Jackhammer Nguyễn
22-1-2022
Phạm Nhật Vượng là một trong những người giàu nhất Việt Nam hiện đang nổi đình đám. Thời còn trẻ ông Vượng được nhà nước cộng sản Việt Nam cho đi du học ở Liên Xô, đế quốc cộng sản vang bóng một thời, nay đã sụp đổ. Trong cảnh tranh tối tranh sáng của sự sụp đổ đó, ông Vượng cùng một số những người Việt lanh lẹ ở Liên Xô buôn bán kiếm lời và phất lên nhanh chóng. Nhóm người này sau đó tở thành những nhà tài phiệt trong xã hội tư bản cộng sản Việt Nam hiện nay.
Một người thạo tin trong giới quân đội Việt Nam chia sẻ với tôi rằng, ông Vượng trúng “quả” đầu tiên khi được tay trong giới chức chính quyền mớm cho một lô đất vàng tại trung tâm Hà Nội, sau đó bán lại lời rất nhiều, khi các công ty nước ngoài đổ xô vào Việt Nam tìm đất đai mở văn phòng.
Từ đó, cứ thế mà lên, ông Vượng cũng như các đại gia tài phiệt Việt Nam ăn nên làm ra nhờ vào đất đai, ở các thành thị cũng như khu công nghiệp. Dưới chiêu bài đất đai là “sở hữu toàn dân”, các tài phiệt này câu kết với các giới chức tham nhũng trong Đảng, mua đất (hay gom đất) với giá rẻ mạt từ số đất của nhà nước, hay của nông dân, sau đó phân lô, cho thuê, xây cao ốc văn phòng, chung cư “cao cấp”… rồi bán lại với giá rất mắc.
Khi các nhà tư bản nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, có hai khoản chi phí được xem là còn lại trên đất nước Việt Nam, đó là tiền lương họ trả cho công nhân (thực chất là nông dân lao động giản đơn) và tiền họ thuê đất. Số tiền họ thuê đất đa số chạy vào túi của những người như ông Vượng và các giới chức quan quyền.
Sau hơn 30 năm phát triển công nghiệp, có hai tầng lớp trục lợi nhiều nhất, đó là giới tư bản nước ngoài, đem lợi nhuận ra nước ngoài, và hệ thống chính trị Việt Nam, gồm hai phần, các tay tài phiệt như ông Vượng, và các quan chức cộng sản, có khi tài phiệt cũng là quan chức cộng sản.
Số của cải mà tầng lớp công nhân tích góp được không là bao nhiêu. Chỉ sau hơn một tháng bị dịch bệnh vào mùa Thu năm 2021, hàng triệu người bị đói, phải bỏ chạy tán loạn.
Nhóm nhân sự “kinh tế thị trường” kiểu Vượng này không sản xuất ra bao nhiêu giá trị thặng dư (added value) cho xã hội, mà họ chủ yếu làm giàu trên bất động sản, rồi sau đó khi thị trường chứng khoán thành lập, họ bắt đầu thao túng theo kiểu tiền đẻ ra tiền. Sản phẩm Vinfast thực chất chỉ là lắp ráp những món đồ làm ở nước ngoài, người thợ Việt Nam chỉ thêm vào được cái công siết ốc. Tình trạng “không sản xuất nổi một con ốc” của Việt Nam vẫn còn nguyên.
Đó chính là cấu trúc nhân sự của cái gọi là “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” do Đảng Cộng sản Việt Nam cổ xúy hiện nay. Vế đầu, kinh tế thị trường, chính là nhóm người như ông Vượng, vế sau, xã hội chủ nghĩa, do các quan chức cộng sản thủ vai. Nhóm người như ông Vượng, thực chất cũng xuất thân từ nhóm quan chức cộng sản, cho nên ta có thể nói, đó là cấu trúc một thân hai đầu của hệ thống Việt Nam hiện nay.
Cơ thể một thân hai đầu này lộ ra một cách trơ trẽn qua việc công ty của ông Vượng sai bảo các viên chức công an đàn áp người dân. Tại VinSchool, trường học của ông Vượng, khi phụ huynh than phiền về học phí, công an bèn mời lên làm việc. Một khách hàng than phiền về chất lượng xe hơi Vinfast, cũng bị công an mời đi làm việc ngay lập tức.
Cuối năm 2021, đầu năm 2022, người dân Việt Nam chứng kiến một hiện tượng đồng bóng chưa từng có trong xã hội Việt Nam, từ khi chiến tranh Việt Nam kết thúc cho đến nay. Ông Vượng tham gia triển lãm xe điện Vinfast ở Hoa Kỳ. Báo chí của Đảng Cộng sản Việt Nam “vỡ hòa” tung hô, nói là các đại công ty xe hơi thế giới liệu hồn trước Vinfast của ông Vượng!
Ông Vượng lập ra một quỹ tên là VinFuture, trao hàng triệu đô la cho các nhà khoa học hàng đầu thế giới. Báo chí của Đảng lại “vỡ òa” so sánh VinFuture với giải… Nobel!
Nếu hai sự việc trơ trẽn sai bảo công an là để thị uy của cái đầu “thị trường”, thì cơn đồng bóng “vỡ òa” xe Vinfast và giải VinFuture là sự trang điểm cho cái đầu “xã hội chủ nghĩa”. Sự “vỡ òa” này có tác dụng kích thích một thứ chủ nghĩa dân tộc mù quáng của người Việt Nam, nhằm mang lại tính chính danh của chế độ hiện hành, nhất là sau vụ bê bối động trời Việt Á, vốn cũng có nguồn gốc từ cấu trúc một thân hai đầu của chế độ.
Với sự thống trị của “giai cấp mới” (từ của Milovan Djilas, từng là nhân vật số hai của Đảng Cộng sản Nam Tư) một thân hai đầu này, năng lực chế tạo thực sự của Việt Nam là trống rỗng. Gần 100 triệu người Việt sống vào hai nguồn chính: tài nguyên thiên nhiên trong đó bao gồm nền nông nghiệp lạc hậu và vốn đầu tư nước ngoài (FDI) để khai thác sức lao động rẻ. Việt Nam đang dần biến thành một mắt xích cho chuỗi cung ứng toàn cầu ở những khâu rẻ nhất. Quê nhà Hà Tĩnh của ông Vượng là nơi xuất phát của đại đa số các “thùng nhân” tìm cách đổi đời ở trời Âu, bất chấp mọi rủi ro, kể cả đánh đổi mạng sống của mình.
Nói cho công bằng thì cũng có những người Việt trong nước làm giàu từ hoạt động sản xuất của cải, nhưng lớp này chỉ phát triển đến một mức độ giới hạn, tùy thuộc vào sự gắn bó của họ vào cấu trúc hai lớp “kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa” đã nêu. Nếu họ không gắn bó nhiều, thì tới một mức độ nào đó họ phải chấm dứt, hoặc bị cấu trúc “một thân hai đầu” nuốt sống, hoặc… bỏ chạy ra nước ngoài. Tầng lớp trung lưu Việt Nam, có sức sống độc lập, vì thế không hình thành được.
Cơn đồng bóng Phạm Nhật Vượng cho thấy rất rõ Việt Nam đang là một “Đông Á bệnh phu”, với một năng lực sáng tạo trống rỗng, nhưng trí não hoang tưởng thì rất vĩ đại.