổi trật tự quốc tế theo nhiều cách khác nhau.”
Ông Friedberg cho biết, sự đáp trả duy nhất đối với chủ nghĩa độc tài đang bùng phát này là thành lập một liên minh toàn cầu của các nền dân chủ, một vòng từ Âu Châu sang Mỹ Châu đến Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương. Liên minh này có thể hiệp lực chống lại chủ nghĩa phiêu lưu loại này và tích cực tái thiết lập trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.
Ông Friedberg nói: “Cuối cùng, sự đáp trả cho điều đó sẽ phải là một phản ứng hợp nhất mang tính tập thể hơn từ các xã hội dân chủ ở khu vực tây bán cầu, Tây Âu và Á Châu-Thái Bình Dương.”
Ông Friedberg nói, thông qua liên minh mới gồm các quốc gia sẵn sàng này, các xã hội dân chủ sẽ có cơ hội chiến đấu để thực hiện các hành động quân sự, ngoại giao, và kinh tế có ý nghĩa và mang tính tập thể, vừa để bảo vệ chính mình vừa để làm chậm sự lan rộng của chủ nghĩa độc tài trên toàn thế giới.
Ông Friedberg khẳng định: “Đó sẽ phải là một vòng tròn các quốc gia chịu hợp tác ở các mức độ khác nhau và theo các hình thức khác nhau để bảo vệ lợi ích và bảo vệ các giá trị của mình.”
Ông Andrew Thornebrooke là một phóng viên của The Epoch Times, chuyên đưa tin về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc với trọng tâm là quốc phòng, các vấn đề quân sự, và an ninh quốc gia. Ông có bằng Thạc sĩ lịch sử quân sự tại Đại học Norwich.
An Nhiên biên dịch