Mount Gambier, năm ngày phù du – Viễn Trình
Năm ngoái cũng thời gian này chúng tôi “vượt biên” qua thăm thành phố Adelaide cùng nhóm Nhịp Sống Melbourne trong nỗi lo sợ bị lockdown vì biến chủng Kung Flu Delta. Năm sau khi lên lịch đi Mount Gambier thì bị ám ảnh bởi con Omicron. Mười ngày trước khi lên đường tôi làm test PCR: dương tính mặc dầu đã “chơi” 3 mũi vaccine! Triệu chứng ho, sốt, mệt mỏi, nhức đầu… được đáp trả bền bỉ bằng một nồi xông đủ thứ lá trong vườn, uống nước chanh, nước gừng cọng thêm vài viên panadol mỗi ngày và … cách ly vợ trong vòng bảy ngày. Thời gian chậm chạp trôi qua, tình hình chiến sự nguôi dần, phần thắng thuộc về phe chính nghĩa “quốc gia”! Trước ngày lên đường thử “Chuột” (RAT) cho kết quả âm tính! Phew! Thế là yên tâm lên đường sau khi nhận một tin vui nho nhỏ từ ông boss là công ty sẽ đài thọ một bữa ăn tối cho gia đình vì nổ lực làm việc dài giờ trong ba tháng qua vì nhiều nhân viên nghỉ việc và nghỉ bệnh vì Omicron! Nice! Thank You!
Ở Úc mấy chục năm rồi mà đây là lần đầu tiên tôi đến thăm Mount Gambier một địa danh mà bà xã cũng mơ ước một lần ghé thăm trong đời vì nơi đây có nhiều điểm tham quan thiên nhiên nổi tiếng như Blue Lake, Sinkhole, động thạch nhủ và nhiều bãi biển rất đẹp và đặc sản tôm hùm.
Mount Gambier là thành phố lớn thứ hai của tiểu bang South Australia chỉ sau thủ phủ Adelaide và vỏn vẹn chỉ có 30 ngàn dân, sống chủ yếu bằng nghề nông, nghề trồng thông rừng, công nghệ gỗ, nghề đánh bắt tôm hùm và du lịch. Thị trường địa ốc ở đây còn đang “ngủ yên” giá một căn nhà trung bình khoảng 300 ngàn đô khá dễ để đầu tư.
Thành phố Mount Gambier rất hiền hoà, dịu dàng, êm ả, e lệ như con gái còn son được điểm trang bằng một viên ngọc bích lóng lánh sang trọng Blue Lake và một chuổi ngọc vườn địa đàng Sink-hole xanh tươi rực rỡ với loài hoa Cẩm Tú Cầu (hydrangea) đủ loại đủ màu đủ sắc.
Blue Lake là hồ nước thiên nhiên hình thành từ miệng một núi lửa đã ngưng hoạt động trên sáu ngàn năm nay. Cái hồ chỉ rộng dưới một km2 nhưng sâu đến 70m, chứa khoảng 36 triệu mét khối nước và mỗi năm người dân trong vùng chỉ dùng tối đa 10% dung lượng của hồ. Như cái tên gọi nước hồ Blue Lake trong xanh như ngọc bích nhất là những ngày nắng xanh mặt hồ lóng lánh như viên ngọc cực đẹp.
Sinkhole là hiện tượng đất sập lún do nước ngầm lâu năm xoái mòn bên dưới hay hệ thống đá vôi bên dưới lâu ngày thoái hoá không đủ sức chống đỡ nên sụp xuống tạo thành những cái “giếng trời”, một số biến thành hồ nước, một số trở thành những khu vườn địa đàng thiên nhiên cho các loài cây loài hoa… Mount Gambier có khoảng 50 Sinkhole lớn nhỏ, Umpherston Sinkhole có lẽ là vườn sinkhole lớn nhất đẹp nhất, con người đã biến nơi này thành một vườn hoa tuyệt đẹp thu hút du khách tứ xứ.
Cách thành phố Mount Gambier 30Km về phía nam là Port MacDonnell, nơi đây có bãi biển cát trắng mịn dài ngút mắt. Dân ở đây sống bằng nghề đánh bắt tôm hùm (lobster). Để bảo vệ tàu bè trong khi đậu trong bờ chính phủ xây một kè đá tảng rộng cở 6m dài trên 1km hình vòng cung để ngăn sóng đại dương tạo thành một cái vịnh nhỏ bên trong cho thuyền bè đậu an toàn trong lúc không ra khơi. Bờ kè đá này là nơi lý tưởng cho các loại tôm hùm, cua biển sinh sống vì đá tảng chồng lên nhau tạo thành vô số những cái hang đá cho tôm hùm và cua trú ẩn sinh sôi nảy nở… Mấy năm trước cũng tại bờ đá này ông anh rể tôi tôi bắt được 28 con tôm hùm. Tôi theo ông anh rể lần ra tới cuối tường đá, bước từng bước cẩn thận trên những tảng đá ngổn ngang, đủ mọi hình thù, sắc cạnh rất nguy hiểm… có chỗ phải bò cho an toàn… khoảng trên nửa tiếng thì đến chỗ bắt lobster… cách bắt thì cũng đơn giản nhưng ở đời tuy đơn giản nhưng “không thầy đố mày làm nên!” Dụng cụ là một cái cần thật chắc dài khoảng 2m, một đầu cột một sợi dây cũng cỡ 2m… mồi là một con mực đã lên mùi cỡ bằng bàn tay bọc trong một cái vớ (stocking) của phụ nữ, cái vớ tạo thành một lớp lưới mỏng quanh miếng mồi, khi cua hay tôm hùm bám vào thì bị dính vào lưới kéo lên không bị tuột mất, đủ thời gian để chuồi cái vợt lớn bên dưới để vớt “nạn nhân” lên cho vô thùng! Chuẩn bị xong, lựa một bờ đá bằng phẳng cách mặt nước nửa mét đứng rồi thả mồi ngay trước các hang đá cách mặt nước khoảng nửa mét, khi cua hay tôm hùm bám vào thì đầu cần sẽ giựt giựt và trĩu xuống khi đó chỉ cần kéo nhẹ lên chuồi cái vợt ngay dưới miếng mồi vớt lên, đôi khi một lúc có cả vài con. Tôm hùm bơi lui vì vậy khi chuồi vợt nên chuồi phía sau đuôi để tránh cơ hội tôm tẩu thoát! Thú thật, lần này mặc dầu kinh nghiệm nhiều hơn nhưng vì đi không đúng lúc thủy triều lên nên chỉ bắt được ba con tôm hùm còn cua thì khoảng 30 con… cũng dư đủ cho một bữa tối đậm đà hương vị biển!
Cách Mount Gambier cũng 30km về hướng Victoria có bờ biển Nelson nơi đây chôn mình dưới bãi cát dài hàng chục km có vô số nghêu sò (pipi)… pipi vùng biển này con rất lớn và dĩ nhiên rất thơm, dai và ngon… nơi đây dấu chân người Việt trải dài trên cát… lối vào bãi biển này có dựng bản luật lệ bắt nghêu bằng ba thứ tiếng: Anh, Việt và Hoa! Bắt nghêu cũng phải có kỹ thuật và đúng lúc thủy triều càng thấp càng tốt. Chỉ cần ra đến mé sóng nước ngập trên mắt cá là okay… dùng chân xoáy kết hợp với sóng biển để “đào” xuống mặt cát từ 10 đến 20cm nếu gặp pipi thì dùng bàn chân giữ lại rồi dùng tay bắt bỏ vô thùng… đi đúng con nước đúng thời tiết khoảng vài tiếng được 5lít pipis là ngon lành! Về nhà rửa sạch cát cho vô nồi luộc cho pipi hả mồm cát đọng đáy nồi, vớt ra chắm nước mắm gừng, xào, nấu canh thì “sướng mồm” không gì bằng!
Năm ngày ở Mount Gambier trôi qua nhanh như cái chớp mắt! Cuộc đi chơi nào gia đình tôi cũng kết hợp với những buổi đi dã ngoại hoà mình vào thiên nhiên, vừa xa lạ vừa gần gũi… năm thì chúng tôi chọn rừng, năm thì chọn biển… Xuân hạ thu đông lạnh nóng đủ cả… tranh thủ lúc đôi chân còn vâng lời cái đầu, đôi mắt còn sáng để thấy đường mà đi, ngũ giác chưa ngủ quên trên thân thể, tiền đình chưa bị rối loạn vì tuổi tác và các sự kiện xấu do con người tạo ra như đại dịch Cúm Tàu.
Chúc quý vị mạnh khỏe để đi trước khi đi!